Trong nước
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Trong nước
Liên kết 3 "nhà", đánh thức tiềm năng thuốc quý Tây Bắc
(Chinhphu.vn) - Để phát triển thành công cây dược liệu, yếu tố quyết định là phát huy sức mạnh tổng hợp của sự hợp tác giữa nhà khoa học, nhà sản xuất/doanh nghiệp và nhà dân/địa phương.

Một số sản phẩm của chương trình nghiên cứu từ tam thất,
một loại dược liệu quý được trồng nhiều ở vùng Tây Bắc (Ảnh: VNU Media)

Hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa

Khi thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển (theo hướng GACP) và bào chế một số chế phẩm từ dược liệu ô đầu, ý dĩ, tam thất, đan sâm vùng Tây Bắc”, nhóm nghiên cứu của Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tách chiết được phân đoạn hoạt chất có tác dụng sinh học mong muốn, phát triển lại công nghệ sản xuất thuốc viên hoàn giọt đã bị lãng quên.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐHQGHN, chủ nhiệm của đề tài nói trên - đất nước ta rất phong phú về dược liệu và kinh nghiệm sử dụng dược liệu để chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là vùng Tây Bắc, nơi có nhiều điều kiện đặc hữu về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu. Thế mạnh này nếu phát huy được không những sẽ tạo được tính đặt thù cho ngành dược mà còn giúp phát triển bền vững được các vùng miền nhờ tham gia vào chuỗi giá trị dược liệu.

Công nghệ hiện đại kết hợp với y học cổ truyền đang xu thế của khoa học chăm sóc sức khỏe hiện nay. Theo PGS. Nguyễn Thanh Hải, phát triển thuốc hiện đại trên cơ sở thuốc cổ truyền có một lợi điểm rất lớn là có nguồn gốc tự nhiên và tác dụng đã được khẳng định từ lâu trong thực tiễn điều trị. Tuy nhiên tác dụng của thuốc cổ truyền mới ở mức kinh nghiệm nên rất cần thiết phải được soi sáng bằng các tri thức khoa học hiện đại.

Một điều rất khó của phát triển dược liệu là bảo đảm chất lượng ổn định và đồng nhất. Chính vì thế việc chuẩn hóa qui trình trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu và tiêu chuẩn hóa dược liệu là hết sức quan trọng. Khâu này thường do người dân đảm nhiệm và cần nhiều thời gian, nỗ lực để hình thành nếp sản xuất mới.

Kiềng ba chân

Sản phẩm viên hoàn giọt tam thất là một minh chứng thiết thực cho việc kết hợp giữa 3 “nhà” (nhà khoa học, nhà sản xuất/ doanh nghiệp và nhà dân/ địa phương).

Nếu người dân/địa phương đã có tập quán trồng dược liệu gì thì nhà khoa học và doanh nghiệp nên cùng hợp tác để khoa học hóa và phát triển thị trường. Như vậy sẽ nhanh chóng tạo ra được dược liệu hàng hóa hơn, tránh phải qua các giai đoạn thử sai. Khi sản xuất dược liệu đã nền nếp thì việc phát triển thêm chủng loại hoặc diện tích trồng sẽ thuận lợi hơn.

Vai trò của nhà khoa học là hết sức quan trọng trong việc dẫn dắt, đảm bảo để thu được dược liệu tiêu chuẩn, khẳng định được cơ sở khoa học của việc sử dụng dược liệu, phát triển được đa dạng các phương thức sử dụng dược liệu, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.

Nhà doanh nghiệp sử dụng dược liệu làm phương thức kinh doanh, với các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng niềm tin của người dân, nhu cầu sử dụng sẽ tăng dẫn tới làm tăng nhu cầu cho dược liệu đó và qua đó kích thích làm phát triển vùng trồng.

Để phát triển bền vững, vấn đề bảo hộ nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho dược liệu và tri thức sử dụng dược liệu cũng cần được đặt ra, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.

Thành công của sản phẩm viên hoàn giọt tam thất là cơ sở để nhóm nghiên cứu của Khoa Y Dược, ĐHQGHN đang tiếp tục thực hiện nhiều nghiên cứu hướng đến tinh chiết một số sản phẩm đông dược đặc thù của vùng Tây Bắc.

Tây Bắc là một vùng rộng lớn, có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đa dạng, thích hợp cho nhiều loại cây thuốc khác nhau. Nếu gắn với thực tế và nhu cầu về dược liệu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách đồng bộ, có chọn lựa và có quy hoạch, nhằm tạo ra nguồn cung dược liệu tiêu chuẩn cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chắc chắn sẽ tạo ra một động lực phát triển mới.

 

 Phương Liên - VGP - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :