Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo, đại diện các bộ phận chức năng của các bên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả hợp tác trong thời gian qua đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, sự hợp tác này góp phần nhân sức mạnh, tăng cường năng lực cạnh tranh của mỗi bên.
Trong lĩnh vực đào tạo, các đơn vị thành viên của hai ĐHQG đã tích cực triển khai mở các lớp đào tạo văn bằng 2 cho cán bộ công nhân viên của PVN trong lĩnh vực tài chính kế toán; đào tạo cao học cho cán bộ hiện đang công tác tại các công ty dầu khí Vietsovpetro, POC, JOC; tổ chức thường xuyên các đợt kiến tập địa chất kiến trúc cho các nhân viên, chuyên gia tài chính tại các công ty dầu khí Vũng Tàu và Phan Thiết; Khoa Quản trị kinh doanh - ĐHQGHN đang tham gia gói thầu Đào tạo chuyên gia tài chính với Tổng công ty cổ phần tài chính PVN,… Theo đánh giá của lãnh đạo PVN, nguồn nhân lực ban đầu được đào tạo từ hai ĐHQG đã đáp ứng cao công việc.
Còn về phía PVN, các công ty dầu khí trực thuộc luôn tạo điều kiện, giúp đỡ cũng như tham gia vào công tác giảng dạy sinh viên, tiếp nhận thực tập tốt nghiệp cho sinh viên ngành dầu khí…
Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hai bên đang triển khai các đề tài, dự án khoa học phục vụ công tác thăm dò, khảo sát và khai thác trong lĩnh vực dầu khí. Chẳng hạn, tổ tư vấn hợp tác giữa ĐHQGHN và PVN đã thống nhất lựa chọn, ưu tiên đề xuất một số đề án như: Dự án nghiên cứu, khôi phục chức năng phần cứng và phần mềm cho cụm thiết bị hãng Vinci Technology phục vụ ngành dầu khí; Nghiên cứu địa tầng phân tập - tướng đá cổ địa lý các thành phần trầm tích Kainozoi bể Tư chính Vũng Mây; Dự án nghiên cứu phát triển công nghệ chuyển hóa sinh khối thực vật thành năng lượng sinh học; hay đề tài nghiên cứu "Đánh giá vị trí, vai trò ngành dầu khí trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010"…
Hợp tác giữa ĐHQG-HCM và PVN cũng đã đạt được những kết quả bước đầu như hai bên cùng phối hợp nghiên cứu minh giải khảo sát giếng trong tầng móng với Côn Sơn JOC. Tham gia các hợp đồng chuyển giao công nghệ với Viện NIPI, VSP…
Ngoài ra, PVN cũng tích cực tăng cường công tác học bổng, tài trợ và các hoạt động cộng đồng khác.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, hợp tác giữa các bên vẫn chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, năng lực và kỳ vọng của mỗi bên. Bên cạnh việc xây dựng những đề tài xứng tầm, mang tính bền vững thì cần phải có một quy trình xây dựng các dự án, đề tài trong đào tạo và nghiên cứu một cách rõ ràng để các bên thấy rõ được các mặt mạnh, nhu cầu của nhau.
Căn cứ vào điều kiện và nhu cầu của các đơn vị thành viên của hai ĐHQG, trong thời gian tới, các bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát huy các nội dung, hoạt động đã ký kết, cụ thể hóa văn bản hợp tác bằng hành động; tiếp tục mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ kỹ thuật PVN; phối hợp với các công ty dầu khí triển khai đề tài nghiên cứu khoa học; mở ngành đào tạo tiến sỹ về công nghệ mỏ và địa chất dầu khí ứng dụng…
Trong thời gian tới, theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, các bên sẽ cùng tổ chức các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trên cơ sở đặt hàng của PVN và đề xuất ý tưởng của các đơn vị thành viên hai ĐHQG. Đặc biệt, để đẩy nhanh hiệu quả hợp tác, theo lãnh đạo các bên, cần thành lập Ban điều phối và Ban giám sát chung để đốc thúc, kiểm tra tình hình triển khai các dự án và tìm ra hướng hợp tác hiệu quả. Ngoài ra, các đơn vị thành viên của PVN và các trường thành viên của hai ĐHQG cần chủ động làm việc với nhau. Các trường có thể tiến hành các đợt "chào hàng" các chương trình đào tạo và ngược lại, các đơn vị của PVN phải có các chương trình "đặt hàng" nhà trường.
|