I. KHOA QUỐC TẾ - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
1. Chương trình dự bị đại học với các khối:
a. Chương trình dự bị khối tiếng Nga:
Hệ dự bị đại học thực hiện theo chương trình do Bộ giáo dục Liên bang Nga ban hành gồm 900 tiết tiếng Nga và 500 tiết cho từng nhóm ngành: Khoa học Tự nhiên - Kỹ thuật, Kinh tế. Khoa có chương trình dự bị liên kết với Khoa Dự bị Đại học của Đại học Đường bộ Matxcơva (MADI).
b. Chương trình dự bị khối tiếng Pháp:
Sinh viên trúng tuyển phải thi kiểm tra trình độ ngoại ngữ do Khoa Quốc tế và trường đại học đối tác tổ chức để được xét vào học năm thứ nhất hoặc học hệ dự bị tiếng Pháp một năm tại Khoa. Chương trình dự bị được biên soạn riêng cho ngành Kinh tế - Quản lý bậc đại học bằng tiếng Pháp trên cơ sở thỏa thuận giữa Khoa Quốc tế và Đại học Paris - Sud XI, Đại học Lyon 2 với thời lượng 800 giờ tiếng Pháp cơ sở và 150 giờ học Toán, Thống kê, Dẫn luận Kinh tế.
Kết thúc khoá học dự bị tiếng, sinh viên phải đạt trình độ tiếng Pháp tương đương cấp độ 2 và kiến thức chuyên môn để có thể vào học năm thứ nhất chương trình liên kết đào tạo bậc đại học giữa Khoa Quốc tế và ĐH Paris - Sud XI và Lyon 2.
c. Chương trình dự bị khối tiếng Trung:
Hệ dự bị tiếng Trung đào tạo Hán ngữ cơ sở và Hán ngữ chuyên ngành gồm 1.260 tiết giúp học viên đạt trình độ Hán ngữ (HSK) từ cấp 3 - 6 tùy theo yêu cầu của từng trường đối tác.
d. Chương trình dự bị khối tiếng Anh:
Khi vào học, sinh viên được kiểm tra trình độ tiếng Anh theo kiểu IELTS để xếp lớp. Tuỳ theo trình độ đầu vào, sinh viên phải học từ 1 - 2 học kỳ tiếng Anh. Sau khi kết thúc khoá học, sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương 5.0 IELTS mới đủ điều kiện vào học chương trình dự bị đại học 5 tháng.
Với chương trình này, bạn có thể học toàn bộ khoá tại khoa Quốc tế hay học một phần khoá ở Khoa và một phần ở cơ sở đối tác nước ngoài. Sau khi đạt chuẩn đào tạo dự bị, sinh viên sẽ được các trường đối tác nước ngoài tại Malaysia, Vương Quốc Anh, Pháp, Úc, Liên bang Nga, Trung Quốc... tiếp nhận đào tạo đại học, sau đại học hoặc có thể tham gia du học bán phần tại Khoa Quốc tế.
2. Chương trình đào tạo bậc đại học:
Với chương trình đại học, Khoa cũng sẽ có hai hình thức đào tạo:
- Học một phần chương trình tại Khoa:
Giai đoạn 1 (1- 3 năm): đào tạo tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN phần giáo dục đại cương gồm kiến thức chung, kiến thức cơ bản và một phần kiến thức cơ sở ngành học, do Khoa và cơ sở đào tạo đối tác nước ngoài liên kết thực hiện và quản lý.
Giai đoạn 2 (2 - 4 năm): đào tạo tại cơ sở đào tạo đối tác nước ngoài phần giáo dục nghề nghiệp, bao gồm các kiến thức cơ sở, chuyên ngành và nghiệp vụ.
- Học toàn bộ chương trình tại khoa:
Chương trình học nước ngoài do cơ sở đào tạo đối tác chủ trì. Khoa phối hợp thực hiện và quản lý hoặc chương trình của ĐHQGHN xây dựng trên cơ sở Chương trình của các trường đối tác nước ngoài, do Khoa chủ trì, cơ sở đào tạo nước ngoài phối hợp thực hiện.
Các chương trình đào tạo bậc đại học thực hiện bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung:
* Học toàn phần tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN gồm các ngành:
- Kinh tế - Quản lý: Học bằng tiếng Pháp 3 năm, được Đại học Lyon 2 (CH Pháp) cấp bằng cử nhân.
- Kế toán, phân tích và kiểm toán: Học bằng tiếng Nga 4,5 năm theo chương trình của Khoa Quốc tế phối hợp với một số trường đại học Liên bang Nga. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân chính quy của ĐHQGHN.
- Quản trị khách sạn và du lịch: Học bằng tiếng Anh 3 năm, được Đại học HELP (Malaysia), Đại học Edith Cowan (Úc) cấp bằng cử nhân chính quy.
- Kinh doanh: Học bằng tiếng Anh 3 năm, được Đại học HELP (Malaysia) và Đại học East London (Anh) cấp bằng cử nhân chính quy.
* Học bán phần 1-2 năm tại Khoa Quốc tế, những năm còn lại học tại các trường đại học đối tác nước ngoài gồm:
- Chương trình đại học bằng tiếng Anh có các ngành:
Kinh doanh (Kế toán, Tài chính, Lập nghiệp (Entrepreneurship),Quản trị nhân lực, Kinh doanh quốc tế, Marketing…) Công nghệ Thông tin (Truyền thông di động, Quản trị thông tin kinh doanh, Công nghệ phần mềm…): Học 4 năm trong đó có 1 năm đại học cơ sở + 1 năm đại học tại Khoa Quốc tế, hai năm cuối học tại ĐH HELP (Malaysia), ĐH East London (Anh), ĐH Charles Sturt (Úc), hoặc 1 năm học tại ĐH HELP và năm cuối cùng học tại ĐH East London, ĐH West England (Anh), ĐH Queensland, ĐH Charles Sturt, ĐH Deakin, ĐH Griffith, ĐH Công nghệ Curtin, ĐH South Australia (Úc).
- Chương trình đại học bằng tiếng Trung Quốc có các ngành:
+ Kinh tế - Tài chính: Học 4 năm, 1 năm đầu học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, 3 năm cuối học tại ĐH Kinh tế - Tài chính Trung ương Bắc Kinh.
+ Trung y: Học 5 năm, 1 năm đầu học tại Khoa Quốc tế, 4 năm sau học tại ĐH Trung Y - Dược Quảng Châu hoặc Học viện Trung Y Hồ Bắc.
+ Hán ngữ: Học 4 năm, 2 năm đầu học tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN; 2 năm sau học tại Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Sư phạm Nam Kinh. (Riêng tại ĐH Sư phạm Quảng Tây, sinh viên còn được đăng ký ngành Hán ngữ du lịch).
- Chương trình đại học bằng tiếng Pháp có ngành:
+ Kinh tế - Quản lý: Học 3 năm, 2 năm đại học học tại Khoa Quốc tế, 1 năm cuối học tại ĐH Paris Sud XI hoặc ĐH Lyon 2.
Sinh viên du học toàn phần, du học bán phần cũng như học toàn phần tại Khoa Quốc tế đều phải đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của trường đối tác nước ngoài : Tiếng Anh 5.0 IELTS, tiếng Nga TRKI 1, tiếng Pháp - 400 TCF, tiếng Trung HSK cấp 3 – 6 (tuỳ theo từng trường). Những người không đạt yêu cầu nêu trên đều phải học dự bị tiếng từ 5 đến 10 tháng (tùy theo trình độ) tại Khoa Quốc tế.
3. Văn bằng, chứng chỉ:
- Sinh viên học theo phương thức bán du học tốt nghiệp ở các trường đại học nước ngoài thì được các trường đại học nước ngoài cấp bằng và có thể học tiếp để nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ.
- Sinh viên và học viên sau đại học được nhận bằng tương đương với bậc đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) do các trường đại học nước ngoài hoặc ĐHQGHN cấp bằng, hoặc cả 2 cơ sở đào tạo đồng cấp bằng.
Những người hoàn thành chương trình dự bị tiếng nước ngoài sau khi thi đạt yêu cầu thì được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp khoá dự bị nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền để vào học đại học, sau đại học tại các trường đại học tại nước đối tác.
Những người hoàn thành chương trình bồi dưỡng ngắn hạn được Khoa Quốc tế - ĐHQGHN cấp chứng chỉ.
II. TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khá nhiều chương trình liên kết đào tạo quốc tế với nhiều ngành nghề đa dạng:
Chương trình Hợp tác Đào tạo Quốc tế (ITP):
Hiện nay Chương trình đang liên kết đào tạo với 7 Trường đại học uy tín trên thế giới thuộc 06 nước: Đức, Pháp, Nhật, Nga, Niu Zilân và Hoa Kỳ. Sinh viên có thể lựa chọn chương trình học toàn thời gian trong nước hoặc một phần thời gian trong nước và một phần tại trường đối tác nước ngoài. Tham gia Chương trình, sinh viên sẽ được học tập trong môi trường giáo dục năng động, sáng tạo, đảm bảo một tương lai vững chắc sau khi tốt nghiệp.
- Các ngành nghề đào tạo:
Đối tác |
Học toàn thời gian tại ĐHBK Hà Nội |
Chuyển tiếp học giai đoạn II tại các trường đối tác |
Ngành học |
Bằng cấp |
Trường tiếp nhận và ngành học |
Bằng cấp |
ĐH Hannover (UHG, Đức) |
Cơ khí (Chế tạo máy, cơ điện tử) |
Kỹ sư ĐHBK |
UHG: Cơ khí, Tự động hóa, CNTT, Kỹ thuật Điện và Điện tử. |
Thạc sĩ |
ĐH Otto-von Guericke Magdeburg (OvGU, Đức) |
Kỹ thuật công nghệ Hoá học |
Kỹ sư ĐHBK |
OvGU: Công nghệ hóa học, Công nghệ sinh học. |
Cử nhân đại học, Thạc sĩ |
Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT, Nhật) |
Tự động hoá cơ khí |
Kỹ sư ĐHBK |
NUT: Cơ khí, CNTT, Khoa học Vật liệu, Hoá Trường ĐHKT Nagoya, ĐHKT Nông nghiệp Tokyo, ĐHKT Toyohashi, ĐH Gunma, ĐH Kyushu: Cơ khí, CNTT. |
Kỹ sư |
Viện Đại học Quốc gia Bách Khoa Grenoble (INPG, Pháp) |
Công nghệ thông tin |
Kỹ sư ĐHBK |
INPG: CNTT, ĐT-VT, Toán tin ứng dụng |
Kỹ sư |
ĐH Victoria Wellington (VUW, Niu Dilan) |
Quản trị kinh doanh |
Kỹ sư ĐHBK |
VUW: Thương mại và Quản trị. |
Cử nhân |
Đại học La Trobe (LTU, Úc) |
Công nghệ thông tin |
Kỹ sư ĐHBK |
LTU: Công nghệ thông tin |
Cử nhân |
ĐH Kỹ thuật Điện Quốc gia Xanh Pê-téc-bua LETI (Nga) |
Công nghệ thông tin (hướng chuyên ngành Tin học và Kỹ thuật tính toán) |
Cử nhân LETI |
LETI: Khoa học máy tính, Điện tử viễn thông, Tự động hóa. ĐHBK Tomsk: Công nghệ hóa dầu. |
Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ |
Đại học Troy (TROY, Hoa Kỳ) |
Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh |
Cử nhân TROY |
TROY và các trường trong hệ thống TROY: Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh |
Cử nhân |
Đại học Northcentral (NCU, Hoa Kỳ) |
Quản trị kinh doanh |
Cử nhân NCU |
NCU: Quản trị kinh doanh |
Cử nhân |
Hợp tác với Pháp (CFMI) |
Bảo dưỡng công nghiệp |
Cử nhân cao đẳng ĐHBK |
|
|
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ Đại học khoảng 40 - 100 sinh viên cho mỗi Chương trình. Nếu khi nhập học không đủ số lượng, sinh viên sẽ được thông báo đăng ký nguyện vọng vào các Chương trình khác.
Sinh viên học giai đoạn 1 (2-3 năm) tại Việt Nam. Sau đó, những sinh viên có đủ điều kiện được tuyển chọn đi học giai đoạn 2 (2-3 năm) tại Trường bạn để nhận bằng Cử nhân (Bachelor), bằng Kỹ sư (Degree of Engineering) hoặc bằng Thạc sĩ Kỹ thuật (Master of Engineering). Những sinh viên còn lại tiếp tục học tại Trường ĐHBK Hà Nội, tuỳ từng chương trình cụ thể sẽ được cấp bằng của Trường bạn; hoặc cấp bằng đại học của Trường ĐHBK Hà Nội và chứng chỉ của Trường bạn.
III. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN:
Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh trong khuôn khổ hợp tác đào tạo giữa trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tập đoàn giáo dục Tyndale, Singapore; Tổ chức Edexcel và Trường tổng hợp Sunderland, Vương quốc Anh; Đào tạo theo chương trình chuẩn của hệ thống giáo dục Anh quốc; Do các giảng viên quốc tế và giảng viên của ĐH KTQD giảng dạy. Chương trình được kiểm soát bởi tổ chức Edexcel.
Hoàn thành chương trình học, SV sẽ nhận được bàng Đại học quốc tế của Trường tổng hợp Sunderland cấp (nếu học tại Việt Nam), hoặc nhận bằng đại học của các trường ĐH Anh, Úc, Mỹ cấp (nếu chuyển tiếp sang học tại các trường này vào năm thứ 4)
Điều kiện tuyển: Điểm trung bình lớp 12 (yêu cầu tối thiểu là 6,0); Điểm thi ĐH (tối thiểu điểm sàn trong kỳ thi đại học do Bộ GD&ĐT quy định) hoặc kết quả kỳ thi tuyển của chương trình; Kết quả phỏng vấn và bài luận (bài luận được viết theo các chủ đề yêu cầu của chương trình)
Kỳ thi tuyển của chương trình theo hình thức trắc nghiệm, gồm những kiến thức tổng hợp về Tư duy Logic, Tiếng Việt, Toán theo chương trình phổ thông.
Chương trình sẽ tuyển sinh trong cả nước 2 đợt vào tháng 2 và tháng 8 hàng năm. Tuyển thí sinh ở tất cả các khối thi.
IV. TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI (trước đây là TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ HÀ NỘI)
Trường Đại Học Hà Nội liên kết với Đại học La Trobe (Australia) tuyển sinh Chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị kinh doanh (Bachelor of Business) học tại Hà Nội do Đại học La Trobe cấp bằng.
Chương trình Cử nhân Quản trị Kinh doanh tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam được theo học một chương trình đào tạo tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, nhận bằng cấp Quốc tế với chi phí thấp.
Toàn bộ chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chương trình giảng dạy, chất lượng đào tạo do Đại học La Trobe trực tiếp quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình có sự kết hợp giảng dạy và hướng dẫn của giáo viên ĐH La Trobe (Australia) và giáo viên của ĐH La Trobe tại Việt Nam. Phương pháp giảng dạy, tài liệu học tập, trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện đại.
Tuyển sinh mỗi năm ba lần vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11. Kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào được tổ chức vào tháng 2, tháng 6 hàng năm.
Thời hạn nộp hồ sơ tuyển sinh: Những thí sinh đã có chứng chỉ quốc tế TOEFL 550 điểm hoặc IELTS 5.5 điểm có thể nộp hồ sơ vào tháng 2, tháng 6. Các thí sinh chưa có chứng chỉ TOEFL và IELTS cần nộp hồ sơ chậm nhất trước thời gian thi của kỳ thi tiếng Anh đầu vào 1 tuần.
Yêu cầu nhập học:
Yêu cầu nhập học vào giai đoạn 1 (DBA): Có bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học. Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEFL 550 điểm hoặc IELTS 5.5 điểm hoặc vượt qua kỳ thi sát hạch tiếng Anh của Trường ĐH Hà Nội.
Lưu ý: Các sinh viên có chứng chỉ TOEFL 500 điểm hoặc IELTS 5.0 được vào học và nợ điểm tiếng Anh đầu vào. Để tiếp tục học kỳ 2 của chương trình Diploma, các sinh viên này phải có chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc IELTS 5.5 theo yêu cầu đầu vào.
Những sinh viên đã hoàn thành chương trình Diploma tại các trường đại học của Anh, Úc, Mỹ, Canada được học chuyển tiếp chương trình này.
Những sinh viên chưa đủ trình độ tiếng Anh có thể đăng ký tham gia học chương trình luyện thi tiếng Anh dự bị đại học La Trobe tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Nhà trường liên tục khai giảng các lớp luyện thi tiếng Anh theo nguyện vọng của học viên.
Yêu cầu để nhập học vào giai đoạn 2 (BBUS): Có bằng Diploma của ĐH La Trobe hoặc bằng Diploma của các trường ĐH khác được ĐH La Trobe công nhận có giá trị tương đương. IELTS 6.0/ TOEFL 550 quốc tế hoặc của Trường ĐH Hà Nội.
V. TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
Trường Đại học Ngoại thương đã ký kết thoả thuận hợp tác quan trọng với Khoa Quản trị Kinh doanh của Học viện MIT của Đài Loan, đó là chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh 1+3. Theo Hợp đồng này, sinh viên sẽ theo học các môn khoa học cơ bản như: Tiếng Trung cơ bản, Tiếng Trung giao tiếp I-II, Đọc và viết Tiếng Trung, Tin học, Xác suất- Thống kê toán và Kinh tế lượng tại Đại học Ngoại thương trong năm đầu tiên, sau đó sẽ sang MIT học tiếp 3 năm theo chương trình Cử nhân của MIT. Sau khi kết thúc khoá học, sinh viên sẽ được MIT cấp bằng cử nhân và bảng điểm các môn học
Đối tượng tuyển sinh: Học sinh tốt nghiệp PTTH có điểm trung bình năm học lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên.
Học phí và lệ phí: Tại trường Đại học Ngoại thương: 10.000.000 VND/ 1năm học. Tại Học viện MIT Đài loan: 2.400 USD/ 1năm học (Bao gồm tiền học phí, ký túc xá và bảo hiểm). Lệ phí làm thủ tục xuất cảnh: 5.000.000 VNĐ. Chi phí ăn ở và sinh hoạt cá nhân tại Đài Loan khoảng: 125 USD/tháng.
VI. TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI
ĐH Mở Hà Nội liên kết với Học viện kỹ thuật Boxhill (Box Hill Institute of TAFE - BHI) của Úc để đào tạo các chuyên ngành: Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, Kế toán hệ CĐ.
Chuyên ngành đào tạo:
Điện tử viễn thông: sinh viên được trang bị những kiến thức về các mạch điện tử cơ bản, các hệ thống truyền dẫn, thông tin truyền số liệu, hệ thống chuyển mạch, mạng máy tính.
Cao đẳng Kỹ thuật máy tính: cung cấp những kiến thức về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính, đặc biệt là những kiến thức về A+, CCNA (Cisco Certified Network Administrator) và MCP (Microsoft Certified Professional).
Cao đẳng Kế toán: sinh viên được trang bị kiến thức về quản lý sổ sách, chứng từ kế toán, có khả năng sử dụng thành thạo các loại tài khoản, soạn hợp đồng, quản lý thuế, cũng như có kiến thức về luật thương mại, luật thuế thu nhập...
Chương trình tuyển sinh vào tháng 8 hàng năm, có các lớp ban ngày và buổi tối.
Sinh viên phải học hai giai đoạn:
Giai đoạn dự bị: Đối tượng: Tốt nghiệp lớp 12 trở lên. Khóa học dự bị kéo dài từ 4 đến 8 tháng gồm các môn học: Tiếng Anh, Toán học, Tin học cơ bản, Phương pháp học.
Giai đoạn chính khóa: Thời gian học: 2 năm gồm 4 học kỳ (học phí khoảng 500USD/1kỳ). Thí sinh phải có điểm tiếng Anh IELTS 5.0 hoặc bắt buộc phải tham gia khóa học dự bị và đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Anh do BHI tổ chức. Kiểm tra đánh giá: các môn học được đánh giá và chấm điểm thông qua thời gian học trên lớp, bài tập về nhà, bài tập lớn, báo cáo, tiểu luận và bài thi viết cuối kỳ.
Hoàn thành khóa học sinh viên được cấp bằng Cao đẳng của Australia (Diploma hoặc Advanced Diploma) và có thể đi làm hoặc học chuyển tiếp chương trình đại học tại các trường đại học trong và ngoài nước.
|