1. Họ và tên NCS: TRƯƠNG NGỌC KIỂM
2.Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 15/11/1983
4. Nơi sinh: Bắc Ninh
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: 3614/QĐ-SĐH ngày 22/10/2009
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: không
7. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu sự thay đổi một số nhân tố sinh thái chủ đạo theo các đai độ cao ở dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai) phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học (thực vật bậc cao có mạch) và phát triển du lịch sinh thái
8. Chuyên ngành: Sinh thái học
9. Mã số: 62420120
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn, PGS.TS. Lê Thu Hà
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Đây là nghiên cứu tổng thể, toàn diện đầu tiên về toàn bộ khu vực Hoàng Liên Sơn (tỉnh Lào Cai), cung cấp dẫn liệu đầy đủ, cập nhất nhất từ trước đến nay về đa dạng thực vật bậc cao có mạch ở khu vực Hoàng Liên Sơn - một trong những trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam với 3252 loài, 1126 chi, 230 họ thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.
- Lần đầu tiên thành lập bảng danh lục phân bố các loài thực vật bậc cao có mạch theo các đai độ cao ở dãy Hoàng Liên Sơn (thuộc địa phận tỉnh Lào Cai) và cung cấp cơ sở dữ liệu về sự phân hoá các nhân tố sinh thái (khí hậu, đất, thảm thực vật) phục vụ bảo tồn đa dạng thực vật và phát triển du lịch bền vững.
- Lần đầu tiên thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 về sự phân hoá sinh khí hậu, phân bố thổ nhưỡng và phân bố các kiểu thảm thực vật ở toàn bộ khu vực Hoàng Liên Sơn (thuộc địa phận tỉnh Lào Cai) làm cơ sở cho các nghiên cứu sinh thái ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, xoá đói giảm nghèo ở vùng biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh chính trị này
- Làm sáng tỏ thêm bản chất và nội dung của phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong nghiên cứu sinh thái học thực vật. Kết quả của Luận án sẽ là cơ sở lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu theo hướng sinh thái thực vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sau này ở Việt Nam.
12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:
Việc xây dựng danh lục phân bố thực vật theo các đai độ cao và định hướng bảo tồn đa dạng thực vật có ý nghĩa thực tiễn to lớn không chỉ ở khu vực Hoàng Liên Sơn mà còn góp phần thực thi Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020 mà Chính phủ vừa ban hành. Các kết quả nghiên cứu về sinh khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật trong luận án là cơ sở để đánh giá tính thích nghi sinh thái của thực vật phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng có thể được ứng dụng triển khai trong việc khoanh nuôi, bảo vệ hoặc thuần hóa các nhóm thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; lựa chọn các nhóm cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư xung quanh vùng làm giảm sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội đối với rừng, góp phần giữ rừng và bảo vệ các loài thực vật quý hiếm đang tồn tại nơi đây.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu và những phân tích, đánh giá của luận án về đa dạng thực vật, sự phân hoá thảm thực vật và các yếu tố sinh thái theo các đai độ cao sẽ là cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý hiệu quả đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp cụ thể vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa hạn chế các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trên toàn khu vực Hoàng Liên Sơn.
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sự phân hoá thảm thực vật theo các đai độ cao tiếp tục nghiên cứu phục hồi thảm thực vật tự nhiên sau nương rẫy, sau cháy rừng và sau tác động của con người phục vụ bảo tồn các nhóm loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, các loài có giá trị kinh tế cao và phát triển du lịch bền vững.
- Đánh giá tính thích nghi sinh thái của một số loài thực vật (cây trồng, cây dược liệu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp...) với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực Hoàng Liên Sơn nhằm chọn được các cây trồng, cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao phục vụ việc tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, xoá đói giảm nghèo, giảm áp lực của việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương đối với các thảm thực vật tự nhiên. Bên cạnh đó, chọn lựa các cây lâm nghiệp thích nghi điều kiện tự nhiên nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.
- Nghiên cứu phát triển các tuyến điểm, các loại hình du lịch khai thác các giá trị truyền thống, các cảnh quan tự nhiên, các hệ sinh thái núi cao đặc trưng của khu vực Hoàng Liên Sơn nhằm thu hút du khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không làm tổn thương đa dạng sinh học, không làm suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.
14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
[1]. Trương Ngọc Kiểm, Nguyễn Nghĩa Thìn, Vũ Anh Tài (2009), “Một số kết quả bước đầu về sự thay đổi trạng thái thảm thực vật theo các đai độ cao ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai”, Kỷ yếu hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 3 về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Nxb Nông nghiệp, tr.1668-1672, Hà Nội.
[2]. Trương Ngọc Kiểm, Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Anh Đức, Vũ Anh Tài (2010), “Một số kết quả nghiên cứu về sự thay đổi cấu trúc thảm thực vật theo các đai độ cao ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, ISSN 0866-708X, 48(2A), tr.726-732.
[3]. Truong Ngoc Kiem, Nguyen Nghia Thin, Nguyen Anh Duc, Vu Anh Tai, (2011), “Assessment of plant resources in Hoang Lien National park (Lao Cai province) for biodiversity conservation and sustainable development”, VNU Journal of Science, ISSN 0866-8612, 27(2S), pp.36-41.
[4]. Truong Ngoc Kiem, Nguyen Nghia Thin (2012), “Study on the diversity of vegetations in Hoang Lien - Van Ban nature reserve (Lao Cai province) for biodiversity conservation purpose”, VNU Journal of Science, ISSN 0866-8612, 28(2S), pp.13-19.
[5]. Trương Ngọc Kiểm, Nguyễn Nghĩa Thìn, Lê Thu Hà (2012), “Sự thay đổi tính chất vật lý và hoá học của đất theo các trạng thái thảm thực vật ở KBTTN Hoàng Liên - Văn Bàn (tỉnh Lào Cai)”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, ISSN 0866-708X, 50(3C), tr.372-379.
[6]. Trương Ngọc Kiểm, Nguyễn Nghĩa Thìn, Bùi Văn Thanh (2012), “Tính đa dạng các kiểu thảm thực vật ở khu vực Y Tý - Dền Sáng - Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, ISSN 0866-708X, 50(3E), tr.1301-1308.
>>>>>Xem thông tin bản tiếng Anh.
|