Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Sau đại học
Thông tin LATS của NCS Nguyễn Phương Mai
Tên luận án: “Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam – Tiếp cận từ góc độ người tiêu dùng”.

1. Tác giả: NCS. Nguyễn Phương Mai

2. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh

3. Mã số: 62.34.05.01

4. Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hoàng Văn Hải

5. Tên đơn vị đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

6. Tóm tắt một số nội dung chính

6.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

6.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là nhận thức của người tiêu dùng về các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và mối liên hệ giữa nhận thức với thái độ và ý định hành vi của họ đối với sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

6.1.2. Phạm vi nghiên cứu

§  Phạm vi về nội dung

TNXHDN là một vấn đề rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Vì vậy, Luận án chỉ giới hạn việc nghiên cứu nhận thức về TNXHDN của người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm chế biến, và phân tích mối quan hệ thuận chiều giữa nhận thức về TNXHDN với thái độ và ý định hành vi của họ. Luận án chưa xem xét tới các biến số khác tác động đến ý định hành vi của người tiêu dùng.

§  Phạm vi về không gian

Luận án nghiên cứu TNXHDN từ góc độ tiếp cận của người tiêu dùng trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam vì trong ngành này TNXHDN đang là một thực tiễn bức xúc cần được giải quyết. Luận án thực hiện khảo sát để kiểm chứng vấn đề nghiên cứu trên một số tỉnh, thành phố của miền Bắc, trong đó tập trung vào các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng.

§  Phạm vi về thời gian

Luận án nghiên cứu TNXHDN từ góc độ tiếp cận của người tiêu dùng trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm trong giai đoạn 2009 - 2014 khi mà những đòi hỏi về TNXHDN ngày càng gia tăng xuất phát từ phía người tiêu dùng và các bên có liên quan khác của doanh nghiệp, và những mong muốn thực thi TNXHDN xuất phát từ chính nội bộ doanh nghiệp.

6.2. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu

6.2.1. Mục tiêu nghiên cứu

§  Phân tích bối cảnh của ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam để chỉ rõ tính tất yếu của việc thực thi TNXHDN nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp;

§  Đánh giá mức độ nhận thức của người tiêu dùng về TNXHDN;

§  Kiểm chứng mối liên hệ giữa nhận thức về TNXHDN đến thái độ và ý định hành vi của người tiêu dùng đối với sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam

§  Đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc thực thi TNXHDN trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam từ đó đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng.

6.2.2. Câu hỏi nghiên cứu

Các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra trong khuôn khổ của Luận án như sau:

§  Người tiêu dùng Việt Nam nhận thức như thế nào về TNXHDN?

§  Nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về TNXHDN có ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm không?

§  Thái độ của người tiêu dùng có phải là biến số trung gian trong mối quan hệ giữa nhận thức về TNXHDN và ý định hành vi của người tiêu dùng không?

§  Các yếu tố nhân khẩu học có tác động đến thái độ và ý định hành vi của người tiêu dùng không?

6.3. Phương pháp nghiên cứu

Trong khuôn khổ của Luận án, các phương pháp nghiên cứu được sử dụng bao gồm:

§  Phương pháp nghiên cứu định tính:

Nghiên cứu định tính được vận dụng trong nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình lý thuyết và thang đo. Tác giả thực hiện tổng quan các công trình nghiên cứu tiên nghiệm nhằm tìm ra khoảng trống nghiên cứu, đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu. Bên cạnh đó, phương pháp chuyên gia và phỏng vấn sâu cũng được vận dụng để bổ sung thông tin cho các kết quả nghiên cứu.

§  Phương pháp nghiên cứu định lượng:

Nghiên cứu định lượng được tiến hành sau khi mô hình nghiên cứu và các thang đo đã được xây dựng từ mô hình lý thuyết. Sau đó, bảng hỏi được thiết kế và đưa vào khảo sát thử nghiệm qua hai hình thức: phỏng vấn chuyên gia và phát phiếu điều tra quy mô nhỏ. Khảo sát thử nghiệm nhằm mục đích đánh giá sơ bộ về độ tin cậy và tính hiệu lực của thang đo, cũng như chuẩn hóa thuật ngữ và bổ sung thang đo cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Dựa trên kết quả khảo sát thử nghiệm, các điều chỉnh thang đo có thể được tiến hành nếu cần thiết.

Khảo sát định lượng chính thức được tiến hành với thang đo chuẩn trên quy mô mẫu lớn. Đối tượng khảo sát là người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm chế biến trên địa bàn các tỉnh, thành phố của miền Bắc trong đó tập trung chủ yếu vào các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Các dữ liệu sơ cấp được phân tích để đánh giá thang đo, kiểm định mô hình và giả thuyết nghiên cứu. Các phương pháp phân tích số liệu được sử dụng như phân tích thống kê mô tả, phân tích khám phá nhân tố (EFA), phân tích khẳng định nhân tố (CFA), phân tích mô hình tới hạn, phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM), phân tích đa nhóm và ANOVA  được thực hiện trong phần mềm SPSS 20.0 và AMOS 20.0.

7.4. Những đóng góp mới của Luận án:

Luận án có những đóng góp mới sau đây:

Một là, bổ sung thang đo nhận thức TNXHDN, thái độ và ý định hành vi của người tiêu dùng trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đây về TNXHDN và người tiêu dùng.

Hai là, kiểm chứng mối quan hệ giữa các biến số nhận thức về TNXHDN, thái độ và ý định hành vi của người tiêu dùng trong bối cảnh ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.Từ đó, luận án tổng quát hóa những cơ sở thực tiễn của việc thực hiện TNXHDN trong ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Ba là, đưa ra những gợi mở cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm tại Việt Nam điều chỉnh cách thức thực thi TNXHDN trong tương lai trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực tiễn người tiêu dùng.

>>>>> Xem bản thông tin tiếng Anh.

 Quốc Toản - VNU - UEB
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :