1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Bích Thủy
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 02/07/1986
4. Nơi sinh: Nghệ An
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 1381/QĐ-SĐH ngày 26/12/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không
7. Tên đề tài luận án: Vốn xã hội với sinh kế của người nhập cư tại thành phố Vinh, Nghệ An (nghiên cứu trường hợp phường Bến Thủy và phường Trường Thi, thành phố Vinh, Nghệ An).
8. Chuyên ngành: Xã hội học 9. Mã số: 62 31 30 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh; 2.. PGS.TS Hoàng Thu Hương
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Trong việc mua sắm tài sản sinh kế, vai trò của vốn xã hội nổi bật nhất ở hoạt động vay vốn. Các thành tố của vốn xã hội như mạng lưới xã hội, lòng tin, sự có đi – có lại đã được người nhập cư vận dụng một cách hiệu quả đối với những người trong và ngoài mạng lưới xã hội của họ để vay vốn. Ở đây, vốn xã hội đã góp phần chuyển đổi thành vốn tài chính. Trong các thành tố của vốn xã hội, đáng chú ý là vai trò của lòng tin khi các cá nhân thực hiện các hoạt động để huy động vốn.
Tác động của vốn xã hội trong việc chuyển đổi thành vốn con người đáng chú ý ở khía cạnh kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong quá trình sinh kế tại thành phố Vinh kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ là nền tảng giúp người nhập cư triển khai có hiệu quả các hoạt động kiếm sống. Đối với người nhập cư do nhiều nguyên nhân họ gặp khá nhiều rào cản khi tiếp cận các kinh nghiệm hay. Do đó, họ cần có sự trợ giúp của người thân quen để có thể được giảng dạy, chỉ bảo, truyền đạt các tri thức, kinh nghiệm, từ đó ứng dụng vào nghề nghiệp của họ, tạo điều kiện cho sinh kế thành công.
Trong số các hoạt động nghề nghiệp được bàn luận thì tìm kiếm việc làm có thể nói là hoạt động quan trọng nhất. Tìm kiếm việc làm là hoạt động đầu tiên của người lao động nhập cư khi đến thành phố Vinh. Lao động nhập cư không thể tránh khỏi việc phải cạnh tranh với những người lao động khác, trong đó đặc biệt là cư dân bản địa. Và nhiều người nhập cư đã nhờ sự hỗ trợ của người thân quen, đặc biệt là người thân trong gia đình, họ hàng để có thể tìm kiếm được những việc làm phù hợp. Hoặc nhờ sự góp ý, trợ giúp của người thân quen mà người nhập cư có thể triển khai các hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, khi phân tích chúng ta thấy vốn xã hội có tác động tiêu cực. Những tác động tiêu cực này chủ yếu xuất phát từ thành tố lòng tin xã hội. Nếu người nhập cư đặt niềm tin “nhầm chỗ” khi sử dụng vốn xã hội để tạo ra lợi ích, họ sẽ không đạt được kết quả như ý muốn, thậm chí còn phải gánh hậu quả nặng nề.
Một điểm cần lưu ý trong quá trình tìm hiểu vai trò của vốn xã hội đối với quá trình xây dựng và phát triển sinh kế của người nhập cư đó chính là vai trò của nhóm sơ cấp. Người nhập cư cần nhiều đến sự trợ giúp của người thân trong gia đình, bà con họ hoàng, bạn bè thân thiết,... Trong khi đó vai trò của nhóm thứ cấp chưa cao. Sự hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, sự trợ giúp của chính quyền địa phương… đối với người nhập cư không rõ ràng, hầu như chỉ mới dừng lại ở chính sách đăng ký tạm trú, đăng ký hộ khẩu, thủ tục đất đai,… còn hỗ trợ về các mặt khác trong quá trình sinh kế, đặc biệt là về mối quan hệ xã hội cho người nhập cư thì hầu như chưa có.
Người nhập cư có vai trò lớn cho sự phát triển kinh tế xã - hội của thành thị nói chung và thành phố Vinh nói riêng, song cho đến nay, những đóng góp của họ chưa được ghi nhận đầy đủ. Thực tế chính quyền địa phương đã không nhận thấy được vô số những đóng góp trong lao động sản xuất, các lĩnh vực sáng tạo, đời sống kinh tế, môi trường văn hóa… của người nhập cư. Trong khi đó, họ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sinh kế tại thành thị. Nhiều người trong số họ rất dễ bị tổn thương và cần được sự quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Thị trường lao động Việt Nam đang hình thành và phát triển, do đó xuất hiện các làn sóng lao động nhập cư là rất bình thường. Nghiên cứu này chỉ ra rằng: lao động nhập cư phải được đối xử công bằng vì những đóng góp rất lớn của họ vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trước hết, nhiều người nhập cư muốn vay vốn để phát triển sinh kế. Tuy nhiên, thực tế vay vốn tại các tổ chức ngân hàng, tín dụng hiện nay cần khá nhiều thủ tục, giấy tờ, đặc biệt là cần phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, không phải người nhập cư nào cũng có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. Do đó, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ người nhập cư trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay bằng các hình thức khác nhau như vay tín chấp, vay lãi suất thấp, kéo dài thêm thời gian hoàn trả,… để tạo điều kiện cho người nhập cư có có thể vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành thị.
Tiếp đến, mặc dù số lượng người lao động nhập cư đến thành phố Vinh không ít, song trong số này trình độ chuyên môn, tay nghề của họ chưa cao. Điều này làm giảm đi sự đóng góp của họ đối với thành thị. Cho nên, khi chính quyền sở tại xác định được tính tất yếu của nhập cư, nhận thức được nhập cư là hiện tượng tự nhiên, hợp với quy luật phát triển thì chính quyền cần quan tâm đến chính sách đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động nhập cư. Như vậy, mới có thể tận dụng được đội ngũ lao động nhập cư hiện nay tại thành phố Vinh.
Một vấn đề mà luận án cũng xem xét vấn đề tìm kiếm việc làm cho người lao động nhập cư. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tại thành thị. Và nếu như họ không có người thân quen giới thiệu, trợ giúp thì trong nhiều trường hợp họ sẽ phải chấp nhận làm những công việc tạm bợ, không ổn định, thu nhập thấp. Điều này nếu kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy. Do đó, chính quyền địa phương cần có chính sách giới thiệu việc làm phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của người lao động nhập cư. Việc này sẽ tận dụng được nguồn lao động dồi dào cũng như hạn chế tối đa những hệ quả của việc không có, thiếu việc làm hay làm việc không đúng sở trường.
Cuối cùng, như trên đã bàn luận, trong việc hỗ trợ đối với người nhập cư về hoạt động sinh kế của họ tại thành thị còn chưa thấy rõ vai trò của nhóm thứ cấp, hay rõ hơn là các tổ chức đoàn thể. Vì vậy, nên chăng các cơ quan chức năng cần quan tâm, chỉ đạo để các tổ chức này có sự trợ giúp thiết thực cho người nhập cư về mọi mặt của đời sống. Hơn nữa, cần nhận diện nhập cư là tất yếu và phải tôn trọng cũng như bảo vệ quyền lợi, giá trị của lao động nhập cư. Từ đó người nhập cư có thể đóng góp sức lực của họ nhằm xây dựng nền kinh tế - xã hội của thành thị nói riêng và của cả nước nói chung.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Mở rộng điều tra, khảo sát trên diện rộng, ở các phường, xã khác của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
- Tìm hiểu thêm các chiều cạnh khác của vốn xã hội: giá trị xã hội, chuẩn mực xã hội.
- Nghiên cứu so sánh sự khác nhau về tác động của vốn xã hội đối với nhóm cư dân bản địa và đối với nhóm người nhập cư.
14. Các công trình đã công bố liên quan đến luận án:
1. Nguyễn Thị Bích Thủy (2014), “Bước đầu khảo sát việc làm của người nhập cư tại thành phố Vinh, Nghệ An”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử, văn hóa, xã hội, NXB Khoa học Xã hội, tr. 335-338.
2. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Vốn xã hội với năng lực nghề nghiệp của người nhập cư”, Tạp chí Nhân lực Khoa học Xã hội (2), tr. 20-31.
3. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Vốn xã hội với tài sản sinh kế của người nhập cư”, Tạp chí Giáo dục Lý luận (231), tr. 49 – 51.
4. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Tiếp cận dịch vụ y tế/chăm sóc sức khỏe của người nhập cư ở thành phố Vinh”, An sinh xã hội và công tác xã hội, NXB Hồng Đức, Hà Nội, tr.276 – 287.
5. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Vai trò của vốn xã hội đối với hoạt động nghề nghiệp của người nhập cư”, Tạp chí Sinh hoạt lý luận (6), tr. 49-54.
6. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Vốn xã hội trong quá trình tìm kiếm và thay đổi việc làm của lao động trẻ nhập cư ở thành phố Vinh”, Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ từ những hướng tiếp cận khác nhau, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.155 – 171.
7. Nguyễn Thị Bích Thủy (2015), “Sinh kế của người nhập cư dưới góc nhìn của lý thuyết vốn xã hội”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học trẻ năm 2015: Nghiên cứu liên ngành trong Khoa học xã hội và nhân văn – tiếp cận từ góc độ lý thuyết và thực tiễn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
>>>>> Xem thêm bản thông tin tiếng Anh.
|