1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Lê Thị Khánh Ly
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 10/02/1981
4. Nơi sinh: Phú Thọ
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Số 3202/QĐ - SĐH, ngày 08/11/2010 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Quyết định Về việc thay đổi người hướng dẫn luận án tiến sĩ số 1494/QĐ-SĐH ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
7. Tên đề tài luận án: “Quan hệ của Vương quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Á thế kỷ XV - XIX”.
8. Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới
9. Mã số: 62 22 03 11
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS.TS Nguyễn Văn Kim
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Luận án tập trung trình bày quá trình hình thành, phát triển và những đặc tính nổi bật của vương quốc Ryukyu giai đoạn 1429-1879, đồng thời đi sâu phân tích mục tiêu, nội dung, phạm vi, mức độ hoạt động quan hệ giao thương của Ryukyu với các quốc gia Đông Á. So với các quốc gia khu vực, Ryukyu có nhiều “phát triển độc đáo” trong việc việc ứng đối và thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia được coi là tam giác kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu của khu vực Đông Á là: Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Từ đó, luận án tập trung làm rõ những vấn đề mang tính bản chất và hệ quả nhiều mặt của mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia khu vực trong bối cảnh và chuyển biến chung của châu Á thế kỷ XV-XIX.
Nghiên cứu và đánh giá sự lựa chọn con đường phát triển lấy kinh tế thương mại làm chủ đạo của Ryukyu, luận án tập trung khảo cứu vai trò của kinh tế hải thương đối với sự phát triển và củng cố mối bang giao, vị thế chính trị của vương quốc này. Từ đó, đưa ra những vấn đề có tính chất lý luận về mục tiêu và hệ quả đa diện của quan hệ giao thương Đông Á cùng những tác động của hệ thống này trước những tác động nội vùng, ngoại vi. Phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của vương quốc Ryukyu cũng cho thấy rõ diện mạo và những thách thức đặt ra đối với các quốc gia châu Á trong việc lựa chọn con đường phát triển, bảo vệ chủ quyền và nền độc lập dân tộc thời cận đại.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
- Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về lịch sử thăng trầm của vương quốc Ryukyu và những quan hệ đối ngoại của vương quốc này một cách hệ thống, toàn diện; góp phần mở rộng và làm rõ hơn về định hướng nghiên cứu thương mại biển của châu Á cũng như Nhật Bản trong mối liên hệ vùng và liên vùng; phạm vi cùng những tác động nhiều mặt của các chính sách kinh tế đối ngoại mà Ryukyu cũng như các quốc gia khu vực theo đuổi. Các kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt - Nhật, đồng thời tiếp tục củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa hai nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay.
- Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo đại học, sau đại học của các chuyên ngành Lịch sử thế giới, Quan hệ quốc tế, Lịch sử kinh tế, Chính trị học, Đông phương học, Nhật Bản học v.v..
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Ryukyu là một chủ đề chưa được nhiều người ở Việt Nam quan tâm khảo cứu. Hiện nay, khuynh hướng nghiên cứu lịch sử đang tập trung nhiều vào các vấn đề về Lịch sử kinh tế, đặc biệt là kinh tế thương mại biển. Chính vì vậy, đề tài “Quan hệ của vương quốc Ryukyu với các quốc gia Đông Á” cần được nghiên cứu thêm cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn. Rất nhiều vấn đề hoặc hướng phát triển đề tài có thể mở ra trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của luận án như:
- Tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn nữa những vấn đề về văn hóa, xã hội, giáo dục… của vương quốc Ryukyu trong quá trình hình thành, phát triển.
- Tiếp tục đi sâu nghiên cứu lý luận về về hoạt động của Hệ thống thương mại Đông Á và tác động của hệ thống này đối với sự phát triển kinh tế và chính trị khu vực, về số phận “nước nhỏ - nước lớn” thời trung - cận đại.
- Tiếp tục nghiên cứu cụ thể hơn nữa, đưa ra những minh chứng xác thực về lịch sử quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, sự chuyển hóa trong tính chất và phạm vi, mức độ của mối quan hệ giữa Việt Nam - Ryukyu - Nhật Bản và các quốc gia khu vực Đông Á.
14. Các công trình khoa học liên quan đến luận án:
1. Lê Thị Khánh Ly (2015), “Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tới Ryukyu thế kỷ XIV - XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc (8), tr.60 - 69.
2. Lê Thị Khánh Ly (2015), “Quan hệ thương mại của vương quốc Ryukyu với Trung Quốc thời trung đại”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số (4), tr.57 - 65.
3. Lê Thị Khánh Ly (2011), “từ một văn bản ngoại giao giữa Ryukyu và Đại Việt đầu thế kỷ XVI nhìn về chính sách ngoại giao văn hóa của Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Văn hóa đối ngoại trong thế giới hội nhập, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tr.315 - 322.
4. Lê Thị Khánh Ly (2010),“Phát hiện mới về quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản”, Thông báo khoa học trường Đại học Văn hóa Hà Nội (8), tr.38 - 45.
5. Lê Thị Khánh Ly (2008), “Quan hệ của Ryukyu với các quốc gia Đông Nam Á thế kỷ XIV - XVI” - Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Việt Nam trong hệ thống thương mại biển Đông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.196 - 221.
6. Lê Thị Khánh Ly (2006), “Quan hệ của Ryukyu với Siam thế kỷ XIV - XVI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2), tr. 41-47.
7. Lê Thị Khánh Ly (2006), “Ryukyu một trường hợp phát triển độc đáo trong khu vực Đông Á thế kỷ XV - XVI”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (4), tr. 27-38.
>>>>> Xem thông tin bản tiếng Anh.
|