1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Hồng Vân
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 03/09/1978
4. Nơi sinh: Hà Nội
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 2999/QD-XHNV-SDH ngày 30/12/2013 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không
7. Tên đề tài luận án: Hiện tượng ngắt lời trong giao tiếp tiếng Việt (đối chiếu với tiếng Anh)
8. Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
9. Mã số: 62 22 02 40
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Văn Khang
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Thứ nhất, qua khảo sát, hiện tượng ngắt lời trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt và tiếng Anh đều được phân thành ngắt lời thành công và ngắt lời không thành công. Ngắt lời thành công được phân thành hai tiểu nhóm là ngắt lời cạnh tranh và ngắt lời cộng tác. Ngắt lời không thành công được phân thành hai tiểu nhóm là ngắt lời có gối lời và ngắt lời không có gối lời. Hiện tượng ngắt lời được các chủ thể giao tiếp sử dụng trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt và tiếng Anh với các mục đích sau: (1) Ngắt lời nhằm phát triển chủ đề cuộc thoại; (2) Ngắt lời nhằm bày tỏ quan điểm ủng hộ; (3) Ngắt lời nhằm hoàn thành một phát ngôn; (4) Ngắt lời nhằm bày tỏ quan điểm bất đồng; (5) Ngắt lời nhằm mục đích thay đổi chủ đề cuộc thoại; (6) Ngắt lời nhằm phản đối sự thay đổi chủ đề cuộc thoại; (7) Ngắt lời nhằm mục đích xa rời chủ đề cuộc thoại; (8) Ngắt lời nhằm giành quyền kiểm soát cuộc thoại. Có ba cách thức ngắt lời xuất hiện trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt và tiếng Anh như sau: Cách thức 1: phát ngôn thứ hai xen ngang phát ngôn thứ nhất khi phát ngôn thứ nhất chưa đến điểm chuyển tiếp tương ứng; Cách thức 2: phát ngôn thứ hai xen ngang phát ngôn thứ nhất khi phát ngôn thứ nhất có thể đã đến điểm chuyển tiếp tương ứng; Cách thức 3: Trong phát ngôn thứ hai xuất hiện một từ hoặc một ngữ trong phát ngôn thứ nhất. Các phát ngôn mang mục đích ngắt lời trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt được diễn đạt đa dạng, phong phú hơn trong tiếng Anh.
- Thứ hai, kết quả khảo sát cho thấy có sự khác nhau trong mục đích sử dụng ngắt lời giữa hai giới nam và nữ trong giao tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt, nam giới có xu hướng sử dụng ngắt lời thành công nhiều hơn trong khi nữ giới lại có xu hướng sử dụng các ngắt lời không thành công trong giao tiếp. Đối chiếu với hiện tượng ngắt lời xuất hiện trong các đoạn thoại cùng giới và khác giới bằng tiếng Anh, kết quả khảo sát cho thấy nam giới trong các đoạn thoại bằng tiếng Anh thực hiện các ngắt lời cộng tác và ngắt lời không thành công nhiều hơn nữ giới; trong khi đó, nữ giới có xu hướng sử dụng ngắt lời cạnh tranh nhiều hơn nam giới. Về mức độ sử dụng các từ ngữ trong các phát ngôn mang mục đích ngắt lời, có thể thấy cách sử dụng từ, ngữ trong các đoạn thoại bằng tiếng Việt có chứa ngắt lời do nam giới và nữ giới thực hiện đa dạng và phong phú hơn so với các đoạn thoại do nam giới và nữ giới thực hiện trong các đoạn thoại bằng tiếng Anh.
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Những kết quả thu được của luận án sẽ giúp làm sáng tỏ bản chất cũng như chức năng của ngắt lời trong giao tiếp. Qua đó, giúp người tham gia giao tiếp có được sự nhận thức đúng đắn và sử dụng ngắt lời một cách hiệu quả tạo nên thành công trong giao tiếp. Bên cạnh đó, luận án góp phần vào nghiên cứu giao tiếp tiếng Việt dưới tác động của nhân tố giới. Thông qua hiện tượng ngắt lời trong giao tiếp có thể thấy được những biến đổi về lối ứng xử văn hóa - ngôn ngữ của người Việt cũng như những thay đổi trong cách nhìn nhận về giới của người Việt.
13. Những nghiên cứu tiếp theo: Luận án mới chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu về hiện tượng ngắt lời trong giao tiếp bằng lời, và cũng chỉ dừng lại ở việc khảo sát tác động của nhân tố giới vào giao tiếp. Vì vậy, khảo sát hiện tượng ngắt lời trong giao tiếp phi lời hay dưới sự tác động của các nhân tố khác như tuổi, địa vị… sẽ là những nghiên cứu tiếp theo của chúng tôi sau luận án này.
14. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
1. Phạm Hồng Vân (2013), “Một số vấn đề về hiện tượng ngắt lời trong giao tiếp
hội thoại”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (6), tr.8-11.
2. Phạm Hồng Vân (2016), “Hành động ngắt lời trong giao tiếp tiếng Việt xét từ
góc độ giới”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (1), tr.29-31.
3. Phạm Hồng Vân (2016), “Chức năng diễn ngôn của ngắt lời trong hội thoại”,
Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (9), tr.16-20.
4. Phạm Hồng Vân, Nguyễn Trần Vân Trang (2016), “Biểu hiện giới qua các hành
vi ngắt lời trong giao tiếp tương tác”, Tạp chí Quản lý giáo dục (10), 47-53.
|