1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Trịnh Thị Hạnh
2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 16/07/1983
4. Nơi sinh: Nam Định
5. Quyết định công nhận NCS số: 2213/2011/QĐ-XHNV-SĐH ngày 21/11/2011 cửa Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không
7. Tên đề tài luận án: Biến đổi sinh kế của người Mường vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình ở nơi tái định cư.
8. Chuyên ngành: Dân tộc học
9. Mã số: 62 22 70 01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Văn Chính; PGS.TS Trần Văn Bình
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Chính sách tái định cư có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tổ chức lại đời sống cho người dân sau tái định cư, và được bắt nguồn từ quan điểm về quản lý và ổn định dân cư tại địa bàn hơn là sử dụng các chiến lược phát triển hợp lý.
-Tái định cư thủy điện Hòa Bình có số lượng người phải di chuyển thực tế lớn gần gấp đôi số lượng người di chuyển dự kiến nhưng lại chưa có một chính sách và kế hoạch tái định cư hoàn chỉnh. Các quyết định mang nặng tính đối phó tình thế hơn là một chiến lược lâu dài. Hai hình thức tái định cư chủ yếu được vận dụng là di vén và lập làng mới. Trong quá trình này, mọi nguồn vốn sinh kế của người dân bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn vốn xã hội.
- Trong mô hình di vén, vốn xã hội của người dân còn được bảo lưu ở một mức độ nhất định do cộng đồng dân cư chưa bị phá vỡ hoàn toàn. Điều này giúp cho cuộc sống của những hộ gia đình phải di chuyển có điểm tựa xã hội để vượt qua giai đoạn sốc và khủng hoảng nhanh hơn, cuộc sống sớm được ổn định hơn.
-Trong mô hình “lập làng mới”, người dân tái định cư bị mất hầu như toàn bộ mạng lưới xã hội truyền thống và phải bắt đầu lại từ con số không. Đặc điểm này làm cho giai đoạn khủng hoảng sau tái định cư kéo dài, người dân cần rất nhiều thời gian để thích ứng với điều kiện và lối sống mới.
- Các hoạt động hỗ trợ phát triển cho người dân sau tái định cư của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ rất nhiều, nhưng do không phát huy được nguồn vốn xã hội, nên kết quả không như mong muốn
12. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn:
Nghiên cứu của luận án này góp phần làm rõ các mô hình tái định cư, các kiểu thích ứng với xã hội và môi trường mới của các cộng đồng bị buộc phải rời bỏ nơi ở cũ để thích ứng vào điều kiện sống hoàn toàn mới sau tái định cư. Kết quả nghiên cứu cho thấy những nghiên cứu trước đây thường quan tâm phân tích tầm quan trọng của nguồn vốn vật chất mà bỏ qua nguồn vốn xã hội. Nghiên cứu này chỉ ra rằng vốn xã hội (chủ yếu quan hệ gia đình, dòng họ, làng xóm, thân hữu và quan hệ với thế giới siêu nhiên) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sinh kế cho người dân sau tái định cư và là những nhân tố quan trọng để đạt được sinh kế bền vững. Vốn xã hội phải được xem xét cùng với nguồn vốn vật chất, vì nó quyết định khả năng tiếp cận và cách thức mà người ta sử dụng vốn vật chất như thế nào để đạt được sinh kế bền vững.
- Về mặt thực tiễn, nghiên cứu đã cho thấy những hoạt động hỗ trợ phát triển đối với người dân tái định cư bắt buộc nói chung và với tộc người thiểu số nói riêng để thực hiện mục tiêu ‘xóa đói giảm nghèo” rất nhiều. Nhưng những hoạt động hỗ trợ phát triển đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi cho rằng muốn thành công, các hoạt động hỗ trợ phát triển ở vùng tái định cư bắt buộc phải tôn trọng sự đa dạng văn hóa tộc người, tôn trọng và biết cách sử dụng các tri thức bản địa và lắng nghe tiếng nói của người dân chịu tác động của các dự án.
13. Những hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Vai trò của vốn xã hội trong việc khôi phục sinh kế cho người dân tái định cư bắt buộc trong tái định cư các công trình thủy điện nói riêng và các dự án phát triển ở Việt Nam nói chung.
- Một số vấn đề trong việc xây dựng và triển khai chính sách tái định cư ở Việt Nam.
14. Các công trình đã công bố liên quan đến luận án:
1. Trịnh Thị Hạnh (2016) “Biến đổi nghi lễ thờ cúng cộng đồng của người Mường ở nơi tái định cư (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)”, Tạp chí Bảo tàng và Nhân học (2), tr. 45-52
2. Trịnh Thị Hạnh (2016) “Tiếp cận vốn xã hội của người dân tái định cư bắt buộc- tổng quan một số vấn đề lý thuyết và các nghiên cứu gần đây”, Tạp chí Khoa học Xã hội miền Trung (4), tr 24 – 33
3. Trịnh Thị Hạnh (2016) “Tái định cư bắt buộc: các mô hình lý thuyết và phương pháp tiếp cận trên thế giới”, Tạp chí Giáo dục lý luận (253) , tr 84-88
|