1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Quốc Huy
2.Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 20/4/1976
4. Nơi sinh: Hải Phòng.
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Số 3713/QĐ-ĐHKHTN ngày 09/9/2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo: Không.
7. Tên đề tài luận án: Nghiên cứu trứng cá, cá con làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn giống ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, Việt Nam.
8. Chuyên ngành: Động vật học
9. Mã số: 62420103
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: Hướng dẫn chính: PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn
Hướng dẫn phụ: PGS.TS. Đỗ Công Thung.
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Nguồn số liệu về giai đoạn sớm của cá được thống kê và tổng kết trong thời gian dài (13 năm) và bao phủ được toàn vùng biển vịnh Bắc Bộ cả về không gian và thời gian. Lần đầu tiên, danh sách thành phần loài trứng cá, cá con bắt gặp ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, Việt Nam được tập hợp và chỉnh lý một cách có hệ thống và thống nhất, với 215 loài thuộc 138 giống, 92 họ, trong đó, trứng cá xác định được taxa của 21 họ, 24 giống và 35 loài/nhóm loài; cá con bắt gặp 91 họ, 135 giống và 206 loài/nhóm loài.
- Đã xác định được nhóm loài ưu thế của trứng cá, cá con theo mùa trong năm, điều đó có ý nghĩa quan trọng cho việc xác định đối tượng có giá trị kinh tế cao, làm cơ sở khoa học cho công tác khoanh vùng bảo vệ nguồn giống cá ở vùng biển vịnh Bắc Bộ theo không gian và thời gian.
- Đã xác định được mùa vụ sinh sản của một số đối tượng chính theo nhóm sinh thái, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm; khu vực cấm và hạn chế khai thác được phân chia thành vũng lõi và vùng đệm với các điều kiện môi trường sống điển hình ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, Việt Nam. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu của Luận án mang ý nghĩa thực tiễn và khả năng thực thi cao.
12. Khả năng ứng dụng thực tiễn:
- Kết quả nghiên cứu của Luận án sẽ đóng góp phần quan trọng cho việc quy hoạch và phát triển nghề cá bền vững. Dựa trên hiện trạng và khu vực tập trung của trứng cá, cá con; thời gian sinh sản của cá; mối liên quan của một số yếu tố môi trường tới chúng, làm cơ sở khoa học đề xuất phương thức bảo vệ hợp lý, có hiệu quả đối với nguồn giống cá ở vùng biển nghiên cứu.
- Kết quả nghiên cứu của Luận án sẽ bổ sung nguồn số liệu có hệ thống và đồng bộ về trứng cá, cá con ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, đóng góp những tiêu bản mẫu chuẩn, có giá trị cao về mặt khoa học và đào tạo. Bước đầu Luận án sẽ tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu trứng cá, cá con tiên tiến trên thế giới.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, các Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trực thuộc các tỉnh ven biển vịnh Bắc bộ, các Cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương, sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu của Luận án và áp dụng vào thực tế công tác quản lý. Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng sẽ gắn kết được việc áp dụng thông tin khoa học vào công tác quản lý và góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của ngành
13. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
- Tiếp tục công tác quan trắc, giám sát môi trường tại các vùng biển nhạy cảm; xem xét và ưu tiên thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi ở vịnh Bắc Bộ.
- Xây dựng chương trình điều tra nguồn lợi và nghề cá thường niên; điều tra vùng phân bố tập trung nguồn giống hải sản phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi ở vùng biển vịnh Bắc Bộ.
- Tiến hành việc nghiên cứu, xác định lượng bổ sung từ cá con vào quần đàn cá ở vịnh Bắc Bộ theo thời gian.
14. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
1. Phạm Quốc Huy, Từ Hoàng Nhân, Đào Thị Liên và Vũ Thị Hậu (2014), “Xác định khu vực phân bố tập trung của trứng cá, cá con ở vùng biển vịnh Bắc bộ, Việt Nam”, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số tháng 9, trang 71-78.
2. Phạm Quốc Huy (2014), “Hiện trạng thành phần loài và mật độ trứng cá, cá con ở vùng biển Việt Nam”, Tạp chí Trường Đại học Cần Thơ, số 31b, trang 106-115.
3. Phạm Quốc Huy, Nguyễn Khắc Bát, Đào Thị Liên và Vũ Thị Hậu (2015), “Biến động thành phần loài và mật độ trứng cá, cá con ở vùng đánh chung vịnh Bắc Bộ, giai đoạn 2011-2013”, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 31 (4S), trang 158-166.
|