Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Văn hóa cộng đồng - nguồn xung lực phát triển ÐHQGHN
Ðể sớm hoàn thành sứ mệnh “Ðào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài dựa trên nền tảng sáng tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đỉnh cao; đóng vai trò nòng cốt và đầu tầu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam”, cần tạo nên một xung lực phát triển mạnh mẽ và một trong những nguồn lực tinh thần chính là văn hóa cộng đồng ÐHQGHN.

Trao đổi với Bản tin ÐHQGHN về việc xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ÐHQGHN, PGS.TS Phạm Hồng Tung – Phó trưởng Ban KH-CN, ÐHQGHN, cho biết:

Văn hóa cộng đồng ÐHQGHN là phương thức ứng xử chung của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, của các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị thuộc ÐHQGHN dựa trên sự phát huy các giá trị cốt lõi của cộng đồng ÐHQGHN với sự đồng thuận cao, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, gắn bó cộng đồng, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến lược nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ xã hội, nhanh chóng phát triển ÐHQGHN thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, xứng đáng là nòng cốt, là đầu tàu đổi mới của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Văn hóa cộng đồng ÐHQGHN cũng là văn hóa tổ chức, trong đó ý thức tổ chức của cán bộ, sinh viên và của tất cả các đơn vị, bộ phận chính là yếu tố cốt lõi, giữ vai trò quan trọng nhất trong việc tạo nên sự gắn kết nội bộ cũng như sức mạnh cạnh tranh của ÐHQGHN. Ðây cũng là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự tồn tại của cơ cấu ÐHQGHN và sự vận hành trơn tru của cơ chế đặc thù với những ưu thế riêng ÐHQGHN.

ÐHQGHN cũng còn là một cộng đồng chính trị - xã hội có độ phức hợp cao và do đặc thù của mình, ÐHQGHN là tổ hợp của những cộng đồng nghề nghiệp, trong đó hai cộng đồng quan trọng nhất là cộng đồng nhà giáo ÐHQGHN và cộng đồng sinh viên ÐHQGHN. Trong mỗi cộng đồng này lại có nhiều tiểu cộng đồng với những bản sắc riêng, như cộng đồng các nhà Sử học, các nhà Toán học hoặc cộng đồng sinh viên kinh tế, cộng đồng sinh viên luật hay cộng đồng sinh viên khoa Văn học... những đặc điểm này tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa cộng đồng ÐHQGHN.

Ông vừa nói đến cộng đồng nghề nghiệp, vậy hai loại cộng đồng trong đó “tương tác” với nhau như thế nào?

Hai loại cộng đồng này gắn kết chặt chẽ với nhau không chỉ thông qua quá trình dạy – học, thông qua các hoạt động khoa học – công nghệ mà còn là mối tương tác, quan hệ thầy – trò. Ðó là các truyền thống “ham dạy, hiếu học”, truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, truyền thống tương thân, tương ái, mong muốn được sáng tạo, chinh phục những đỉnh cao trí tuệ.

Vì là những cộng đồng nghề nghiệp đặc trưng nên hai cộng đồng này có những hệ giá trị điển hình tạo nên đạo đức nghề nghiệp, “đạo làm thầy” và “đạo làm trò” rất đặc trưng. Trong quá trình xây dựng, phát triển và phát huy văn hóa cộng đồng ÐHQGHN, việc tôn vinh và phát huy những giá trị cao quý trong đạo đức nghề nghiệp của thầy và trò ở ÐHQGHN đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Ông có thể cho biết văn hóa cộng đồng ÐHQGHN có tác động quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của ÐHQGHN?

Xây dựng và phát triển bền vững văn hóa cộng đồng đặc trưng của ÐHQGHN nhằm gìn giữ, phát huy cao độ những giá trị cốt lõi và những truyền thống đáng tự hào của ÐHQGHN. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát huy ưu thế của cơ cấu và cơ chế đặc thù của ÐHQGHN, tăng cường sự gắn kết nội bộ, tạo nên sự đồng thuận cao của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, của các đơn vị, tổ chức và đoàn thể trong ÐHQGHN cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu đưa ÐHQGHN thành một đại học nghiên cứu tiêu biểu nhất của cả nước, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.

Ðể xây dựng, phát triển và phát huy văn hóa cộng đồng ÐHQGHN cần phải có giải pháp gì, thưa ông?

Theo tôi cần tập trung thực hiện tốt các nhóm giải pháp về chính trị - tư tưởng, tổ chức - cán bộ, kế hoạch - tài chính, đào tạo, KHCN, hợp tác trong và ngoài nước, công tác đoàn thể. Trong đó, nhóm giải pháp chính trị - tư tưởng có vai trò quan trọng nhất.

Ngay cả trong nhóm giải pháp về đào tạo cũng vậy, việc tiếp tục hoàn chỉnh phương thức đào tạo theo tín chỉ trong toàn ÐHQGHN, nghiên cứu mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kép, các ngành học liên ngành, các môn học chung, kiểm định và đảm bảo cam kết chất lượng đầu ra… cũng là những giải pháp góp phần phát triển và phát huy văn hóa cộng đồng ÐHQGHN.

Hoặc trong giải pháp về KHCN cũng vậy, cần phải chia sẻ, dùng chung các cơ sở nghiên cứu khoa học các phòng thí nghiệm và trang thiết bị khoa học. ÐHQGHN cũng sẽ tăng cường định hướng liên ngành trong hoạt động KHCN, hỗ trợ cho việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các COE và các tổ hợp nghiên cứu (Research Cluster)… Ðây chính là những phương thức tổ chức hoạt động KHCN tiên tiến nhất, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của nhiều ngành khoa học, cùng tiếp cận và giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn theo hướng liên ngành và đưa ra các giải pháp tối ưu với các sản phẩm khoa học đỉnh cao. Vì vậy, đây là một trong những giải pháp then chốt nhất để ÐHQGHN hiện thực hóa được sứ mệnh của mình theo đúng khẩu hiệu “Excellence through Knowledge”. Ðây cũng là một giải pháp quan trọng về mặt KHCN nhằm hỗ trợp cho việc phát triển văn hóa cộng đồng ÐHQGHN bởi lẽ nó một mặt tạo điều kiện cho sự phát triển nghiên cứu theo hướng liên ngành cao, đồng thời góp phần nâng cao danh tiếng và gìn giữ thương hiệu và hình ảnh chung của cộng đồng ÐHQGHN.

Nhiều ý kiến cho rằng, để gắn kết cộng đồng thì điều quan trọng là thực hiện tốt chính sách tôn vinh, đãi ngộ những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích nổi bật?

Ðúng vậy. Văn hóa cộng đồng ÐHQGHN chính là văn hóa của tập thể cán bộ, sinh viên ÐHQGHN. Sự gắn bó của các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên, nhân viên phục vụ và sinh viên... với ÐHQGHN và với từng tập thể trong ÐHQGHN chính là hình thức thể hiện cụ thể của văn hóa cộng đồng ÐHQGHN. Vì vậy, chính sách cán bộ nói chung và chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng những thành viên tiêu biểu nhất, có nhiều đóng góp to lớn nhất cho cộng đồng ÐHQGHN sẽ có tác động lớn trong việc xây dựng, phát triển và phát huy sự gắn kết, niềm tin và tự hào của toàn thể cán bộ, sinh viên đối với ÐHQGHN.

Chẳng hạn, một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên danh tiếng khoa học nổi bật của ÐHQGHN chính là sự hiện diện của đội ngũ đông đảo các nhà giáo – nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Uy tín khoa học của đội ngũ này được tạo dựng chủ yếu dựa vào những thành tựu KHCN đỉnh cao của họ. Chính bản thân họ là những tấm gương sáng cho các thế hệ nhà giáo – nhà khoa học trẻ và sinh viên noi theo. Vì vậy, họ chính là hạt nhân quy tụ sự gắn kết của cộng đồng nhà giáo và cộng đồng sinh viên của ÐHQGHN. ÐHQGHN cần có những chính sách tôn vinh, trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng cả về vật chất và tinh thần đối với đội ngũ này. Ðồng thời, tạo điều kiện, cổ vũ các thế hệ cán bộ trẻ và sinh viên nuôi dưỡng khát vọng, say mê học thuật theo gương các bậc thầy, kế tục và phát huy truyền thống học thuật vẻ vang của ÐHQGHN.

Ðã là cộng đồng thì sợi dây kết nối giữa các cá nhân là các hoạt động tương thân, tương ái, tăng cường tình cảm gắn kết cộng đồng của cán bộ, sinh viên. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Trong thời gian tới cần nghiên cứu để triển khai nhiều giải pháp nhằm tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn các hoạt động này trên quy mô, tầm mức toàn ÐHQGHN. Trách nhiệm trước hết thuộc về các tổ chức và đoàn thể chính trị - xã hội, song tổ chức Ðảng và hệ thống quản lí cũng không thể đứng ngoài cuộc, “khoán trắng” cho công đoàn và các đoàn thể khác như hiện nay. Ðồng thời, công đoàn và các đoàn thể cần chủ động, sáng tạo hơn nữa, tránh thụ động, máy móc, hình thức chủ nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

 ÐỨC MINH (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :