Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Kontum với giáo sư Ngụy Như Kontum
Năm nay tỉnh Kon Tum tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 – 9/2/2013), Đại học Quốc gia Hà Nội và gia đình kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư (3/5/1913 – 3/5/2013).

Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Ngụy Như Kon Tum, một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của lịch sử? Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cất tiềng khóc chào đời trên mảnh đất Kon Tum sau ngày thành lập tỉnh chưa đầy 3 tháng. Vì sao Thực dân Pháp lại quyết định thành lập tỉnh cách đây 100 năm và lấy tên là tỉnh Kon Tum? Có lẽ vì trên mảnh đất này xưa kia được người dân địa phương gọi “Kon” là “Làng”, “Tum” là “hồ nước”; Hồ nước gọi là tum này xưa kia cung cấp nước sạch cho dân nhiều làng lân cận; ngày nay, hồ nước vẫn còn tồn tại. Gia đình Cụ Ngụy Như Bích lúc đó đang làm việc trên mảnh đất này, khi giáo sư ra đời Cụ đặt tên Ngụy Như Kon Tum ghi lại dấu ấn lịch sử của sự kiện tỉnh Kon Tum được thành lập.
Cách đây 100 năm thì Kon Tum là một tỉnh cực bắc Tây Nguyên, trên cao nguyên trung phần còn là tỉnh có diện tích rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt; đồng bào các dân tộc: Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Xê Đăng, … sống rải rác, người Kinh rất ít và sống ở trung tâm tỉnh lỵ. Kon Tum hiện nay có đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia với đường biên giới trên 300km. Toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố và 97 xã, phường. Dân số 480.000 người, trong đó đồng bào dân tộc chiếm trên 56% toàn tỉnh. Kon Tum là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân nhất là đồng bào dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí còn thấp. Sau ngày giải phóng đến nay, tuy đời sống về mọi mặt đã được nâng lên rõ rệt song so với mặt bằng chung toàn quốc thì Kon Tum vẫn còn là một tỉnh nghèo cần được đầu tư của Trung ương và sự giúp đỡ của các tỉnh bạn và nhân dân cả nước.
Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum được thành lập theo Quyết định số 49/QĐ-UB ngày 26 tháng 7 năm 2001 của UBND tỉnh Kon Tum. Qua 02 nhiệm kỳ hoạt động đến nay 9/9 huyện, thành phố có Hội Khuyến học, 97/97 xã, phường có Hội Khuyến học cơ sở với tổng số 43.308 Hội viên hoạt động ở 987 Chi hội. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum đã được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của công tác huy động quỹ để khuyến khích và hỗ trợ giáo dục còn rất hạn chế. Ban Thường vụ Hội Khuyến học tỉnh trăn trở nhiều năm để đặt tên quỹ khuyến học mang ý nghĩa lâu dài. Sau quá trình tìm hiểu, được sự cho phép của Cụ Nguyễn Thị Đỗ - phu nhân của Cố giáo sư Ngụy Như Kon Tum và gia đình, được sự đồng ý của UBND tỉnh. Ngày 26 tháng 2 năm 2009, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum ra Quyết định số 165/QĐ-HKH, thành lập Quỹ Khuyến học, khuyến tài mang tên giáo sư Ngụy Như Kon Tum.
Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là nhà giáo nhân dân, nhà khoa học, là tri thức cách mạng; Giáo sư còn là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước. Quỹ Khuyến học, khuyến tài mang tên Ngụy Như Kon Tum ra đời nhằm nêu tấm gương hiếu học, vượt khó, một nhân cách sống mẫu mực và là một hoài bão lớn vươn lên trong học tập, chiếm lĩnh tri thức khoa học nhân loại, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục cách mạng nước nhà.
Tấm gương của giáo sư, người con sinh ra trên mảnh đất Kon Tum cách đây 100 năm là nguồn cổ vũ cho học sinh các cấp tỉnh Kon Tum vượt qua mọi gian khổ, vươn lên trong học tập và rèn luyện để xứng đáng là những thế hệ tiếp bước trên con đường mà giáo sư và bao thế hệ nhà giáo đã đi qua đem lại tri thức khoa học phục vụ cho đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bao thế hệ học sinh Kon Tum đã lấy gương giáo sư Ngụy Như Kon Tum làm mục tiêu phấn đấu, noi theo và đã xuất hiện nhiều học sinh xuất sắc như Nguyễn Bảo Nhi, Nguyễn Trâm Anh, Nguyễn Ái Duy, Nguyễn Thị An Nhơn, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Khánh, A Blao Y Va, … Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum: kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2012, Kon Tum lọt vào top 19/63 tỉnh thành có tỷ lệ điểm trung bình học sinh vào các trường Đại học cao nhất nước (không tính điểm ưu tiên), vượt 3 bậc so với nă 2011 (21/63). Tuy nhiên, giáo dục Kon Tum nói chung và khuyến học Kon Tum nói riêng còn gặp bộn bề khó khăn, nhất là học sinh vùng đồng bào dân tộc cần được giúp đỡ về mọi mặt.
GS. Ngụy Khư Kontum và các con
Quỹ Khuyến học, khuyến tài mang tên giáo sư Ngụy Như Kon Tum thuộc Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum ra đời tuy chưa được bao lâu, nhưng hiệu quả đem lại hết sức to lớn, ngoài nguồn cổ vũ bằng tinh thần, đến nay quỹ đã trao trên 10.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó hiếu học, đặc biệt là các cháu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Quỹ đã trao trên 12 tỷ đồng, tặng trên 5.000 phần thường cho giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp; tặng trên 30.000 cuốn vở; 500 áo ấm các loại giúp cho học sinh nghèo trong mùa đông giá rét; Sau cơn bão số 9, cầu treo bắc qua sông Pô Kô, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã bị cuốn trôi, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Quỹ Khuyến học Việt Nam xây dựng lại cây cầu mang tên “Cầu Khuyến học và Dân trí” với tổng giá trị 1,2 tỷ đồng; đồng thời làm 01 giếng khoan cho trường THCS bán trú Pô Kô, huyện ĐăkTô với tổng giá trị 158 triệu đồng. Quỹ cũng đã góp phần hạn chế đến mức tối đa tỷ lệ học sinh bỏ học, đảm bảo công bằng trong giáo dục.
Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum, 100 năm ngày sinh của giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Hội Khuyến học tỉnh đã huy động và trao 100 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi trên địa bàn toàn tỉnh.
Chỉ thị 11/CT-BCT ngày 13 tháng 4 năm 2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, khẳng định khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; Trong đó, Hội Khuyến học làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội làm công tác khuyến học. Nhận thức sâu sắc Chỉ thị của Đảng, Hội Khuyến học tỉnh đang ra sức thi đua góp phần cùng với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến học trong trường học và công tác khuyến học ngoài nhà trường. Nhiệm vụ của Hội khuyến học tỉnh là hết sức nặng nề và to lớn. Bên cạnh việc xây dựng phong trào khuyến học, động viên phong trào khuyến tài để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trên địa bàn tỉnh. Quỹ Khuyến học, khuyến tài mang tên giáo sư Ngụy Như Kon Tum đóng góp một phần rất to lớn, thiết thực trong việc xây dựng xã hội học tập. Vì quỹ khuyến học là mũi nhọn trong việc khuyến khích và hỗ trợ sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học, Hội đang hết sức quan tâm xây dựng nguồn quỹ để giúp cho trên 6.000 học sinh nghèo hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh có cơ hội được cắp sách đến trường, học hết lớp, hết cấp nhằm nâng cao dân trí, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn Kon Tum, nghèo khó này. Ước mong quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên giáo sư Ngụy Như Kon Tum thuộc Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum không ngừng phát triển, mãi mãi trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 Trần Hồng Thái - Bản tin số 265 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :