Trang chủ   >   >    >  
Phải "chạy" nhanh hơn nữa
Năm 2011 là một năm có nhiều kết quả nổi bật trên các mặt hoạt động của ĐHQGHN. Đây là năm sự phát triển của Nhiệm vụ chiến lược đi vào chiều sâu, tích luỹ của những kết quả khoa học công nghệ được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng lớn, các chương trình hợp tác quốc tế được mở rộng và nâng lên một tầm cao mới... Đây cũng là năm khởi đầu cho nhiều chủ trương, định hướng quan trọng... Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, phản ánh một bước phát triển của ĐHQGHN trên con đường thực hiện sứ mệnh đào tạo nghiên cứu đạt chuẩn chất lượng cao, theo các chuẩn mực quốc tế. Liên quan đến các vấn đề trên, GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đã dành cho Bản tin một cuộc phỏng vấn:

  • Trọng tâm của Nhiệm vụ chiến lược là đào tạo đội ngũ cán bộ
Thưa Giáo sư, nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới các chuẩn mực quốc tế là mục tiêu của nhiều cơ sở đào tạo đại học Việt Nam, vậy đâu là giải pháp đột phá và riêng biệt của ĐHQGHN trong việc thực hiện mục tiêu này ?
ĐHQGHN là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có sứ mệnh chất lượng cao, trình độ cao nên việc chú trọng tới chất lượng và tìm giải pháp đẩy nhanh quá trình đạt chuẩn quốc tế được đặc biệt coi trọng. Và tất nhiên những giải pháp này vừa phù hợp với quy luật chung vừa phải xuất phát từ đặc thù Việt Nam và hoàn cảnh cụ thể của ĐHQGHN. 
Người ta nói rất nhiều về đào tạo đạt chuẩn quốc tế nhưng làm thế nào đạt chuẩn quốc tế là công việc hoàn toàn không đơn giản. Có nhiều phương thức khác nhau để đạt được mục tiêu này. Có thể xây dựng mới hoàn toàn các trường đại học đẳng cấp quốc tế như Trường Đại học Việt - Pháp, Việt - Đức, nhằm có được ngay những công nghệ đào tạo mới, chương trình tốt và có sự giúp đỡ của các giáo sư nước ngoài ở các đại học tiên tiến. >> GS.TSKH Vũ Minh Giang
Trong hoàn cảnh kinh phí hạn hẹp nhưng có lợi thế về đội ngũ cán bộ và quan hệ quốc tế sâu rộng, ĐHQGHN đã tìm ra con đường phù hợp. Đó là chọn những ngành, chuyên ngành đã cận kề với trình độ quốc tế, đội ngũ giảng dạy có kinh nghiệm đã từng học tập, giảng dạy nghiên cứu tại nước ngoài, hệ thống thiêt bị cơ sở vật chất tiên tiến, có những chương trình đào tạo tương đương các đại học nước ngoài để tập trung đầu tư đẩy nhanh quá trình nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Từ các ngành ấy sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ở quy mô đại trà. Đây là con đường đi lâu dài và đặc trưng của ĐHQGHN, gọi là Nhiệm vụ chiến lược. Đó là cách đi bắt đầu từ một số ngành, chuyên ngành, tạo điều kiện để đẩy nhanh chất lượng đào tạo lên.
Vậy kết quả nổi bật nhất của NVCL năm 2011 là gì, thưa Giáo sư ?
Trong năm 2011, cái mới rất căn bản đối với NVCL không phải là xây dựng thêm bao nhiêu đề án thành phần mới, mà là rút ra được những nhận thức quan trọng sau:
Một là phải đánh giá đúng chuyên ngành định đầu tư, định lượng xem mức độ cận kề quốc tế đến đâu. Có thể ngành học đó tên rất hay, lĩnh vực rất được xã hội quan tâm, nhưng sự chuẩn bị của nó chưa đủ đầy thì việc phát triển ngành ấy đạt trình độ quốc tế sẽ rất khó khăn. Rồi sự chuẩn bị của đội ngũ lãnh đạo quản lý, sự sẵn sàng và đủ năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng rất quan trọng... Dù tiêu chuẩn này luôn được nhắc đến ngay từ đầu khi triển khai các đề án, song thực tế việc xây dựng Nhiệm vụ chiến lược còn tập trung nhiều vào các ý nghĩa khác như: tiêu chí đáp ứng thực tế xã hội, ... Cần đánh giá đúng các ngành được chọn đã thực sự cận kề trình độ quốc tế hay chưa - đây rõ ràng là một nhận thức mới nhưng cực kỳ quan trọng. Cho nên, trong năm tới đây, khi mở ngành mới sẽ tập trung xem xét kỹ tiêu chí ấy.
Nhận thức thứ hai cũng quan trọng không kém, đó là trước đây, còn không ít người cho rằng khi triển khai NVCL thì yếu tố tiên quyết là phải có tiền để mua thiết bị, công nghệ, phòng thí nghiệm hiện đại. Đúng là phải nhanh chóng hiện đại hoá cơ sở vật chất, nhưng coi đó là điều kiện tiên quyết và căn bản thì sẽ gặp ngay những khó khăn không thể giải quyết được. Để phát triển một ngành hay một chuyên ngành lên đẳng cấp quốc tế, điều căn bản, có ý nghĩa sống còn phải là đội ngũ cán bộ, tức là NVCL phải tập trung vào việc đào tạo máy cái. Đây là nhận thức rất quan trọng của ĐHQGHN. Do đó, ĐHQGHN chủ trương phải tập trung mọi nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn lực con người với mục tiêu trong một thời gian nhất định có thể xây dựng được một đội ngũ giảng dạy đạt chuẩn quốc tế. Có đội ngũ giáo viên, cán bộ đạt trình độ quốc tế sẽ kéo theo tất cả các yếu tố khác. Còn nếu bắt đầu từ đầu tư máy móc, thiết bị mà giáo viên, người sử dụng thiết bị không đạt trình độ quốc tế thì chúng ta sẽ thất bại.
>> Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác thăm viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN
>> Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác thăm viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN.
Với hai nhận thức quan trọng, căn bản trên, năm 2012 tới đây, ĐHQGHN sẽ rất thận trọng trong việc mở thêm ngành mới mà tập trung củng cố các ngành đang có để nâng lên đẳng cấp quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ.
Trong năm 2011, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội rất quan tâm đến việc đổi mới tuyển sinh, xin Giáo sư cho biết sự chuẩn bị của ĐHQGHN về vấn đề này ?
Trong lĩnh vực đào tạo, tuyển sinh hiện đang là một vấn đề rất nóng bỏng. Thực trạng tuyển sinh của ta hiện nay là thi cử rất khó khăn nhưng sự tuyển chọn theo đúng người mình cần chưa phải là tối ưu. Phương thức thi kiểm tra kiến thức như hiện nay có rất nhiều hạn chế. Hiện tượng điểm liệt vì lệch tủ, tệ quay cóp khó ngăn chặn, việc bảo mật đề thi khó khăn..., gây áp lực rất lớn đối với mỗi kỳ thi. Rõ ràng là cách thức thi cử lấy việc kiểm tra kiến thức là mục đích chủ yếu thì kĩ năng đánh giá được chỉ là nhớ. Mà khả năng nhớ chưa phải là tất cả những gì cần cho người học đại học và sau đại học. Từ đó “đẻ” ra việc người ta phải nhớ rất nhiều, trong khi thời đại bây giờ, cần phải dạy cho người ta cách tìm thông tin chứ không phải cách chôn sâu kiến thức trong đầu. Trên thế giới từ lâu rồi người ta đã không còn làm thế. Nếu áp dụng phương thức thi như hiện nay thì rất khó đánh giá, kiểm tra những kỹ năng phân tích, tổng hợp, chỉ số thông minh...
Xuất phát từ thực tiễn như vậy, ĐHQGHN chủ trương phải thay đổi một cách căn bản phương thức tuyển sinh. Theo đó, phương thức mới phải dựa trên nguyên tắc đánh giá năng lực người học, chứ không phải kiểm tra các kiến thức cụ thể. Đề thi phải tập hợp rất nhiều tri thức khác nhau mà không yêu cầu người làm bài thi phải thuộc lòng, có khi chỉ là những kiến thức rất phổ thông nhưng để giải nó, người học phải huy động khả năng xét đoán, phân tích, đánh giá... Năm học vừa qua, ĐHQGHN đã áp dụng thành công phương thức tuyển sinh này trong kỳ thi sau đại học ở một số môn, ngành và cho kết quả rất tốt.
Với ý nghĩa đó, ĐHQGHN sẽ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề án đổi mới, cải cách phương thức tuyển sinh, từ đánh giá kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học, tiên phong thực hiện từ ĐHQGHN rồi mở rộng ra toàn hệ thống giáo dục.
>> GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN đi khảo sát các di tích trong Khu lưu niệm Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phục vụ cho việc xây dựng Không gian văn hóa Nguyễn Du, tạo thành một trọng điểm của du lịch quốc gia.
Năm học 2010-2011, ĐHQGHN đã triển khai một chủ trương đột phá: đào tạo liên thông đối với môn ngoại ngữ và các môn chung nhằm phát huy lợi thế chuyên môn hoá của các đơn vị đào tạo, phát huy hiệu quả cơ cấu đa ngành, liên thông liên kết trong ĐHQGHN, Giáo sư có thể cho biết các kết quả đạt được của chủ trương này?
ĐHQGHN đã và đang tiến hành các chương trình đào tạo liên thông, ví dụ: các môn học chung như ngoại ngữ tập trung giảng dạy ở cơ sở ngoại ngữ hàng đầu là Trường ĐH Ngoại ngữ. Trước đây, các đơn vị tự dạy ngoại ngữ cho sinh viên ở cơ sở của mình nên việc dạy chưa có tính chuyên nghiệp cao. Sinh viên không có điều kiện học tại môi trường ngoại ngữ hàng đầu, giờ đây việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên năm thứ nhất trong toàn ĐHQGHN do Trường ĐH Ngoại ngữ đảm nhiệm. Điều này giúp nâng cao trình độ của sinh viên. 
Cũng có ý kiến cho rằng ngoại ngữ nên được giảng dạy gắn với chuyên môn, nhưng ý kiến như vậy là không đúng với bản chất của ngoại ngữ. Chuyên ngành thì quan trọng là thuật ngữ. Mà thuật ngữ chuyên ngành thì chủ yếu sinh viên phải tự học. Hạn chế lớn nhất của sinh viên tốt nghiệp hiện nay là không sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp bình thường. Chủ trương trên đã được thực hiện và rõ ràng đến thời điểm này đã cho thấy những kết quả thành công.
  • Khoa học công nghệ: đặt trọng tâm vào các chương trình, nhiệm vụ quốc gia
Giáo sư cho biết những thành tích nổi bật nhất của KHCN ĐHQGHN năm vừa qua?
Năm vừa qua là năm “được mùa” của nhiều đợt xét thưởng các cấp, do đó cũng là dịp các thành tựu khoa học của các cán bộ, nhà khoa học của ĐHQGHN được khẳng định và tôn vinh. Có 9 công trình khoa học được vinh danh ở các cấp cao, trong đó có 2 công trình đã được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 công trình được đề nghị giải thưởng Nhà nước, 4 công trình được trao giải thưởng KHCN ĐHQGHN bình chọn 5 năm một lần. Đó là thành quả xứng đáng, kết tinh quá trình lao động khoa học không ngừng nghỉ của các thế hệ nhà khoa học ĐHQGHN.
KHCN có những công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có chất lượng cao và tạo hiệu ứng xã hội tốt. Ví dụ, Khoa Hoá học, Trường ĐHKHTN chế tạo thành công Biodiezen - dầu chạy máy làm bằng nguyên liệu sinh học, bước đầu được đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Dù giá trị kinh tế của công trình này chưa cao, quy mô ứng dụng chưa lớn nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bảo vệ môi trường. Về mặt khoa học xã hội, Báo cáo kinh tế thường niên bằng tiếng Việt và tiếng Anh của tập thể tác giả Trường ĐH Kinh tế được đánh giá tốt. Đây là báo cáo khoa học độc lập với các đánh giá chính thức của cơ quan bộ, ngành, Chính phủ, là đối chứng rất cần thiết, khách quan cho các cơ quan quản lý và xã hội. Với những dự đoán khá chính xác cũng như ảnh hưởng mà công trình này mang lại, tác giả của Báo cáo kinh tế thường niên đã được mời vào nhóm cố vấn riêng cho Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2011 cũng là năm nhiều dự án nghiên cứu lớn được xây dựng thành công như những dự án nghị định thư, hợp tác quốc tế, đặc biệt có dự án được tổ chức Jaica (Nhật Bản) tài trợ có giá trị tương đương 6 triệu đô la Mỹ.
Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã tiên phong triển khai một chủ trương lớn trong NCKH, đó là hợp tác toàn diện với các địa phương để tiến hành các nghiên cứu vùng, phục vụ sự phát triển bền vững của địa phương, mà hai đối tác tiêu biểu là Quảng Ninh và Hà Giang. Với Quảng Ninh, ĐHQGHN đã và đang thực hiện một số dự án về môi trường và du lịch. Với Hà Giang, ĐHQGHN đã và đang phối hợp xây dựng một đề án phát triển lớn gắn với nội dung bảo tồn và khai thác công viên địa chất toàn cầu ở Đồng Văn.
Vậy nhiệm vụ KHCN trọng tâm trong năm tới là gì, thưa Giáo sư?
ĐHQGHN đã cam kết với Chính phủ là NCKH của ĐHQGHN sẽ tạo ra các sản phẩm quốc gia, với giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Dựa vào mục tiêu Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, ĐHQGHN lựa chọn và đề xuất một số nhiệm vụ chủ yếu để tập trung đầu tư phát triển thành sản phẩm KHCN quốc gia trong giai đoạn tới. Đó là: Xây dựng bộ tư liệu chuẩn quốc gia về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Xây dựng hệ thống mô hình dự báo khí tượng thủy văn và tài nguyên biển phục vụ phòng tránh thiên tai và khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển Việt Nam; Mô hình và hệ giải pháp phát triển bền vững nông thôn và nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Mô hình và hệ giải pháp quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững vùng biên giới trên đất liền và trên biển... Bên cạnh đó, các nhóm sản phẩm KHCN đỉnh cao có khả năng phát triển thành thương phẩm cũng sẽ được tập trung triển khai nghiên cứu như: Phát triển công nghệ nano ứng dụng trong y học, sinh học, môi trường và năng lượng; Công nghệ sản xuất và các sản phẩm trợ sinh Probiotic thế hệ mới; Hệ thống dẫn đường thời gian thực INS/GPS cho các phương tiện chuyển động hai chiều, ba chiều kết hợp giám sát tại trạm cơ sở mặt đất; Phát triển công nghệ sạch - đồng dung môi sản xuất diesel sinh học; Phát triển sản phẩm vi sinh bổ sung thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu chế tạo vật liệu nano sét nhằm xử lý ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu...
Trên đây đều là những sản phẩm mang tính liên ngành rất cao mà ĐHQGHN có đủ điều kiện về kinh nghiệm, về nguồn nhân lực và khả năng tổ chức thực thi.
  • Quan hệ quốc tế: bức tranh với nhiều điểm sáng
Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò của quan hệ quốc tế (QHQT) đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và sứ mệnh mà ĐHQGHN được giao ?
QHQT không chỉ là hoạt động đối ngoại đơn thuần mà còn là kênh quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, thương hiệu trên tất cả các lĩnh vực của ĐHQGHN, đồng thời cũng là kênh tiếp thu các nguồn lực cho phát triển. Phát huy ảnh hưởng uy tín ra bên ngoài nhưng cũng đồng thời là phải tiếp thu các nguồn lực là hai nhiệm vụ song song quan trọng. Đó cũng là kênh mà chúng ta “soi” mình để không bị tụt hậu với khu vực và thế giới.
Vậy hoạt động quan hệ quốc tế năm vừa qua đã có những hoạt động nổi bật gì, thưa Giáo sư ?
QHQT năm vừa qua của ĐHQGHN có rất nhiều điểm sáng đáng chú ý. Bênh cạnh việc xây dựng thành công nhiều dự án hợp tác quốc tế lớn, thì năm 2011 có rất nhiều các đoàn nguyên thủ cấp cao của thế giới đã đến thăm và làm việc tại ĐHQGHN như Tổng thống Ca-dắc-xtan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Israel, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đài Loan... Đây là sự tiếp nối truyền thống đã được tích luỹ từ nhiều năm qua khi ĐHQGHN luôn được tin tưởng, trở thành gương mặt đại diện tiêu biểu của quốc gia trong lĩnh vực khoa học, giáo dục và đào tạo đại học. Đây đều là những sự kiện nổi bật, phản ánh vị thế của ĐHQGHN lên cao, đồng thời qua đó, vị thế, hình ảnh ĐHQGHN cũng được biết đến ngày càng rộng rãi hơn trong cộng đồng quốc tế.
Lãnh đạo ĐHQGHN cũng được tham gia nhiều đoàn chính thức của các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cao cấp như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm nước ngoài... Những chuyến công tác đó giúp ĐHQGHN có cơ hội tiếp xúc với nhiều đối tác quốc tế, mở rộng quy mô hợp tác liên chính phủ và có những ký kết rất giá trị.
Trong đào tạo, ĐHQGHN xây dựng thành công một số ngành đào tạo mới có tính liên ngành và tính quốc tế cao như: chương trình Thạc sỹ Biến đổi khí hậu với triển vọng sẽ được sử dụng đào tạo trong toàn Đông Nam Á; chương trình Thạc sỹ Khoa học bền vững trên cơ sở hợp tác với các đại học của Nhật Bản, Hoa Kỳ. Trong Đề án 165, ĐHQGHN cũng hợp tác với các đại học hàng đầu thế giới xây dựng thành công nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, mà năm 2011 vừa qua đã cho ra đời những sản phẩm đào tạo đầu tiên như chuyên ngành Thạc sỹ Quản lý Công - hợp tác giữa Trường ĐH Kinh tế và Đại học Uppsala (Thuỵ Điển)...
Quan hệ quốc tế trong năm tới sẽ hoạt động theo định hướng nào thưa Giáo sư?
QHQT năm tới sẽ tiếp tục hoạt động theo một chủ trương thống nhất từ trước tới nay là mở rộng quan hệ hợp tác tăng thêm nguồn lực, nâng cao thương hiệu vị và thế của ĐHQGHN. Cụ thể, ĐHQGHN sẽ tập trung khai thác có hiệu quả các mối quan hệ hợp tác với các đại học đẳng cấp lớn, đưa các mối quan hệ này vào việc thực chất nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, hợp tác lên một tầm cao mới. Ví dụ như các hoạt động hợp tác trong Besetoha - diễn đàn 4 đại học chủ chốt Đông Á - mà ĐHQGHN là một thành viên tích cực. Chúng ta cũng đã ký văn bản hợp tác chính thức với nhiều đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới như Đại học Chicago (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Anh)... Hiện thực hoá các mối quan hệ hợp tác đó thực sự là cơ hội lớn cho ĐHQGHN nhưng cũng là một việc không hề dễ dàng.
>> Ký kết hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Chicago Ảnh: Bùi Tuấn
Tháng 5/2011, lần đầu tiên bảng xếp hạng QS của các trường đại học châu Á xướng tên ĐHQGHN lọt vào top 30 các trường đại học của Đông Nam Á; 04 lĩnh vực của ĐHQGHN lọt vào nhóm 200 các trường đại học châu Á. Giáo sư nhìn nhận thế nào về kết quả này?
Đây tất nhiên là một kết quả đáng mừng, nhưng cũng phải đi vào thực chất vấn đề là: Không phải trước kia ĐHQGHN không có thực lực đứng tại các vị trí cao trong các bảng xếp hạng, mà là chúng ta chưa biết cách trình bày những gì mình có. Dân gian có câu “Áo gấm đi đêm” - mặc đẹp mà không ai trông thấy thì sẽ không ai biết. Rõ ràng đây không phải là những gì mới về mặt “chất”, mà là trước đây chúng ta làm được rất nhiều thứ nhưng chưa biết cách nói ra. Nói cách khác là chúng ta có áo gấm nhưng bây giờ mới đàng hoàng đi giữa ban ngày.
Cho nên, thành tích trên là kết quả gián tiếp của những nỗ lực không ngừng của ĐHQGHN trong một thời gian dài, với chủ trương đúng và những bước đi hợp lý trong từng giai đoạn; là kết quả trực tiếp của việc chúng ta đã biết sắp xếp và phô ra những thứ mình có theo đúng những tiêu chí đánh giá của các bảng xếp hạng, và cuối cùng đã cho ra những kết quả tốt.
- Vậy từ giờ về sau thì sao thưa Giáo sư?
Thế giới hiện đang “chạy” với tốc độ nhanh nên nếu chúng ta thoả mãn với những gì đang có thì sẽ tụt hậu. Thời điểm này chúng ta đang nằm ở top 200, thì phải chạy nhanh hơn nữa để có thể vào top 100 cũng như chiếm lĩnh những mục tiêu khác mà chúng ta đã đề ra.
 

 

 Thanh Hà (thực hiện) - Bản tin số 250 - Tháng 01/2012
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: