Trang chủ   >   >    >  
55 năm ấy biết bao nhiêu tình!
Là một trong 4 khoa cơ bản đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956, đến nay khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã có 55 năm xây dựng và phát triển. Trải qua hơn nửa thế kỷ, đây là nơi sản sinh ra một đội ngũ nhà giáo nhà khoa học với nhiều tên tuổi nổi tiếng, với nhiều “di sản” sử học đồ sộ.

Đến nay, Khoa đã có 14 cán bộ được phong học hàm GS, 26 người được phong học hàm PGS, 04 người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 04 người được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, 11 người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 10 người được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Sản phẩm đào tạo của Khoa gồm 5500 cử nhân, gần 500 thạc sỹ và 112 tiến sĩ.
Khoa đã công bố gần 5500 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình mang ý nghĩa nền móng về lịch sử Việt Nam, có những phát hiện và đóng góp lớn về mặt khoa học và thực tiễn. Bên cạnh những bộ Sử chính thống, đồ sộ về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, Khoa Sử cũng để lại dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu của văn hoá và lịch sử như: văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun của quá trình văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh; lịch sử chống ngoại xâm và các giá trị truyền thống của dân tộc; về làng xã, nông nghiệp, nông dân; về đô thị và đô thị hoá; về biến đổi kinh tế, văn hoá xã hội thời kỳ cận đại; tiếp xúc và giao lưu văn hoá; quan hệ Việt Nam và khu vực... Mới đây, một trong những đóng góp khoa học xuất sắc của Khoa Lịch sử là nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, với 23/94 đầu sách trong tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến vừa được xuất bản nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm 2000, Khoa lịch Sử vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Dưới đây là chia sẻ của những đại thụ về cái nôi của Sử học nước nhà:
GS. Viện sĩ, NGND Phan Huy Lê
Khi Khoa Sử kỷ niệm 55 năm thì cảm nhận đầu tiên của tôi là thời gian trôi qua thật nhanh. Dù vẫn biết đó là quy luật tự nhiên của tạo hoá, theo năm theo tháng, theo nhịp đập tự nhiên của thời gian. Tôi nhớ đến những ngày đầu thành lập Khoa Sử, tưởng nhớ đến các vị thầy của thế hệ chúng tôi - những người sáng lập ra Khoa Sử, đồng thời cũng là những người đã khai sáng cả nền Sử học hiện đại Việt Nam. Đó là các Giáo sư: Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh... Đó cũng là vinh dự rất lớn cho Khoa Sử của chúng ta. Khi Khoa Sử thành lập, lớp chúng tôi là tập sự trợ lý đầu tiên của Nhà trường - những cán bộ giảng dạy trẻ, cho nên vinh dự của thế hệ chúng tôi là được gắn liền tuổi nghề của mình với tuổi của Khoa Sử. Khoa Sử bao nhiêu tuổi thì chúng tôi có bấy nhiêu năm tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo. Hồi tưởng lại những bước đi của Khoa Sử, có không ít thăng trầm, không ít chông gai, nhưng rõ ràng đó là con đường trưởng thành và phát triển không ngừng.
Tôi rất mừng và tự hào về thành tích của Khoa Sử trong 55 năm qua: đã đào tạo cho đất nước 7000 cán bộ các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, để lại cho nền Sử học Việt Nam trên 5000 công trình nghiên cứu. Các cựu sinh viên Khoa Sử gần như có mặt ở tất cả các lĩnh vực hoạt động trên khắp đất nước. Tôi có một niềm vui sướng là gần như đi đến đâu, làm việc ở bất cứ ngành nào, cơ quan nào cũng đều gặp các thế hệ sinh viên Khoa Sử. Trong đó có nhiều người đã trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước hoặc là những nhà khoa học chủ chốt trong các lĩnh vực chuyên môn của mình. Niềm vui mừng đó còn đến với tôi trực tiếp hơn nữa là trong các hoạt động khoa học của mình, tôi được làm việc với các giáo sư, nhà khoa học mà phần lớn đều xuất thân từ khoa Sử. Chúng tôi đã cùng làm việc, vừa với quan hệ đồng nghiệp, vừa với tình nghĩa thầy trò thân thuộc. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất dành cho một nhà giáo, cho những người đã từng công tác tại Khoa.
Nhìn lại tiến trình hơn nửa thế kỷ, điều mà Khoa Sử và tất cả các thế hệ sinh viên Khoa Sử có quyền tự hào là cho đến tận hôm nay, Khoa Sử vẫn giữ được vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu về lịch sử mạnh nhất của đất nước. Đó là công lao cống hiến của Khoa Sử và của biết bao thế hệ nhà giáo, sinh viên chúng ta. Tôi mong Khoa Sử sẽ không ngừng phát huy vị thế đó trong bối cảnh mới, tiếp tục là đơn vị nghiên cứu và đào tạo mạnh, uy tín cả trong nước và vươn tầm ảnh hưởng ra quốc tế.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN
 Tôi bước chân vào đại học, trở thành sinh viên Khoa Sử năm 1968 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn gay go ác liệt. Chúng tôi đã phải tự tay chặt tre, đẵn gỗ dựng nhà, làm lớp học. Cuộc sống sinh viên kham khổ về vật chất nhưng vô cùng phong phú về tinh thần đã rèn đúc nên chúng tôi, in dấu ấn đậm nét lên khoá 13 chúng tôi thành cái tên lớp Trại Chuối.
Tôi đã có dịp trải qua những năm tháng quân ngũ, có mặt ở chiến trường và giờ đây đã là một Tiến sĩ Khoa học đủ sức đứng trên bục giảng của Đại học Quốc gia Tokyo dạy cho sinh viên Nhật Bản về lịch sử dân tộc Việt Nam, tôi vẫn không hề quên tôi đã từng được rèn giũa và trưởng thành từ lớp Trại Chuối của Khoa Sử.
Với tôi, những cụm từ lớp Trại Chuối, Khoa Sử đã trở nên rất đỗi gần gũi thân thương. Đó là niềm tự hào của tôi, là nơi che chở cho tôi những khi phong ba bão táp, tôi luôn giữ trọn trong tim những tình cảm thiêng liêng nhất với Khoa Sử.
PGS.TSKH.NGƯT Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử
Khoa Lịch sử xứng đáng với Dân tộc, Nhân dân, Tổ quốc, Thời đại mình bằng chính những con người, những công trình lao động cụ thể: Đó là đội ngũ 197 các thầy cô giáo, cán bộ các thế hệ ở khoa đã chắt, vắt mình trong giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, giáo dục và rèn luyện sinh viên, học viên. Đó là trên 5500 công bố khoa học - với những công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, giải thưởng khoa học công nghệ của Bộ, của ĐHQGHN, tạo thành nền tảng chất lượng các bài giảng, giáo trình, trực tiếp phục vụ giảng dạy và phổ biến trong đời sống xã hội, cung cấp luận cứ khách quan cho các cấp lãnh đạo, hoạch định chính sách trong quản lí, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hoá, xã hội và hội nhập quốc tế. Thành quả đó kết tinh ở các thầy giáo khai sáng: GS. Trần Văn Giàu, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Phạm Huy Thông... - mà sự nghiệp, nhân cách, công trình khoa học đã trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của nền khoa học Việt Nam. Thành quả đó cũng được kết tinh trong “Tứ trụ huyền thoại” mà gần gũi với tất cả chúng ta, đã gắn bó với khoa từ thời khai mở: GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Viện sĩ Phan Huy Lê, GS. Hà Văn Tấn, GS. Trần Quốc Vượng; kết tinh trong lớp cán bộ đầu của khoa - những Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú: Phan Hữu Dật, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Lê Mậu Hãn, Vũ Dương Ninh, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Hồng, Hoàng Văn Khoán, Hán Văn Khẩn, Nguyễn Thừa Hỷ... 55 năm qua, các thầy cô là hình ảnh cụ thể, là hiện thân của Khoa Sử.
Tri thức sử học, năng lượng nhân văn... nhất quán, hoá thân trong nhân cách, năng lực của các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ - trước hết và luôn là những công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, với nhân dân, Tổ quốc - thành năng lực nghiên cứu, xử lý thích ứng, sáng tạo trước yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là bằng chứng sinh động về kết quả đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân văn, phẩm chất làm người, là gia tài lớn, là niềm tự hào của khoa Sử. Tầm vóc và uy tín của Khoa Lịch sử sẽ không có như ngày hôm nay nếu không có các anh, các chị. 
PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học
Gia đình chúng tôi là một trong số không nhiều những gia đình có hai thế hệ được may mắn từng là sinh viên và sau này lại là cán bộ giảng dạy của Khoa Lịch sử. Khoa Lịch sử là nơi chúng tôi không chỉ được học và làm việc mà còn là nơi chúng tôi trưởng thành, gắn bó và có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Hơn 20 năm qua, những khi sum họp, câu chuyện của gia đình tôi vẫn thường nhắc về những kỷ niệm khó quên gắn liền với Khoa Lịch sử: Những năm mới ở lại trường, đời sống khó khăn trong bối cảnh chung của đất nước khi đó, vợ tôi (PGS.TS Vũ Thị Phụng - Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, cựu sinh viên khoá 21 Khoa Lịch sử) vẫn hay kể lại, sáng thứ hai hàng tuần, cô ấy thường lên Khoa sớm, đi qua đi lại chỗ làm việc của chị văn phòng vẫn hay phát lương, nhưng không thấy chị gọi lại lấy lương, đành lặng lẽ về Mễ Trì, căng đầu tìm cách làm sao để có tiền mua rau, mua trứng cho con. Thời đó vay mượn đâu có dễ vì ai cũng khó khăn như nhau. Đã có thời điểm chúng tôi phải cân nhắc, đắn đo và bàn nhau: có lẽ một trong hai đứa phải rời Khoa Sử, từ bỏ niềm đam mê khoa học để đi sang cơ quan khác với hy vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn. May thay, chúng tôi không phải rời Khoa vì lý do cơm áo. Nhờ thầy cô, bạn bè chia sẻ, chúng tôi đã ở lại cùng nhau, nuôi cả niềm đam mê với lĩnh vực chuyên môn mà chúng tôi đã chọn và theo đuổi.

 

 Thanh Hà (tổng hợp) - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: