Trang chủ   >   >    >  
Ranh giới không rõ ràng
Sự nổi bật của thành phần đại học vì lợi nhuận không chỉ liên quan đến việc mở rộng giáo dục đại học mà còn là do đặc điểm của chính nó. Không thể phủ nhận rằng có những thứ không rõ ràng cả trong ba thành phần của giáo dục đại học: đại học tư vì lợi nhuận, đại học tư phi lợi nhuận, và đại học công. Nhưng chỉ khi các nhà khoa học vạch ra sự khác biệt cơ bản giữa đại học tư phi lợi nhuận với các trường đại học công, chúng ta mới có thể thấy rõ hơn sự khác biệt giữa đại học tư vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Ranh giới không rõ ràng (pdf)

Một thành phần không dễ nhận rõ

Định nghĩa thế nào là các trường vì lợi nhuận không phải dễ dàng. Trở ngại lớn nhất trong những thuật ngữ này là rất nhiều trường được dán nhãn phi lợi nhuận một cách hợp pháp thực chất lại là những trường vì lợi nhuận. Thêm vào đó, một số nước không cấm đoán nhưng cũng không cho phép việc thành lập những trường vì lợi nhuận, mà đơn giản chỉ là không nhắc đến nó trong bối cảnh nói về giáo dục. Tuy vậy, sự hiểu lầm khá phổ biến về bản chất của các trường phi lợi nhuận càng khiến vấn đề thêm mơ hồ. Hơn nữa, bên ngoài nước Mỹ, nói tới “tư nhân” thường là nói tới kinh doanh hay theo đuổi lợi nhuận. Tuy vậy, các trường phi lợi nhuận chẳng vi phạm quy tắc gì khi họ theo đuổi lợi nhuận nếu như lợi nhuận không đem chia cho các chủ sở hữu. Lợi nhuận được tái đầu tư cho nhà trường, có thể qua những lĩnh vực cần được trợ giúp, hoặc để xây dựng những cơ sở mới hay ngành học mới, là hoàn toàn hợp pháp đối với các trường phi lợi nhuận. Sự bất hợp pháp phổ biến là ở các hình thức phân phối lợi nhuận, chẳng hạn những bổng lộc xa hoa dành cho các thành viên gia đình, những người có thể được đưa tên vào danh sách cán bộ nhân viên của nhà trường cho có. Điều này là một thực tế phổ biến và đã góp phần thúc đẩy nhà nước Brazil trong thập kỷ 90 thế kỉ trước cho phép các trường hoạt động vì lợi nhuận một cách hợp pháp: thà là vậy để các trường vì lợi nhuận phải đóng thuế còn hơn là mang danh phi lợi nhuận nhưng thực chất không phải vậy. 

Biên giới không rõ ràng và thực tế chồng chéo giữa vì lợi nhuận và phi lợi nhuận không phải chỉ xảy ra với giáo dục đại học. Đây là một vấn đề đáng quan tâm đã tồn tại từ lâu trong nhiều tư liệu về các tổ chức phi lợi nhuận và những khác biệt giao nhau với các thành phần vì lợi nhuận khác. Sự lẫn lộn ấy ngày nay càng thêm tồi tệ vì các tổ chức phi lợi nhuận đang tự thương mại hóa bản thân họ nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể thấy điều này biểu lộ rất rõ trong giáo dục đại học, thậm chí kể cả trong một số trường công, các trường đang đi theo con đường thương mại. Hơn nữa, ngay cả khi được định nghĩa rõ ràng là phi lợi nhuận, tính chất “giáo dục đại học” của các trường cũng vẫn mơ hồ. Điều này đặc biệt nổi bật ở các trường chuyên về đào tạo nghề (training institutions) (“đào tạo” hiểu theo nghĩa trái với “giáo dục”). Các nhà sáng lập nhà trường có thể dựa vào luật kinh doanh, sau đó là luật giáo dục, trong khi chỉ luật kinh doanh mới cho phép hoạt động vì lợi nhuận một cách hợp pháp, và biên giới thực sự giữa hai thứ luật ấy là rất khó nắm bắt. Cuối cùng thì quan hệ đối tác trong nước phát triển ngày càng mạnh giữa các trường công và các trường vì lợi nhuận, đôi khi gây ra tình trạng không rõ ràng về bản chất của một đơn vị hay một tổ chức. Trong các hoạt động xuyên biên giới, những trường nước ngoài có thể là trường công hoặc phi lợi nhuận một cách rõ ràng ở chính nước họ, khi liên kết với các tổ chức tư nhân ở ngoài nước, thì bản thân họ hành động y hệt như những tổ chức vì lợi nhuận.

Những điểm mơ hồ lẫn lộn giữa các thành phần công tư, vì lợi nhuận và phi lợi nhuận ngày một tăng thêm. Về mặt bắt buộc, các luật lệ và quy định của nhà nước có thể đặt một số hành vi cụ thể nào đó ra ngoài vòng pháp luật, chẳng hạn Ấn độ cấm thu học phí quá cao.  Về mặt không bắt buộc, các bộ phận giáo dục đại học có thể có những lựa chọn khác nhau nhằm cạnh tranh với nhau, như đào tạo cho một thị trường lao động cụ thể bằng cách tạo ra thay đổi trên thị trường hay trong thực tiễn xã hội. 

Ngay cả khi định nghĩa “vì lợi nhuận” trong giáo dục đại học chỉ trong một phạm vi nhất định chúng ta cũng phải công nhận rằng các tổ chức vì lợi nhuận khó có thể biểu hiện chỉ dưới một hình thức nào đấy. Một số trường rất lớn, đứng đầu là University of Phoenix hiện nay đang đạt tới con số 400.000 sinh viên. Cũng như Phoenix, một số trường như thế có nhiều cơ sở đào tạo khác nhau và trong số đó có những cơ sở đào tạo từ xa. Phoenix là một phần của tập đoàn Apollo, vốn là một tập đoàn hoạt động trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, dây chuyền vì lợi nhuận quốc tế lớn nhất là Laureate, hoạt động mạnh nhất ở châu Mỹ Latin, và kế tiếp là châu Âu. Whitney International là một ví dụ khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, các trường vì lợi nhuận ở Mỹ chủ yếu là một số ít các trường hoạt động nội địa, còn các trường vì lợi nhuận ở hầu hết các nước là của một số lớn các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nội địa, thường là các trường nhỏ và do các gia đình làm chủ sở hữu. Dù vậy nhiều trường phi lợi nhuận khác cũng có quy mô nhỏ và do các gia đình làm chủ sở hữu, và hiện nay không có tư liệu đáng tin cậy để so sánh các tổ chức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận về mặt này. Các trường vì lợi nhuận nước ngoài đang đau đầu trong việc phân biệt họ với những tổ chức vì lợi nhuận (hoặc phi lợi nhuận) không đáng tin cậy trong nước, và tất nhiên, như ở Anglophone Caribbean chẳng hạn, họ có thể phải đương đầu với những luật lệ đặc biệt dành cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài.

Sự khác biệt chủ yếu

Sự khác biệt đã được hình thành giữa đại học công và tư đặc biệt rõ ràng khi trường tư là vì lợi nhuận. Nó phục vụ lợi ích cá nhân và vì vậy tương phản với đại học công. Đặc điểm khái quát này được minh họa rõ trong vấn đề tài chính. Trong khi đại học công vẫn tuyệt đối phụ thuộc nguồn ngân sách của chính phủ (tuy được thúc đẩy là phải gắn với các quỹ tư nhân để có thêm nguồn lực), thì trái lại các trường tư lớn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào học phí. Một số ngoại lệ là các trường đại học nghiên cứu tư quan trọng nhất của nước Mỹ, thường là phi lợi nhuận, là những trường có liên quan tới nhà thờ Thiên chúa giáo. Hoa Kỳ có lẽ là quốc gia duy nhất cho phép nguồn tiền tài trợ học bổng và cho vay học phí của chính phủ được phân phối cho các sinh viên học tại các trường tư vì lợi nhuận (đã được kiểm định chất lượng).

Ở Mỹ, về mặt quản trị, các trường đại học tư nhìn chung có tính tập trung và có tôn ti trật tự hơn so với trường công, nhất là ở các trường vì lợi nhuận.  Chẳng hạn, trong lúc các giáo sư ở trường tư có khuynh hướng ít quyền lực hơn so với trường công, thì họ có tiếng là chẳng có tí quyền lực nào ở các trường vì lợi nhuận. Thực ra, đôi khi các trường vì lợi nhuận còn khoe khoang về điểm yếu này, cho rằng chính nó cho phép họ tập trung vào các mong muốn của sinh viên. Các trường tư theo đuổi việc giải trình trách nhiệm đối với một nhóm nhỏ các bên liên quan trong lúc trường công đòi hỏi phải giải trình trách nhiệm trước một công chúng rộng rãi.  Khi các trường tư, trong một mức độ nhất định, không tuân theo những điểm khái quát như thế, thì đó thường là những trường phi lợi nhuận. Hơn nữa một điểm tương phản phổ biến là trường công phụ thuộc những quyết định chính sách của nhà nước ở mức độ cao hơn nhiều, còn vai trò của nhà nước đối với các trường tư nhìn chung chỉ là thiết lập nguồn tài chính công dành cho trường hoặc xây dựng những quy định miễn thuế dựa trên những cơ sở hợp lý như đối với các trường phi lợi nhuận chẳng hạn.  Kiểm định chất lượng có thể được tăng cường, tuy nhiên sự nghi ngờ về chất lượng hay động thái hoạt động của các trường vì lợi nhuận có thể gây ra sự cảnh giác thấy rõ đối với các trường vì lợi nhuận hơn là các trường phi lợi nhuận dù rằng một lần nữa phải nhắc lại, các trường vì lợi nhuận đang bị đối xử như những doanh nghiệp chứ không phải theo những quy tắc luật lệ của giáo dục đại học.

 Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những tố cáo của các trường công thường đồng nhất các trường vì lợi nhuận (dựa trên vị trí pháp lý và thái độ ứng xử) với chất lượng kém, gian lận lừa dối và không quan tâm đến giáo dục thực sự.  Các trường vì lợi nhuận có xu hướng phát động những phê phán gay gắt nhất đối với trường công như chậm thay đổi, xa rời lợi ích của “khách hàng-sinh viên” và cán bộ giảng viên, quá xa hoa và khó tiếp cận, mơ hồ về mục tiêu, và ít chịu trách nhiệm cụ thể đối với những người đã cung cấp tài chính cho nhà trường. Ta thường thấy các trường vì lợi nhuận tuôn ra những phê phán ấy với cả trường công lẫn trường tư phi lợi nhuận, khiến hai thành phần này càng ít có điểm phân biệt.

 GS. Daniel C. Levy - TS. Phạm Thị Ly (dịch) - Bản tin số 255
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: