Nhiệm vụ chiến lược
Trang chủ   >  Nhiệm vụ chiến lược  >   Nội dung chi tiết  >   Đào tạo Sau đại học
Bậc đào tạo Sau đại học

Chương trình đào tạo
1. Chương trình đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Phù hợp với Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội về khối lượng kiến thức tối thiểu, về thời gian đào tạo;
b) Kế thừa nội dung, phương pháp giảng dạy, quy trình tổ chức và quản lý đào tạo của chương trình đào tạo phù hợp của trường đại học đối tác, phát huy thế mạnh khoa học của đơn vị, của Đại học Quốc gia Hà Nội; đạt mức độ cao nhất theo các tiêu chí kiểm định chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội;
c) Về cấu trúc của chương trình đào tạo
- Khối kiến thức chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó kiến thức tiếng Anh đạt yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược, được đào tạo theo phương pháp và thời gian phù hợp, tạo tiền đề tốt cho việc đào tạo chuyên môn bằng ngoại ngữ ở giai đoạn sau;
- Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngànhdo đơn vị có đề án thành phần chủ trì xây dựng dựa vào chương trình đào tạo thạc sỹ định hướng nghiên cứu và tiến sỹ của các trường đại học đối tác , đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước;
- Kỹ năng mềm được phát triển thông qua phương thức đào tạo trực tuyến, dạy học các môn chuyên môn, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp liên ngành, các hoạt động đoàn thể và các hoạt động khác;
- Được thể hiện ở hai dạng: theo cấu trúc chương trình đào tạo phù hợp với Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội và theo cấu trúc chương trình đào tạo của trường đại học đối tác. Chương trình đào tạo ở cả hai dạng đều được dịch ra tiếng Anh.
d) Được xây dựng theo quy trình do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định, trong đó có dựa vào chuẩn đầu ra và bằng phương pháp CDIO.
 2. Hội đồng khoa học và đào tạo các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế lựa chọn chương trình đào tạo của trường đại học đối tác phù hợp nhất với  mục tiêu, yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, điều kiện thực tế của Đại học Quốc gia Hà Nội và đơn vị thông qua việc tổ chức các hội thảo để phân tích, đánh giá chương trình của trường đại học đối tác và lấy ý kiến thẩm định nội dung, chuẩn đầu ra. Sau đó bổ sung các môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ liên quan và  Đại học Quốc gia Hà Nội, các môn học mới theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Đồng thời điều chỉnh một số môn học trong chương trình của trường đại học đối tác phù hợp với Việt Nam.
3. Tích hợp chương trình đào tạo thuộc các chương trình TRIG, 165, 911 và các chương trình khác vào chương trình đạt chuẩn quốc tế ở dạng thứ hai nói trên, bổ sung thêm các môn học và những nội dung dành riêng trong chương trình tương ứng mà chưa có trong chương trình đào tạo của Nhiệm vụ chiến lược. Nếu những môn học, nội dung này trong chương trình đào tạo của TRIG, 165, 911 và các chương trình khác trùng với môn học, nội dung trong chương trình Nhiệm vụ chiến lược thì vẫn đánh dấu tương ứng là T*, 165*, 911* cho môn học nâng cao hoặc đánh dấu T**, 165**, 911** cho những môn học mới. Những học viên cao học, nghiên cứu sinh của chương trình TRIG, 165, 911 và các chương trình khác phải học tất cả các môn học của chương trình đào tạo Nhiệm vụ chiến lược và các môn học có ký hiệu bổ sung này để được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở các chuyên ngành thuộc Nhiệm vụ chiến lược. Bố trí học các môn học dành riêng cho chương trình đào tạo TRIG, 165, 911 và các chương trình khác vào học kỳ hè hoặc vào các thời gian khác phù hợp để đảm bảo tổng thời gian đào tạo vẫn là 2 năm đối với thạc sĩ và 3 năm đối với tiến sĩ.
4. Đơn vị chương trình đạt chuẩn quốc tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình đào tạo đã được ban hành. Nếu cần có sự thay đổi, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo và được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt mới triển khai.
5. Không tổ chức đào tạo chương trình đào tạo của hệ chuẩn tương ứng.
Tuyển sinh
Công tác tuyển sinh dựa vào kết quả tuyển sinh sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội trong cùng năm và thực hiện như sau:
1. Đối tượng đăng ký nguyện vọng trực tiếp vào các chương trình đạt chuẩn quốc tế (bậc sau đại học)
a) Tuyển thẳng: Những thí sinh đủ điều kiện chuyển tiếp cao học hoặc nghiên cứu sinh theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Thi tuyển: Thí sinh có kết quả thi tuyển sinh sau đại học (cao học hoặc nghiên cứu sinh) từ điểm chuẩn của chuyên ngành đào tạo tương ứng trở lên.
2. Đối tượng được xét tuyển bổ sung
a) Thí sinh trúng tuyển vào các chuyên ngành khác có cùng đối tượng tuyển sinh và môn thi tuyển sinh trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội nếu có nguyện vọng có thể được tuyển bổ sung vào chương trình đạt chuẩn quốc tế tương ứng. Ưu tiên các thí sinh có kết quả thi tuyển sinh cao, có năng lực nghiên cứu, có trình độ tiếng Anh tốt và có đủ các điều kiện khác theo quy định của các Ban điều hành Nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là các sinh viên đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo tiên tiến, các chương trình đạt chuẩn quốc tế (bậc đại học), chương trình đào tạo chất lượng cao. Xét tuyển theo điểm các tiêu chí từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu;
b) Đối với những ngành dễ tuyển thì trình độ ngoại ngữ của học viên cao học, nghiên cứu sinh phải đạt chuẩn đầu vào là 5,5 IELTS. Nếu không đạt chuẩn này, học viên cao học, nghiên cứu sinh phải tự đóng kinh phí để học tăng cường tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ trước khi vào học chuyên môn;
c) Người nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài được xét tuyển theo quy định của Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Thông tin về tuyển sinh
Thông tin chi tiết về tuyển sinh các chương trình đạt chuẩn quốc tế bậc sau đại học được thông báo rộng rãi (trong đó có đưa lên trên trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội và của các đơn vị) sớm hơn hoặc cùng với thông báo tuyển sinh sau đại học hàng năm. Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế cần thực hiện tốt công tác quảng bá thông tin để thu hút thí sinh giỏi vào học.
Quy mô đào tạo
1. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, khoá đầu tiên của mỗi chương trình đào tạo thạc sĩ chỉ được tổ chức khi một lớp có tối đa 25 học viên đối với các chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn; 15 học viên đối với chuyên ngành ngoại ngữ (nếu có). Các khoá đào tạo tiến sĩ đầu tiên không vượt quá 10 học viên cho một chuyên ngành.
2. Sau khi hoàn thành khoá đào tạo đầu tiên, những chuyên ngành đảm bảo được việc nâng cao chất lượng sẽ được mở rộng quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng.
3. Trong trường hợp có thay đổi quy mô đào tạo, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo và chỉ thực hiện khi được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt.
Ngôn ngữ giảng dạy và học tập
Ngôn ngữ được dùng để giảng dạy và học tập là tiếng Anh và tiếng Việt. Các môn học chuyên môn của chuyên ngành, các chuyên đề tiến sĩ trong chương trình đạt chuẩn quốc tế chủ yếu là tiếng Anh. Trường hợp sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng Anh, đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế phải có văn bản giải trình và được Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt trước khi thực hiện.
Tổ chức giảng dạy tiếng Anh
1. Trong học kỳ thứ nhất
Đối với những học viên cao học, nghiên cứu sinh có trình độ tiếng Anh chưa đạt chuẩn 5,5 IELTS, trước khi học chuyên môn phải học tiếng Anh tăng cường tập trung theo trình độ do Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức trong học kỳ thứ nhất. Nội dung, phương pháp, thời lượng, thời gian và địa điểm học do Trường Đại học Ngoại ngữ quyết định; các đơn vị chương trình đạt chuẩn quốc tế, học viên cao học và nghiên cứu sinh có trách nhiệm thực hiện.
2. Từ học kỳ thứ hai
a) Chương trình dạy tiếng Anh nâng cao được tiếp tục bố trí thêm vào các học kỳ thứ hai trở đi để giúp học viên cao học, nghiên cứu sinh đạt trình độ tiếng Anh 6,0 IELTS hoặc tương đương khi tốt nghiệp.
Trường Đại học Ngoại ngữ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức nâng cao trình độ tiếng Anh chung cho người học bằng các giải pháp thích hợp theo yêu cầu của từng chuyên ngành.
b) Ở thời điểm bắt đầu vào học chuyên môn, đối với những học viên, nghiên cứu sinh đã đạt trình độ tiếng Anh 6,0 IELTS hoặc tương đương  được miễn học tiếng Anh nâng cao, nhưng vẫn phải dự kỳ thi kiểm tra đầu ra tiếng Anh khi tốt nghiệp.
1. Các môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, các chuyên đề tiến sĩ trong chương trình đạt chuẩn quốc tế chủ yếu được bố trí từ học kỳ hai.
2. Đối với các chuyên ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tất cả các môn học phải được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đối với một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có đặc thù, Thủ trưởng đơn vị đề nghị và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội xem xét, quyết định việc áp dụng lộ trình giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh chậm hơn, nhưng ít nhất phải đảm bảo tất cả các môn học trong năm thứ hai (đối vói chương trình đào tạo thạc sỹ) và các chuyên đề tiến sỹ đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, thảo luận, viết báo cáo, viết luận văn, luận án và bảo vệ bằng tiếng Anh.
3. Sau khóa đào tạo đầu tiên, tất cả các môn học chuyên môn phải giảng dạy bằng tiếng Anh. Người nước ngoài giỏi tiếng Anh và tiếng Việt có thể bảo vệ luận văn, luận án bằng tiếng Việt, nhưng luận văn, luận án vẫn phải viết bằng tiếng Anh; trường hợp đặc biệt do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.
4. Đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế có trách nhiệm liên hệ, hỗ trợ học viên cao học và nghiên cứu sinh đi học tập, trao đổi và thực tập khoa học ở trường đại học đối tác hay đại học khác tương đương thuộc các nước nói tiếng Anh bằng kính phí cá nhân; tạo điều kiện cho học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu, viết và gửi đăng báo khoa học bằng tiếng Anh cho các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế.
Giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập
1. Giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu phải được đảm bảo như theo quy định đối với đào tạo đại học nêu ở Điều 18 của Quy định này.
2. Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế phải xây dựng kế hoạch bổ sung các tạp chí chuyên ngành, tài liệu chuyên khảo và các tài liệu có tính đặc thù cho việc tổ chức đào tạo bậc sau đại học và chuyển cho Trung tâm Thông tin - Thư viện mua.
3. Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế chịu trách nhiệm tập hợp kết quả đề tài nghiên cứu điển hình, bài tập tình huống hoặc các nội dung khoa học từ kết quả của các đề tài nghiên cứu khác để phục vụ công tác giảng dạy, học tập.  
Tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học
1. Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế thực hiện tốt việc tích hợp đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.
2. Tất cả học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc Nhiệm vụ chiến lược phải tham gia các hoạt động giảng dạy hoặc hỗ trợ giảng dạy đại học tương ứng (nếu có) và tham gia nghiên cứu khoa học theo yêu cầu và bố trí của Thủ trưởng đơn vị hoặc chủ nhiệm khoa, bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm được uỷ quyền. Nhiệm vụ này phải được thông báo cho học viên cao học và nghiên cứu sinh sau khi kết thúc học kỳ thứ nhất.
3. Các đơn vị, cán bộ hướng dẫn, các chủ nhiệm đề tài, dự án khoa học và công nghệ tạo điều kiện thuận lợi nhất (về tài chính, cơ sở vật chất và các điều kiện khác) giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho từng học viên cao học và nghiên cứu sinh trực tiếp thực hiện trong các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ, khảo sát và nghiên cứu thực tế, viết báo cáo khoa học gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước hoặc báo cáo tại các hội nghị khoa học.
 4. Học viên cao học và nghiên cứu sinh phải trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, kết quả thực hiện luận văn, luận án bằng tiếng Anh định kỳ hàng tháng với tập thể giảng viên hướng dẫn, định kỳ 3 tháng với bộ môn hoặc phòng thí nghiệm và 6 tháng với Thủ trưởng đơn vị.
5. Luận án tiến sĩ được bảo vệ trước hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước có các nhà khoa học uy tín trong nước và ngoài nước tham gia phản biện và làm thành viên hội đồng.
Phương thức kiểm tra, đánh giá và chuyển đổi
1. Kiểm tra đánh giá
Các đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá theo qui định của Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời kết hợp vận dụng kinh nghiệm của trường đại học đối tác có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội, tương tự như đã nêu ở khoản 1, Điều 21 của Quy định này, kể cả việc đánh giá môn học.
2. Chuyển đổi
a) Học viên cao học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế sẽ không được tiếp tục theo học nếu:
 - Không đạt yêu cầu theo quy định của Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như các quy định liên quan của Đại học Quốc gia Hà Nội và của đơn vị có Chương trình đạt chuẩn quốc tế;
- Có biểu hiện không trung thực trong học tập, thi cử hoặc vi phạm pháp luật;
- Không tham gia sinh hoạt chuyên môn quá 6 tháng, không báo cáo về tiến độ và kết quả nghiên cứu, chuyển sang học chương trình đào tạo khác tương ứng.
b) Các học viên cao học và nghiên cứu sinh không đủ điều kiện tiếp tục theo học chương trình đạt chuẩn quốc tế do vi phạm Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội sau khi chịu các hình thức xử lý theo quy định (trừ trường hợp bị buộc thôi học) hoặc không đủ điều kiện tiếp tục theo học do không đạt yêu cầu của các quy định liên quan khác của Đại học Quốc gia Hà Nội và của đơn vị hoặc không đạt trình độ tiếng Anh theo quy định sau khi học tập tăng cường có thể được phép chuyển sang học chuyên ngành khác phù hợp (có cùng đối tượng dự thi, môn thi tuyển sinh, và các điều kiện liên quan khác) của đơn vị có chương trình đạt chuẩn quốc tế quản lý (nếu có). Cách thức chuyển chuyên ngành học cho các học viên này do Thủ trưởng đơn vị quyết định và báo cáo Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bằng tốt nghiệp
1. Học viên cao học và nghiên cứu sinh ở các chuyên ngành thuộc Nhiệm vụ chiến lược sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nếu thoả mãn các điều kiện sau:
 a) Bằng thạc sĩ
- Hoàn thành chương trình đào tạo;
- Có ít nhất 01 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín;
- Đạt chuẩn tiếng Anh 6,0 IELTS hoặc tương đương;
- Đáp ứng các yêu cầu khác của Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
b) Bằng tiến sĩ
- Hoàn thành chương trình đào tạo;
- Đối với các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ có ít nhất 1 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín. Đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn có ít nhất 02 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước; khuyến khích người học thuộc các lĩnh vực này có bài báo được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín;
- Đạt chuẩn tiếng Anh 6,0 IELTS hoặc tương đương;
- Đáp ứng các yêu cầu khác theo Quy chế đào tạo sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ
Bằng thạc sĩ và tiến sĩ của các chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn quốc tế được ghi theo hệ đào tạo quốc tế tương ứng kèm theo bảng điểm. Phần tiếng Anh ghi là International Standard Program.
Bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo bậc thạc sĩ đạt chuẩn quốc tế được coi như bằng tốt nghiệp thạc sĩ tại nước nói tiếng Anh khi xét các điều kiện liên quan đến trình độ tiếng Anh và chuyên môn để học tiếp ở bậc tiến sỹ ở Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khuyến khích các đơn vị có đề án thành phần đạt được thỏa thuận với trường đại học đối tác để học viên cao học và nghiên cứu sinh tốt nghiệp có thể nhận 2 bằng, một bằng của Đại học Quốc gia Hà Nội và một bằng của trường đại học đối tác.

 Về đầu trang

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: