Nhiệm vụ chiến lược
Trang chủ   >  Nhiệm vụ chiến lược  >   Nội dung chi tiết  >   Phát triển đội ngũ
Đội ngũ cán bộ

Yêu cầu phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý
Việc phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đạy chuẩn quốc tế được thực hiện theo các yêu cầu sau:
1. Phải được ưu tiên đầu tư cao nhất từ các nguồn lực khác nhau và gắn với việc xây dựng trường phái khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh/trung tâm nghiên cứu/phòng thí nghiệm theo mô hình trung tâm xuất sắc.
2. Áp dụng các giải pháp đột phá ở mức cao nhất phù hợp với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và của Đại học Quốc gia Hà Nội
3. Dựa vào hợp tác, liên thông, liên kết với các đơn vị, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước;
4. Theo quy hoạch, kế hoạch hợp lý.
Tiêu chuẩn của giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu
1. Giảng viên cơ hữu (bao gồm viên chức ở ngạch giảng viên trở lên và giảng viên hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội) tham gia thực hiện Nhiệm vụ chiến lược phải đạt các tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định. Ngoài ra còn phải đáp ứng một số yêu cầu sau của Đại học Quốc gia Hà Nội:
a) Tiêu chuẩn chung
- Có hiểu biết cần thiết về quản trị đại học hiện đại;
- Có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về Nhiệm vụ chiến lược;
- Cam kết thực hiện nghiêm túc Quy định này.
b) Tiêu chuẩn riêng cho từng đối tượng giảng viên
- Giảng viên giảng dạy môn tiếng Anh tham gia đào tạo sinh viên năm thứ nhất chương trình đạt chuẩn quốc tế là các giảng viên ở trong và ngoài Trường Đại học Ngoại ngữ, có trình độ cao, có phương pháp giảng dạy tiên tiến và được Trường Đại học Ngoại ngữ thẩm định và mời giảng dạy;
- Giảng viên tham gia giảng dạy các môn giáo dục lý luận chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh cho sinh viên các chương trình đạt chuẩn quốc tế đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn như đối với giảng viên dạy chương trình đào tạo hệ chuẩn;
- Giảng viên giảng dạy các môn chuyên môn, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận tốt nghiệp, ngoài các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
+ Có học vị từ tiến sĩ trở lên; giảng dạy và trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của chương trình đạt chuẩn quốc tế; có năng lực và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu tiên tiến;
+ Có năng lực và có khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học, sẵn sàng làm việc trong một tập thể hoặc nhóm nghiên cứu của đơn vị và của Đại học Quốc gia Hà Nội; có mối quan hệ và có khả năng hợp tác với các nhà khoa học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước; luôn phấn đấu nâng cao trình độ khoa học và công nghệ hiện đại; thường xuyên chủ trì, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, hoặc có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, sách chuyên khảo, bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; tích cực góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ giỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội;
+ Sẵn sàng thực hiện và tuân thủ các yêu cầu đào tạo theo tín chỉ do Đại học Quốc gia Hà Nội quy định.
 2. Cán bộ quản lý tham gia thực hiện Nhiệm vụ chiến lược bao gồm lãnh đạo ĐHQGHN và đơn vị; các thành viên Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược và Ban điều hành Nhiệm vụ chiến lược; Văn phòng và Tổ thư ký Ban Chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược; một số cán bộ, chuyên viên của Văn phòng, các Ban chức năng của ĐHQGHN, các phòng, bộ phận chức năng các đơn vị có đề án thành phần; điều phối viên, cán bộ quản lý trực tiếp tại các đề án thành phần; Giám đốc đề án thành phần; giảng viên kiêm nhiệm công tác quản lý (kể cả cán bộ đã tuyển dụng vào ngạch viên chức và cán bộ ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội) phải đạt các tiêu chuẩn và thực hiện các nghĩa vụ do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định. Ngoài ra còn phải đáp ứng một số yêu cầu sau của Đại học Quốc gia Hà Nội:
a) Có hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về Nhiệm vụ chiến lược;
b) Cam kết thực hiện nghiêm túc Quy định này;
c) Có tư duy, phương pháp và kỹ năng quản trị đại học tiên tiến, sử dụng tốt công nghệ thông tin và tiếng Anh (đạt chuẩn 5,5 IELTS hoặc tương đương) trong công tác, giao tiếp với đối tác nước ngoài; có năng lực tạo ra môi trường học thuật, làm việc thuận lợi cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới;
d) Đối với lãnh đạo đơn vị, cán bộ quản lý cấp khoa, bộ môn, cần đạt tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ; đối với Giám đốc đề án thành phần, cần đạt tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều 6 của Quy định này.
3. Trợ giảng là các giảng viên, có năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học tốt, sáng tạo, vận dụng tốt phuơng pháp giảng dạy tiên tiến, có khả năng hoặc có thể bồi dưỡng, phát triển để đạt chuẩn theo quy định tại khoản 1, Điều 38 của Quy định này.
Quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu
1. Quyền lợi  
Ngoài các quyền lợi như đối với các giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu theo quy định của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu tham gia Nhiệm vụ chiến lược ở Đại học Quốc gia Hà Nội được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Được hưởng kinh phí khi tham gia các hoạt động thuộc Nhiệm vụ chiến lược theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và của đơn vị;
b) Được ưu tiên trong công tác giảng dạy, nghiên cứu;
c) Được đãi ngộ theo các chính sách nêu trong các đề án thành phần đã được phê duyệt;
d) Được ưu tiên cử đi học khóa đào tạo dài hạn từ ngân sách nhà nước, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng Anh, quản trị đại học, công nghệ thông tin do Đại học Quốc gia Hà Nội và đơn vị tổ chức;
e) Có ngân sách khoa học và công nghệ riêng để thực hiện các đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ;
f) Được ưu tiên xét chọn và cử dự thi nâng ngạch viên chức;
g) Được ưu tiên xét tặng các danh hiệu thi đua;
h) Được ưu tiên tuyển dụng làm viên chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội (đối với người chưa được tuyển dụng).
2. Nghĩa vụ
a) Nghĩa vụ của giảng viên
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với giảng viên theo quy định của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng viên tham gia Nhiệm vụ chiến lược phải thực hiện các công việc sau đây:
- Giảng dạy, bao gồm cả việc chuẩn bị bài giảng, lên lớp, hướng dẫn khóa luận, tiểu luận, luận văn, luận án, cũng như các hoạt động đào tạo khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với định mức không quá 150 giờ tín chỉ quy chuẩn đối với giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ để dành thời gian cho nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ;
- Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ với tổng số giờ phù hợp với yêu cầu đào tạo do Thủ trưởng đơn vị quy định cụ thể đối với từng giảng viên đáp ứng yêu cầu và mục tiêu của đề án thành phần;
- Tham gia hoạt động khoa học và công nghệ với khối lượng được tính bằng số giờ còn lại trong định mức của giảng viên đại học với chức danh khoa học tương ứng.
Nếu khối lượng dành cho giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và nghiên cứu khoa học vẫn thấp hơn định mức, Thủ trưởng đơn vị giao thêm các nhiệm vụ khác phù hợp với năng lực và yêu cầu công việc, trong đó ưu tiên công việc phục vụ Nhiệm vụ chiến lược.
b) Nghĩa vụ của cán bộ quản lý
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với cán bộ quản lý theo quy định của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội, cán bộ quản lý tham gia Nhiệm vụ chiến lược ở Đại học Quốc gia Hà Nội còn có các nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác do Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc đề án thành phần giao;
- Báo cáo kết quả, sản phẩm đúng hạn sau mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡng được tham gia theo đúng quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và đơn vị;
- Đối với cán bộ chưa đủ điều kiện tham gia Nhiệm vụ chiến lược theo quy định tại Điều 40 của Quy định này, có trách nhiệm không ngừng tự đào tạo, bồi dưỡng và tham dự các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội để đạt chuẩn theo quy định.
Phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý
1. Dựa vào năng lực, sở trường, sức khỏe, nguyện vọng của cán bộ và yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược, Thủ trưởng đơn vị xây dựng và công bố bảng mô tả công việc và tiêu chuẩn cho tất cả các vị trí công tác thực hiện đề án thành phần, chỉ đạo Giám đốc đề án thành phần và lãnh đạo khoa có đề án thành phần tổ chức cho tất cả cán bộ đăng ký vào từng vị trí công tác để làm căn cứ cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu Nhiệm vụ chiến lược.
2. Việc tuyển dụng, thu hút, quản lý, sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phải thực hiện theo cách tiếp cận và phương pháp quản trị nguồn nhân lực tiên tiến, theo quy hoạch, kế hoạch hợp lý.
3. Trên cơ sở phân công nhiệm vụ, đề án thành phần đã được phê duyệt và kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước 30/6 hàng năm, Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc đề án thành phần rà soát tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của cán bộ tham gia đề án thành phần  để xây dựng kế hoạch tuyển dụng, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý trong năm học đáp ứng yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược và báo cáo Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Hàng năm, Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc các đề án thành phần quyết định phân công giảng viên, cử giảng viên làm trưởng môn học cho các môn học có trong chương trình đạt chuẩn quốc tế; phân công cán bộ quản lý tham gia quản lý các nội dung cụ thể trong đề án thành phần, báo cáo Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược để theo dõi, quản lý. Trong quá trình phân công, ưu tiên và tạo điều kiện về quỹ thời gian, các nguồn lực khác để các cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 40 của Quy định này; có quy định về thời gian tối đa để các cán bộ chưa đáp ứng các tiêu chuẩn hoàn thành các tiêu chuẩn quy định tại Điều 40 của Quy định này.
5. Các đơn vị chủ động tuyển dụng các giảng viên đã đủ điều kiện và cử cán bộ có kinh nghiệm, đã đạt chuẩn (như quy định tại Điều 40 của Quy định này), hướng dẫn tập sự, thử việc cho các cán bộ mới được tuyển dụng; giúp đỡ các cán bộ mới hoà nhập vào môi trường làm việc để bắt nhịp công việc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với Nhiệm vụ chiến lược.
6. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giảng viên và cán bộ quản lý về chuyên môn và nghiệp vụ ở nước ngoài cần thực hiện tại các trường đại học đối tác.
a) Thời gian trung bình khoảng 03 tháng/lượt đi bồi dưỡng (đối với giảng viên dưới 45 tuổi), 01 tháng/lượt (đối với giảng viên trên 45 tuổi) để có thể tiếp thu được một cách đầy đủ và vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế trong việc biên soạn bài giảng, tài liệu giảng dạy - học tập, phương pháp giảng dạy lý thuyết, thảo luận, tổ chức thực hành, kết hợp thực hiện nghiên cứu trọn vẹn một vấn đề khoa học;
b) Thời gian trung bình khoảng 01 tháng/lượt đi bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý (chuyên trách và kiêm nhiệm, không phân biệt lứa tuổi) để có thể tiếp thu một cách đầy đủ và vận dụng thành thạo phương pháp quản lý đào tạo có tính hệ thống, quản lý đào tạo theo tín chỉ, quản trị nguồn nhân lực tiên tiến và thực hành quản trị đại học tiên tiến. 
7. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho giảng viên và cán bộ quản lý về chuyên môn và nghiệp vụ ở trong nước được Đại học Quốc gia Hà Nội và các đơn vị thực hiện thông qua các hình thức sau:
a) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kiểm tra đánh giá, kỹ năng viết và quản lý dự án và các kỹ năng phù hợp khác cho giảng viên; bồi dưỡng thông qua công việc như dự giờ giảng viên nước ngoài, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học, thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức cho giảng viên;
b) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, quản trị đại học tiến tiến cho cán bộ quản lý; bồi dưỡng thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc chung với chuyên gia nước ngoài;
c) Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ tiếng Anh, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm cho cả giảng viên và cán bộ quản lý;
d) Tổ chức các hoạt động tham quan, giao lưu, họp tập, trao đổi kinh nghiệm với các đại học tiên tiến có uy tín cao trong khu vực và thế giới;
e) Các chương trình, đề án của Nhà nước như chương trình 165, 911 cũng như các dự án, chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học tiên tiến trên thế giới, các Quỹ học bổng VEF, Fulbright và các chương trình khác.
8. Các đơn vị chủ động bồi dưỡng, hỗ trợ các cán bộ tham gia các khoá đào tạo về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các phương pháp giảng dạy, giao tiếp, làm việc theo nhóm và các kỹ năng mềm khác; xây dựng các nhóm nghiên cứu và giảng dạy nhằm phát huy tối đa trí tuệ của số đông, đồng thời hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp cho giảng viên và cán bộ quản lý.
9. Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cấp chứng chỉ (tương đương trình độ từ C1 đến D) cho giảng viên tham gia giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh (trừ giảng viên được đào tạo tiến sỹ tại nước nói tiếng Anh; giảng viên do trường Đại học Ngoại ngữ hoặc trường đại học đối tác đánh giá đạt trình độ tiếng Anh).
10. Các đơn vị sử dung kinh phí của đề án thành phần và các nguồn tài chính khác như kinh phí của các dự án TRIG, nghiên cứu khoa học, NAFOSTED, Quỹ nghiên cứu châu Á, các quỹ học bổng Fulbright, VEF, các chương trình Nhà nước như 165, 911, nguồn Ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp khác của đơn vị để triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược.
11. Thủ trưởng các đơn vị xây dựng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn học tập, nghiên cứu khoa học và quản lý của ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế thông qua việc bồi dưỡng, chi trả thù lao theo sản phẩm và hiệu quả, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát huy ảnh hưởng quốc tế; tạo điều kiện ưu tiên cho cán bộ thực tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ở trong nước và ngoài nước; hỗ trợ tạo điều kiện cho cán bộ áp dụng các phương pháp, công nghệ dạy học, quản lý tiên tiến phù hợp với điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội; cung cấp cho cán bộ tham gia đề án thành phần quyền ưu tiên sử dụng phòng và trang thiết bị làm việc, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật, tư liệu khoa học, thư viện, mạng VNUnet để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.
12. Những cán bộ chưa đủ điều kiện tham gia Nhiệm vụ chiến lược kể cả sau khi đào tạo, bồi dưỡng sẽ được Thủ trưởng đơn vị bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường, sức khỏe để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, phục vụ các chương trình đào tạo chuẩn, giảng dạy sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hướng dẫn thực hành, thực tập của khoa có đề án thành phần hoặc các công việc khác. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bố trí, sắp xếp sử dụng đội ngũ cán bộ này một cách phù hợp.
Thu hút các nhà khoa học giỏi
1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước bằng các chính sách đặc biệt do các đơn vị chủ động đề xuất.
a) Các nhà khoa học được mời về Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia đề án thành phần phải đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 40 của Quy định này. Ưu tiên mời các nhà khoa học trẻ, có năng lực nghiên cứu, đã công bố nhiều công trình khoa học có chất lượng cao; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các nhà khoa học giỏi, giáo sư là người Việt Nam sống ở nước ngoài về tham gia giảng dạy và trao đổi học thuật với cán bộ và người học của Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Khi ký kết hợp đồng mời các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước tham gia đề án thành phần, cần làm rõ trách nhiệm của các nhà khoa học về yêu cầu đào tạo và nghiên cứu theo chất lượng quốc tế, trách nhiệm và kế hoạch hợp tác với các cán bộ, người học và với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
2. Nhiệm vụ của các nhà khoa học được mời tham gia giảng dạy, nghiên cứu trong Nhiệm vụ chiến lược
a) Về đào tạo
- Giảng dạy các môn học (hoặc từng phần môn học) thuộc các chương trình đạt chuẩn quốc tế bậc đại học và sau đại học; tổ chức hội thảo; báo cáo chuyên đề; hướng dẫn, phản biện, chấm luận văn, luận án, khoá luận, báo cáo khoa học;
- Biên soạn giáo trình bài giảng, các tài liệu phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập;
- Tham gia xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp và quy trình đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
b) Về nghiên cứu khoa học
- Cùng với các cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từng phần, từng nội dung hay đồng chủ nhiệm các đề tài, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ do cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì;
- Tham gia các hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ; phản biện, nhận xét các bài báo khoa học; góp ý hoàn thiện các đề cương đề tài, dự án nghiên cứu khoa học do các cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất;
- Tham gia xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu, bộ môn, phòng thí nghiệm, trung tâm hay viện nghiên cứu;
- Tham gia xây dựng các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ mới để đấu thầu, xin tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đề xuất các hướng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng đáp ứng các nhu cầu của các doanh nghiệp hoặc cộng đồng xã hội để Đại học Quốc gia Hà Nội tham khảo và xây dựng các đề tài phối hợp cùng triển khai; làm đầu mối ở nước ngoài để khai thác các nguồn tài trợ hoặc liên kết thực hiện các đề án, dự án đầu tư cho Đại học Quốc gia Hà Nội;
- Tham gia tổ chức, chủ trì hội nghị, hội thảo khoa học;
- Các hoạt động khoa học và công nghệ khác do hai bên thỏa thuận.
c) Về bồi dưỡng cán bộ
- Giảng dạy và kiêm nhiệm nhiệm vụ chuyển giao công nghệ đào tạo cho các giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội; bồi dưỡng giảng viên trẻ cùng tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội để có thể đảm nhiệm tốt môn học đó; trực tiếp hướng dẫn hoặc hỗ trợ liên hệ với các nhà khoa học giỏi để hướng dẫn cán bộ của Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, thực hiện luận văn, luận án; 
 - Bồi dưỡng cán bộ khoa học thông qua việc cùng thực hiện đề tài khoa học và Công nghệ, cùng viết báo cáo khoa học, cùng viết giáo trình, bài giảng, trao đổi thông tin khoa học và các hoạt động chuyên môn khác;
- Trao đổi với cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội về kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm nghiên cứu, kinh nghiệm quản trị đại học, liên kết với doanh nghiệp và các hoạt động cộng đồng khác;
- Tạo dựng các quan hệ hợp tác quốc tế để cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội đi trao đổi, học tập, nghiên cứu, tham quan khảo sát ở các trường đại học, cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp của nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và quản lý.
3. Áp dụng các phương thức hợp tác sau đây đối với các nhà khoa học ở ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội:
a) Trực tiếp làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Các nhà khoa học là Việt kiều hoặc người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngắn hạn hoặc dài hạn (từ 6 tháng trở lên) được thực hiện theo hai phương thức:
- Theo chế độ hỗ trợ của các trường đại học hoặc các tổ chức quốc tế;
- Theo hợp đồng mời giảng dạy hoặc nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc của các đơn vị có đề án thành phần.
b) Làm việc theo phương thức từ xa thông qua các trao đổi bằng thư điện tử, hoặc giảng dạy trực tuyến để hướng dẫn luận văn, luận án, phản biện hoặc tham gia biên soạn các giáo trình, bài giảng; thực hiện một số nội dung nghiên cứu ở nước ngoài cho các đề tài khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Quyền lợi của các nhà khoa học giỏi được mời tham gia giảng dạy, nghiên cứu trong Nhiệm vụ chiến lược
a) Được trả thù lao theo hiệu quả công tác trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên và được hưởng chế độ phụ cấp, tiền thưởng do hiệu quả, lợi ích từ các đề tài nghiên cứu, triển khai dịch vụ, chuyển giao tri thức và các hoạt động tương tự khác mang lại, theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Đại học Quốc gia Hà Nội;
b) Được bố trí chỗ ở thuận lợi, phương tiện đi lại phù hợp phòng và phương tiện làm việc tốt;
c) Được ưu tiên sử dụng các phương tiện, thiết bị giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm đáp ứng tối đa nhu cầu hoạt động chuyên môn trong phạm vi cho phép;
d) Được ưu tiên trong việc tuyển chọn, xét duyệt, cấp kinh phí để chủ trì hoặc đồng chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu và khả năng chuyên môn;
e) Được hỗ trợ kinh phí để xuất bản, công bố các công trình khoa học, sách chuyên khảo, các phát minh, sáng chế; 
f) Được hưởng giá trị (bằng tiền) do hiệu quả hoặc lợi ích của công trình nghiên cứu mang lại;
g) Được xem xét và trao tặng các chức danh tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Môi trường làm việc và học tập, nghiên cứu khoa học
1. Thủ trưởng các đơn vị và các bộ phận chức năng xây dựng văn hóa chất lượng, môi trường làm việc văn minh, tôn trọng, tin cậy, thân thiện, dân chủ, bình đẳng, công bằng, khách quan trong đánh giá, sử dụng và đãi ngộ theo chất lượng, số lượng sản phẩm đầu ra để thúc đẩy sáng tạo, phát huy tối đa khả năng đóng góp của đội ngũ cán bộ, người học của đơn vị và các nhà khoa học trong và ngoài nước để đạt mục tiêu, sản phẩm và sự phát triển bền vững của Nhiệm vụ chiến lược.
2. Thủ trưởng các đơn vị và các bộ phận chức năng (các phòng, bộ môn, khoa, tổ, nhóm công tác, phòng thí nghiệm, trung tâm thuộc đơn vị) phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc, học tập, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ.
3. Áp dụng rộng rãi và phù hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và quản trị nguồn nhân lực của các đại học tiên tiến trong lãnh đạo, quản lý, điều hành trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: