Con người & Thành tựu
Trang chủ   >  Chuyên trang chào mừng 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội  >   Con người & Thành tựu  >  
Vị giáo sư bắt mạch ông trời
Đồng nghiệp, học trò nhắc đến ông với sự lắng đọng về một người thầy tâm huyết. Những người thân thiết thường gọi ông với cái tên thân mật “ông dự báo thời tiết” hoặc “ông báo bão”. Ông là Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Trần Tân Tiến, một trong số người hiếm hoi còn tâm huyết với ngành Khí tượng, Thủy văn Hải dương học.

Sinh năm 1949 tại Lý Nhân, Hà Nam, cậu học trò Trần Tân Tiến luôn khát khao, được đóng góp gì đó cho quê hương. Với thành tích nổi trội của những năm học phổ thông, giữa những năm 1960, chàng thanh niên Trần Tân Tiến được cử đi học ở Nga. Trong những ngày học dự bị tiếng Nga, Trần Tân Tiến luôn đau đáu rằng phải hiểu ngôn ngữ thì mới tiếp nhận được các kiến thức về khoa học và ông miệt mài trau dồi vốn tiếng Nga cho mình. Thành tích học tập ngoại ngữ xuất sắc trong những tháng học dự bị đại học đã cho ông cơ hội được chọn ngành học. Mong muốn của chàng thanh niên Trần Tân Tiến khi đó là được học vật lí, chuyên ngành điện tử. Nhưng nguyện vọng của tân sinh viên Trần Tân Tiến không được đáp ứng vì Trường Đại học Khí tượng Thủy văn Lê-nin-grat chọn Trần Tân Tiến học khí tượng, khi ấy khí tượng cũng thuộc ngành vật lý.
Kí ức về những ngày học ở nước Nga vẫn rõ nguyên trong trí nhớ của người thầy đã ngọai lục tuần. Ông kể, “ngay từ năm thứ nhất, số sinh viên học khí tượng phải chia thành 3 chuyên ngành: Dự báo bằng bản đồ (sinốp), Dự báo bằng máy tính điện tử (số trị) và Cao không học. Tôi và tất cả các sinh viên đều chọn cao không vì nó liên quan đến máy móc điện tử bay do thám. Còn chuyên ngành số trị không ai chọn vì ngày đó máy tính điện tử còn chưa phổ biến ở Việt Nam”. Rồi một lần nữa, ông không được toại nguyện vì Nhà trường yêu cầu ông cùng một số sinh viên khác phải sang học số trị. Vị Giáo sư cho rằng, khi học số trị thì rất dễ dàng chuyển sang các chuyên ngành khác trong khi ngược lại từ các chuyên ngành khác muốn chuyển sang số trị thì cực kì khó khăn. Kiến thức nền tảng đầu tiên trong giảng đường đại học của ông bắt đầu từ ngành học ấy.
Bồi hồi nhớ lại những ngày học tập tại nước Nga yêu dấu và chiêm nghiệm những gì đã "mắt thấy tai nghe" suốt bốn chục năm đi đây, đi đó, GS. Trần Tân Tiến cho rằng, Nga là một quốc gia đào tạo con người toàn diện. Giáo dục của Nga nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã trang bị cho sinh viên những kiến thức để có thể làm chuyên môn ở bất cứ cương vị nào. Ngành Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học của ông cũng không là ngoại lệ. Lứa lưu học sinh Việt Nam tại Nga như ông luôn có niềm tự hào vì đã trưởng thành trên đất nước bạch dương. Những nghiên cứu khoa học đầu tiên của GS. Trần Tân Tiến bắt đầu từ mảnh đất ấy, nơi có con sông Neva hiền hòa chảy quanh.
Năm 1973, trở về Việt Nam, TS. Trần Tân Tiến được phân công giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và bắt đầu những năm tháng gắn bó với khoa học, với giảng đường đại học. Ông nhớ lại, “trong quá trình giảng dạy tôi được phân công dạy khoảng 10 môn từ đại cương đến chuyên sâu. Công việc giảng dạy đã giúp tôi tích lũy kiến thức một cách có hệ thống và đó là cơ sở giúp tôi vững vàng về chuyên môn và trưởng thành”.
Cũng như lớp người đã từng học tập và tu nghiệp tại nước Nga, GS.NGND Trần Tân Tiến cho rằng, việc học và làm việc với nhiều giáo sư giỏi và nổi tiếng của Nga khiến ông thấm một cách tự nhiên phương pháp tư duy và truyền đạt kiến thức trong giảng dạy. Đó là cách dạy có hệ thống, dẫn dắt, biến phức tạp thành đơn giản, phải tự suy diễn tìm lời giải và luôn quan tâm đến sự tìm tòi học hỏi của sinh viên. Vì thế, rất nhiều đồng nghiệp của ông nhận xét rằng, thầy Tiến luôn chăm lo cho người học từ ý tưởng đến từng kết quả nghiên cứu nên các sinh viên luôn thành công khi có thầy ở bên.
Qua gần 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, Nhà giáo nhân dân Trần Tân Tiến đã hướng dẫn hàng chục nghiên cứu sinh và học viên cao học bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ. Còn số đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp thì không đếm xuể. Và học trò của Nhà giáo Trần Tân Tiến đã có không ít người đang là những nhà khoa học nổi tiếng, nhiều người giữ những cương vị cao và quan trọng trong các bộ, ban, ngành cơ quan trung ương, cơ quan khoa học, các đài quan sát, Trạm khí tượng thủy văn khắp cả nước.
Trong thâm tâm của GS. Trần Tân Tiến, bên cạnh niềm vui mà những ứng dụng do ông và các nhà khoa học đồng nghiệp nghiên cứu về khí tượng mang lại, ông còn đau đáu một niềm trăn trở về đội ngũ làm nghề và nghiên cứu về ngành khí tượng cho tương lai. Khoa Khí tượng – Thủy Văn – Hải dương học mỗi năm có khoảng 100 chỉ tiêu cho 3 chuyên ngành nhưng rất khó tuyển đủ. Giáo sư Trần Tân Tiến cho rằng, nếu cố tuyển cho đủ với số điểm thấp, thì việc đào tạo nhân lực công tác trong ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học sẽ rất khó khăn, bởi lẽ, đây là một ngành học khó, cần những sinh viên giỏi về toán và vật lý. Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học đòi hỏi học sinh phải năng động và có trình độ thật sự, có đam mê mới có thể học được.
Lời tâm sự của Giáo sư khiến tôi nhớ tới câu chuyện “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Câu chuyện kể về cuộc sống của chàng thanh niên – một cán bộ khí tượng, sống một mình trên đỉnh núi cao Sa Pa, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”, những việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Công việc của anh “gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng.(…)Nửa đêm … gió tuyết lặng im ở bên ngoài như chỉ đợi mình ra là ào ào tới”. Khó khăn là thế nhưng sự lạc quan của người cán bộ khí tượng được hun ấm chính bởi sự say mê công việc.
GS. Trần Tân Tiến nhận định, nguyên nhân sinh viên chưa chọn và yên tâm với ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học chủ yếu bởi, người cán bộ làm công tác khí tượng đòi hỏi trách nhiệm công việc cao trong điều kiện làm việc khắc nghiệt với lương bổng, chế độ hạn chế. Với ngành khoa học này, GS. Trần Tân Tiến mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích phù hợp như cấp học bổng hay miễn học phí cho sinh viên, bởi đây là ngành học mà đất nước và xã hội cần nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng.
Tôi cũng như nhiều người xung quanh biết đến ứng dụng của ngành Khí tượng - Thủy văn – Hải dương học qua bản dự báo thời tiết hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ của khoa học khí tượng. Ông cùng nhiều các khoa học đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến công nghệ dự báo liên hoàn bão, nước dâng, sóng ở Việt Nam bằng mô hình số với thời gian dự báo trước ba ngày. Ông cũng ấp ủ dự định về việc ứng dụng triển khai các nghiên cứu về dự báo giông, bão, … trong một phạm vi nhỏ, để người dân, doanh nghiệp giảm thiểu được những rủi ro khi thời tiết chẳng lành.
Không ít cán bộ của Trường ĐHKHTN vẫn nhớ về những năm 2000, khi GS. Trần Tân Tiến làm Chủ nhiệm Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, không khí nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng của Khoa lúc ấy sôi động lắm. Năm 2004, GS. Trần Tân Tiến cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Xây dựng cộng nghệ Dự báo lũ Miền Trung thời hạn trước 3 ngày” (QGTĐ. 04.04) và từ năm 2007 – 2010 đã triển khai thành công đề tài “Xây dựng quy trình công nghệ dự báo liên hoàn bão, sóng và nước dâng thời hạn trước 3 ngày” (KC.08.05/06-10). Mục đích của đề tài là dự báo được quỹ đạo của bão cũng như cường độ của bão khi đổ bộ vào bờ. GS. Trần Tân Tiến chia sẻ, nhóm nghiên cứu đã chạy các mô hình, tổ hợp kết quả rồi dựa vào kết quả đưa ra dự báo. Nếu điều kiện tính toán cho phép tốt tức là chạy nhiều mô hình thì có thể nâng độ chính xác tâm bão được 50 – 70 cây số. GS.Trần Tân Tiến chia sẻ, nếu bão từ ngoài khơi, từ vùng biển Philippin chẳng hạn thì công tác dự báo đã cho biết bão đổ bộ vào địa phương nào của Việt Nam và điều đó có thể tăng giá trị phòng chống thiên tai.
Đối với ngành Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học, GS. Trần Tân Tiến bảo, hiện tại nói chung là chưa có phương tiện bảo vệ các cán bộ nghiên cứu khi có bão. Vì nguyên tắc phòng chống thiên tai là khi có bão thì không được ra biển nên nhiều khi ông và các đồng nghiệp thuộc nhóm nghiên cứu thả máy đo ngoài biển, sau khi có bão thì xách máy về và máy tự đo các thông số trên biển. Nhiều khi bão tan, nhóm nghiên cứu ra vớt thì máy đã trôi mất tự lúc nào.
Nghề bắt mạch ông trời chưa phát triển ở Việt Nam và hiện tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia là cơ quan gần như duy nhất cung cấp các dự báo thời tiết. Ông cũng nói thêm, “hồi ấy, chúng tôi đã tập trung lực lượng cán bộ trong khoa xây dựng đề cương và đấu thầu đề tài cấp nhà nước và đã giành được đề tài từ những cơ quan khác có cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học tốt hơn Trường ĐHKHTN nhiều. Chúng tôi đã thực hiện thành công đề tài. Do tính ứng dụng cao nên đề tài đựơc giải thưởng KHCN ĐHQGHN lần thứ nhất, CUP Vàng tại Hội chợ KHCN tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó cán bộ trong Khoa có kinh nghiệm hơn trong đấu thầu đề tài và liên tục giành thắng lợi. Giai đoạn 2005 - 2010, cán bộ Khoa Khí tượng – Thủy văn – Hải dương học đã làm Chủ nhiệm 6 đề tài cấp nhà nước và hiện nay, Khoa cũng đang thực hiện 6 đề tài cấp Nhà nước cùng nhiều đề tài NCKH cấp tỉnh, cấp trường. Cán bộ của Khoa đã trưởng thành rất nhiều qua các đề tài, đào tạo từ đó gắn với thực tế và chất lượng ngày càng nâng cao”.
Gắn bó và trăn trở với ngành khí tượng. Khoa học khí tượng như một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông. Hiện GS. Trần Tân Tiến đã thôi làm Chủ nhiệm Khoa nhưng công việc của nhà khoa học vẫn cuốn ông đi khắp mọi miền tổ quốc và nhiều nước trên thế giới. Ông vẫn tiếp tục có nhiều báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế và công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Về đào tạo, Giáo sư chia sẻ cần phân làm 2 loại hình gắn với việc đao tạo cán bộ thực hành có khả năng làm nghiệp vụ tốt tay nghề cao và cán bộ nghiên cứu phải có cơ sở lý thuyết tốt để phát triển các công trình khoa học tầm quốc gia, quốc tế.
Đau đáu với đào tạo, thực hiện thành công nhiều nghiên cứu khoa học và trăn trở về những ứng dụng của khoa học với đời sống là vậy nhưng trong email mà GS.NGND Trần Tân Tiến gửi cho tôi, ông luôn nhắc: “Không nên viết nhiều vì tôi cũng như các giảng viên khác thôi”.

 Đỗ Ngọc Diệp - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :