Sách và học liệu
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19
Cổng thông tin Điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19 của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN. Cuốn sẽ trình bày những khuynh hướng và vấn đề về bối cảnh Nho học các nước Đông Nam Á trong thế kỷ 17 và 18, những vấn đề đặt ra với Nho học Việt Nam, cách tiếp cận Triết học luận bàn về lý và khí, xu hướng Kinh học và nhiều vấn đề về bình khảo cổ sử cũng như Nho học và Văn học nước nhà. Dưới đây là tựa của cuốn sách.

Năm 1991, trong quá trình tìm đề tài làm luận án nghiên cứu sinh, dưới sự hướng dẫn khoa học của thầy Trần Đình Hượu, tôi đã chọn Nho học nói chung và Nho học thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX nói riêng làm đối tượng nghiên cứu cho luận án, cũng như chọn đó làm hướng nghiên cứu lâu dài cho bản thân. PGS. Trần Đình Hượu cho rằng, thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, văn hoá, học thuật, văn học, Nho học Việt Nam có nhiều thành tựu đột xuất,  có những chuyển biến khá sâu sắc và toàn diện trong chiều sâu và có những biểu hiện phân chia phái mạch theo vùng và theo các lĩnh vực học thuật. Ông đã khuyến khích tôi đi theo hướng nghiên cứu Nho học giai đoạn này từ góc độ phân tích những phân nhánh mang tính khuynh hướng để tìm hiểu sâu về các vấn đề của Nho học.  

 Trong quá trình triển khai nghiên cứu, chúng tôi quán triệt quan điểm, nhìn nhận những chuyển biến, những điểm vận động của Nho học thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là một khâu, một chặng trong dòng vận động nội tại của nho học Việt Nam trước những biến động của kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa học thuật nói chung. Nó vận động do sự thúc đẩy của những nhân tố nội tại của xã hội và học thuật Việt Nam. Đồng thời, nó cũng vận động trong quỹ đạo chung của Nho học các nước khu vực mà Nho học Việt Nam là  một bộ phận không thể tách rời. Cách nhìn nhận này không quá nhấn mạnh tính riêng biệt cô lập của Nho học Việt Nam, nhìn nó trong sự vận động chung mang tính quy luật của Nho học vùng, vừa tạo điều kiện để thông qua so sánh mà nhìn rõ hơn những điểm riêng biệt độc đáo của Nho học Việt Nam.

Đầu năm 1995,  khi tôi đang viết bản thảo lần đầu của luận án thì PGS. Trần Đình Hượu lâm bệnh nặng và qua đời. Điều mà tôi tiếc nhất là khi thầy còn thì tôi có ít cái để hỏi, đến khi có quá nhiều điều cần hỏi thì thầy lại không còn. Tôi đã hoàn thành luận án với một sự cố gắng vượt bậc. May sao, thời điểm đó tôi được PGS. Bùi Duy Tân nhận tiếp tục hướng dẫn để tôi hoàn tất luận án, được GS. Phan Đại Doãn cùng  bậc đàn anh trong học giới lúc đó là TS. Trần Ngọc Vương giúp đỡ. Về sau trong quá trình chuẩn bị bảo vệ luận án, công trình này lại được nhiều nhà khoa học cùng chuyên môn góp ý, bổ sung. Luận án mà tôi  hoàn tất đưa ra bảo vệ cuối năm 1995 đầu năm 1996 thực là có công sức, ý kiến của nhiều người, tôi không thể dùng lời nào để bày tỏ hết được sự tri ân của mình đối với những người đã dẫn dắt tôi vào con đường khoa học và hoàn tất công trình nhỏ bé đầu tay.

Sau khi bảo vệ luận án, nhiều người khuyến khích tôi nên xuất bản công trình. Tôi tự thấy luận án còn nhiều điều cần xử lý kỹ lưỡng hơn. Tôi đã viết luận án trong điều kiện những hiểu biết về Nho học của một nghiên cứu sinh còn mỏng, còn nhiều tri thức cơ bản mà tôi còn chưa đọc đến nơi đến chốn. Sau này, đảm nhiệm việc dạy chuyên đề Nho giáo và Nho giáo Việt Nam cho một vài chuyên ngành trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN tôi thấy điều mình e ngại là hoàn toàn có lý. Đến nay, 22 năm đã trôi qua, đem công trình cũ ra sửa chữa để xuất bản, tôi thấy có rất nhiều cái cần chỉnh sửa, bổ sung, nhiều nhận định  trước đây cần làm rõ hơn và cần có thể nhiều minh chính dẫn liệu. Cũng có một số luận điểm nghiên cứu đã được các nhà nghiên cứu sau năm 1996 nghiên cứu sâu hơn và thuyết phục hơn. Tôi rắp tâm  chỉnh sửa lớn tới mức viết lại luận án. Nhưng khi bắt tay vào làm mới luận án, tôi lại thấy làm như thế không ổn, tốt nhất nên giữ lại  diện mạo và quan điểm, suy nghĩ  cũ để lưu dấu cho chặng nhận thức và nghiên cứu những năm  đầu thập kỷ 90 của cá nhân tôi cũng như những người nghiên cứu về Nho giáo khi đó. Tôi đã quyết định hầu như giữ nguyên toàn bộ nội dung bản luận án đã bảo vệ cũ, chỉ điều chỉnh tên gọi một số chương mục, chuyển một số ngôn từ của luận án cho hợp với việc xuất bản sách, chỉnh lý các chú thích. Thay cho việc sửa chữa luận án, tôi bổ sung thêm một vài bài viết hoàn thành trong khoảng thời gian sau năm 1996, việc này được xem là việc bổ sung và cập nhật thêm cho việc nghiên cứu Nho học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX.

Việc xuất bản công trình này ngoài ý nghĩa công bố thành quả nghiên cứu, còn có ý nghĩa để tưởng nhớ những người thầy lớn đã khuất bóng và để tri ân những người đã giúp đỡ, định hướng cho việc nghiên cứu của tôi. Tôi muốn dành công trình này để cảm ơn cha mẹ, gia đình và đặc biệt là cảm ơn người bạn đời Trần Thu Hiền của tôi đã dành nhiều công sức khó nhọc lo toan việc gia đình để tôi viết luận án và đã động viên tôi rất nhiều trong suốt thời gian nghiên cứu cũng như sau này. Xin cảm ơn các nhà khoa học trong hội đồng chấm luận án trước đây và các bậc thầy, những người anh và bè bạn đã giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu. Cảm ơn các đồng nghiệp Bùi Bá Quân, Quách Thu Hiền đã giúp đỡ trong việc trực tiếp chỉnh lý và hoàn thiện bản thảo. Xin cảm ơn Nhà xuất bản ĐHQGHN đã tạo điều kiện để cuốn sách được ra mắt bạn đọc.

NGUYỄN KIM SƠN

Hà Nội, cuối đông năm Đinh Dậu (2017) 

NHO HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ 18 VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ 19 (Mấy khuynh hướng và vấn đề)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, 282 trang.

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu -ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

Giá bán: 99.000 VNĐ

 

>>> Các công trình chính đã công bố của tác giả Nguyễn Kim Sơn

1. Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam (đồng tác giả). NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

2. Tư liệu văn hiến Thăng Long –Hà Nội – Tuyển tập địa chí (đồng chủ biên). NXB Hà Nội, 2010

3. Nho tạng tinh hoa biên –Việt Nam bộ (chủ biên). NXB Đại học Bắc Kinh, 2013

4. Kinh điển Nho gia tại Việt Nam (chủ biên). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014

5. Tản văn Triết học Tống Minh (giáo trình). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016

6. Trần Nhân Tông – Thiền lạc và thi hứng (chuyên luận). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017

7. Nhọ học Đông Á truyền thống và hiện đại (chủ biên). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017

8. Nghiên cứu Nho giáo Việt Nam, quan điểm và phương hướng (chủ biên). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018

9. Tộc ước gia quy Thăng Long – Hà Nội (Khảo cứu và dịch thuật). NXB Hà Nội, 2018.

 

 >>> Các thông tin liên quan:

- Tủ sách khoa học: Khảo cổ học Biển đảo Việt Nam – Tiềm năng và triển vọng

- Sách mới: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa – Tư liệu và sự thật lịch sử

 

 VNU -Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :