Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Tập huấn vận hành và sử dụng phần mềm E-Learning (LMS) do ĐHQGHN phát triển

Chiều ngày 24/06/2021, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục phối hợp với Tập đoàn Trí Nam, bắt đầu tiến hành tổ chức đợt tập huấn cho giảng viên, giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo và công nghệ thông tin thuộc các đơn vị đào tạo thành viên, trực thuộc ĐHQGHN vận hành và sử dụng phần mềm E-Learning (LMS) do ĐHQGHN phát triển. Theo kế hoạch, chuỗi tập huấn sẽ diễn ra từ ngày 24/06/2021 tới ngày 28/06/2021 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. 05 đơn vị tham gia tập huấn đợt này là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; Trường Đại học Ngoại ngữ; Trường Đại học Công nghệ; Trường Đại học Kinh tế; Trường Đại học Giáo dục.

Hệ thống LMS của ĐHQGHN (hiện được cài đặt tại địa chỉ https://lms.vnu.edu.vn/ ) bao gồm các nhóm chức năng được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu về hệ thống quản lý học tập của các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN. Ngoài những tính năng phổ biến của một hệ thống LMS điển hình (tương tự như hệ thống Moodle đang được sử dụng nhiều đơn vị), hệ thống LMS của ĐHQGHN có những tính năng quan trọng, có mức độ tiện dụng cao, như sau:

  • Dữ liệu được quản trị phân vùng cho các đơn vị thuộc ĐHQGHN, vừa đảm bảo tính độc lập, đặc thù của đơn vị, vừa đảm bảo tính liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống.
  • Tích hợp sẵn với Google Meets và Microsoft Teamsđể tổ chức dạy theo hình thức live video conferencing, giúp khắc phục tình trạng nghẽn mạng hoặc máy chủ bị quá tải.
  • Tích hợp với trục tích hợp dữ liệu ĐHQGHN và hệ thống học liệu trên nền tảng Bookworm của Trung tâm Thông tin – Thư viện ĐHQGHN. Nhờ đó, việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu và học liệu của người dùng thuận lợi hơn. Người dùng có thể dùng chung tài khoản email thuộc ĐHQGHN để đăng nhập hệ thống.
  • Có khả năng theo dõi chi tiết các hoạt động học tập của người học(ở cấp độ từng học viên và từng nội dung giảng dạy).
  • Dễ dàng thiết kế các bài kiểm tra, đánh giá dạng trắc nghiệmhoặc tự luận.
  • Tích hợp sẵn các công cụ hỗ trợ tương tácnhư: thông báo (notifications) khi có sự kiện mới; chat; gửi email cho người học; bình luận, trao đổi trong từng nội dung giảng dạy.
  • Dễ dàng cấu trúc nội dung giảng dạy, tải nội dung giảng dạy lên hệ thống theo các chuẩn dữ liệu khác nhau.
  • Bộ phận Quản lý đào tạo có thể theo dõi, nắm nắt được các hoạt động giảng dạy, học tập diễn ra trên hệ thống theo thời gian thực.
  • Giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt, cấu trúc nội dung dễ theo dõi, tương tác.
  • Toàn bộ dữ liệu, nội dung dạy – học được lưu trữ trên hệ thống máy chủ của ĐHQGHN.

Hiện tại, Hệ thống bao gồm phân hệ chức năng chính như sau:

  • Quản lý người dùng;
  • Quản lý học tập của sinh viên;
  • Tổ chức giảng dạy của giảng viên;
  • Quản lý danh mục chương trình đào tạo và học phần;
  • Quản lý học liệu, bài giảng;
  • Quản lý lớp học phần, lớp khóa học;
  • Quản lý chứng chỉ;
  • Quản lý hoạt động thi, kiểm tra;
  • Quản lý thông tin giảng viên;
  • Hệ thống giao tiếp, trao đổi, liên lạc;
  • Quản lý thanh toán;
  • Hỗ trợ học tập trên thiết bị di động;
  • Quản lý báo cáo;
  • Tổ chức và quản lý lớp học tương tác trực tiếp (live-class);
  • Quản trị hệ thống.

Trong các buổi tập huấn tiếp theo và thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, giảng viên, giáo viên vận hành và sử dụng hệ thống, hướng tới có thể sử dụng đại trà trong toàn ĐHQGHN từ đầu năm học tới.

Dưới đây là một số hình ảnh của lớp tập huấn dành cho đối tượng cán bộ quản lý đào tạo và công nghệ thông tin của 5 đơn vị tham gia đợt tập huấn đầu tiên:

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy sẽ phối hợp với các bên tiếp tục phát triển hệ thống theo các hướng sau:

·         Hoàn thiện và chuẩn hoá các quy trình xây dựng lớp học và giảng dạy trên hệ thống LMS.

·         Hỗ trợ các đơn vị triển khai lớp học phần trên hệ thống LMS.

·         Triển khai tập huấn để giảng viên/giáo viên sử dụng hệ thống LMS tại các đơn vị.

·         Nghiên cứu, bổ sung các tính năng nâng cao, hỗ trợ đẩy mạnh đào tạo theo hướng cá thể hoá (quản lý thông tin học tập (LRS); phân tích học tập; đánh giá hiệu quả học tập và mức độ hoàn thành mục tiêu học tập … ).

·         Hướng tới mở rộng để có thể cung cấp các khoá học dưới dạng MOOCs cho người học trong và ngoài ĐHQGHN.

 Cao Thu
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :