Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Thực trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên Việt Nam và nhu cầu nguồn nhân lực – cơ hội rộng mở cho ngành Cử nhân Tham vấn học đường
13-20% là con số báo động tỉ lệ trẻ em và vị thành niên ở cộng đồng và ở học sinh trong trường tiểu học đến trung học cơ sở có vấn đề về sức khỏe tâm thần (SKTT) tại Việt Nam.

Trường học như trại lính”, “Đừng biến trường học thành trung tâm luyện thi vô cảm”, “Giấc mơ Harvard và hàng loạt sinh viên tự tử vì áp lực”, “Bạo hành trẻ em” … nhiều và nhiều những lời kêu cứu như vậy được lan truyền trên các trang báo điện tử, facebook trong thời gian gần đây.

Thực trạng sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên Việt Nam nói chung ở cộng đồng và ở học sinh trong trường học từ tiểu học đến THPT đều cho thấy tỉ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể.

Theo điều tra của nhóm các nhà khoa học (năm 2013) ước tính tỷ lệ học sinh trung học tại Việt Nam mắc các chứng chuẩn đoán lo âu và trầm cảm lần lượt là 22,8% và 41,1%. Học sinh có ý định tự tử là 26,3%, trong khi 12,9% đã thực hiện kế hoạch tự tử và 3,8% cố gắng tự sát.

Tỷ lệ này ở Việt Nam là tương đương so với thế giới. Theo số liệu cung cấp bởi Tổ chức Y tế thế giới năm 2017, cứ 4 học sinh từ 14-15 tuổi lại có một em có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cư xử, v.v..

Đó là những con số báo động về thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam trong một số năm gần đây do các nhà khoa học cung cấp. Cùng với những biến đổi xã hội và các sức ép của nền công nghiệp hiện đại, đô thị hóa ở Việt Nam, thì tỉ lệ này sẽ càng gia tăng.

Trong khi đó, nguồn lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam lại rất hạn chế so với thế giới: thiếu bác sĩ tâm thần, thiếu điều dưỡng chuyên khoa tâm thần, thiếu chuyên gia tâm lý lâm sàng...

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đặng Hoàng Minh chia sẻ: Tôi đã tham gia vào các nghiên cứu đa quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á, Phi như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Tarzania Kenya, v.v.  Học sinh tại các quốc gia này cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu nhưng tại đây, đội ngũ các nhà trị liệu tâm lý, chuyên gia tham vấn học đường rất hạn chế, đặc biệt là ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, xu hướng của gia đình, xã hội và nhà trường đang dần bắt đầu quan tâm tới sức khỏe tâm thần cho trẻ em trong độ tuổi tới trường.

Trong một nỗ lực mạnh mẽ diễn ra tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN nhiều năm qua đã triển khai thành công ứng dụng trắc nghiệm đánh giá trí tuệ Wechsler cho trẻ em Việt Nam – WISC-IV-VN.

Năm 2011, lần đầu tiên ở Việt Nam có được thang đo giá trị trí tuệ trẻ em bản quyền, được thích ứng một cách khoa học và hệ thống, đặc biệt là bảng so sánh mẫu chuẩn dành cho trẻ em Việt nam. Cho đến nay, trắc nghiệm trí tuệ WISC-IV-VN được dùng phổ biến hơn trong các bệnh viện, trường học, các trung tâm hỗ trợ.

Cũng trong năm đó lần đầu tiên ở Việt nam, nhóm nghiên cứu của trường ĐHGD đã điều tra dịch tễ về các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em Việt nam với mẫu đại diện toàn quốc ở 10 tỉnh/thành. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học đã xây dựng được nhiều khuyến nghị về chính sách về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Đây được xem như một cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho trẻ em tại Việt Nam. Trong đó vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học lâm sàng, chuyên gia tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.

Chia sẻ với PV về các chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực này, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cho biết: hiện nay, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đang đào tạo các ngành và chuyên ngành: Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Trẻ  em  và Vị thành niên (từ 2009), Tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng Trẻem và Vị thành niên (từ 2016), Thạc sĩ tham vấn học đường (từ năm 2018) và cử nhân Tham vấn học đường (từ 2019).

Chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng Trẻ  em và Vị thành niên ở trường ĐHGD được xây dựng dựa vào chuẩn của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kì (APA), theo mô hình đào tạo chuyên gia thực hành-nghiên cứu. Đây là chương trình đầu tiên đào tạo tâm lý học chuyên ngành ở Việt Nam và được đào tạo theo tiếp cận được khuyến nghị trên thế giới: can thiệp các vấn đề SKTT dựa vào bằng chứng khoa học. 

Chương trình hợp tác với ĐH Vanderbilt Hoa Kì (top 100 trường ĐH của Hoa Kì), được tài trợ bởi viện sức khỏe Hoa Kì trong dự án "Phát triển cơ sở hạ tầng về khoa học tâm lý lâm sàng ở Đông Nam Á".

 Quảng Yên
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :