Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Hội thảo quốc tế trực tuyến “Phòng chống tra tấn ở châu Á: Pháp luật và thực tiễn”
Trong hai ngày 18-19/5/2021, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng phối hợp với Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne (Úc), Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á và Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến “Phòng chống tra tấn ở châu Á: Pháp luật và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chương trình thạc sĩ Pháp luật về quyền con người, được tài trợ bởi Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thông qua chương trình Aus4Skills.

Đại diện cho đơn vị tổ chức Hội thảo, về phía Khoa có PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa, PGS.TS. Vũ Công Giao – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Hiến pháp – Luật Hành chính. Về phía đơn vị đồng tổ chức có GS. Sarah Biddulph – Giám đốc Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne, Úc, Bà Sara Kowal Đại diện Ban điều hành Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh – Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu như Đại học Thương mại, Học viện An ninh Nhân dân, Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các chuyên gia quốc tế đến từ Úc, Ấn Độ, Thái Lan, Đức, Canada, Trung Quốc, …

Hội thảo là diễn đàn để các học giả trên thế giới thảo luận cả về lý luận và thực tiễn về tra tấn ở Châu Á. Việc này cũng là một phần quan trọng để có thể có những khuyến nghị phù hợp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới. 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh tra tấn là một hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Vì vậy, luật nhân quyền quốc tế và pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều cấm và trừng trị những hành vi tra tấn. Mặc dù vậy, việc ngăn ngừa tra tấn trong thực tế thường gặp khó khăn, vì hành vi tra tấn có thể do nhiều đối tượng thực hiện, trong nhiều hoàn cảnh. PGS đặc biệt đánh giá cao và rất cám ơn các chuyên gia từ một số tổ chức quốc tế, cơ sở học thuật ở Việt Nam, Úc và một số quốc gia khác đã nhiệt tình tham dự và dành thời gian viết bài tham luận để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về vấn đề chống tra tấn ở khu vực châu Á. PGS cũng gửi lời cám ơn tới các đối tác lớn, như Trung tâm Luật châu Á thuộc Trường Luật, Đại học Melbourne (Úc), Mạng lưới chống hình phạt tử hình ở châu Á và Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã cùng Khoa Luật tổ chức Hội thảo hôm nay.

Hội thảo đã nhận được 15 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, thu hút hơn 170 đại biểu tham gia cho thấy sự hấp dẫn và sự quan trọng của chủ đề mà Hội thảo đưa ra.

Chương trình của Hội thảo chia làm 05 phiên chính, gồm: Phiên 1 - Tổng quan về những thách thức và cơ hội trong phòng chống tra tấn ở Châu Á; Phiên 2 – Hiệu lực pháp lý về phòng chống tra tấn tại Việt Nam; Phiên 3, 4 – Hiệu lực pháp lý về phòng chống tra tấn; Phiên 5: Phòng chống tra tấn trong các tình huống đặc biệt

Phiên 1 của Hội thảo có 4 tham luận được trình bày với sự chủ trì của GS. Sarah Biddulph. TS. Nguyễn Thị Lan và TS. Trần Thu Hạnh (Khoa Luật, ĐHQGHN) trình bày mở đầu với tham luận về “Cơ hội và thách thức đối với Việt nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về chống tra tấn” với các nội dung cho rằng Việt Nam có nghĩa vụ tiếp tục rà soát và triển khai đồng bộ các giải pháp lập pháp, hành chính và tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tra tấn. Sau khi phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, Việt Nam được đánh giá là một thành viên có trách nhiệm và tích cực của Công ước này. Song nhóm tác giả cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam có thuận lợi trong việc thực thi Công ước Chống tra tấn do có quyết tâm cao và hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự khá đầy đủ và bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế về chống tra tấn. Tuy nhiên quá trình thực thi pháp luật muốn đạt hiệu quả cao Việt Nam vẫn cần thêm thời gian để nâng cao trình độ nhận thức và nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng tranh tụng trong các vụ án hình sự và xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả hơn đối với các hoạt động tư pháp hình sự. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự tuy khá đầy đủ song vẫn cần tiếp tục được rà soát và hoàn thiện hơn nữa để bảo đảm tính thống nhất và bảo đảm quán triệt nguyên tắc mọi người đều không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm như quy định tại khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp năm 2013.

Trong phiên 2 của Hội thảo, trình bày tham luận về “Đánh giá giữa pháp luật Việt Nam và Liên minh chống tra tấn (UNCAT), giải pháp để áp dụng vào thực tế pháp luật và bảo vệ quyền con người”, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hà đề xuất khuyến nghị để đảm bảo thực thi Công ước và pháp luật Việt Nam trong thời gian tới. Phiên 2 của Hội thảo do TS. Dobby Chew chủ trì.

Phiên 3 và 4 của Hội thảo có 8 tham luận với nội dung xoay quanh về hiệu lực pháp lý về phòng chống tra tấn. Theo đó, các diễn giả trình bày tham luận đã đưa ra các quan điểm khác nhau về chống tra tấn như: Tham luận luật pháp quốc tế và quyền hiến định: Không bị tra tấn ở Việt Nam và Trung Quốc của TS. Lã Khánh Tùng (Khoa Luật, ĐHQGHN); Tham luận khả năng Tư pháp: Tra tấn tại Ấn Độ-Bangladesh của bà Prachi Lohia (Ấn Độ); Tham luận Hình sự hóa tra tấn ở Nepal - Chống tra tấn thông qua việc thiết lập hệ thống tư pháp hình sự ở Nepal của GS.TS. Robert Esser (Đại học Passau, Đức) và bà Anna-Lena Sümnick (Đại học Passau, Đức); Tham luận Chống tra tấn ở Canada và Việt Nam: Luật Quốc tế, Hiến pháp và Hình sự của LS. Sébastien Lafrance (Canada).

Phiên 5 của Hội thảo cùng thảo luận Phòng chống tra tấn trong các tình huống đặc biệt do TS. Lã Khánh Tùng chủ trì. Theo đó, Bà Rohini Dahiya đưa ra tham luận về việc tra tấn phụ nữ Dalit ở Ấn Độ: Trường hợp "Double Jeopardy" để giải thích khía cạnh của sự tra tấn của phụ nữ Dalit ở Ấn Độ từ nền tảng của chế độ giai cấp và làm rõ khái niệm phân biệt đối xử trong bối cảnh “Double Jeopardy”.

Hội thảo cũng thu hút được đông đảo ý kiến, phản hồi từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu xoay quanh chủ đề Hội thảo. Nhìn chung, không chỉ ở Việt Nam mà đây là vấn đề thách thức của nhiều quốc gia trên thế giới.

 Minh Giang
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   |