Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Tọa đàm số 07 với chủ đề “Pháp luật về Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới và cách mạng công nghiệp 4.0”
Tối ngày 25/5/2021, tiếp nối thành công của chuỗi hoạt động của Diễn đàn luật học “Vietnam Law” được tổ chức bởi Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Học viện Khoa học xã hội, tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), tọa đàm số 07 đã diễn ra với chủ đề “Pháp luật về Sở hữu trí tuệ (SHTT)Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới và Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0)”. Diễn giả chính của Tọa đàm là Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cụ Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN, TS. Mai Văn Thắng – Trưởng phòng QLKH&HTPT, Khoa Luật, ĐHQGHN, TS. Nguyễn Bích Thảo – Chủ nhiệm Bộ môn Luật Dân sự, Khoa Luật, ĐHGQHN và hơn 230 chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học các đơn vị đào tạo, nghiên cứu và các tổ chức liên quan lĩnh vực SHTT trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh đã gửi lời chào tới tất cả các đại biểu tham dự Tọa đàm này trên không gian ảo thông qua phần mềm Zoom meeting. Theo PGS, Luật SHTT có 15 năm thực hiện dù khá tương thích với các điều kiện quốc tế tuy nhiên trong bối cảnh CMCN 4.0 và Việt Nam là thành viên của các hiệp định FTA thế hệ mới đã đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện luật SHTT trong thời gian tới. Chủ đề Tọa đàm hôm nay hi vọng chúng ta sẽ cùng thảo luận chuyên sâu về chủ đề sở hữu công nghiệp. Với sự tham gia đông đảo của các đại biểu, PGS đã chúc cho Tọa đàm thành công tốt đẹp.

Nội dung chính của Tọa đàm chia làm 2 phần: Phần 1 – Pháp luật SHTT Việt Nam trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới; Phần 2 – Pháp luật SHTT Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Câu hỏi chủ đề của Tọa đàm về Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh thực thi thực thi các FTA thế hệ mới đã được Ông Nguyễn Văn Bảy giới thiệu khái quát FTA thế hệ mới cũng như những đặc trưng. Theo đó, việc tìm kiếm chuẩn mực, yêu cầu để đáp ứng các mong mỏi, lợi ích của các bên là khó khăn nên dẫn đến các nước phát triển tìm kiếm các hiệp định song phương hoặc nhiều bên để thiết lập lên chuẩn mực mới. Các FTA thế hệ mới có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, bao trùm; Mức độ mở cửa liên quan tới tiếp cận thị trường, thuế; Đặt ra tiêu chuẩn cao trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ; Giải quyết các vấn đề phi truyền thống gắn tới thương mại như môi trường, lao động, quyền con người,... Có 2 FTA đáp ứng với các tiêu chuẩn vừa nêu là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) và CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mà Việt Nam tham gia trong thời gian qua. CPTPP và EVFTA bên cạnh những nội dung khác như thương mại, đầu tư, tài chính, viễn thông, môi trường…, SHTT là vấn đề quan trọng của cả hai Hiệp định.

Phân tích sâu hơn về 2 FTA thế hệ mới này, Ông Nguyễn Văn Bảy đưa ra các so sánh thông qua các điểm sau: Phạm vi đối tượng, yêu cầu gia nhập điều ước quốc tế, nhãn hiện, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, thực thi dân sự,…

Tại phần thảo luận của Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã cùng nêu ý kiến đóng góp, bình luận về chủ đề của Tọa đàm và nêu các câu hỏi gửi tới diễn giả như: Hiện nay các nước tham gia vào cả CPTPP và EVFTA đều là những nước có trình độ cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bảo hộ về nhãn hiệu âm thanh, vậy các nước này đã giúp đỡ Việt Nam như thế nào trong việc xây dựng cơ chế bảo hộ cho loại nhãn hiệu đặc biệt này? Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có những hướng đi như thế nào để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời gian tới? Các FTA thế hệ mới có yêu cầu các quốc gia công bố các chỉ dẫn địa lý đang xem xét bảo hộ, và cho phép các quốc gia khác phản đối. Vậy Việt Nam nói chung và cục SHTT nói riêng có cơ chế nào để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân biết đến để phản đối và tự bảo vệ quyền của mình? Việt Nam có những thách thức gì để đạt được các cam kết với tiêu chuẩn cao như vậy? Nếu Việt Nam không thực thi các cam kết thì sẽ phải chịu những chế tài như thế nào?

Tại phần 2 của Tọa đàm về Pháp luật SHTT Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0

Diễn giả và các đại biểu tham dự Tọa đàm đã cùng thảo luận về nội dung CMCN 4.0 đặt ra vấn đề gì lớn đối với pháp luật SHTT Việt Nam trong việc thực thi. Theo đó, CMCN 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Công nghiệp 4.0 cung cấp một cách tiếp cận liên kết và toàn diện hơn cho sản xuất. Nó kết nối vật lý với kỹ thuật số và cho phép cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, sản phẩm và con người.

Tọa đàm diễn giả và các đại biểu cùng thảo luận thách thức cho pháp luật SHTT mấy vấn đề sau: Sản phẩm được sinh ra từ trí tuệ nhân tạo thì đâu là chủ thể do pháp luật điều chỉnh; Các công nghệ liên ngành liên quan sẽ liên quan đến thẩm định; Xử lý xâm phạm SHTT trên môi trường số; AI và BigData; Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với phần mềm máy tính; bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, in 3D,…

Câu hỏi thảo luận tại phần 2 của Tọa đàm mà các đại biểu nêu ra cũng mang tính thời sự cao như: Quy định về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thay đổi như thế nào trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới ạ? Hiện nay các nước đang kêu gọi từ bỏ sáng chế vaccine COVID-19, nếu điều này trở thành hiện thực, theo quy định về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay, việc tiếp nhận sáng chế này sẽ được thực hiện như thế nào ạ? Liên quan Gạo ST25 liệu Việt Nam có cơ chế nào để bảo vệ giống gạo ST25 khi tham gia các FTA thế hệ mới?

Tọa đàm số 07 đã diễn ra thành công, thu hút hơn 230 đại biểu tham dự trong 2 tiếng đồng hồ cho thấy chủ đề mà Khoa Luật đưa ra đã tạo sức hút cho các chuyên gia, nhà khoa học và người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực SHTT. Hi vọng với hình thức tổ chức mới mẻ, chủ đề hấp dẫn, Tọa đàm sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

 Hoàng Nam
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   |