Tin các đơn vị
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tin các đơn vị  >  
Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam
Ngày 4/11/2021, Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN phối hợp với Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững (ISSER) tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Phát triển hệ sinh thái đô thị biển đa chiều ở Việt Nam”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững; PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam; GS.TS Trương Quang Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành Nguyễn Văn Hiệu khẳng định, mạng lưới đô thị cần xây dựng và phát triển trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng và địa phương. Các đô thị được phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, kinh tế phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững phát biểu tại hội thảo

Thực tế cho thấy tại các quốc gia phát triển trên thế giới, việc quy hoạch, phát triển đô thị biển luôn phải tính đến vấn đề quy hoạch không gian, công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là “nguồn vốn phát triển” dài hạn; quy hoạch và lựa chọn các kiến trúc – đô thị xanh, thông minh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp văn hóa bản địa.

Như vậy, từ định hướng của Việt Nam và thành công của các nước phát triển, có thể thấy đô thị biển cần phải là một hệ sinh thái đô thị biển đa chiều, là một bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái tự nhiên và xã hội.

Hội thảo khoa học diễn ra với 3 phiên thảo luận: Tầm nhìn phát triển các Cực kinh tế đô thị biển đa chiều ở Việt Nam; Hệ sinh thái tự nhiên- xã hội trong phát triển đô thị biển đa chiều; Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều - Di sản và các mô hình phát triển.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của hơn 150 nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia trực tuyến. Nhiều câu hỏi được gửi về xoay quanh một số vấn đề như: Chiến lược tầm nhìn kinh tế biển phát triển bền vững như thế nào; Quy hoạch chức năng không gian biển, quy hoạch sử dụng biển, kĩ thuật cảng, sinh thái biển, hoá học biển…; Mối quan hệ hài hoà giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo

Tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khẳng định, việc phát triển đô thị biển ở Việt Nam với các chuỗi đô thị ven biển, chuỗi đô thị đảo và trong tương lai là chuỗi đô thị nổi có những vấn đê cần làm ngay, cũng có những vấn đề cần tiếp tục phát triển. Tuy nhiên khi đặt vấn đề phát triển đất nước bền vững, ổn định lâu dài, cần ưu tiên những giải pháp, hành động phù hợp với yêu cầu chung thuận theo bối cảnh toàn cầu. Vai trò của Biển Đông là hết sức chiến lược.

Trên cơ sở đó, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng phát triển đô thị biển như một phương thức tiếp cận nhằm giải bài toán phát triển bền vững kinh tế biển gắn với chủ quyền an ninh biển đảo. Từ đó gợi mở, thảo luận, xác định nhận diện đô thị biển của chúng ta dưới tư cách một hệ sinh thái. Khi đã là một hệ sinh thái thì bản thân nó đã phải đa chiều, bởi hệ sinh thái bao giờ cũng phải được tồn tại một cách bền vững nhờ sự liên kết bên trong đô thị. Một đô thị có thể phát triển được cần dựa vào kinh tế đô thị, mà kinh tế này có phát triển được hay không là nhờ vào sự liên kết giữa đô thị này với các đô thị khác hoặc không gian lân cận.

>>> Các tin tức liên quan;

- Hội thảo khoa học “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Thực tiễn lịch sử và một số vấn đề đương đại”

- Hội thảo: Định hướng đào tạo Thạc sĩ liên ngành về Phát triển đô thị ở ĐHQGHN

 Thanh Ngọc - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :