VNU & báo chí
Trang chủ   >  Tin tức  >   VNU & báo chí  >  
(GDVN) Giáo sư Đức kỳ vọng chính sách “khoán 10” trong hoạt động khoa học công nghệ
GDVN- Tôi kỳ vọng và tin tưởng tương lai thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam góp phần tích cực và hiệu quả chấn hưng đất nước, sẽ làm nên kỳ tích rạng danh đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Giám đốc Phòng thí nghiệm về Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến - Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học xuất sắc góp phần định danh nền khoa học công nghệ Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức liên tục lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2019, 2020 theo bảng xếp hạng của Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, năm 2020, ông còn là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời và đứng đầu trong bảng xếp hạng các nhà khoa học Việt Nam có tầm ảnh hướng nhất thế giới năm 2020.

Bước sang năm mới 2021, Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam những nhìn nhận và suy tư về vấn đề phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

Phóng viên: Xin Giáo sư chia sẻ về cảm xúc của mình khi nhìn lại hành trình năm 2020 của bản thân khi trở thành 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cơ hữu trong nước lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tôi thực sự rất bất ngờ. Nhưng cũng rất vui và tự hào, và đây cũng là niềm vui và tự hào của nhóm nghiên cứu, của Phòng thí nghiệm và Khoa Công nghệ kỹ thuật Xây dựng – Giao thông do tôi sáng lập và dìu dắt. Như vậy sau nhiều năm bền bỉ miệt mào lao động và cống hiến, những kết quả nghiên cứu của tôi đã được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao và ghi nhận.

Đây là sự động viên và cổ vũ lớn lao không chỉ đối với tôi, mà còn là sự cổ vũ động viên các thế hệ học trò nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước nói chung. Đúng là hạnh phúc và thành công chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, những kết quả đáng tự hào về khoa học công nghệ khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của các nhà khoa học Việt Nam được ghi nhận trong cộng đồng khoa học quốc tế cũng là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam trong những năm gần đây. Ông nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Hoàn toàn đúng như vậy. Từ năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, 2 Đại học Quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, Giám đốc Phòng thí nghiệm về Vật liệu và Kết cấu Tiên tiến - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC)

Đến nay, nước ta có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bản xếp hạng Châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới…

Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh, công bố quốc tế của Việt Nam những năm gần đây tăng rất nhanh.

Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín là 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới (so với 2015 tăng 2,7 lần và tăng 9 bậc).

Bên cạnh xếp hạng của các trường đại học, các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học đang làm việc cơ hữu trong nước, đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà còn có tên và được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng của các nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới – đây chính là những thành tựu lớn lao, là thành quả của sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam, là kết quả của việc hội nhập mạnh mẽ và sự bứt phá vươn lên ngoạn mục trong những năm gần đây của khoa học công nghệ và giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo sư nhìn nhận thế nào về phong độ của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở tầm cao và ông kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Với chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước và của các cơ sở giáo dục đại học đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy đang ngày càng hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh tầm quốc tế. Và hầu hết các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở tầm cao đều làm việc trong các nhóm nghiên cứu mạnh.

Ở Việt Nam, các nhóm nghiên cứu mạnh ngày càng thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học trẻ tài năng ở trong và ngoài nước về làm việc. Thông qua các nhóm nghiên cứu này, các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận được các hướng nghiên cứu hiện đại nhất, tiếp cận được với trình độ và chuẩn mực quốc tế.

Và đây cũng còn là môi trường phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Với sự ghi nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng thế giới với các nhà khoa học Việt Nam trong thời gian qua, và giải pháp phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh như vậy, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều nhà khoa học Việt Nam sánh ngang với các nhà khoa học hàng đầu của thế giới, và thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và đạt được nhiều thành tựu vẻ vang hơn các thế hệ đi trước.

Tôi rất kỳ vọng và tin tưởng tương lai thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam sẽ góp phần tích cực và hiệu quả chấn hưng đất nước, sẽ làm nên kỳ tích rạng danh cho Tổ quốc.

Như Giáo sư đã từng phát biểu thì các nhóm nghiên cứu chính là các tế bào sống của hoạt động khoa học và thậm chí của cả hoạt động đào tạo trong các trường đại học. Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm và những chính sách đầu tư cho nhóm nghiên cứu của các cơ quan quản lý cấp Bộ, Ngành, cũng như một số đại học, trường đại học định hướng nghiên cứu hiện nay? Có hạn chế nào cản bước nhóm nghiên cứu không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Nhóm nghiên cứu chính là tế bào của hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo trong nhà trường. Việc xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu trong trường đại học có tính tất yếu. Nhóm nghiên cứu vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, trong đó với Việt Nam không là ngoại lệ.

Mỹ là nước đi đầu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ, Viện Richard E.Smalley - Đại học Rice (thành lập năm 1993), được xem là một Trung tâm xuất sắc với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano.

Đã có hai nhà khoa học (đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh) của Viện được nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về công nghệ nano.

Kinh nghiệm của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước có tiềm lực khoa học công nghệ mạnh và phát triển rất nhanh, cho thấy nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những phương thức để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành.

Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính trường phái.

Nhóm nghiên cứu có vai trò cực kỳ quan trọng từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, chế thử, kết nối nhà khoa học với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới, và còn là môi trường để thúc đẩy khởi nghiệp.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (ngồi ngoài cùng bên phải ảnh) làm trưởng nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội Vật liệu và kết cấu tiên tiến (ảnh: UET)

Với chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo và sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học, đã có nhiều chính sách hay thúc đẩy nảy nở, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học trong những năm gần đây.

Nhờ có sự quan tâm và những chính sách này, năm 2019, công bố quốc tế của các trường đại học đã chiếm đến hơn 80% các công bố quốc tế của Việt Nam. Khoa học công nghệ và giáo dục đại học của chúng ta đã có những chuyển biến đột phá về chất lượng đội ngũ và công bố quốc tế, qua đó ngày càng góp phần quan trọng thúc đẩy kiểm định và xếp hạng đại học vươn lên hội nhập mạnh mẽ với thế giới trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh còn cầm chừng và nhỏ giọt, một số chính sách còn chưa thông thoáng và thậm chí còn chưa đi vào cuộc sống, vì vậy, chúng ta cần điều chỉnh và hoàn thiện những chính sách này: đầu tư trọng tâm trọng điểm, mạnh dạn hơn nữa, dài hơi hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong thời gian tới để tạo nên những cú huých tăng trưởng đột phá về chất lượng trong hoạt động khoa học công nghệ và giáo dục đại học.

Bước sang năm mới 2021, Giáo sư kỳ vọng gì cho bước tiến của giáo dục đại học đặc biệt một cú hích để khoa học công nghệ Việt Nam phát triển đột phá?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Năm 2021 là năm đặc biệt ghi dấu ấn thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cả đất nước và dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới. Để tạo nên cú huých về giáo dục đại học và khoa học công nghệ, phải có những cú huých về cơ chế và đội ngũ.

Tôi kỳ vọng năm 2021, chúng ta sẽ có một chính sách tương tự “khoán 10" trong hoạt động khoa học công nghệ, có như vậy mới thu hút được mọi nguồn lực và phát huy được động lực cho đổi mới và phát triển.

Tôi cũng kỳ vọng tự chủ đại học sẽ được triển khai toàn diện và sâu sắc, sẽ có những giải pháp mới, đột phá để nâng cao chất lượng đi đôi với cải thiện về chính sách trọng dụng, đãi ngộ với đội ngũ các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của nước nhà – những người trực tiếp tham gia như lực lượng sản xuất trực tiếp và quan trọng nhất của giáo dục đại học và khoa học công nghệ của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Đình Đức.

 Thùy Linh
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :