VNU & báo chí
Trang chủ   >  Tin tức  >   VNU & báo chí  >  
Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội tăng 1.600 chỉ tiêu và 4 ngành học mới
Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội mở 4 ngành mới về kỹ thuật công nghệ, đồng thời có tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 15.600, tăng 1.600 chỉ tiêu so với năm học trước.

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội học tập trên cơ sở Hòa Lạc (Ảnh: VNU)

Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội thì năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm 4 ngành mới gồm: ngành Cử nhân Văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường ĐH Ngoại ngữ; ngành Cử nhân Thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; 2 ngành kỹ sư của Trường ĐH Việt Nhật là Công nghệ thực phẩm và sức khỏe; Kỹ thuật công nghệ cơ điện tử.

“4 ngành mới đều liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 và cuộc sống đương đại. ĐH Quốc gia Hà Nội đã khảo sát kỹ và tin tưởng, các ngành này sẽ sức thu hút tốt trong mùa tuyển sinh năm nay”- GS Nguyễn Đình Đức cho biết.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội: Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội có thêm 4 ngành học mới và tăng 1.600 chỉ tiêu

Với sự nâng cấp của các đơn vị đào tạo trực thuộc, năm nay, chỉ tiêu của ĐH Quốc gia Hà Nội tăng hơn 10%, cụ thể là tăng thêm 1.600 chỉ tiêu (từ 14.000 lên 15.600).

ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn tiếp tục có chính sách đặc biệt cho các thí sinh theo học khối các ngành khoa học cơ bản (Toán học, Vật lý, Hóa học,...) như hỗ trợ hoàn toàn học phí, hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/tháng và chỗ ở trong ký túc xá, để các sinh viên có điều kiện theo đuổi, nuôi dưỡng đam mê.

Về cơ bản, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực; xét tuyển theo kết quả các kỳ thi, chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ THPT; xét tuyển học sinh các trường chuyên, THPT thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Điểm mới về phương thức tuyển sinh năm nay của ĐH Quốc gia Hà Nội là tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức đánh giá năng lực có thể tăng lên, công nhận kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong tuyển sinh và ngược lại, tiếp tục sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ..

 

Nếu năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội có gần 2.000 sinh viên học tại cơ sở mới Hòa Lạc thì năm 2023, theo đăng ký của các cơ sở trực thuộc, sẽ có gần 7.000 sinh viên lên học tại đây. Nhằm phát huy những lợi thế về cảnh quan, cơ sở vật chất của cơ sở Hòa Lạc, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên để ngoài việc tốt về năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, sinh viên còn được tham gia hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, thể chất…., từ đó hoàn thiện các kỹ năng mềm để tự tin hòa nhập và đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống.

Nguồn: Báo Kinh tế & đô thị

 Nam Du - Báo Kinh tế & đô thị
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :