Các bài phát biểu của Giám đốc
Trang chủ   >  GIỚI THIỆU  >   Các bài phát biểu của Giám đốc  >  
Phát biểu của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, 75 năm truyền thống Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Phát biểu của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, 75 năm truyền thống Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn diễn ra vào sáng nay, ngày 20/11/2020. Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài phát biểu trong dịp 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam đầy ý nghĩa này.

Kính thưa các cô các thầy, các vị khách quý cùng toàn thể các anh chị em học viên, sinh viên!

Hôm nay, Trường Đại học KHXH&NV tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, kỷ niệm 25 năm thành lập, 75 năm truyền thống thay mặt Thường trực Đảng ủy và Ban Giám đốc ĐHQGHN, tôi xin gửi tới Nhà trường, tới các cô các thầy lời chúc mừng, sự chung vui và lời chào trân trọng nhất. Xin được chúc mừng các nhà giáo được nhận các danh hiệu thi đua và phần thưởng cao quý của Nhà nước và Chính phủ trao tặng ngày hôm nay, ĐHQGHN tự hào rất nhiều về các thầy các cô.

Kính thưa các thầy các cô, các vị khách quý cùng anh chị em sinh viên!

25 năm, một phần tư thế kỷ qua là chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ, một quá trình phát triển liên tục, từ chỗ chỉ là vài ba khoa của trường Đại học Tổng hợp sau 25 năm xây dựng, Trường Đại học KHXH&NV nay đã là một  trường đại học đa ngành, liên ngành trong lĩnh vực Khoa học xã hội và lĩnh vực Khoa học nhân văn với gần 20 khoa và bộ môn trực thuộc, hiện tổ chức đào tạo 103 chương trình (với 31 chương trình cử nhân, 72 chương trình sau đại học), quy mô sinh viên trên 10 nghìn người, trong đó hơn 20% là học viên sau đại học, với tổng số cán bộ 530 người trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, nhiều chuyên gia đầu ngành. Quan trọng hơn cả, Trường đã trở thành một thương hiệu, một niềm tự hào. Trường cũng đã bước đầu tạo dựng được bản sắc riêng và tạo dựng được giá trị quan trọng, giá trị nhân văn, tinh thần học thuật, mang tầm quốc gia và quốc tế. Là một Trường đại học thành viên trong ĐHQGHN, nhưng quy mô, tầm vóc, ảnh hưởng của Trường trong nhóm các trường lớn và mạnh của hệ thống các trường đại học trong cả nước. Nguồn nhân lực và thương hiệu mà Trường đang có, nhiều trường đại học khác mơ ước cũng khó có được. Đạt được thành tựu đó, trước hết là nhờ công sức, trí tuệ tâm huyết của toàn thể cán bộ và sinh viên, học viên của Nhà trường, cũng là kết quả của mối quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính Phủ, các Bộ Ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và của ĐHQGHN. Trong lễ kỷ niệm hôm nay, tôi xin được chúc mừng cho những kết quả lớn mà Trường Đại học KHXH&NV đã đạt được trong thời gian vừa qua, cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của nhiều thế hệ các cán bộ, nhân viên và học viên của Nhà trường.

Kính thưa các quý vị và các bạn!

Mỗi một dịp kỷ niệm, người ta vừa nhìn về chặng đường đã qua, nhưng quan trọng hơn, người ta cùng nhìn vào hiện tại và hướng về tương lai. Ở thời điểm này, chưa bao giờ Trường Đại học KHXH&NV có được những thuận lợi và triển vọng lớn như vậy, nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách lớn như vậy.

Khoa học xã hội và nhân văn bao giờ cũng đi liền với thể chế chính trị, với đường lối phát triển xã hội và phát triển con người. Khoa học xã hội và nhân văn có thể mở đường, có thể góp phần làm cho sự phát triển một quốc gia về tốc độ về quy mô, nhưng quan trọng hơn là nó hướng về CHẤT LƯỢNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN. Nhân lực mà Trường Đại học KHXH&NV đào tạo ra, sản phẩm nghiên cứu mà Trường Đại học KHXH&NV viết lên, nó phục vụ cho chất lượng của sự phát triển, SỰ THỤ HƯỞNG PHÁT TRIỂN và GIÁ ĐỠ CHO SỰ PHÁT TRIỂN TIẾP TỤC VÀ GIA TĂNG của chặng tiếp theo.

Về nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong thời gian sắp tới, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ”

Việc nêu ra các quan điểm như trên về vấn đề con người, về văn hóa và các vấn đề nhân văn ở trên là những nhận thức và định hướng tạo sự chuyển biến và tạo ra vận hội to lớn cho Trường Đại học KHXH&NV, cho việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này. Vấn đề là chúng ta có nắm bắt được thời cơ hay không, có đủ lực để chuyển hóa được cơ hội thành sản phẩm và đóng góp của chúng ta hay không mà thôi.

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo!

Khoa học xã hội nhân văn là khoa học phát triển con người, phát triển xã hội, phát triển văn hóa. HỆ GIÁ TRỊ là hạt nhân và cối lõi của mọi nền văn hóa. Khoa học xã hội và nhân văn phải góp phần tạo dựng hệ giá trị mới cho con người Việt Nam vừa phát huy truyền thống và tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa thích ứng với thời đại cách mạng công nghiệp mới, trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh chóng. Đất nước chúng ta thời gian vừa qua là thời gian mấy chục năm đổi mới, mấy chục năm phát triển kinh tế thị trường, về thực chất nó là thời kỳ chuyển đổi. Phát triển kinh tế càng nhanh, chuyển đổi nền kinh tế và xã hội càng lớn và càng sâu sắc thì các vấn đề con người đặt ra càng gay gắt.

Trong những năm gần đây, ĐHQGHN đã điều chỉnh chiến lược khoa học công nghệ, vừa phát triển các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nông nghiệp, y dược... nhưng đã đặc biệt chú ý phát triển các chương trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và liên ngành, trong đó các nhiệm vụ: biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí), Trung tâm Tư liệu Việt Nam học, Dịch thuật các tác phẩm kinh điển phương Đông,.. các chương trình này đang góp phần làm cho sự phát triển khoa học công nghệ của ĐHQGHN toàn diện và cân bằng hơn. Trong những chuyển động chung đó Trường Đại học KHXH&NV đang tham gia tích cực và đảm nhiệm nhiều việc quan trọng. Đây cũng lại là vận hội lớn cho Trường Đại học KHXH&NV.

Trường Đại học KHXH&NV từ khởi nguồn sâu xa, từ truyền thống 75 năm và lịch sử 25 năm đã và đang tạo dựng nên một giá trị, đó là giá trị nhân văn. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được tầm quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn và đã thành lập Trường Đại học Văn khoa thuộc Đại học Việt Nam, từ bấy tới nay, Trường đã từng bước xây dựng được truyền thống quý báu này. Đó là truyền thống đề cao tình cảm dân tộc, yêu thương con người, hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Trong ngôi trường này cũng từng bước xây dựng được giá trị nhân văn, của sự chia sẻ, đoàn kết, vị tha, hướng thiện. Bằng khoa học xã hôi nhân văn và tầm lòng của cán bộ và sinh viên đã xây dựng nên truyền thống tốt đẹp ấy, hay nói cách khác, truyền thống ấy được xây dựng vững chắc bằng học thuật của chính lĩnh vực này và bằng tình cảm, bằng cả trí và tâm. Hơn lúc nào hết, các đồng chí lãnh đạo nhà trường và các cấp, cần ý thức được sâu sắc điều này, cần thấy sự tiếp nối và vun đắp truyền thống đó là trách nhiệm và lòng tự trọng của từng người.  

Để có thể nắm bắt được cơ hội, để khoa học xã hội và nhân văn tiếp tục được phát huy và tỏa sáng, Đảng bộ Nhà trường, Ban Giám hiệu, các cán bộ quản lý, cán bộ khoa học của Trường cần làm, rất cần làm ngay là hội tụ về tinh thần, nhất hướng về hành động, ổn định về tổ chức, thống nhất về quản lý, trật tự kỷ cương ngay ngắn trên dưới.

Trường Đại học KHXH&NV cần tiếp theo đà điều chỉnh và phát triển này, đề xuất thêm nhiều chương trình khoa học công nghệ lớn, mới và dài hạn, lấy nghiên cứu cơ bản sâu, độc đáo, nghiên cứu khảo sát thực tế,... để phát triển các hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Cần thực hiện một công cuộc chuyển đổi số thực sự trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn, triển khai sâu rộng “nhân văn số”,... làm tốt công việc tư vấn chính sách và thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ đang được giao.

Đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tài năng và đào tạo chất lượng cao theo mô hình mới, hướng tới phương pháp giáo dục cá nhân hóa, đổi mới hoạt động giảng dạy, giáo dục đào tạo thích ứng với bối cảnh nhiều biến động và khó khăn thách thức trên toàn thế giới do dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay. Cần đổi mới chính sách sử dụng cán bộ, định biên nhân lực, ưu tiên định biên nhân lực để phát triển các ngành truyền thống, sở trường, là thương hiệu và tự hào của trường, không chỉ lấy tiêu chí giờ giảng làm tiêu chí cứng nhắc duy nhất quyết định sự phát triển tổ chức và nhân lực. Cần chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai mô hình tự chủ đại học theo chủ trương chung của ĐHQGHN ngay trong năm 2021. Cần rà soát sắp xếp lại ngành nghề đào tạo, đặc biệt là danh mục các ngành và chuyên ngành đào tạo bậc sau đại học.

Năm 2021, các đơn vị trong ĐHQGHN đang tích cực chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại Hòa Lạc, Trường Đại học KHXH&NV cũng cần tích cực chuẩn bị, đường số 8 đi qua khu vực Trường và các hạ tầng khác thuộc khu vực Trường sẽ được làm giữa năm 2021. ĐHQGHN sẽ cùng trường có giải pháp sớm về vốn để xây dựng Trường, xây dựng các hạng mục thuộc nhóm công trình Trường Đại học KHXH&NV như các bảo tàng, các thư viện, khu trải nghiệm, khu nghiên cứu Việt Nam học, khu tư liệu Việt Nam học,... dĩ nhiên mọi cố gắng tự thân của trường vẫn mang ý nghĩa quyết định cho việc phát triển tại Hoa Lạc trong tương lai.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 20/11 ngày hôm nay, xin gửi tới tất cả các nhà giáo đang làm việc tại trường lời chúc mừng, lời thăm hỏi và lời cảm ơn bởi những gì mà các thầy đô đã đóng góp cho trường, cho ĐHQGHN và cho đất nước. Kính chúc các thầy cô sức khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc và luôn luôn hạnh phúc./.

 

 Đặng An
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :