CÁN BỘ
Trang chủ   >  CÁN BỘ  >   Giới thiệu chung
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ CỦA ĐHQGHN

Cập nhật đến 01/01/2021

Đội ngũ cán bộ khoa học (CBKH) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đông đảo và mạnh nhất trong hệ thống các trường đại học của cả nước. Tính đến 31/12/2020, ĐHQGHN có 4.393 cán bộ gồm 2.441 viên chức và 1.952 người lao động với số CBKH là 2.344 người. Tổng số viên chức, người động của các đơn vị đào tạo, NCKH (không tính các đơn vị hỗ trợ, phục vụ, dịch vụ)  là 3.584 người. Do đó, tỷ lệ CBKH/tổng số cán bộ ở các đơn vị đào tạo, NCKH là 65%, đáp ứng tỷ lệ quy định tại Nghị quyết 19-NQ/TW (tối thiểu là 65,4%). Tỷ lệ CBKH có trình độ TS và TSKH trở lên là 57,8% (trong đó có 3% GS, 16,7% PGS). Tỷ lệ CBKH có chức danh GS, PGS cao gần gấp 3 lần tỉ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ CBKH trình độ cao tăng liên tục qua các năm.

Phần lớn đội ngũ CBKH của ĐHQGHN là các nhà khoa học xuất sắc, trong số đó có các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín lớn ở trong và ngoài nước về các ngành, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế, luật, giáo dục... Với chiến lược phát triển có tính hội nhập cao, đến nay, phần lớn cán bộ quản lý, CBKH của ĐHQGHN đều có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN đã được tặng những giải thưởng lớn, trong đó một số được công nhận giải thưởng khoa học quốc tế như: Nobel năm 2007; Hành tinh xanh (The Blue Planet Prize, năm 2003); Cosmos Prize lần thứ 16, năm 2008; Huân chương Cành cọ Hàn Lâm của Pháp, năm 2014; Kovalevskaia, năm 2018. Ngoài ra, CBKH của ĐHQGHN còn đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước như 18 giải thưởng Hồ Chí Minh; 11 giải thưởng Nhà nước và một số giải thưởng khác: Tạ Quang Bửu, Nhân tài Đất Việt (năm 2015, 2017, 2018). Năm 2019, ĐHQGHN có 03 nhà khoa học của ĐHQGHN được Tạp chí PloS Biology công nhận trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có trích dẫn khoa học nhiều nhất; 02 nhà khoa học đón nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực Y Dược và tập thể nữ khoa học nhận giải thưởng Kovalevskaia và 01 nữ khoa học nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Năm 2020, ĐHQGHN tiếp tục có 02 nhà khoa học được Tạp chí PloS Biology của Hoa Kỳ công nhận trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới có ảnh hưởng lớn nhất năm 2020. Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam là GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức - xếp hạng 5.798 thế giới, PGS.TS. Lê Hoàng Sơn - xếp hạng 9.261 thế giới, xếp thứ 3 Việt Nam. Như vậy, hai nhà khoa học của ĐHQGHN nằm trong nhóm 1,4% nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất trong số 7 triệu nhà khoa học trong cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960 đến năm 2020.

ĐHQGHN đã có các giải pháp đột phá nhằm phát triển đội ngũ CBKH như: i) Thí điểm chính sách trọng dụng nhà khoa học trình độ cao; ii) Đề án Quy hoạch CBKH theo ngành và chuyên ngành đào tạo gắn với lĩnh vực khoa học và công nghệ; iii) Đề án thu hút học giả quốc tế; iv) Đề án phát triển đội ngũ CBKH trình độ cao, đầu ngành đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025...Đặc biệt, hiện nay ĐHQGHN đang triển khai xây dựng Khu nghiên cứu khoa học liên ngành rộng 22,9 ha đồng bộ, hiện đại tại Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.

Nhằm thu hút và phát triển các nhà khoa học trẻ và tài năng, ĐHQGHN đã thành lập Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VNU-VSL). Lãnh đạo, điều hành Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (CLB) gồm Chủ tịch, Ban Điều hành gồm 13 thành viên, đại diện cho các nhà khoa học ở hầu hết các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động tích cực hỗ trợ cho các nhà khoa học; đặc biệt là tổ chức chuỗi các sự kiện có ý nghĩa, thu hút sự tham dự của nhiều nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các GS, PGS, nhà khoa học quốc tế đến trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Mỗi năm, ĐHQGHN có khoảng 600 lượt nhà khoa học, nhà quản trị, chính trị gia đến trao đổi, làm việc ở khắp các đơn vị trong ĐHQGHN.

 

 Ban Tổ chức Cán bộ
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :