TIN TỨC & SỰ KIỆN
Phiên bản Tiếng Việt 14:19:32 Ngày 04/04/2022 GMT+7
VSL - 9 năm thành lập: Kết nối cộng đồng nhà khoa học vì sự phát triển của ĐHQGHN
Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (tên tiếng Anh: VNU - Scientist Links, viết tắt là VSL) được thành lập theo quyết định số 463/QĐ-TCCB ngày 07/02/2013 của Giám đốc ĐHQGHN, là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận, phi hành chính nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN.

Với mục đích tạo một nơi giao lưu cho các nhà khoa học có cơ hội được thỏa sức đam mê và cống hiến; Hỗ trợ các thành viên phát triển theo lộ trình cá nhân, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu ĐHQGHN; Gắn kết các nhà khoa học để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh có khả năng triển khai được các đề tài nghiên cứu khoa học lớn trong và ngoài nước; Thúc đẩy công bố quốc tế và thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đến hợp tác; đồng thời góp phần phát huy tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học trong các chương trình, nhiệm vụ lớn của ĐHQGHN, trong đó có việc xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN.

Đồng thời, VSL cũng góp phần trong việc định hướng, quy hoạch các nhà khoa học trẻ vào những nhiệm vụ trọng điểm trong từng giai đoạn phát triển và tạo nguồn quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ tài năng, nhiệt huyết, giàu sức sáng tạo để tham gia giải quyết các vấn đề đặt ra của ĐHQGHN. Đại diện Ban Giám đốc giữ vai trò Chủ tịch VSL, cho thấy sự quan tâm của Ban Giám đốc đối với hoạt động nghiên cứu của nguồn nhân lực trẻ. Ngay nhiệm kỳ đầu tiên, VSL đã vinh dự được đón nhận sự quan tâm của GS. TS Phùng Xuân Nhạ, lúc bấy giờ là Giám đốc ĐHQGHN. Ở mỗi giai đoạn, VSL đã có những điều chỉnh nội dung và cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình phát triển của ĐHQGHN.

Trải qua 9 năm hoạt động, VSL đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm, qua đó góp phần khẳng định vị trí của VSL trong hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo hiệu ứng lan toả cho thương hiệu, uy tín và đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của ĐHQGHN.

Giai đoạn 2013-2018

Trong giai đoạn mới thành lập, VSL tập trung hỗ trợ các nhà khoa học trẻ có công bố quốc tế. ĐHQGHN là đơn vị tiên phong thực hiện chính sách đặc biệt nhằm động viên, khen thưởng tập trung vào các nhà khoa học trẻ, qua đó tiếp thêm động lực cho nhà khoa học trẻ tăng cường công bố quốc tế. Để khuyến khích các nhà khoa học, trong giai đoạn năm 2013 đến 2016, chương trình hỗ trợ công bố quốc tế (thuộc hệ thống ISI và SCOPUS hoặc có chỉ số IF cao) do VSL chủ trì triển khai với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng đã được trao cho 164 bài báo và 128 tác giả.

Bên cạnh đó, chuỗi hội thảo, chương trình cafe với đa dạng các chủ đề về hỗ trợ công bố, hợp tác quốc tế, xúc tiến các hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp, các chương trình trường hè khoa học… được tổ chức thu hút đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học trong toàn ĐHQGHN.

Mặt khác, thành viên VSL được tham gia các đề tài, đề án trọng điểm như: tham gia hỗ trợ Văn phòng Chương trình Tây Bắc, chủ nhiệm các đề tài thuộc Chương trình Tây Bắc trong quá trình triển khai hợp đồng nghiên cứu; tham gia hỗ trợ Ban Quản lý Trường Đại học Việt Nhật (VJU), tham gia nghiên cứu, đề xuất chính sách thí điểm trọng dụng, đãi ngộ đối với cán bộ khoa học trình độ cao ở ĐHQGHN; tham gia nhóm xây dựng chiến lược phát triển ĐHQGHN giai đoạn 2015-2020… qua đó học hỏi kinh nghiệm và phát huy năng lực quản lý, triển khai các đề tài, dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, VSL cũng là đầu mối chuyên môn triển khai các đề xuất hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KH&CN với các đối tác trong và ngoài nước, cụ thể như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); Đại học Rice (Hoa Kỳ); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo (IPP),...

Giai đoạn 2019-2021

Tháng 9/2019, VSL đã kiện toàn chức vụ Chủ tịch và Ban điều hành gồm 13 thành viên, đại diện cho các nhà khoa học ở hầu hết các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN, ban hành quyết định về quy định tổ chức và hoạt động của VSL nhằm phù hợp với tình hình mới.

Tháng 4/2021, VSL tiếp tục kiện toàn nhân sự Ban Điều hành với 17 thành viên. Hiện nay, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đang giữ chức danh Chủ tịch VSL.

Đúng với kỳ vọng và chủ trương của Ban Giám đốc, VSL mở ra những diễn đàn, không gian đối thoại, chia sẻ trong đó các nhà khoa học được gặp gỡ, đối thoại một cách cởi mở và trên tinh thần tự nguyện; cán bộ, giảng viên, sinh viên, người học tại ĐHQGHN có thể tham gia và có thể trao đổi, thảo luận cũng như đề đạt trực tiếp những ý tưởng, nguyện vọng thông qua Ban điều hành CLB hoặc trực tiếp đến Ban Giám đốc - những người thường xuyên theo sát và tham dự các sự kiện của VSL.

Các sự kiện khoa học do VSL tổ chức đề cao tính liên ngành, góp phần bổ sung cho các hoạt động khoa học mang tính chuyên sâu của các đơn vị thành viên, góp phần tạo ra những cuộc gặp gỡ, kết nối có ý nghĩa tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau, như khoa học tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế, khoa học xã hội nhân văn,… từ đó giúp nâng cao tinh thần và sức mạnh OneVNU trong cộng đồng khoa học ĐHQGHN.

Hiện nay VSL đang triển khai các hoạt động định kỳ như: VSL-TALK, VSL-WritingCamp, VSL-Training, VSL Workshop với đa dạng các chủ đề và hình thức tổ chức…. Có thể nói, năm 2021 là năm VSL thích ứng một cách tối ưu nhất với dịch bệnh Covid 19 và đây cũng là năm có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo kết nối các nhà khoa học. Hầu hết các hoạt động của VSL được triển khai dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp.

Chuỗi Trại sáng tác “VSL-Writing Camp” lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình quốc tế vào tháng 10 năm 2021 đã tạo ra một không gian sáng tác cho các nhà khoa học. Các NKH tham gia Trại sáng tác đã trải nghiệm 3 ngày vừa giao lưu, kết nối, vừa chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc gia và quốc tế, vừa thực hành viết Đề xuất – Proposal cho Hội đồng Anh, và 1 trong 2 đề xuất đã được phê duyệt vào tháng 12 và triển khai ngay vào tháng 1 năm 2022. Sản phẩm thành công đầu tay của VSL Writing Camp chính là Đề xuất cho Dự án” Nâng cao năng lực nữ lãnh đạo trong giáo dục đại học hướng tới chuyển đổi số và toàn cầu hóa”, được Hội đồng Anh tài trợ.

Với uy tín ngày một nâng cao, nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước đã lựa chọn VSL là đối tác tin cậy để hợp tác, kết nối về khoa học. Các Hội thảo quốc gia và quốc tế do VSL chủ trì và phối hợp, hỗ trợ truyền thông trong năm vừa qua cũng hết sức ấn tượng, góp phần khẳng định thương hiệu nghiên cứu của ĐHQGHN trên trường quốc gia và quốc tế.

Năm 2021 cũng là năm thành công với các hoạt động đào tạo, tập huấn do VSL chủ trì và phối hợp tổ chức. Dưới sự chủ trì của Ban TCCB, VSL đã phối hợp với EdLab, 1 tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu theo hướng – coaching, “cầm tay chỉ việc” để đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học, gần 200 cán bộ, giảng viên và NCS tham gia khóa đào tạo có thể viết bài gửi đăng trên các tạp chí xếp hạng Scopus.

Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ kết nối của Ban Hợp tác và Phát triển, chủ trì của Ban Tổ chức cán bộ và sự phối hợp của Ban Khoa học – Công nghệ, VSL đã nhận được tài trợ của Hội đồng Anh cho 60 NKH trẻ của ĐHQGH tham gia khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu – Research Connect, để nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời tăng cường khả năng kết nối với NKH tham gia dự án đào tạo đến từ các trường ĐH ở Thái Lan và Bangladesh.

Ngoài ra, ban điều hành VSL còn tích cực tham gia vào các đề án chuyên môn, đề tài NCKH lớn của ĐHQGHN như: tham gia xây dựng Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2035, Khung chiến lược KHCN phát triển các tỉnh ven biển Việt nam, Đề án Thúc đẩy khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Kết nối doanh nghiệp, Đề án Nâng cao năng lực công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH và nhân văn, Đề án Thu hút học bổng nghiên cứu sinh và sau Tiến sĩ.

Với những kết quả đạt được, VSL mong muốn sẽ ngày càng phát triển, là kênh kết nối các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN với các tổ chức trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của ĐHQGHN nói riêng, của Việt Nam và thế giới nói chung. Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN hy vọng sẽ là địa chỉ đồng hành tin cậy của các nhà khoa học ĐHQGHN, hỗ trợ hiệu quả nhất cho sự thành công của các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy tại ĐHQGHN.

>>>>>> Các tin bài liên quan:

- VNU-VSL: Một năm thành công và thích ứng với đại dich Covid

- VNU-VSL: Kết nối cộng đồng nhà khoa học vì sự phát triển của ĐHQGHN

- VNU – VSL: Nhịp cầu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

- VNU – VSL: Tọa đàm số 3 về chủ đề “Thúc đẩy quyền năng phụ nữ trong khoa học”

- VISL: cầu nối của tri thức, gia tăng các giá trị khoa học

 

 
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ