Đào tạo song hành với tinh thần khởi nghiệp Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu là các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhân đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sinh viên, học viên trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chủ trì Hội thảo gồm Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn và ông Đào Minh Quang, Chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang. Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trường Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, nhà trường đã thực hiện chủ trương hài hòa giữa đào tạo tri thức chuyên sâu, nền tảng vững chắc với việc trang bị cho sinh viên tinh thần linh hoạt, chủ động, thích ứng nhanh với thực tế xã hội. Bên cạnh việc viên nghiên cứu các chính sách, nhà trường đặc biệt theo dõi xu hướng tốt nghiệp và cơ hội việc làm của sinh viên toàn trường, cũng như các trường ĐH khác. Theo đó, sinh viên tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN không chỉ làm việc trong các lĩnh vực đã được đào tạo mà còn làm việc ở nhiều lĩnh vực khác, nhiều sinh viên đã có một tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ dựa trên nền tảng tri thức được trang bị tại nhà trường. “Rõ ràng, tư duy về ngành nghề của sinh viên đã thay đổi, các em tự kiến lập đường đi, tự tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt” Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, học phần Khởi nghiệp đã được đào tạo chính thức trong các chương trình đào tạo của trường từ nhiều năm nay, nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và chuẩn bị cho các em sinh viên tâm thế sẵn sàng hội nhập, khởi nghiệp. Việc hợp tác với Quỹ Đào Minh Quang trong việc triển khai Dự án lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chính là việc cụ thể hóa chủ trương trên của nhà trường. Thành quả bước đầu của Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững Tại hội thảo, Ban tổ chức đã công bố và giới thiệu Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn do Quỹ Đào Minh Quang, CHLB Đức tài trợ, gồm một số nội dung chủ yếu như: các hoạt động chuyên môn, tiến độ thực hiện và sản phẩm của từng hoạt động nhằm sử dụng vào thực tiễn đào tạo và thực hành khởi nghiệp cho sinh viên và học viên trong các trường đại học và cao đẳng. Điểm mới và trọng tâm của dự án này là việc đào tạo thực hành theo mô hình Lập nghiệp bền vững của CHLB Đức cho những người muốn đi lập nghiệp và khởi nghiệp, thường ở độ tuổi từ 18 đến 35. Giới thiệu về dự án, TS. Đào Minh Quang, Chủ tịch Quỹ Đào Minh Quang, Trưởng Ban cố vấn dự án cho biết, ý tưởng xuyên suốt của dự án là triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên nhận thức về lập nghiệp và khởi nghiệp một cách bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Trước đó, vào ngày 13/11/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Quỹ Đào Minh Quang đã ký kết Thỏa thuận khung về Hợp tác và Tài trợ cho Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam theo mô hình của CHLB Đức, cụ thể là cho hoạt động nghiên cứu, biên soạn học liệu, giáo trình giảng dạy và thực hiện các khóa đào tạo thực hành trong lĩnh vực Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Viêt Nam. Quỹ Đào Minh Quang đã phối hợp với Trường ĐH KHXH&NV biên soạn 17 tập cẩm nang, mỗi cuốn khoảng 100 trang với những kiến giải đơn giản, dễ hiểu, những ví dụ cụ thể trong thực tiễn kinh doanh của TS. Đào Minh Quang và các doanh nhân, nhà khoa học khác. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết, CHLB Đức luôn đứng ở vị thế là một trong những quốc gia đứng đầu châu Âu trong khởi nghiệp và sáng tạo. Mô hình và thực tế start-up, tại Đức sẽ góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp bền vững đến các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và tại các trường đại học nói riêng. Và bộ cẩm nang được đúc kết từ thực tiễn, kinh nghiệm của CHLB Đức cũng như cá nhân doanh nhân, TS. Đào Minh Quang sẽ đóng góp vào hành trình khởi nghiệp của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV nói riêng và các trường ĐH khác nói chung. Tại hội thảo, 5 báo cáo đã được trình bày và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị và giải pháp từ các chuyên gia về việc đào tạo, hỗ trợ sinh viên Việt Nam lập nghiệp và khởi nghiệp bền vững. Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao giá trị của dự án với tập cẩm nang về khởi nghiệp dành cho thanh niên Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn, với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, dự án sẽ tiếp tục mang đến những tri thức mới, cập nhật, trở thành “cẩm nang sống” bằng việc ứng dụng công nghệ AI. Theo Chủ tịch, Tổng giám đốc TalentPool Đỗ Thùy Dương, lợi thế vượt trội của Dự án là bộ cẩm nang được phối hợp chặt chẽ giữa những chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư có kinh nghiệm khởi nghiệp với trường đại học có bề dầy lịch sử và có cộng đồng sinh viên lớn nhất cả nước ở các khối ngành nghề đa dạng nhất là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. “Tôi xin phép dành những chữ này để khái quát đánh giá về dự án, đó là: Đa dạng, Đồ sộ và Đông đảo, Bền vững”. Theo đó, dự án có sự đa dạng về phương thức tiếp cận, về hình thức thể hiện, về mục tiêu đối tượng; đồ sộ về khối lượng công việc, số lượng sản phẩm; đông đảo chuyên gia tham gia hỗ trợ để sản phẩm được hoàn thành. Đặc biệt, bộ tài liệu có một điểm đặc sắc, độc đáo là chữ “bền vững”. Bài học kinh nghiệm về đào tạo và tư vấn lập nghiệp, khởi nghiệp bền vững cho sinh viên Việt Nam Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ và các tổ chức đã đặt mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp để tạo cơ hội việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Tại Hà Nội, với vai trò là trung tâm giáo dục lớn nhất cả nước, các trường đại học đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào này. Số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên tại Hà Nội tăng gấp 5 lần từ 2010 đến 2023. Từ chỉ 100 dự án vào năm 2010, con số này đã đạt mức 500 dự án vào năm 2023. Các dự án khởi nghiệp của sinh viên đã thu hút được tổng số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Dự báo từ ĐHQGHN cho thấy, số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên có thể tăng trưởng 10-15% mỗi năm, với xu hướng tập trung vào các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và nông nghiệp bền vững. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là có ít nhất 10.000 dự án khởi nghiệp từ sinh viên, trong đó 50% dự án sẽ có quy mô lớn và tác động mạnh đến thị trường. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Đó là những khó khăn về tài chính (thiếu vốn đầu tư, ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn), thiếu kinh nghiệm thực tiễn, thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh; thiếu sự kết nối với nhà đầu tư và doanh nghiệp. Theo Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Bí thư Đảng uỷ/Phó Chủ tịch/Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH&NV Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, phong trào khởi nghiệp trở thành một xu thế tất yếu tại Việt Nam, đặc biệt đối với thanh niên và sinh viên. Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN Trương Ngọc Kiểm khẳng định, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Các trường đại học mạnh là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp. Việc giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho người học đã được các trường đại học, cao đẳng quan tâm để triển khai đa dạng về nội dung, hình thức nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ sinh viên có thể biến ý tưởng thành dự án kinh doanh khả thi, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc biên soạn khung chương trình, nội dung, thời gian và hình thức đào tạo vẫn chưa được thống nhất và không có quy chuẩn chung nên việc chia sẻ nguồn lực giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao tri thức và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về Khởi nghiệp ĐMST của các trường đại học, cao đẳng không thực hiện được. Chính vì thế trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN cùng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để củng cố niềm tin, tăng cường mối liên kết hữu cơ, bền chặt giữa đại học - doanh nghiệp cũng như tăng cường công tác biên soạn khung chương trình, tài liệu, giáo trình, học liệu về khởi nghiệp ĐMST để việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên được chất lượng, hiệu quả, thực chất. Quỹ Đào Minh Quang là một Quỹ từ thiện của CHLB Đức, do TS. Đào Minh Quang thành lập vào tháng 12 năm 2016 tại Berlin theo Bộ Luật Dân sự Đức, thực hiện các hoạt động công ích và từ thiện. Quỹ Đào Minh Quang được Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng của Bang Berlin, Cộng hoà Liên bang Đức, chính thức công nhận là một tổ chức pháp lý độc lập. Quỹ. Mục tiêu của Quỹ Đào Minh Quang là khuyến khích các hoạt động hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Đức, thông qua 5 hoạt động, đặc biệt trong việc khuyến khích Giáo dục phổ thông, Đào tạo nghề và Đào tạo đại học, khuyến khích các Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững cũng như Âm nhạc và Văn hoá. Kể từ ngày thành lập đến nay, Quỹ đã hỗ trợ và tài trợ cho nhiều dự án ở Đức và ở Việt Nam. Trong những năm qua, chỉ riêng trong việc khuyến khích giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo đại học, âm nhạc và văn hóa, Quỹ Đào Minh Quang đã tài trợ hàng tỷ đồng Việt Nam mỗi năm, chủ yếu dưới dạng cấp học bổng và trao các giải thưởng cho các học sinh và sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho các tài năng âm nhạc và tài trợ cho các dự án và chương trình hòa nhạc Đức-Việt, cũng như cho các dự án trao đổi văn hóa và âm nhạc giữa hai nước Đức và Việt Nam. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường đại học đầu tiên được Quỹ hợp tác trong việc triển khai Dự án Lập nghiệp và Khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam theo mô hình của CHLB Đức, với thời gian thực hiện từ 4 đến 5 năm. Cũng trong khuôn khổ hợp tác, Quỹ Đào Minh Quang đã cấp học bổng thường niên cho các em sinh viên của VNU-USSH trong nhiều năm qua. Năm học 2024-2025, Quỹ trao tặng 28 suất học bổng cho 28 sinh viên thuộc các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mỗi suất học bổng trị giá 10.000.000 đồng. >>> Các tin bài liên quan: Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại kinh tế số dành cho sinh viên công nghệ Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trở thành Quán quân “Vườn ươm Tài năng văn hoá Du lịch 2024” Nữ sinh nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành thủ khoa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
|