TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 23/07/2020 GMT+7
Chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản phẩm KHCN phát triển bền vững vùng Tây Bắc
Sau 7 năm thực hiện, Chương trình Tây Bắc đã chuyển giao cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc và các Bộ/Ban/ Ngành Trung ương 56 quy trình công nghệ; 64 báo cáo kiến nghị chính sách, giải pháp cho từng địa phương trên tất cả các lĩnh vực; 22 hệ thống bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển bền vững, sinh kế bền vững; 42 mô hình thử nghiệm phục vụ sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội cùng các bộ công cụ, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, bộ cơ sở dữ liệu liên ngành…

Các đại biểu tham quan triển lãm sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình Tây Bắc

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước “Khoa học & Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” ngày 23/7/2020.

Sự kiện do ĐHQGHN phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2013 – 2020.

Tham dự hội nghị có đ/c Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đ/c Chu Ngọc Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đ/c Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đại diện lãnh đạo các Bộ/Ban/Ngành trung ương, đại diện lãnh đạo 14 địa phương thuộc vùng Tây Bắc và đông đảo các nhà khoa học.

Về phía ĐHQGHN có Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, Ban Giám đốc ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn - Chủ nhiệm Chương trình phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc cho biết, nhằm góp phần xây dựng vùng Tây Bắc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y đề xuất của ĐHQGHN và Ban Chỉ đạo Tây Bắc về việc tổ chức triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”. Đây là chương trình KH&CN có tính liên ngành, liên lĩnh vực, tính hướng đích và ứng dụng cao, nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc giải quyết những vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn nhằm giải phóng các tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, phát huy cao độ các nguồn lực, tạo nên xung lực mạnh mẽ trong quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.

“Được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc” - Chủ nhiệm Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Các hoạt động của Chương trình góp phần giúp cho địa phương thay đổi nhận thức, quan điểm lựa chọn ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp với các địa phương. Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, Chương trình cũng nhận được một số kết quả cụ thể, thực tiễn về ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng, phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, vùng Tây Bắc là một trong 3 vùng địa-chính trị đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình Tây Bắc đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các bộ, ban, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển bền vững. Đây là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn của biến đối khí hậu. Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng.

PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang - Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN, Thư ký khoa học Chương trình Tây Bắc trình bày báo cáo tổng kết

Đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang – Phó Trưởng Ban Khoa học & Công nghệ ĐHQGHN, Thư ký khoa học Chương trình Tây Bắc đã trình bày báo cáo tổng kết Chương trình Tây Bắc.

Theo đó, Chương trình Tây Bắc có tính mở cao, thích ứng tối đa với diễn biến của tình hình, được phân kỳ triển khai thành 2 giai đoạn với 4 hướng nghiên cứu: (i) Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; (ii) Nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc; (iii) Nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội; (iv) Nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Sau 7 năm triển khai, có 58 nhiệm vụ đã được phê duyệt và triển khai, trong đó có 55 đề tài và 03 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí thực hiện là hơn 311 tỷ đồng. Toàn bộ 58 đề tài, dự án triển khai trong Chương trình đã được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu được điều tra và khảo sát thực tiễn với các phương pháp, cơ sở vật chất và cách tiếp cận phong phú, đa dạng và hiện đại, phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.

Khác với các chương trình điều tra cơ bản hay các chương trình nghiên cứu cơ bản, Chương trình Tây Bắc mang tính chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành. Các kết quả của Chương trình giải quyết được các vấn đề cấp bách tầm quốc gia tại địa phương vùng Tây Bắc như mô hình phát triển, triết lý phát triển liên ngành phù hợp với đòi hỏi thực tiễn hiện nay, giải quyết các thiếu hụt về công nghệ và tổ chức triển khai các công nghệ phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cung cấp ngay các giải pháp cho giảm thiểu thiệt hại và ứng phó với tai biến thiên nhiên và xã hội ngày một tăng. 

Chương trình Tây Bắc có tính mở cao, thích ứng tối đa với diễn biến của tình hình, được phân kỳ triển khai thành 2 giai đoạn. Sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng là vô cùng quan trọng, vừa với tư cách là cộng tác viên, là người đặt hàng, người đánh giá và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình (thông qua chuyển giao/bàn giao). Đây cũng là điểm ưu việt của Chương trình Tây Bắc, góp phần tác động trực tiếp đến các địa phương, thúc đẩy phát triển các mô hình quy mô tập thể hay hộ gia đình trong sản xuất/kinh doanh dựa trên nền tảng ứng dụng KH&CN.

Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, có đầu ra, các kết quả nghiên cứu và triển khai có thể ứng dụng và được nhân rộng tại các địa phương làm động lực và cơ sở cho sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững mà không phải nhập công nghệ của nước ngoài, tạo nên cơ sở khoa học nền tảng cho phát triển lâu dài, chỉ ra được các vướng mắc cần giải quyết thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Kết quả của Chương trình đảm bảo phù hợp với trình độ của các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp để có thể triển khai ứng dụng được trong quản lý, sản xuất phát triển tùy theo từng trường hợp, vùng miền cụ thể. Các nghiên cứu được phê duyệt và tổ chức thực hiện luôn có tính kế thừa, phù hợp với trình độ phát triển của nguồn nhân lực trong khu vực, đồng thời phù hợp với khả năng hấp thụ của nguồn nhân lực trong khu vực, có khả năng thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân, làm cơ sở cho triển khai các sinh kế phù hợp với tài nguyên hiện có của vùng, đảm bảo các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng lâu dài và nhân rộng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá các kết quả thực hiện Chương trình trên các phương diện: hoàn thành các mục tiêu, nội dung của Chương trình; hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình; sự phù hợp của Chương trình với các định hướng; tính hiệu quả, hướng đích và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, sản phẩm chuyển giao trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB TW MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá, Chương trình Tây Bắc đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra với sự tham gia tích cực, kịp thời, nghiêm túc của các bộ, ban, ngành, địa phương. Đồng chí Hầu A Lềnh bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình nhằm tạo động lực phát triển vùng cũng như khắc phục tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đó đảm bảo phát triển vùng một cách bền vững. Đồng chí đặc biệt lưu ý, Chương trình Tây Bắc cần tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ mang tính ứng dụng, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng, phục vụ phát triển sinh kế địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương đánh giá cao những đóng góp của Chương trình Tây Bắc với tỉnh Hòa Bình nói riêng và 14 địa phương vùng Tây Bắc nói chung. Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình cho rằng, Chương trình Tây Bắc đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân địa phương về vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng nông thôn mới, Chương trình Tây Bắc cũng nghiên cứu, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường, hạ tầng kinh tế, văn hóa – xã hội, dân cư, tộc người… tạo tiền đề để tỉnh có giải pháp hỗ trợ quản lý, ban hành các chính sách phù hợp.

Đồng chí Phan Đăng Đông - Giám đốc Sở KH&CN Hà Giang phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở KH&CN Hà Giang Phan Đăng Đông cho biết, có 13/18 nhiệm vụ KH&CN do tỉnh đặt hàng được Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc phê duyệt và triển khai, trong đó có 7 đề tài, dự án, 10 mô hình KH&CN được triển khai, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Các đề tài, dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề sinh kế cho người dân địa phương. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của Chương trình cũng tạo đà thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Với vai trò thụ hưởng các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn bày tỏ, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và ứng dụng tối đa, phục vụ đắc lực hệ thống y tế địa phương. Bà Vũ Thị Hiên – Trường Mầm non Hảo Nghĩa, Huyện Na Rì, Bắc Kạn chia sẻ, nhà trường được thụ hưởng kết quả từ đề tài “Nghiên cứu đề xuất và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phù hợp nâng cao hiệu quả các công trình đập dâng vùng Tây Bắc” đã góp phần đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cung cấp cho hoạt động dạy và học của nhà trường cũng như sinh hoạt của học sinh lứa tuổi mầm non.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình - UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà Chương trình Tây Bắc đã đạt dược trong thời gian vừa qua. Các kết quả này phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc, các mô hình sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình lưu ý một số điểm trong giai đoạn tới:

Một là, những nhiệm vụ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp đã và đang triển khai cần có thêm thời gian để tiếp tục phát triển và mở rộng, phát huy giá trị của các đóng góp KH&CN.

Hai là, tiếp tục tổ chức, triển khai nghiên cứu xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của vùng và sự phát triển bền vững của Tây Bắc cũng chính là sự phát triển bền vững của cả nước.

Ba là, phát huy nguồn lực trí tuệ và nguồn lực con người, tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài, nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Bốn  là, đề xuất Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính xem xét tiếp tục ưu tiên đầu tư kinh phí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là cho các đề tài, dự án triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc và các cơ quan, doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần huy động đa dạng các nguồn lực, cả trong nước và quốc tế; cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp đề lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế.

Năm là, ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, cụ thể hóa các chương trình hợp tác một cách chặt chẽ hơn, thiết thực hơn, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các chuyên gia và nhà khoa học có uy tín cả trong và ngoài ĐHQGHN; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương đề xuất các chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh mới.

Tại hội nghị, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đã ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình cho lãnh đạo 14 địa phương vùng Tây Bắc.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tham quan triển lãm các sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình Tây Bắc với chủ đề “Vì một Tây Bắc phát triển bền vững”.

Chương trình “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y và Bộ KH&CN giao ĐHQGHN là cơ quan chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2013-2018 theo Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Chương trình được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến 30/6/2020 theo Quyết định số 1044/QĐ-BKHCN ngày 26/4/2018 của Bộ KH&CN nhằm tập trung đánh giá hiệu quả, tác động của các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án thuộc Chương trình đã triển khai giai đoạn 2013-2018; đánh giá tác động, sự phối hợp và liên kết giữa Chương trình Tây Bắc với các Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chương trình mục tiêu khác của nhà nước cùng đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; đánh giá và lựa chọn một số kết quả, sản phẩm của Chương trình Tây Bắc để kiến nghị, đề xuất chuyển giao cho các đơn vị sử dụng hoặc kết nối cung - cầu; đề xuất luận cứ khoa học, thực tiễn, định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức phục vụ phát triển bền vững (PTBV) vùng Tây Bắc giai đoạn 2021-2025.

Chương trình có bốn mục tiêu cơ bản sau đây:

1.Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ điều chỉnh, xây dựng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.

2. Đề xuất các mô hình sinh kế, phát triển kinh tế phù hợp cho một số tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức tăng trưởng kinh tế của vùng Tây Bắc.

3. Đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

4. Xác định nhu cầu đào tạo và đề xuất giải pháp phù hợp thực hiện phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc.

Chương trình Tây Bắc đã thực hiện các nội dung:

1. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học, mô hình phát triển bền vững vùng Tây Bắc

2. Nghiên cứu cơ sở khoa học của các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho các tiểu vùng và liên vùng Tây Bắc

3. Nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, xã hội

4. Nghiên cứu xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Bắc

>>> Các tin tức liên quan:

- Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình – UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Phát triển bền vững vùng Tây Bắc

- Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại Hội nghị Tổng kết Chương trình Tây Bắc

- [Infographic] Một số kết quả nổi bật của Chương trình Tây Bắc

- Chương trình Tây Bắc: Ứng dụng khoa học công nghệ là khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Chương trình Tây Bắc tại Hà Giang: Cần nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ màng lọc xử lý nước suối sinh hoạt cho người dân vùng núi

Chương trình Tây Bắc và Chương trình Xây dựng Nông thôn mới: triển khai nhiều hoạt động hợp tác chung

Chương trình Tây Bắc: Nhiều đề tài triển khai tại Lào Cai có tác động tốt đến hoạch định chính chính sách của tỉnh

Chương trình Tây Bắc: Chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của tỉnh Phú Thọ

Chương trình Tây Bắc tại tỉnh Hòa Bình: một mô hình thành công của sự phối hợp hiệu quả

Chương trình Tây Bắc: Tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi Thanh Hóa

Chương trình Tây Bắc: các dự án khoa học công nghệ đi sâu vào giải quyết các nhu cầu thực tiễn của địa phương

Chương trình Tây Bắc: Ứng dụng công nghệ Nano trong canh tác cây ngô tại tỉnh Sơn La

 Đỗ Vũ
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Các bài cũ hơn
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ