TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:35:25 Ngày 05/04/2022 GMT+7
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN từ “tư duy” đến “hành động”
Là một thành viên nòng cột của ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có những thành tích và định hướng cụ thể trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần vào thành tích chung của ĐHQGHN cũng như để hiện thực hoá Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN về những ý kiến xung quanh Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN và định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nhà trường.

- Xin GS cho biết ý kiến về Chiến lược khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 của ĐHQGHN vừa được ban hành?

Trên thế giới và ở Việt Nam, các trường đại học luôn phải chủ động thích ứng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Đứng trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với tư cách là trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN đang phát huy những lợi thế để sớm xây dựng thành công theo mô hình đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, nỗ lực nâng cao năng lực tương thích với xu thế chuyển đổi của giáo dục đại học trên thế giới. Ngày 8/2/2022, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 286/QĐ-ĐHQGHN Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN giai đoạn 2021 - 2030. Theo tôi, đây là dấu mốc và căn cứ quan trọng, là kim chỉ nam cho các hoạt động của ĐHQGHN trong giai đoạn tới.

Bối cảnh nhiều rủi ro, biến động hiện nay đặt ra những yêu cầu khắt khe về năng lực sáng tạo, trình độ công nghệ đối với nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung. Trong điều kiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh giáo dục nói chung và các trường đại học nói riêng có vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là quan điểm đầu tiên và quan trọng nhất được thể hiện trong chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN lần này.

Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN được ban hành gắn gọn, súc tích song cũng rất rõ ràng, chi tiết, thể hiện được tiềm lực, thế mạnh cũng như quyết tâm của ĐHQGHN nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng. Đây là một bước đi hoàn toàn chủ động nhằm tận dụng những thời cơ và ứng phó có hiệu quả với các thách thức sẽ phải đối mặt, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu của ĐHQGHN trong giai đoạn tới. Xin nhấn mạnh một số điểm ấn tượng từ bản Chiến lược:

Thứ nhất, bản Chiến lược tương thích với các định hướng, văn bản chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn vừa qua: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,... Bản Chiến lược này cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thể hiện sự quan tâm, chung tay góp sức của ĐHQGHN trong xây dựng và phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Thêm vào đó, Chiến lược này cũng hiện thực hóa những mục tiêu liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020- 2025 với phương châm: Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững cũng như trong Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được ban hành ngày 29/03/2021.

Thứ hai, việc sử dụng cụm từ “Đổi mới sáng tạo” trong văn bản mang tính chiến lược về phát triển hoạt động KH&CN thể hiện tinh thần đổi mới, hướng tới xây dựng đại học đổi mới sáng tạo, đại học thông minh, đại học 4.0 của ĐHQGHN. Theo tôi, cốt lõi của việc có thêm cụm từ này nằm ở việc liên kết/tích hợp các hoạt động sáng tạo vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, mọi cấp độ để tạo ra giá trị bền vững và động lực cho sự phát triển. Đây là tinh thần mà ĐHQGHN luôn theo đuổi.

Thứ ba, qua các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được thể hiện trong bản Chiến lược chúng ta thấy được việc khơi dậy tinh thần và khuyến khích phát huy nguồn nội lực và ngoại lực, nhất là trí tuệ con người thông qua liên thông, liên kết, cùng nhau thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chứ không phải là những hoạt động mang tính riêng lẻ, cá thể.

- Theo GS, Chiến lược này sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN như thế nào?

Như đã nhận định ở trên, tôi tin rằng Chiến lược này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở ĐHQGHN từ "tư duy" đến "hành động":

Xây dựng và khơi dậy tư duy “đổi mới sáng tạo” cho cả người quản lý, người học và người dạy, người nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo có chức năng cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo của xã hội. Nếu thiếu động lực đổi mới sáng tạo cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng cao giữa các khu vực giáo dục thì các trường đại học sẽ có nguy cơ tụt hậu hoặc “dậm chân tại chỗ”. Chính vì vậy, nguồn nhân lực đào tạo và nguồn nhân lực được đào tạo phải được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cho công cuộc đó. Ngay trong các trường đại học phải tạo lập được môi trường để các bạn trẻ làm quen với nghiên cứu, sáng tạo, tư duy, phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Từ môi trường sáng tạo sẽ tạo lập nên tư duy sáng tạo và dần dần hình thành văn hóa sáng tạo. Đầu ra của quá trình đào tạo trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nguồn nhân lực năng lực tinh thần đổi mới sáng tạo.

Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và kết nối với các hoạt động, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp đơn vị, cấp vùng, cấp quốc gia. Việc kết nối với các thành tố khác trong hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên thế mạnh của các bên, giúp các trường đến gần hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội. Để có thể tiến hành một cách thuận lợi điều này thì các giải pháp trong Chiến lược đã được đưa ra với những cơ chế linh hoạt, phát huy quyền tự chủ về đào tạo và nghiên cứu khoa học của các đơn vị để tạo thuận lợi cho các liên kết giữa trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp - nhà nước, giữa các tổ chức trong nước và quốc tế, giữa khu vực tư nhân và thị trường được phát huy hiệu quả một cách tối đa, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến thương mại hoá.

Hướng tới đầu ra mang tính ứng dụng, có giá trị về mặt khoa học, kinh tế, xã hội, thể hiện uy tín và thương hiệu của ĐHQGHN. Bản Chiến lược đã đưa ra những thước đo, những mục tiêu và chỉ số cụ thể, có thể đo lường đong đếm được để đạt được mục tiêu chung là "đóng vai trò nòng cột, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia". Đây vừa là mục tiêu mang tính giá trị nhưng cũng là động lực để ĐHQGHN có những thay đổi, bứt phá và khẳng định vị thế ở trong nước cũng như quốc tế.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh "thương hiệu" của ĐHQGHN, giúp chúng ta có khả năng cạnh tranh trong nước và hội nhập với khu vực và quốc tế. Theo tôi, danh tiếng không phải là cái gì đó chung chung, trừu tượng mà nó phải được thể hiện thông qua thành tích đóng góp, sự thể hiện của từng cán bộ, giảng viên, sinh viên của các trường thành viên. Thành tích của cá nhân góp phần làm nên thành tích của tập thể. Và đây cũng là cơ hội để các cá nhân tự khẳng định bản thân.

- Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhà trường “cộng hưởng” với Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN như thế nào, thưa GS?

Là một thành viên nòng cột của ĐHQGHN, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có những thành tích và định hướng cụ thể trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để góp phần vào thành tích chung của ĐHQGHN cũng như để thực hiện hóa Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

Về chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Chiến lược phát triển Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đến năm 2025, tầm nhìn 2035 ban hành ngày 30/3/2018 đề ra mục tiêu: "Phát triển Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn theo định hướng một đại học nghiên cứu, tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu trong nghiên cứu, đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam".

Trên cơ sở đó, Nhà trường đã ban hành một loạt chính sách để thực hiện các mục tiêu trên: Quyết định số 1121/QĐ-XHNV-KH ngày 24/4/2018 về việc ban hành Chương trình thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2018-2022; Quyết định số 2981/QĐ-XHNV-KH ngày 30/12/2021 về việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Chương trình thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện vị trí xếp hạng, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh trong tuyển sinh và đào tạo sau đại học; Quyết định số 2980/QĐ-XHNV-KH ngày 30/12/2021 về việc ban hành Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cấp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

Về cơ cấu tổ chức, nguồn lực:

Nhà trường hiện có 17 khoa/viện và bộ môn trực thuộc, 05 trung tâm nghiên cứu, 01 viện nghiên cứu trọng điểm và 07 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia. Cấu trúc, tổ chức của nhà Trường như vậy vừa đảm bảo tính chuyên sâu trong các hoạt động chuyên biệt về giảng dạy và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nhà Trường hiện có 519 cán bộ đương nhiệm, bao gồm 13 giáo sư, 83 phó giáo sư, 161 tiến sỹ và 102 thạc sỹ. Đây là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, những nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu có tính liên ngành cao - tiềm lực để nghiên cứu, xuất bản và giải quyết những vấn đề chuyên sâu và liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn của đất nước, cũng như đối thoại học thuật với những học giả hàng đầu về Việt Nam học trên thế giới.

Về thành tích, thế mạnh trong công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học:

Công bố quốc tế của cán bộ Nhà trường đang tăng trưởng mạnh mẽ: giai đoạn 2016-2020 có 403 công bố quốc tế, trong đó có trên 100 công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus. Số lượng và chất lượng công bố quốc tế liên tục tăng, 59 bài năm 2016, 74 bài năm 2017, 76 bài năm 2018, 88 bài năm 2019 và 106 bài năm 2020. Dù chưa được như kỳ vọng, song đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đây là sự nỗ lực và sự thay đổi đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, đội ngũ cán bộ của Nhà trường đã chủ trì và thực hiện 36 đề tài thuộc Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia, 158 đề tài cấp ĐHQGHN. Việc tập trung xây dựng và thực hiện các đề tài lớn, mang tính liên ngành và nghiên cứu những vấn đề lớn đang đặt ra trong thực tiễn phát triển của Việt Nam cũng là định hướng đem lại nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu của Nhà trường 10 năm qua. Giai đoạn 2010 - 2020, đội ngũ cán bộ của Nhà trường đã xây dựng và chủ trì 44 đề tài cấp Nhà nước, gấp 4 lần số đề tài cấp Nhà nước của giai đoạn 2001 - 2010. Hằng năm, cán bộ Nhà trường công bố trung bình 15 sách chuyên khảo/tham khảo trong đó có nhiều cuốn sách đã khẳng định được giá trị và tác động lớn đối với khoa học và xã hội.

Điều đó khẳng định khả năng và sự sẵn sàng đóng góp của Nhà trường vào thực hiện chiến lược KHCN của ĐHQGHN. Với tư cách là một trường thành viên, với truyền thống học thuật và nghiên cứu khoa học của mình, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cam kết sự đóng góp của mình vào sự phát triển chung của ĐHQGHN bởi đây không đơn thuần là sự cộng hưởng mà là mối quan hệ có tính chất cộng sinh.

Trân trọng cảm ơn GS!

 Tùng Lâm - Bản tin ĐHQGHN số 362
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ