TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 15:38:40 Ngày 20/05/2022 GMT+7
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ
Tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 do Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN phối hợp với Viện Friedrich Nauman Foundation Việt Nam (FNF) tổ chức sáng 20/5/2022, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đại diện lãnh đạo các cơ quan chính phủ, cơ quan lý luận và nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện các đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022 có chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” do PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Nguyễn Thị Anh Thu, TS. Nguyễn Quốc Việt chủ biên.

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế suy giảm, đình đốn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản khiến cho hàng triệu lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ đối mặt với những sức ép rất lớn từ tác động của dịch bệnh, cũng như phương thức phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nhiều ngành và lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ. Đây là dấu ấn quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thích ứng, dần hồi phục trở lại vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo của Tổng cục Thống kê trong gần nửa đầu năm 2022, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phần nào đã chậm nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp phục hồi quyết liệt cũng đã được Đảng và Chính phủ ban hành, đòi hỏi các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phát huy mọi động lực để duy trì nhịp tăng trưởng về mức trước đại dịch. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng kinh tế số.

Trong số các chính sách và giải pháp thì chuyển đổi số trong nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Mặt khác nền tảng dịch vụ số hiệu quả, sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao, đảm bảo đầu ra cũng như các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành công - nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh, kể từ lần đầu tiên ra mắt năm 2009, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam đã trở thành sản phẩm khoa học được trông đợi với nhiều kiến nghị, chính sách được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ hoạch định chính sách về kinh tế đánh giá cao.

Giám đốc Lê Quân cho rằng chủ đề của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 là hướng nghiên cứu đúng đắn và phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, hậu Covid-19. Những kết quả nghiên cứu sẽ góp phần hoạch định chính sách để có sự đầu tư thích đáng trong chiến lược phát triển của ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Giám đốc ĐHQGHN cho biết thêm, hướng đi của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm nay phù hợp với hướng đào tạo ưu tiên của ĐHQGHN giai đoạn tới. Năm 2022, ĐHQGHN tuyển sinh nhiều chương trình đào tạo mới gắn với lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ phục vụ nhu cầu nhân lực của thời đại chuyển đổi số. Bên cạnh đó cũng có những ngành gắn với lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật. “Đây là những lĩnh vực còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Vì vậy, ĐHQGHN ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực này”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, hoạch định chính sách trong và ngoài nước

Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Nguyễn Trúc Lê cho biết, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia xây dựng. Báo cáo đã nhận được sự cố vấn, phản biện của nhiều chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế. Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê mong muốn đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục và phát triển, tuy nhiên, sự phục hồi này đang có phần trật nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đòi hỏi cần phát huy các động lực để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế bền vững. Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo đặt ra yêu cầu nâng cao nền tảng số trong phát triển kinh tế, đồng thời tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 bao gồm 6 chương. Ngoài các phần về tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam, nhóm tác giả đã tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số và triển vọng phát triển của ngành tài chính ngân hàng, logistics, từ đó đưa ra dự báo tăng trưởng cho Việt Nam dựa trên các kịch bản, hàm ý chính sách nhằm tháo gỡ các vấn đề đã được đề cập, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ không những giúp Việt Nam vượt qua khó khăn gây ra bởi đại dịch mà còn là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số. Những rủi ro đầu tư, năng lực nguồn nhân lực cũng là những cản trở lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Để các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ có cơ sở xây dựng lộ trình chuyển đổi số hiệu quả, nhóm tác giả đã nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên tham khảo các bộ tiêu chí và tính chất đặc thù của ngành.

Trên cơ sở phân tích về các xu hướng diễn biến chính của kinh tế thế giới cùng những đánh giá rủi ro và thuận lợi trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, báo cáo đã xây dựng một số kịch bản của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và xa hơn.

Tại buổi lễ công bố, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 nhận được nhiều ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách kinh tế.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bài toán Trung Quốc trong phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta rất quan trọng, trong khi Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chính sách Zero-Covid.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, rủi ro lớn nhất của cả thế giới hiện nay là lạm phát, 60% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát bày tỏ lo ngại rủi ro lạm phát. Chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay dự báo khoảng 6,2%, so với năm ngoái chỉ 4,2%, tăng kinh khủng, vì vậy hầu hết ngân hàng trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất, hệ lụy rất lớn.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số lo ngại khác với kinh tế Việt Nam là chất lượng tăng trưởng hai năm vừa qua bị thay đổi, năng suất lao động rất thấp, chỉ tăng khoảng 4-4,5%, thấp hơn nhiều năm trước đó. Trong khi thị trường tài chính, thị trường bất động sản lại phát sinh quá nhiều vấn đề.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là chuỗi các báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn trong năm, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các chính sách liên quan. Đây là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN được liên tục công bố trong 14 năm qua, nằm trong chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 bao gồm 6 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới năm 2021

Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021

Chương 3: Chuyển đổi số trong ngành dịch vụ ở Việt Nam

Chương 4: Phân tích thực trạng chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng

Chương 5: Phân tích thực trạng chuyển đổi số trong ngành logistics năm 2022

Chương 6: Triển vọng Kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh chuyển đổi số

>>> Các tin tức liên quan:

- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015: Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập

- Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng

- Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước phát triển

- Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018: Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất

- Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020: Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển

- Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021: Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

 Thiên Hương
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ