TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 16:09:46 Ngày 18/11/2022 GMT+7
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – nhà giáo, nhà khoa học nhiệt huyết
Hơn 100 công trình khoa học đã được công bố và ứng dụng thực tiễn; hơn 50 sách chuyên khảo, đề tài nghiên cứu khoa học, bảo tồn các di sản văn hóa; xây dựng ngành Hà Nội học – một ngành học trong chiến lược đào tạo con người, phát triển bền vững thủ đô…, đó là một phần trong những việc mà GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN đã làm được sau hơn 50 năm gắn bó với Hà Nội.

Ngày 10/02/2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 200/QĐ-CTN về việc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc về các đóng góp xuất sắc góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng rất cao quý của Đảng, Nhà nước ghi nhận và vinh danh những đóng góp, cống hiến của GS. Nguyễn Quang Ngọc trong suốt quá trình công tác.

Để tôn vinh thành tích đóng góp xuất sắc của GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, ngày 19/9/2022, tại Hòa Lạc, ĐHQGHN tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho ông.

Cùng Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN điểm qua những đóng góp nổi bật của GS. Nguyễn Quang Ngọc trong hơn 50 năm qua.

Từ cơ duyên đến với ngành Sử học…

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc sinh năm 1952 tại một làng quê nghèo vùng ven biển Hải Phòng. Khi còn học phổ thông, ông rất yêu thích Toán học. Năm 1969, tình cờ nghe đài nói về GS. Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, một nhà khoa học hàng đầu của đất nước, cậu học trò Nguyễn Quang Ngọc bấy giờ rất ngưỡng mộ và quyết định nộp đơn xin vào khoa Toán của Trường.

Sau đó, không hiểu vì lý do gì mà hồ sơ của ông lại bị chuyển nhầm sang khoa Lịch sử. Trong lúc chờ nhà trường giải quyết, cậu tân sinh viên vẫn phải tạm thời tập trung tại khoa Lịch sử. Ngay trong buổi học đầu tiên đó, những câu chuyện trên trời, dưới biển, vốn kiến thức uyên bác và cách giảng bài cuốn hút của thầy giáo đã khiến Nguyễn Quang Ngọc say mê. Chàng sinh viên trẻ cứ thế học và quyết định không chuyển khoa nữa. Những câu nói của người thầy khiến Nguyễn Quang Ngọc nhớ mãi, thầy nói muốn các học trò “biết lật từng trang sách đất để đọc trang sách đời,” “biết bắt hòn đá câm phải nói lên tiếng nói hùng hồn của cuộc sống.” Người thầy đầu tiên ấy là GS. Trần Quốc Vượng. Sau này, những nhà giáo như Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn,… đã tiếp tục truyền cảm hứng và tình yêu với lịch sử, với Hà Nội và di sản văn hóa cho Nguyễn Quang Ngọc.

Khi đang là sinh viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm 1972, Nguyễn Quang Ngọc gác bút nghiên để đi bộ đội. Đến năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, ông trở về tiếp tục học tập. Năm 1977, tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử, rồi lần lượt trở thành Chủ nhiệm bộ môn, Phó Chủ nhiệm Khoa và Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN). Hiện nay, ông đang đảm nhận các vị trí công tác: Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô; giảng viên cao cấp Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN; Phó Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử), thành viên Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ Khoa học công nghệ đặc biệt cấp Quốc gia Xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam; Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Văn hóa học.

…đến nhà giáo, nhà khoa học với nhiều đóng góp vào sự phát triển của ĐHQGHN, ngành Sử học và giáo dục

Từ sau khi tốt nghiệp (năm 1978) đến nay, GS. Nguyễn Quang Ngọc đã dành trọn cả cuộc đời làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý tại ĐHQGHN. Giáo sư đã có những đóng góp lớn lao vào sự phát triển của ĐHQGHN, của nền sử học và nền giáo dục Việt Nam.

Câu chuyện bén duyên với ngành Lịch sử của Giáo sư như minh chứng cho câu nói “nghề chọn người”. Suốt hơn 50 năm gắn bó với ngành Sử học, ở những cương vị khác nhau, Giáo sư đều có những đóng góp nổi bật. Là chuyên gia nghiên cứu bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của đất nước, ông đã có những nghiên cứu lịch sử biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia; nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Một số công trình nghiên cứu đã được xuất bản và nhiều luận văn khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học, trong các kỷ yếu hội thảo. Ông cũng tham gia thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định khoa học trong công việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc và các dự án liên quan đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc là hạt nhân xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, thành viên sáng lập các ngành, chuyên ngành đào tạo mới của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô, tiêu biểu như: Nhóm nghiên cứu Khu vực học; Nhóm nghiên cứu chủ quyền Biển đảo Việt Nam; Nhóm nghiên cứu lịch sử văn hóa; Nhóm nghiên cứu Hà Nội học; ngành Hà Nội học; ngành Văn hóa học; ngành Quản lý văn hóa…

Ông là tác giả nhiều giáo trình, sách tham khảo quan trọng như: Tiến trình Lịch sử Việt Nam, NXB. Giáo dục (tái bản 20 lần); Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền của Việt Nam: Tư liệu và sự thật lịch sử, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội (tái bản lần thứ 3). Bản tiếng Anh: Hoàng Sa, Trường Sa - Vietnam’s Sovereignty: Documents and Historical Truth, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội; Lịch sử Việt Nam (4 tập),  NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, (tái bản lần 2), Giáo trình Hà Nội học, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, Nông thôn và đô thị Việt Nam: Lịch sử, thực trạng và khuynh hướng biến đổi, NXB. Giáo dục, 2017 ...

Sở hữu 150 bài đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín cao ở trong nước và quốc tế, GS. Ngọc còn là tác giả, đồng tác giả, chủ biên, đồng chủ biên hơn 50 cuốn sách giáo khoa, sách chuyên khảo, tham khảo, chủ yếu xuất bản tại các nhà xuất bản có uy tín chuyên môn cao ở trong và ngoài nước. 16 đề tài khoa học, trong đó có 5 đề tài cấp nhà nước, 6 đề tài cấp bộ, 02 đề tài hợp tác quốc tế đều đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Trong quá trình công tác, ông đã hướng dẫn bảo vệ thành công 15 tiến sĩ, 25 thạc sĩ, tham gia đào tạo sau đại học về Lịch sử Việt Nam, Lịch sử chủ quyền Việt Nam, Văn hóa học, Việt Nam học.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng rộng lớn, trong giới học thuật Việt Nam và thế giới. Ngay từ những năm 1990 và cho đến nay, ông đã có các mối quan hệ quốc tế với không chỉ thế giới Đông Âu, Đông Á mà cả giới hàn lâm phương Tây. Có thể kể đến: Trung tâm Việt Nam học thuộc Đại học Công nghệ Texas, Đại học Hawaii, Đại học George Washington (Hoa Kỳ); Đại học Tokyo, Đại học Hiroshima, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Nagoya, Đại học Showa, Đại hoc Waseda (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Úc; Đại học Passau, Đại học Humboldt, Đại học Göttingen (Đức), Đại học Leiden (Hà Lan); Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Inha, Viện Hàn Quốc học (Hàn Quốc); Đại học Paris VII, Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp); Đại học Quốc gia Moskva, Đại học Quốc gia Saint Peterburg (Liên bang Nga); Đại học Quốc gia Lào; Đại học Göteborg (Thụy Điển)… Chính uy tín của người đứng đầu Khoa Lịch sử như vậy mà nhiều lượt cán bộ giảng viên Khoa đã được gửi đi học tập, trao đổi tại nước ngoài như tại Hà Lan, Canada, Mỹ, Úc, Đức…

Với những đóng góp của mình, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì 2013, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2022; danh hiệu Nhà Giáo Nhân dân (2014); Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2014); Danh hiệu Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô (2014); Chiến sĩ thi đua cấp ĐHQGHN (2020); Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội năm 2017, 2019; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, cấp Thành phố và cấp ĐHQGHN; nhiều Bằng khen của các bộ, ban, ngành…

 Minh Vũ - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ