TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 00:00:00 Ngày 18/03/2023 GMT+7
Nghị định mới về đại học quốc gia – đảm bảo sự ổn định để phát triển
Ngày 17/3/2023, tại Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp

Tham dự buổi làm việc có Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ GD&ĐT và đại diện lãnh đạo Văn phòng, một số ban chức năng của 2 ĐHQG.

Buổi làm việc nhằm trao đổi, thống nhất về nội dung dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG trước khi trình Chính phủ.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT đã báo cáo về quá trình soạn thảo Nghị định, nội dung các điều khoản trong dự thảo, những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã 3 lần có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQGDự thảo Nghị định đến nay đã nhận được ý kiến góp ý của 2 ĐHQG và các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc được giao quyền tự chủ cao không chỉ phục vụ cho sự phát triển của 2 ĐHQG mà còn đáp ứng được các yêu cầu, sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Điều quan trọng mà GS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh khi nhắc đến quyền tự chủ cao của 2 ĐHQG đó là mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà. Trên cơ sở qua thử nghiệm của 2 ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG sẽ được mở rộng cho tất cả các trường ĐH khác ở Việt Nam trong tương lai.

GS.VS Đào Trọng Thi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Ông đã dẫn chứng rằng nhiều quyền trước đây chỉ dành cho ĐHQG thì nay đã được giao cho các trường đại học khác như tự chủ tuyển sinh, in bằng, ký bằng tiến sĩ, thạc sỹ… Trên cơ sở tấm gương của các ĐHQG, Luật Giáo dục Đại học đã trao thêm các quyền tự chủ cần thiết cho các trường đại học khác. ĐHQG đã thực hiện tốt trách nhiệm của người mở đường, là đầu tàu đổi mới giáo dục Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN bày tỏ nhất trí với ý kiến khẳng định 2 ĐHQG là những cơ sở giáo dục đại học lớn, có năng lực và quyền tự chủ cao, xứng đáng được lựa chọn cho việc thử nghiệm các chủ trương mới của giáo dục đại học. Ông cho rằng, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học là xu hướng tất yếu đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước thời kỳ cách mạng công nghệ số. Trong suốt 30 năm qua, ĐHQG đã vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm con đường đi phù hợp của riêng mình, trong quá trình khẳng định vị thế, nhờ đó phát huy lợi thế mô hình một cách hiệu quả, vững chắc.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân mong muốn Nghị định mới sẽ giúp các ĐHQG ổn định để phát triển. ĐHQG đã khẳng định được vị thế của mình trong một văn bản có tính pháp lý cao nhất là Luật Giáo dục Đại học năm 2013 và trong Nghị định số 186/2013/NĐ-CP. ĐHQG chịu quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT về giáo dục và đào tạo; của Bộ Khoa học và Công nghệ về KHCN; của các bộ, ngành khác, các ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi ĐHQG đặt trụ sở trong lĩnh vực được phân công theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chia sẻ tại buổi làm việc

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân kiến nghị cần tiếp tục có những cơ chế để ĐHQG thực hiện thí điểm đào tạo, mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ngoài danh mục các ngành đào tạo đã được quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy, ĐHQG cần có cơ chế tài chính đặc thù để có thể thí điểm các chương trình đào tạo ở mức độ cao hơn và có đầu tư hơn.

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân đề nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG theo hướng: được xây dựng, ban hành quy chế đào tạo riêng, theo các chuẩn mực quốc tế; có cơ chế tài chính riêng giúp giải phóng nguồn lực cho sự phát triển của 2 ĐHQG.

Giám đốc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nêu một số kiến nghị

Các trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc tập trung chủ yếu vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau; đặc biệt liên quan đến vị trí pháp lý, cơ quan chủ quản đối với ĐHQG, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, vị trí và chức năng của ĐHQG, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG

Khẳng định ủng hộ cho sự phát triển của ĐHQG, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lắng nghe các ý kiến trao đổi, phân tích, đề xuất, hướng đến làm rõ các căn cứ, thống nhất một số nội dung để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định, đảm bảo sự thống nhất tối đa để sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

 

Các tin liên quan:

- Mô hình ĐHQGHN: khẳng định bản chất của giáo dục Đại học hiện đại

- Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định mới về Đại học Quốc gia

- Nguyễn Văn Đạo - Vị giáo sư của sáng tạo và sáng lập

 Sinh Vũ - Ảnh: Bình Nguyên - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ