Trang World Population Review mới đây đã cập nhật danh sách 20 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới năm 2024. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 14 với chỉ số đa dạng sinh học 221,77. Theo danh sách công bố, Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học, xếp sau Indonesia (vị trí thứ 2) và trên Malaysia (vị trí 15). [1] Nhân ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh - giảng viên Bộ môn Sinh thái Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, lắng nghe những chia sẻ về hành trình gắn bó với lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học suốt gần hai thập kỷ qua. Ước mơ trở thành nhà khoa học từ nhỏ Về Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) công tác từ năm 2010, đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh (sinh năm 1973) đã bước sang năm thứ 14 giảng dạy và nghiên cứu tại trường. Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là giảng viên tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nên ngay từ khi còn nhỏ, cậu học trò Lê Đức Minh đã sớm được tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu khoa học. Có lẽ cũng chính vì thế, ước mơ trở thành một nhà khoa học đã xuất hiện trong suy nghĩ của ông từ những ngày còn là học sinh tiểu học. “Mặc dù vậy, đối với bất cứ đứa trẻ nào ở thời điểm đó, cũng rất khó để hình dung rõ nét về định hướng tương lai. Thuở ấy, ước mơ trong tôi chỉ đơn thuần là sẽ trở thành một nhà khoa học - noi theo những tấm gương mà tôi được biết đến qua sách vở như Thomas Edison hay Louis Pasteur... Thứ rõ ràng nhất trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ là sau này, tôi được theo đuổi con đường nghiên cứu. Một phần may mắn nữa, khi bố tôi cũng chính là một trong những người truyền cảm hứng đầu tiên về nghiên cứu cho tôi. Tuổi thơ tôi đã được theo chân bố rong ruổi trong một số chuyến đi thực địa đến một số vùng, mà hồi đó hay gọi là chuyến đi thu mẫu... Khi lần đầu tiên được tiếp xúc với điều kiện môi trường, thiên nhiên hoang dã, tôi có những cảm nhận rất khác lạ. Những khoảnh khắc ấy có lẽ cũng phần nào trở thành nền tảng cho những chặng hành trình sau này của tôi” - thầy Minh nhớ lại. Năm 1994, khi bước sang năm cuối đại học, cậu sinh viên Lê Đức Minh khi ấy đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm đề tài khóa luận tốt nghiệp: “Giai đoạn đó đang là thời kỳ cao điểm của nạn buôn bán động vật hoang dã sang nước ngoài, nên tôi bắt đầu lục tìm những tài liệu có liên quan và tham vấn với các thầy cô trong khoa. Nhận thấy nhóm rùa cũng là nhóm rất ít người nghiên cứu trong vấn đề này, nên tôi đã lựa chọn để theo đuổi”. “Đến bây giờ ngẫm lại, tôi vẫn thấy mình quả thực rất may mắn. Năm 1994, tôi tốt nghiệp đại học, thì đến năm 1996, có một đoàn khảo sát người Mỹ thuộc Đại học Tổng hợp tiểu bang Oregon và Đại học Hawaii qua Việt Nam, lại muốn làm về thực trạng buôn bán rùa cũng như bảo tồn loài. Một vị giáo sư người Mỹ khi ấy đã rất quan tâm đến đề tài khóa luận của tôi và sau đó nhận tôi là học viên cao học. Sang Mỹ, tôi mới nhận ra một điều, những kiến thức trước đây mình tiếp cận được còn quá manh mún, không có hàm lượng khoa học cao. Ngành sinh học bảo tồn này thực sự là một ngành khoa học có sự tổng hợp, liên kết của nhiều kiến thức ở các chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau - được xây dựng để giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan tới tác động của con người đối với các loài động thực vật... Khi ấy, tôi xác định, mình phải học thêm rất nhiều, những kiến thức cơ bản, nền móng phải thật chắc, thì sau đó mới áp dụng được vào những vấn đề thực tiễn, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều” - thầy Minh bộc bạch. Năm 1999, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp tiểu bang Oregon, thầy Minh tiếp tục học tiến sĩ tại Đại học Columbia, về phân loại và di truyền học. Và sau đó, thầy Minh vẫn tiếp tục đi theo định hướng đó, nghiên cứu về di truyền động vật. Người học chưa nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học Sau nhiều năm công tác ở Viện Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2010, thầy Minh chính thức trở thành giảng viên tại Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cũng vào thời điểm này, nhà trường bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí về về lĩnh vực Khoa học môi trường. Chương trình này liên kết với Đại học Indiana (Mỹ) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh đã trực tiếp xây dựng nên môn Sinh học bảo tồn. “Trong đó, có lồng ghép nhiều tài liệu liên quan đến đa dạng sinh học của Việt Nam, cũng như các biện pháp để bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, thông qua quá trình giảng dạy, có một thực trạng đáng buồn là các em sinh viên khi vào gần như không có kiến thức gì về lĩnh vực này, cũng không có định hướng sẽ theo đuổi lĩnh vực này. Mặc dù, khi học tập, các em đều cố gắng tiếp thu, nhưng gần như các em không nhận thức được tầm quan trọng của môn học đó. Tôi cho rằng, có thể do các em thiếu thông tin, cũng chưa nhận thức được triển vọng nghề nghiệp...” - thầy Minh chia sẻ. Làm khoa học, không thể thiếu đó là sự kiên trì Trong suốt gần hai thập kỷ gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học, Phó Giáo sư Lê Đức Minh cũng đã có không ít những chuyến đi thực địa đáng nhớ cùng đồng nghiệp. Thầy Minh nhớ lại một chuyến đi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (tỉnh Hòa Bình) vào năm 2014: “Trước đó, tôi cũng đã có nhiều chuyến thực địa, nhưng chuyến này đối với tôi lại rất đáng nhớ. Trong buổi đêm hôm ấy, chúng tôi mới đi không lâu thì phát hiện một ổ thằn lằn bóng. Vừa thấy động, những con thằn lằn bóng trong ổ ùa chạy ra, chúng tôi ai nấy cuống cuồng vồ lấy chúng... Cuối cùng, đầu năm nay, chúng tôi đã xuất bản bài báo ghi nhận đây là một loài mới cho khoa học”. “Không phải chuyến đi nào cũng có kết quả ngay, nhưng sẽ có thể mang đến cho mình những khám phá bất ngờ” - Phó Giáo sư khẳng định như vậy và chia sẻ thêm một chuyến đi đáng nhớ khác. Năm 2015, Phó Giáo sư Lê Đức Minh cùng một đoàn cán bộ nghiên cứu đã có chuỗi ngày gần hai tuần rong ruổi trong những cánh rừng Trường Sơn, tìm loài Gà lôi lam mào trắng - vốn đã không còn được ghi nhận từ đầu những năm 2000. “Đó chính xác là một chuyến đi tiền trạm dài hơn 10 ngày, cứ đi hết một ngày đến đâu cả đoàn lại dựng lều lán để ngủ lại ở đó. Cũng là một trải nghiệm khó quên, nhưng kết thúc chuyến đi, chúng tôi vẫn không tìm thấy Gà lôi lam mào trắng. Một chuyến đi không có thu hoạch thì ít nhiều cũng gây thất vọng, nhưng với tôi, điều nhớ nhất chính là mặc dù chúng tôi đã đi vào rừng rất sâu, nhưng cảm giác độ đa dạng động vật rất thấp, bởi các loài động vật đã bị săn bắt quá nhiều. Đặt chân đến rất nhiều địa hình hiểm trở, chúng tôi vẫn bắt gặp rất nhiều bẫy được đặt ở đó. Tôi cho rằng, chính vì những tác động của con người như vậy, khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc bảo tồn loài tại Việt Nam” - thầy Minh bày tỏ. Tuy có chút hụt hẫng, song, sau chuyến đi, đoàn công tác đã tiến hành đặt bẫy ảnh hơn một năm trong khu vực đó, kết quả không tìm thấy dấu hiệu của Gà lôi lam mào trắng, nhưng lại thu được rất nhiều hình ảnh của những loài động vật quý hiếm khác. Thầy Minh nhấn mạnh: “Làm khoa học, điều không thể thiếu đầu tiên chính là đam mê và sự kiên trì. Có thể sau cả năm trời ròng rã, chúng ta không thu được một kết quả gì mới, nhưng chỉ cần kiên trì thêm một tháng, thậm chí một ngày, cũng có thể phát hiện ra những điều không ngờ tới”. Chính vì không phải khi nào cũng có thể tìm ngay đến thành công, mà không nhiều bạn trẻ hiện nay muốn đi theo con đường nghiên cứu về đa dạng sinh học, thay vào đó là hướng đến các ngành về công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Tuy nhiên, Phó Giáo sư Lê Đức Minh cho rằng: “Nếu các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này và thực sự có đủ đam mê, nhiệt huyết cũng như sự kiên trì, thì sẽ có thể tìm thấy thành công của riêng mình. Đặc biệt, cơ hội hiện nay rộng mở hơn so với trước kia rất nhiều, chỉ cần các bạn có năng lực, trang bị đủ kiến thức, kỹ năng và nắm bắt được, thì không thiếu cơ hội phát triển”. Kiến nghị đưa đa dạng sinh học vào chương trình phổ thông và xã hội hóa kinh phí cho hoạt động bảo tồn Không chỉ tham gia giảng dạy, nghiên cứu, suốt nhiều năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh vẫn luôn đau đáu về việc làm sao thu hút nhân lực tham gia vào bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng của các hoạt động bảo tồn. Phó Giáo sư Lê Đức Minh chỉ ra: “Mặc dù hiện nay Việt Nam xếp thứ 14 trong số các quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, nhưng khi hỏi một em học sinh, sinh viên, hay thậm chí có thể là một giáo viên, phần lớn không biết đến sự đa dạng ấy. Trong khi đây là một tài nguyên cực kỳ quý giá, nhưng có lẽ công tác giáo dục và đào tạo vẫn chưa thực sự được quan tâm một cách đúng mực. Ở các nước phát triển, học sinh có thể học về đa dạng sinh học thông qua bảo tàng, thủy cung, vườn thú và vườn thực vật. Tuy nhiên, những mô hình này ở Việt Nam vẫn chưa thực sự được chú trọng. Gần đây, đã có một bước tiến với một số bảo tàng như Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam..., trở thành một môi trường rất tốt để giới thiệu cho học sinh về đa dạng sinh học”. Theo đó, thầy Minh cũng đề cập đến một số kiến nghị: “Vấn đề thứ nhất, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, đưa nội dung về đa dạng sinh học vào một môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông. Như vậy, học sinh sẽ có nền tảng kiến thức, nhận thức được tài nguyên cũng như vốn tự nhiên quý báu của Việt Nam. Điều này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trước mắt, nếu chưa thể xây dựng một môn học riêng, có thể đưa các kiến thức này như một nội dung bổ trợ, các thầy cô giáo trong nhà trường cũng cần được tập huấn thêm. Chúng ta cần tạo được một phong trào nâng cao nhận thức đối với không chỉ một mà nhiều đối tượng khác nhau, biết được tầm quan trọng của đa dạng sinh học Việt Nam. Vấn đề thứ hai, một khó khăn nữa tại Việt Nam hiện nay là chưa có chương trình đào tạo đại học nào tập trung vào đa dạng sinh học. Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần có một mã ngành riêng đào tạo lĩnh vực này. Nhân lực ngành này hiện đang rất thiếu, cần được bổ sung và nâng cao chất lượng, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam trong tương lai. Một vấn đề nữa, khó khăn đối với các công trình nghiên cứu cũng như các chương trình về bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay nằm ở vấn đề kinh phí. Chẳng hạn, khi thực hiện một dự án về bảo tồn, chúng ta chưa có quy định về chi ngân sách, dẫn đến phải lồng ghép với các nội dung khác, ví dụ lồng ghép các hoạt động bảo tồn hổ hoặc rùa với bảo vệ rừng. Tuy nhiên, kinh phí cho bảo vệ rừng vốn đã hạn hẹp nên san sẻ thêm cho các hoạt động bảo tồn là thách thức rất lớn. Như vậy, để các dự án bảo tồn đa dạng sinh học có thể hoạt động mang tính bài bản, lâu dài, cần có quy định chi ngân sách nhà nước, tức là cần xây dựng nguồn ngân sách riêng biệt cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, có thể tính đến các biện pháp khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học. Theo kinh nghiệm học hỏi từ các nước, các tổ chức, doanh nghiệp hằng năm có thể quyên góp một khoản kinh phí nhất định cho hoạt động bảo tồn, và được Nhà nước tạo điều kiện miễn thuế hoàn toàn. Như vậy, sẽ có thể thu hút được nhiều nguồn đóng góp, tài trợ cho hoạt động này hơn”. Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về phân tích gen môi trường và bảo tồn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh là Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về phân tích gen môi trường và bảo tồn. Nhóm có 10 thành viên, trong đó có các cán bộ của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhiều thành viên của là các cán bộ trẻ hiện đang là nghiên cứu sinh. Đặc biệt, nhóm có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Ziegler hiện đang công tác tại Vườn thú Cologne và Đại học Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức. Ông là người có nhiều năm nghiên cứu về đa dạng sinh học của Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực này. Một số nội dung cơ bản về hoạt động: Nghiên cứu phân tích gen môi trường để điều tra và phát hiện quần thể của các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam và khu vực. Sử dụng các chỉ thị sinh học phân tử để nghiên cứu di truyền quần thể nhằm đánh giá mức độ nguy cấp của các quần thể có số lượng cá thể thấp. Phân tích số liệu di truyền của các loài sinh vật bằng phương pháp mã vạch ADN nhằm định danh các mẫu vật thu được từ buôn bán động vật hoang dã hỗ trợ việc thực thi pháp luật và phát hiện ra các điểm nóng về săn bắt động vật hoang dã trên toàn quốc. Điều tra, giám sát và đánh giá về kích thước quần thể, đặc điểm sinh thái học, phạm vi phân bố và quan hệ địa lý động, thực vật của các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm bằng cách sử dụng phương pháp truyền thống và hiện đại như bẫy ảnh hệ thống kết hợp với gen môi trường. Phân tích số liệu không gian, số liệu của các biến môi trường trong vùng phân bố của loài, và số liệu điều tra nhằm mô hình hóa vùng phân bố của các loài và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên các loài nguy cấp, quý, hiếm dựa trên sự thay đổi vùng phân bố tiềm năng trong tương lai theo các kịch bản về biến đổi khí hậu. Các kết quả của nghiên cứu đã và đang được ứng dụng cho quy hoạch đa dạng sinh học ở mức độ toàn quốc và khu vực. | DSG 15: Tài nguyên và môi trường trên đất liền – Life on land Mục tiêu 15 hướng đến Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. Đến năm 2030, thực hiện hành động khẩn cấp và quan trọng để giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường sống tự nhiên, bao gồm chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất và đất bị thoái hóa… Bảo tồn được hệ sinh thái núi và bao gồm cả sự đa dạng sinh học và ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài bị đe dọa. Khuyến khích chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen, chấm dứt nạn săn trộm và buôn bán các loài động thực vật được bảo vệ. Huy động các nguồn lực đáng kể từ tất cả các nguồn và ở tất cả các cấp để tài trợ cho quản lý rừng bền vững, tăng cường hỗ trợ toàn cầu cho các nỗ lực chống săn trộm và buôn bán các loài được bảo vệ. >>> Nguồn Tạp chí Giáo dục Việt Nam. |