TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Tin tức chung 13:17:26 Ngày 29/11/2024 GMT+7
GS. Nguyễn Quang Hưng: Mang ánh xạ tri thức khoa học triết học vào thực tế
Tôi gặp GS. Nguyễn Quang Hưng tại khuôn viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Với dáng vẻ giản dị, Giáo sư chia sẻ về những năm tháng gắn bó với giảng đường Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Ở đó có biết bao kỉ niệm về nghề giáo gắn với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Triết học và Tôn giáo.

Người thầy tâm huyết truyền lửa cho sinh viên

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Triết học tại Đại học Rôstốp, Liên Xô (cũ), năm 1986, cử nhân Nguyễn Quang Hưng về giảng dạy tại Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH). Từ năm 2004 đến 2015, thầy đảm nhiệm chức vụ là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Triết học, và từ năm 2007 đến nay là Phó Giám đốc, sau đó là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại (CECRS), cũng từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học. Đến nay, GS. Nguyễn Quang Hưng đã có gần 40 năm gắn bó với mái trường VNU-USSH.

Thầy Hưng chia sẻ, thầy đến với ngành Triết học rất tình cờ. Từ nguyện vọng học ngành Hóa học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến sinh viên khoa Kinh tế chính trị, thầy Hưng được cử đi học tại Liên Xô và lựa chọn học tập, nghiên cứu ngành Triết học, rồi sau này khi có dịp qua CHLB Đức theo học Thạc sĩ và Tiến sĩ Tôn giáo học. Tình yêu với các môn khoa học này lớn dần theo những năm tháng học tập tại nước ngoài Nga và Đức. Và tình yêu đó đã được người thầy Nguyễn Quang Hưng truyền lửa tới nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

GS. Nguyễn Quang Hưng say sưa với những bài giảng trên giảng đường của khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Trong quá trình công tác, có nhiều lời mời hấp dẫn từ các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, tuy nhiên thầy Hưng vẫn lựa chọn gắn bó với Trường ĐHKHoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. “Đối với tôi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là ngôi nhà thứ hai, là nơi tôi tin tưởng để cống hiến cả cuộc đời giảng viên của mình” – GS. Hưng chia sẻ.

Với thầy Nguyễn Quang Hưng, được chứng kiến các thế hệ sinh viên trưởng thành, trong đó có nhiều sinh viên đam mê nghiên cứu lĩnh vực Triết học, đó chính là động lực lớn lao để các thế hệ thầy giáo, cô giáo của khoa Triết học tiếp tục gắn bó, tiếp tục trau dồi và truyền thụ tri thức.

Sự quan tâm, sẻ chia giản dị của các em sinh viên cũng chính là niềm vui đối với người thầy giáo trên giảng đường đại học. “Tôi còn nhớ như in hình ảnh của hai em cách đây 3-4 năm, lần lượt cô chị, rồi cô em cùng học Khoa Triết, ngày 30 tết tìm đến nhà biếu thầy cặp bánh chưng vì sợ nhà thầy không gói bánh được. Chính tình cảm chân thành, mộc mạc của các em là nguồn động viên để tôi luôn mong muốn gắn bó với sinh viên, với nhà trường” – thầy Hưng xúc động kể lại.

Người học trò trong câu chuyện của thầy Hưng chính là em sinh viên Định Thị Mỹ Linh (K61) và Đinh Thuỳ Dương (K66 khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Với các cô sinh viên này, thầy giáo Nguyễn Quang Hưng đã truyền lại cho cá nhân em và các bạn sinh viên tình yêu, niềm say mê nghiên cứu Triết học - một ngành khoa học cơ bản tưởng như đang ít hấp dẫn đối với các bạn trẻ.

Bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô trong khoa Triết học, đặc biệt là thầy Nguyễn Quang Hưng, sinh viên Đinh Thuỳ Dương chia sẻ: “Nhờ có thầy, em đã lựa chọn học ngành Triết học, chuyên ban Triết học phương Tây, và em hoàn toàn mãn nguyện với lựa chọn đó!”. Chị gái của Thuỳ Dương là cựu sinh viên K61 ngành Triết học, do vậy Dương đã được tiếp xúc với ngành học này và biết về thầy Hưng qua lời kể của chị gái cũng như các bạn đồng môn của chị.

Theo cô sinh viên năm thứ 4, với phương pháp truyền đạt mới mẻ, ánh xạ tri thức khoa học và thực tế, mỗi bài giảng của thầy Nguyễn Quang Hưng đã mang đến cho sinh viên cái nhìn đa chiều về những hiện tượng trong cuộc sống. Sinh viên khoa Triết rất ấn tượng với những bài giảng của thầy Hưng trong các học phần như Phương pháp nghiên cứu lịch sử triết học qua các tác phẩm kinh điển, Các trào lưu triết học Kitô giáo hiện nay…

Và có lẽ với các em sinh viên khoa Triết, dáng vẻ giản dị, những câu chuyện dí dỏm, sự quan tâm chân thành của người thầy giáo Nguyễn Quang Hưng đã thực sự mang lại cho các em niềm kính trọng và sự tin cậy. Đứng trên bục giảng của các em không phải là một giáo sư lớn tuổi đầy nghiêm cẩn mà là một người thầy luôn gần gũi, sẻ chia với sinh viên. Bởi vậy mà sinh viên khoa Triết không ngần ngại hô tên thầy trong buổi liên hoan nho nhỏ sau khi các em dành giải quán quân ở cuộc thi Olympic Triết học Việt Nam 2024, hay những lời thăm hỏi ân cần của các cựu sinh viên dành tới thầy sau nhiều năm ra trường.

Nhà khoa học bền bỉ trên hành trình nghiên cứu, tư vấn chính sách

GS. Nguyễn Quang Hưng đã có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại các quốc gia phát triển mạnh mẽ trong nghiên cứu Triết học. Thầy đã hoàn thành các chương trình học và được cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành Đông Nam Á học - Tôn giáo học tại Trường Đại học Passau, CHLB Đức (năm 1998); Tiến sĩ Đông Nam Á học tại Trường Đại học Humboldt ở Berlin, CHLB Đức (năm 2004).

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của GS. Nguyễn Quang Hưng gồm: Triết học cổ điển Đức, Lịch sử truyền giáo, cộng đồng Công giáo và đạo Tin Lành ở Việt Nam; Quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa về phương diện nghiên cứu lý luận; Các khía cạnh xung đột văn hóa và chính trị trong quan hệ tôn giáo và văn hóa khi nghiên cứu cộng đồng dân tộc Mông ở Việt Nam.

Trong thời gian công tác, giáo sư đã hướng dẫn 06 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cùng hàng chục học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; hoàn thành 01 đề tài NCKH của Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED), 01 đề tài NCKH cấp Nhà nước; công bố gần 90 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, đã xuất bản 10 đầu sách (bao gồm cả viết chung, chủ biên và viết riêng), trong đó có 03 sách xuất bản ở nước ngoài, trong đó có những công trình xuất bản ở các nhà xuất bản danh tiếng trên thế giới.

Hiện nay Giáo sư Nguyễn Quang Hưng đang có nhiều đóng góp tích cực tại Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại, Hội đồng tư vấn về tôn giáo tín ngưỡng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, … Trong giai đoạn phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại, thầy góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công 12 Hội thảo khoa học quốc tế và nhiều tọa đàm trong nước về lĩnh vực tôn giáo học.

 

Giáo sư Nguyễn Quang Hưng trình bày báo cáo về “Phát huy nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ phát triển bền vững” tại tọa đàm khoa học và góp ý báo cáo tư vấn chính sách do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tổ chức ngày 26/12/2023

GS. Nguyễn Quang Hưng và các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại tại lễ bàn giao các kết quả nghiên cứu tới Ban Tôn giáo Chính phủ vào tháng 12/2023

Trước hiện trạng các ngành khoa học cơ bản, trong đó có các ngành khoa học xã hội và nhân văn, hiện nay đang ít cạnh tranh hơn so với các ngành khoa học ứng dụng, GS. Nguyễn Quang Hưng cho biết, vấn đề này không chỉ gặp ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Là nhà khoa học dành cả cuộc đời cho nghiên cứu, GS. Nguyễn Quang Hưng cho rằng, với vai trò là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, cần đi bằng hai chân là phát triển khoa học cơ bản song song với khoa học ứng dụng, tư vấn chính sách cho các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Khoa học cơ bản vẫn đóng vai trò là nền tảng, là cơ sở cho việc áp dụng vào các ngành khoa học ứng dụng. Nếu ví khoa học ứng dụng là thân cây, cành lá sum xuê thì khoa học cơ bản chính là bộ rễ vững chắc cho sự phát triển của khoa học và đời sống.

Đối với ngành Triết học, từ nền tảng là thành tựu trong nghiên cứu lịch sử Triết học được hình thành qua hàng ngàn năm, đến nay đã phát triển thành triết học ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống như y học, môi trường, tôn giáo, kinh tế, văn hóa - chính trị... Việc kiên định trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hàn lâm, từ đó làm nền tảng cho khoa học ứng dụng đã trở thành kim chỉ nam của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN trong những năm qua.

Thầy Hưng chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm, chừng nào còn sức khỏe, chừng đó còn cống hiến cho nghiên cứu khoa học. Tôi không chỉ say mê các vấn đề khoa học hàn lâm mà còn thực hiện các chuyến nghiên cứu thực địa, thực hiện các hoạt động tư vấn chính sách về các vấn đề trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam”.

Với những cống hiến bền bỉ trong gần 40 năm giảng dạy và nghiên cứu, tháng 11/2024 vừa qua, thầy Nguyễn Quang Hưng đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận chức danh Giáo sư ngành Triết học.

Hội thảo khoa học về “Vấn đề giới trong triết học và văn hoá: Cách tiếp cận nghiên cứu so sánh” với sự đồng chủ trì của Giáo sư Nguyễn Quang Hưng và các nhà khoa học trong nước, quốc tế.

>>> Tin bài liên quan:

-Từ giảng đường đến thực tiễn: GS.TS Lại Quốc Khánh và hành trình thắp sáng tư duy Chính trị học

-TT Nghiên cứu Tôn giáo đương đại và những tham góp khoa học về chính sách tôn giáo tín ngưỡng với Ban Tôn giáo Chính phủ

-Báo cáo khoa học về tôn giáo tín ngưỡng của CECRS - cơ sở lý luận giàu giá trị về tư vấn chính sách

- Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội có thêm 34 nhà giáo đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư

 Thùy Dung - Bản tin ĐHQGHN
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ