 Thông tin từ Hội đồng thi cho biết đợt HSA - 501 diễn tại 8 địa điểm thi gồm Viện Đào tạo số và Khảo thí (cơ sở Cầu Giấy và Hòa Lạc), Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Thái Bình và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Tổng số thí sinh theo danh sách đăng ký dự thi là 11.027, số hoàn thành hồ sơ đúng quy chế đến dự thi 10.958; đạt 99,4% tỉ lệ thí sinh dự thi; 1 thí sinh bị kỷ luật đình chỉ thi. Một số ca thi tại các điểm thi Hòa Lạc, Trường Đại Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Nam Định, Trường Đại học Thái Bình đạt 100% thí sinh đến dự thi. 
Từ năm 2024 trở lại đây, đơn vị tổ chức thi áp dụng công nghệ nhận diện hình ảnh thí sinh đến dự thi. Thí sinh bắt buộc phải xuất trình thẻ Căn cước công dân khớp với thông tin hồ sơ dự thi và được nhận diện hình ảnh mới đủ điều kiện dự thi. 
Chủ tịch Hội đồng thi HSA, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN áp dụng từ năm 2025 đối với đối tượng dự thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh phải hoàn thành 2 phần thi bắt buộc là Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học – Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút) và phần tự chọn Khoa học hoặc Tiếng Anh (50 câu hỏi, 60 phút). Với phần lựa chọn Khoa học, thí sinh phải lựa chọn 3 trong 5 chủ đề thuộc lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Nhận định ban đầu học sinh thành phố lựa chọn phần thứ ba là Tiếng Anh nhiều hơn phần thi Khoa học. Trong khi đó, thí sinh khu vực nông thôn lựa chọn phần thi Khoa học chiếm ưu thế hơn. Thống kê sơ bộ của Ban tổ chức kỳ thi, kết thúc đợt thi HSA -501 thì điểm cao nhất là 126/150, điểm cao thứ hai là 125/150. Nhận định sơ bộ ban đầu, điểm trung bình của bài thi Đánh giá năng lực năm 2025 sẽ cao hơn các năm trước một chút do thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba phát huy năng lực và sở trường cá nhân. Thí sinh cũng cần tham khảo thông tin đề án tuyển sinh của các trường đại học yêu cầu về tổ hợp xét tuyển tương ứng. 
Bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN được thiết kế dựa trên khoa học khảo thí đo lường hiện đại. Cấu trúc đề thi và nội dung câu hỏi thi phân bố từ lớp 10 đến lớp 12 theo tỉ lệ 10-15%, 30-40%, 50-60% tương ứng. Việc ôn luyện trong thời gian ngắn không mang lại hiệu quả cao cho thí sinh. Đơn vị tổ chức thi cũng khuyến nghị thí sinh nên có kế hoạch học tập và ôn tập khoa học, quá trình thay vì sa lầy theo các nhóm luyện thi quảng bá. Trong hai ngày qua, một số nhóm luyện thi giả danh thí sinh (dùng tài khoản ảo) “review” đề thi Đánh giá năng lực đợt 501 nhằm quảng bá thu hút thí sinh luyện thi. Ngay sau khi ca thi thứ nhất kết thúc lúc 11h00 ngày 15 tháng 3 năm 2025, một số tài khoản ảo đăng tải đạt điểm thi 126/150, 135/150 trong khi không có bất kỳ thí sinh nào đạt được các mức điểm này trong ngày thi đầu tiên. Do đó, thí sinh cần lưu ý và xây dựng kế hoạch ôn tập cá nhân phù hợp cho các đợt thi Đánh giá năng lực tiếp theo, - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nhắn nhủ. 
Đợt thi 502 kế tiếp diễn ra ngày 29 -30/3/2025 Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, số thí sinh đăng ký dự thi gần 20.000 thí sinh. >>> Tin bài liên quan: -Hơn 11.000 thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội - Gần 90 nghìn thí sinh đăng ký dự thi HSA đợt 1 năm 2025 của ĐHQGHN - Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) học sinh trung học phổ thông năm 2025 của ĐHQGHN |