TIN TỨC & SỰ KIỆN
Tin tức   Đào tạo 00:00:00 Ngày 06/08/2021 GMT+7
Giai đoạn 2018-2020 có hàng trăm lượt sinh viên ĐHQGHN và quốc tế tham gia chương trình trao đổi học tập
Số liệu thống kê trên được công bố tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Đánh giá hoạt động trao đổi sinh viên ở ĐHQGHN giai đoạn 2018-2020 và phương hướng triển khai trong giai đoạn 2021-2025” vừa diễn ra tại ĐHQGHN, ngày 28/7/2021.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự theo hình thức trực tuyến có đại diện lãnh đạo đơn vị đào tạo, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng của ĐHQGHN.

Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Đào tạo cho biết, hiện nay có hai loại chương trình trao đổi sinh viên là chương trình trao đổi cấp ĐHQGHN và chương trình trao đổi cấp đơn vị đào tạo. Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN/đơn vị đào tạo với đối tác nước ngoài mà sinh viên ĐHQGHN và sinh viên quốc tế được tham gia chương trình trao đổi, đến học tập với 02 hình thức: (i) Chương trình trao đổi giao lưu văn hóa có thời gian từ 01 tuần đến 3 tháng, không tích lũy tín chỉ; (ii) Chương trình trao đổi tín chỉ tích lũy có thời gian 01 học kì hoặc 01 năm học, sinh viên tích lũy tín chỉ tại đơn vị đào tạo được cấp bảng điểm/xác nhận kết quả học tập sau khi kết thúc thời gian trao đổi.

Trong giai đoạn 2018-2020, ĐHQGHN đã ban hành 125 thông báo về chương trình trao đổi với 54 đối tác nước ngoài và đề cử 124 sinh viên đủ điều kiện tham gia chương trình trao đổi tại các đại học đối tác. Hoạt động trao đổi sinh viên cấp ĐHQGHN chủ yếu triển khai với các trường đại học nước ngoài (ở châu Á và châu Âu) và các tổ chức AUN, UMAP và EU-SHARE (Dự án tăng cường giáo dục đại học cho sinh viên các trường thuộc ASEAN).

Ở cấp đơn vị đào tạo, hoạt động trao đổi sinh viên chủ yếu được triển khai tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ và Trường ĐH Kinh tế. Theo báo cáo của các đơn vị, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có số lượng sinh viên đi và đến trao đổi nhiều nhất với 586 sinh viên, trong đó có 556 sinh viên Trung Quốc đến học trao đổi ngành Việt Nam học. Với lợi thế về ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ có số lượng sinh viên đi trao đổi có công nhận tín chỉ nhiều nhất là 264 sinh viên.

Tính đến năm 2021, ĐHQGHN có 397 thỏa thuận (MOU) với các đối tác và tổ chức nước ngoài, trong đó có khoảng 290 MOU với các trường đại học, các tổ chức quốc tế có thỏa thuận về hoạt động trao đổi sinh viên.

Đối với hoạt động trao đổi sinh viên trong khuôn khổ Dự án EU-SHARE, ĐHQGHN đã thực hiện và hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án với tư cách thành viên chính (năm 2016-2020), hiện đang triển khai tiếp thêm 2 năm (đến 2022). Chương trình là cơ hội để sinh viên ĐHQGHN được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm học tập với sinh viên quốc tế trong khối ASEAN, EU. Đã có 20/78 sinh viên của ĐHQGHN và 25/187 sinh viên quốc tế được tổ chức SHARE cấp học bổng toàn phần đi học trao đổi.

Có thể thấy, hoạt động trao đổi sinh viên có vai trò quan trọng trong việc quốc tế hóa giáo dục, đào tạo và thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại ĐHQGHN, là một yếu tố trong đánh giá xếp hạng các đại học trên thế giới. Ngoài ra, việc gia tăng số lượng sinh viên đi trao đổi và sinh viên nước ngoài đến trao đổi còn thúc đẩy các đơn vị đào tạo phải đa dạng hóa chương trình đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng nước ngoài (đặc biệt là tiếng Anh), cải cách phương pháp, cách thức đào tạo, số hóa hoạt động quản lý đào tạo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải (góc trái) và đại diện các đơn vị tham dự hội thảo

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai còn bộc lộ một số hạn chế như: Đầu mối quản lý hoạt động trao đổi sinh viên tại các đơn vị đào tạo chưa thống nhất, cán bộ đầu mối ở đơn vị đào tạo chưa nắm bắt tốt về đặc điểm sinh viên quốc tế đến trao đổi (sự khác biệt về văn hóa, thói quen…); Thông tin về danh sách các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh, danh sách cán bộ đầu mối thực hiện việc trao đổi sinh viên và những thông tin tư vấn hữu ích về việc học trao đổi tại đơn vị đào tạo còn chưa được cập nhật trên trang thông tin điện tử của đơn vị; Việc xét chọn sinh viên đi trao đổi ở nhiều đơn vị còn chưa thống nhất với tiêu chí của ĐHQGHN và đối tác; Việc công nhận các tín chỉ giữa các đơn vị đào tạo và đối tác nước ngoài theo cả hai chiều chưa được thông suốt; Hầu hết các đơn vị chưa có những chương trình đặc thù dành cho sinh viên quốc tế trao đổi như kết hợp học tập và giao lưu văn hoá; Các CTĐT liên kết quốc tế giảng dạy bằng tiếng nước ngoài hiện nay còn ở số lượng khiêm tốn; Chưa có quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên đi hoặc đến trao đổi; Phương thức đào tạo hiện nay chủ yếu là trực tiếp, chưa có sự kết hợp nhiều giữa đào tạo trực tiếp và trực tuyến cho sinh viên học các học phần bằng tiếng nước ngoài…

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nhà trường quan tâm và tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất. Đồng thời đội ngũ giảng viên được lựa chọn kĩ càng cho mỗi lớp có sự tham gia của sinh viên quốc tế. Chất lượng sinh viên trong mỗi lớp đều đảm bảo khả năng giao tiếp và kiến thức môn học. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn và hạn chế nhất định. Lãnh đạo Nhà trường cho rằng, cần phải thực hiện một số thay đổi và đầu tư hơn nữa cho hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế: Điều chỉnh phương thức truyền thông các chương trình đào tạo; Có chính sách hỗ trợ nâng cao ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam; Tăng cường các hoạt động học thuật trong việc giao lưu giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế…

Đại diện Trường ĐH Kinh tế cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, Nhà trường đã tiếp nhận 647 sinh viên quốc tế, bao gồm cả sinh viên đến học các chương trình trao đổi tín chỉ và sinh viên đến trao đổi theo các chương trình thiết kế. Nhà trường cũng đề xuất các biện pháp thu hút sinh viên quốc tế tại Trường như: Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN; Thu hút và ký kết các chương trình trao đổi tín chỉ; Xây dựng tài liệu giới thiệu về Trường và các chương trình đào tạo để cung cấp thông tin và thu hút sinh viên quốc tế từ các trường đối tác đến trao đổi, học tập, giao lưu văn hóa…

Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ cho rằng, để thúc đẩy hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế giai đoạn 2021-2025, cần tích cực mở rộng khai thác nguồn tuyển sinh cũng như mạng lưới đối tác trong khu vực ASEAN và quốc tế. Đồng thời, việc mở mới các chuyên ngành ngôn ngữ học và quốc tế học cũng là nhiệm vụ cần lưu ý. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn cầu, cần tăng cường tổ chức các khóa học trực tuyến, cập nhật nội dung các học phần mới, hấp dẫn dành cho sinh viên quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, ĐHQGHN rất chú trọng phát triển các chương trình trao đổi sinh viên, tăng cường các hoạt động quốc tế hoá trong đào tạo nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu văn hoá.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, để hoạt động trao đổi sinh viên đạt hiệu quả trong giai đoạn tới, việc quản lý sinh viên trao đổi cần có sự thống nhất, thông suốt từ ĐHQGHN đến các đơn vị đào tạo. Các đơn vị đào tạo chủ động xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về trao đổi sinh viên và về công nhận tín chỉ các chương trình trao đổi sinh viên với đối tác nước ngoài, tạo cơ sở pháp lý triển khai hiệu quả công tác trao đổi sinh viên tại đơn vị.

Về việc phát triển các chương trình đào tạo, Phó Giám đốc yêu cầu, các đơn vị cần tập trung phát triển các chương trình, học phần đào tạo bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Có thể xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên đặc thù hoặc tích hợp trong các chương trình đào tạo liên kết quốc tế hoặc các chương trình đào tạo dài hạn khác. Đồng thời xây dựng hệ thống học liệu online phục vụ việc học tập các môn chung.

Về nguồn học bổng cho sinh viên trao đổi, Phó Giám đốc đề nghị các đơn vị đào tạo và các Ban chức năng tăng cường tìm kiếm, thu hút các đối tác, từ đó xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên trao đổi.

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải yêu cầu, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên cần hoàn thiện quy trình tiếp nhận sinh viên quốc tế; tiếp tục nâng cấp về cơ sở vật chất, nơi ở cho sinh viên và tăng cường phối hợp với các đơn vị đào tạo quản lí sinh viên quốc tế đến học tập dài hạn/trao đổi.

 Bạch Trà - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ