.jpg)
Chiều 14/4/2025, sau buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai Tổng Bí thư đã chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Số lượng các văn kiện ký kết nhân chuyến thăm lần này là 46, trong đó ĐHQGHN có 02 văn kiện ký kết với ĐH Thanh Hoa về sáng lập “Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc” và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục kỹ thuật số (Ảnh: Nhật Bắc)

Hai văn kiện hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (trên cùng)
ĐHQGHN và Thanh Hoa thiết lập mối quan hệ từ năm 2006. Tháng 8 năm 2024, hai đại học đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong nghiên cứu, trao đổi giảng viên và nghiên cứu viên, sinh viên, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị học thuật, trao đổi tài liệu trong giáo dục, nghiên cứu, xuất bản và thông tin học thuật. Ngày 02/03/2025, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Uỷ viên Dự khuyết TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thanh Hoa Khưu Dũng đã ký kết và trao văn bản thỏa thuận hợp tác về trao đổi sinh viên giữa hai đại học. Việc sáng lập Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục kỹ thuật số là minh chứng rõ nét khẳng định nỗ lực chung của hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu nhằm tăng cường quan hệ hợp tác khoa học và giáo dục giữa hai nước nói chung và giữa các đại học nói riêng, đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc và Năm Hữu nghị Nhân văn Việt Nam - Trung Quốc.
Ý tưởng sáng lập “Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc”
.jpg)
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Uỷ viên Dự khuyết TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thanh Hoa Khưu Dũng đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai đại học (ngày 27/8/2024)
ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa vừa thống nhất phương án thành lập “Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc”, trong đó ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa là đồng sáng lập, nhằm tạo một nền tảng cho các tổ chức giáo dục đại học và khoa học của Việt Nam và Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, tăng cường hiệu quả trong giáo dục và đào tạo, qua đó góp phần chuyển giao công nghê, chia sẻ kiến thức và giao lưu văn hóa giữa 2 quốc gia. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai nước thông qua Mạng lưới cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, góp phần tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Mục đích chính của Mạng lưới là: Mở rộng quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cho Việt Nam; Hỗ trợ phát triển quá trình hội nhập trong lĩnh vực khoa học và giáo dục; Tạo cơ hội cho người Việt Nam tiếp cận nền giáo dục đại học hiện đại và chất lượng cao, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tham gia Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc, các thành viên có thể phát triển hợp các hoạt động hợp tác đa dạng như: triển khai các dự án nghiên cứu, đào tạo chung; phối hợp tổ chức các sự kiện khoa học; trao đổi thông tin, tài liệu và ấn phẩm khoa học; hợp tác xuất bản chung; trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên…
Cùng với đó, nhằm tạo thuận lợi cho triển khai các hoạt động hợp tác và đặt nền móng cho những sáng kiến chung giữa hai bên, kịp thời chia sẻ và tăng cường gắn bó, hai đại học thống nhất xem xét thành lập thành lập Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam - Trung Quốc giữa 2 cơ sở giáo dục đại học, cũng như có đại diện tại các đại học.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng ĐH Thanh Hoa Khưu Dũng
Tăng cường hợp tác trong giáo dục kỹ thuật số
Ngày nay, AI đang trở thành xu hướng công nghệ của toàn thế giới và các đại học cũng không nằm ngoài xu thế đó. ĐHQGHN đã và đang ứng dụng AI trong quá trình chuyển đổi số ở cả ba nội dung chính, hướng tới đại học số, trong đó sự chuyển đổi số trong quản trị đại học được xúc tiến đầu tiên, tiếp đến trong đào tạo và sau đó đến nghiên cứu, trên nền tảng quản trị số với ứng dụng AI sẽ cho phép ra các quyết định dựa vào dữ liệu.
Sự phát triển của AI là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay và là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, việc thiết lập quan hệ hợp tác bền vững giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa không chỉ thúc đẩy tiến bộ khoa học trong lĩnh vực AI mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn và đặt nền móng cho những sáng kiến chung giữa hai bên thông qua thúc đẩy trao đổi học thuật.
.jpg)
ĐHQGHN phối hợp với ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế “Giáo dục Đại học Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội và thách thức trong thế kỷ 21 - Kỷ nguyên trí tuệ số” vào ngày 01/03/2025
Hai bên khuyến khích hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục ứng dụng AI, tập trung vào nâng cao chất lượng giảng dạy, cung cấp lộ trình học tập cá nhân hóa cho sinh viên, tối ưu hóa quá trình giảng dạy và thiết kế nội dung giảng dạy cho giảng viên, từ đó thúc đẩy sự tích hợp sâu giữa AI với hoạt động giảng dạy và học tập. Hai đại học cũng khuyến khích các sáng kiến nghiên cứu chung về giáo dục ứng dụng AI, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Chia sẻ tài nguyên khóa học giữa các cơ sở đào tạo và hợp tác giảng dạy là yếu tố quan trọng để thúc đẩy đổi mới giáo dục và giao lưu văn hóa. ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa sẽ tận dụng các nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) để tăng cường trao đổi giữa hai bên và thúc đẩy sự tương tác giữa giảng viên, sinh viên thông qua các khóa học hợp tác. Thúc đẩy việc trao đổi và chia sẻ tài nguyên MOOC giữa hai đại học sẽ tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các khóa học trực tuyến chất lượng cao. Hai đại học cũng sẽ sử dụng các nền tảng MOOC và Lớp học Kết hợp Toàn cầu (Global Hybrid Classroom) để khuyến khích đối thoại liên ngành và hợp tác giữa giảng viên, sinh viên của hai bên.
Liên minh MOOC và Giáo dục Trực tuyến toàn cầu được Đại học Thanh Hoa khởi xướng vào năm 2020, trong đó Đại học Thanh Hoa giữ vai trò Ban Thư ký. Hiện tại, Liên minh có 23 thành viên đến từ 16 quốc gia. Trong thời gian tới, ĐH Thanh Hoa sẽ hỗ trợ toàn diện ĐHQGHN trong việc tham gia Liên minh MOOC và Giáo dục Trực tuyến toàn cầu, đồng thời hỗ trợ mở rộng mạng lưới giáo dục quốc tế. Thông qua Liên minh, ĐHQGHN sẽ có cơ hội hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới và các nền tảng giáo dục quốc tế, tham gia vào các hoạt động giảng dạy chung, nâng cao năng lực, chia sẻ tri thức và thúc đẩy các sáng kiến giáo dục công. Quan hệ đối tác này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và tăng cường trao đổi giáo dục quốc tế trong khuôn khổ Liên minh.
Các tin liên quan:
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)
- ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa: Hợp tác để cùng thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực khoa học trí tuệ nhân tạo
- Làm sâu sắc trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)
- ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa: Đa dạng hóa các hoạt động hợp tác trong dào tạo, nghiên cứu và trao đổi
- ĐHQGHN hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) trong nghiên cứu khoa học và đào tạo
- ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa hợp tác triển khai chương trình đào tạo thạc sỹ Quản trị điều hành cấp cao Executive MBA (EMBA)
- Vượt ra ngoài đường chân trời: Sự phát triển toàn cầu của giáo dục đại học được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo
|