TIN TỨC & SỰ KIỆN
“Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” - Tọa đàm học thuật góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc
Ngày 15/4/2025, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, ĐHQGHN đã diễn ra Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới”.

GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), nguyên Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới là diễn giả khách mời của tọa đàm này.

Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân tiếp đón GS. Lâm Nghị Phu và dự Tọa đàm.

GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, ĐH Bắc Kinh và GS. Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN

Cùng dự hoạt động học thuật này về phía ĐHQGHN có các Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, Phạm Bảo Sơn; đại diện lãnh đạo Văn phòng, các ban chức năng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Tham dự Tọa đàm, từ các cơ quan, doanh nghiệp đối tác và các trường đại học có: Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư IMG Lê Tự Minh; Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Trường Đại học VinUni Lê Mai Lan; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Thị Thu Thủy; Cố vấn Kinh tế Cấp cao của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Jonathan London; Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Canada tại Việt Nam Noah Schiff; Giám đốc điều hành Economica Việt Nam Lê Duy Bình; Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Thị Lê Hương.

Tọa đàm học thuật “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật và chính sách, kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp để tìm hiểu, thảo luận về các mô hình kinh tế mới, cải cách cơ cấu và chiến lược tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam tiến tới sự thịnh vượng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên mới. Đáng chú ý, sự kiện được tổ chức nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự hợp tác mạnh mẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là "Năm Giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc".

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn chia sẻ, với sứ mệnh là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, ĐHQGHN không ngừng nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cung cấp các tư vấn chính sách hiệu quả. ĐHQGHN tự hào góp phần trong việc triển khai các chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 45 về phát triển đội ngũ trí thức, Nghị quyết 57 về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia cũng như chuẩn bị cho nghị quyết mới về Kinh tế tư nhân.

ĐHQGHN đã ký kết và triển khai hợp tác với hàng chục cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc như: ĐH Bắc Kinh, ĐH Thanh Hoa, ĐH Nam Kinh, ĐH Hạ Môn, ĐH Ma Cao, … Sự hợp tác này không chỉ giúp thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo mà còn góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa hai nước trong kỷ nguyên trí tuệ số.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn và trật tự thương mại quốc tế có nhiều biến động, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn vai trò quan trọng của việc hợp tác quốc tế và phát triển bền vững. Những biến động này đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược linh hoạt và sáng tạo để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội. Lãnh đạo ĐHQGHN tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, Tọa đàm hôm nay sẽ mang lại những góc nhìn mới mẻ và những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

GS. Lâm Nghị Phu chia sẻ về “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ Kinh tế học cấu trúc mới”

Tại Tọa đàm, GS. Lâm Nghị Phu đã có bài chia sẻ “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới: Góc nhìn từ Kinh tế học cấu trúc mới”.

Dưới góc độ nghiên cứu về kinh tế học cấu trúc mới, cùng những kinh nghiệm và thực tiễn nhiều năm làm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, GS. Lâm Nghị Phu luôn tin rằng công cuộc tìm kiếm sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

Bản chất của tăng trưởng thu nhập hiện đại là một quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ và ngành nghề, nhằm nâng cao năng suất lao động, cùng với sự cải thiện về hạ tầng mềm và cứng trong nền kinh tế, nhằm giảm chi phí giao dịch. Các quốc gia đang phát triển có lợi thế đi sau trong đổi mới công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp và cải cách thể chế, nhờ đó có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái thu nhập thấp hoặc trung bình. Ông cho biết, bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình đều là hệ quả của việc không thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu một cách năng động, khiến các nước đang phát triển không thể tăng trưởng nhanh hơn các nước thu nhập cao.

Làm sao để thoát bẫy ấy và hiện thực khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính là bí quyết cho sự thịnh vượng.

GS. Lâm Nghị Phu đã nêu dẫn chứng về lịch sử phát triển lý luận và thực tiễn tăng trưởng kinh tế của thế giới, khái quát những tuyến lớn của mô hình tăng trưởng - mối quan hệ cơ chế mang tính quyết định “nhà nước - thị trường”, hoặc cấu trúc tăng trưởng dựa vào “thay thế nhập khẩu” hay “định hướng xuất khẩu”, trong các kiến giải của các trường phái “cổ điển”, “Keynes”, “Tân cổ điển” hay “Cấu trúc cũ” - “Cấu trúc mới”, ... căn cứ vào thực tiễn các nước đang phát triển để đưa ra những nhận định và gợi ý ở tầm tương xứng.

Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, GS. Lâm Nghị Phu đã nêu lên vai trò của cơ sở hạ tầng phù hợp và sự tham gia của chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh tế. Ông cho rằng các quốc gia nên tận dụng lợi thế so sánh của mình để cạnh tranh toàn cầu và phát triển các ngành công nghiệp. Ông cũng đề xuất một quy trình chuyển đổi kinh tế qua 6 bước để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và tăng trưởng bền vững gồm: Xác định ngành có tiềm năng tăng trưởng thông qua so sánh quốc tế; Đánh giá khả năng hiện thực hóa ngành, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp nội địa; Tìm kiếm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hoặc phát triển các chương trình ươm tạo doanh nghiệp mới; Chính phủ quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô và thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo; Sử dụng các đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp tại các quốc gia có hạ tầng yếu kém và môi trường kinh doanh không thuận lợi; Các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp tiên phong qua ưu đãi thuế, cấp vốn vay, quyền tiếp cận nguồn ngoại tệ.

GS. Lâm Nghị Phu cho rằng, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng, là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Nếu Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ một cách đúng đắn trong một thị trường hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành thực tế, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.

Tại phiên thảo luận bàn tròn được điều phối bởi GS. Trần Thị Thanh Tú - Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách đã tìm hiểu, thảo luận về việc tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế khu vực tư nhân…

GS. Lâm Nghị Phu cho rằng, trong nền kinh tế đang phát triển, cần có những công nghệ mới và thực hiện đổi mới sáng tạo để giữ động lực cho sự phát triển cũng như tăng năng suất. Từ góc nhìn và kinh nghiệm cá nhân, Giáo sư chia sẻ, trong quá trình áp dụng công nghệ vào các ngành sản xuất, đối với những ngành chưa tự chủ về công nghệ thì cần thiết thực hiện việc nhập khẩu công nghệ từ các quốc gia phát triển.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam chia sẻ, trong số 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tương đương với doanh nghiệp lớn, chỉ 1,5%. Khoảng 97% còn lại có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Ông phân tích, quy mô doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, từ nội tại doanh nghiệp, cách thức quản trị của họ còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào lợi thế sẵn có từ trước như tài nguyên hay lao động giá rẻ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu hướng tới việc đảm bảo sinh kế, chưa có tham vọng lớn.

Chia sẻ về nội dung này, GS. Lâm Nghị Phu cho biết, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm và dành sự hỗ trợ lớn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp này tham gia vào các hoạt động trong nền kinh tế cùng với các hỗ trợ về vốn vay. Sự hỗ trợ của chính phủ luôn được đảm bảo ổn định và xuyên suốt.

TS. Vũ Hoàng Linh, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN thì bày tỏ, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ông cho rằng có thể áp dụng quy trình chuyển đổi kinh tế mà GS. Lâm Nghị Phu đề cập để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và tìm kiếm đầu tư từ nước ngoài.

Trước nội dung về vai trò của trường đại học trong phát triển kinh tế, GS. Lâm Nghị Phu chia sẻ, cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào lĩnh vực đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Qua hợp tác, cơ sở giáo dục sẽ điều chỉnh các chương trình học, các môn học cho sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đồng thời, ông cũng kiến nghị các giảng viên, người học tại các trường đại học cần chủ động triển khai các nghiên cứu về nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra những đề xuất thay đổi chương trình học một cách hợp lý.

Trong phần trao đổi, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải coi khu vực tư nhân là chìa khóa cho tăng trưởng, do đó cần đặt ưu tiên cho các chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian tới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam cần được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Khu vực này không chỉ đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động mà còn có tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nếu được tạo điều kiện phát triển đúng hướng. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Giám đốc ĐHQGHN GS. Lê Quân, GS. Lâm Nghị Phu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư IMG Lê Tự Minh và Trưởng Ban Khoa học và Đổi mới sáng tạo, ĐHQGHN GS. Trần Thị Thanh Tú (từ phải qua trái)

Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải tặng quà lưu niệm của ĐHQGHN cho GS. Lâm Nghị Phu

GS. Lâm Nghị Phu và Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn

GS. Lâm Nghị Phu là một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới. Với vai trò là nguyên Chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên toàn cầu. Các công trình nghiên cứu nổi bật “Kinh tế học cấu trúc mới: Một khuôn khổ để tư duy lại phát triển và chính sách (A framework for Rethinking Development and Policy)”, “Từ bầy ngỗng bay đến đàn rồng dẫn đầu (From Flying Geese to Leading Dragons)”, “Hành trình tìm kiếm thịnh vượng (the Quest for Prosperity)”, “Vượt lên nghịch cảnh (Beating the Odds)” và các định hướng chiến lược của ông trong quá trình công tác tại Ngân hàng Thế giới đã mở ra những chiến lược mới cho sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế ở các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác lợi thế đi sau và phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với lợi thế so sánh của mỗi quốc gia. Thực tiễn cho thấy, các nền kinh tế đi sau như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã thành công nhờ những chiến lược phát triển khác biệt, mang lại những bài học quý giá cho Việt Nam trong công cuộc vươn lên.

 

ĐHQGHN đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong tất cả các hoạt động liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hoạt động hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu bao trùm tất cả các đơn vị thành viên và trực thuộc của ĐHQGHN. Tính đến nay, ĐHQGHN thiết lập quan hệ đối tác với gần 30 trường ĐH hàng đầu của Trung Quốc như: Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Chính pháp Trung Quốc, Trường Sư phạm và Kỹ Thuật Quảng Tây; Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây; Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hoá Bắc Kinh; Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Bắc

Hiện nay, số lượng sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các đơn vị trong ĐHQGHN là gần 600 sinh viên, trong đó tập trung nhiều tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (gần 400 sinh viên), Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (100 sinh viên) và Trường ĐH Ngoại ngữ (gần 70 sinh viên). Hình thức học tập chính là đào tạo ngắn hạn (chiếm gần 50%), đào tạo chính quy, lấy bằng của ĐHQGHN là gần 100 sinh viên, phần còn lại là tham gia các chương trình giao lưu văn hóa và thực tập nghiên cứu sinh.

Các hoạt động hợp tác trao đổi giảng viên, cán bộ với các trường đại học Trung Quốc cũng được triển khai hiệu quả. Trong năm qua, có hơn 100 lượt cán bộ, giảng viên Trung Quốc đã tới ĐHQGHN tham gia hoạt động giảng dạy, và nâng cao năng lực chuyên môn, cũng như tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế và trao đổi học thuật.

Ngày 14/4/2025, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc sáng lập “Mạng lưới Đại học Việt Nam - Trung Quốc” và bản ghi nhớ thể hiện cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục kỹ thuật số, cùng giải quyết các cơ hội và thách thức do Trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục trực tuyến mang lại. Sau buổi hội đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào chiều 14/4, hai Tổng Bí thư đã chứng kiến trưng bày các văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có 02 văn kiện hợp tác của ĐHQGHN ký kết với ĐH Thanh Hoa.

Các tin liên quan:

- ĐHQGHN cùng ĐH Bắc Kinh đồng thuận tái khởi động Diễn đàn 4 đại học chủ chốt Đông Á BESETOHA

ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh trao đổi thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc

ĐHQGHN và ĐH Bắc Kinh hợp tác trong nhiều lĩnh vực khoa học mũi nhọn

Thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ĐHQGHN và các cơ sở giáo dục hàng đầu Trung Quốc

- ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa: Nâng tầm hợp tác khoa học và giáo dục hai quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)

ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa: Hợp tác để cùng thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực khoa học trí tuệ nhân tạo

Làm sâu sắc trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu giữa ĐHQGHN và ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)

 

 

 Sinh Vũ, Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ