TIN TỨC & SỰ KIỆN
Đổi mới giảng dạy là đổi mới chính mình
Giảng viên không chỉ là những nhà khoa học, nhà chuyên môn xuất sắc, mà còn là người nắm vững các phương pháp sư phạm, các thực hành giảng dạy, làm chủ được sự gắn kết với người học. Đây cũng là những suy nghĩ, chia sẻ của rất nhiều giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khi trao đổi với Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục trong những ngày đầy ý nghĩa của tháng 11 này.

Nói về vai trò của người giáo viên trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các giảng viên đều đã cho thấy một sự thay đổi rất lớn cả về quan điểm lẫn thực hành giáo dục. Bốn từ khóa được giảng viên ĐHQGHN sử dụng nhiều nhất khi nói về điều này là: Truyền cảm hứng; Đồng hành; Định hướng; Hỗ trợ sinh viên (xem Hình 1). Có thể nói, đây là cách nhìn nhận rất phù hợp với bối cảnh và cho thấy giảng viên ĐHQGHN đã và đang sẵn sàng cho những đổi mới, những sáng tạo không ngừng trong hoạt động đào tạo.

Các từ khóa giảng viên sử dụng để mô tả vai trò của mình hiện nay

Thầy Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, trong thư chúc mừng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 cũng khẳng định:

“Nhà giáo của ĐHQGHN là nhà giáo của môi trường đào tạo tài năng, nhà giáo của một trường học đẳng cấp quốc tế, một môi trường học thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo và hướng tới sự phát triển không ngừng nghỉ. Trong cái khó chung của nghề, các nhà giáo của ĐHQGHN còn có những thách thức và yêu cầu gắt gao hơn hẳn. Theo đó, ĐHQGHN không chấp nhận những người trung trung bình bình, hay tàm tạm để làm công việc cốt cho xong, không có chỗ cho sự bảo thủ, cho sự lãnh cảm, cho sự vô trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhà giáo là một nghề, một cái nghiệp và nghiệp làm nhà giáo ở ĐHQGHN đáng là một nghiệp lớn để từng người, từng người dấn thân, phấn đấu.”

Khi chia sẻ về những chủ trương, định hướng của ĐHQGHN đối với hoạt động đổi mới giảng dạy đang được lan tỏa rộng khắp tại ĐHQGHN, tất cả các giảng viên đều khẳng định đây là một chính sách đúng đắn, hợp thời, và vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo TS. Dư Đức Thắng (Khoa Các khoa học liên ngành), chủ trương đổi mới hoạt động dạy học của ĐHQGHN là rất thức thời, phù hợp với hiện tại và nó là động lực để các thầy cô giáo tự đổi mới bản thân mình. Còn theo TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng (Trường Đại học Ngoại Ngữ) thì chủ trương đổi mới sáng tạo trong giảng dạy của ĐHQGHN hiện nay rất hợp thời và đúng lúc. Những năm vừa qua để chuẩn bị ươm mầm thì cho đến hiện tại là thời điểm mà các trường thành viên, các dự án đổi mới sáng tạo bắt đầu đơm hoa kết trái. PGS. Nguyễn Thúy Nga (Trường Đại học Giáo dục) khẳng định chủ trương đổi mới hoạt động dạy học tại ĐHQGHN là cần thiết để thúc đẩy cá thể hóa hoạt động học tập của người học.

Với cách nhìn nhận về vai trò của mình như vậy, cùng với sự ủng hộ thống nhất của các cấp lãnh đạo trong toàn ĐHQGHN, các đơn vị cũng như giáo viên, giảng viên ĐHQGHN đã tích cực triển khai các hoạt động đổi mới. Nói về những hoạt động thúc đẩy đổi mới giảng dạy của đơn vị mình trong thời gian qua, TS. Đào Minh Quân (Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn),  cho biết: “Thứ nhất, năm 2019 chúng tôi đã triển khai, chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các môn học mới, mở rộng các ngành đào tạo mới và chú trọng đến việc tăng cường tính liên thông, liên ngành giữa các ngành đào tạo và giữa các bậc đào tạo. Thứ hai, chúng tôi tập trung vào việc đầu tư hạ tầng công nghệ cũng như phát triển phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, chú trọng vào việc đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cho giảng viên. Và trong thời gian Covid vừa qua việc ứng dụng này đã phát huy được tính hiệu quả trong công tác đào tạo của nhà trường, hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo của nhà trường. Bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ, tư vấn cũng như kết nối cộng đồng giảng viên đặc biệt là các cán bộ giảng viên trẻ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo nhất là những môn học có tính sáng tạo như khởi nghiệp, tư duy thiết kế ý tưởng”.

Từ góc độ của mình, các giảng viên cho rằng để hỗ trợ sinh viên, tạo sự hứng thú cho sinh viên trong quá trình học tập, sự thấu cảm sinh viên, sẵn sàng hiểu sinh viên nhiều hơn là chìa khóa để tạo sự gắn kết giữa thầy và trò, giúp sinh viên tự tin hơn, mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của bản thân trong quá trình học tập. Hình ảnh dưới đây là chùm từ khóa thể hiện những việc mà giảng viên ĐHQGHN đã làm trong hành trình đổi mới của mình.

Các hoạt động đổi mới được giáo viên, giảng viên ĐHQGHN thực hiện

Hầu hết các giảng viên đều cho rằng việc tổ chức các hoạt động dạy học theo phương pháp học tập kết hợp (blended learning), lấy người học làm trung tâm, thực hiện chủ trương cá thể hóa trong học tập sẽ giúp cho sinh viên chủ động trong việc học của mình, từ đó giúp sinh viên được học theo năng lực của bản thân, có được sự chủ động trong việc sắp xếp thời gian. Dưới đây là 1 số chia sẻ của các thầy cô giáo về những việc mình đã làm trong thời gian qua:

“Có 3 việc làm rất cụ thể hiện nay tôi đang làm để đổi mới hoạt động dạy học: Thứ nhất đó là thấu cảm sinh viên để sẵn sàng hiểu sinh viên nhiều hơn. Thứ hai, sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm của mình cho sinh viên. Thứ ba luôn luôn hỏi sinh viên những gì mà sinh viên cảm thấy chưa được để ngày một làm cho bài học của mình được tốt hơn” (TS. Nguyễn Thị Thư - Giảng viên Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao).

“Ngoài việc chuẩn bị hoạt động giảng dạy cho bộ môn khởi nghiệp mới được đưa vào chương trình thì đối với những môn học hiện tại đang giảng dạy, tôi cũng đã có những lồng ghép để tiếp cận sinh viên theo cách hiện đại hơn, dễ tiếp xúc với sinh viên hơn cũng như là khơi gợi tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra cũng giúp cho các em sinh viên định hình, có cái nhìn cụ thể hơn về công việc sau này các em đi làm, thực tế hơn để các em có thể áp dụng được những kiến thức đã học trong nhà trường vào công việc của mình” (TS Trần Thị Huyền Nga, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên).

“Chúng mình đã làm rất nhiều việc như các chương trình khởi động kết hợp với ôn tập bài đầu giờ, sinh viên rất thích thú và hào hứng khi được chơi qua game. Các bạn sinh viên được đóng kịch, phổ nhạc cho phim, cho bài hát và đưa các vấn đề của bài học vào trong những nội dung đó nên các bạn tiếp thu bài học rất nhanh.” (TS. Trịnh Phan Lan, Trường Đại học Kinh tế)

Trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giảng dạy của ĐHQGHN và đồng hành cùng giảng viên ĐHQGHN, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy (thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN) đã nhận được những phản hồi, góp ý cũng như động viên đến từ các giảng viên. Qua phản hồi của các thầy cô, những hỗ trợ của ĐHQGHN nói chung và Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thể hiện nổi bật ở 3 khía cạnh: Hữu ích; Chuyên nghiệp; Sáng tạo (xem Hình 3). Giáo viên và giảng viên ĐHQGHN cũng ghi nhận thông qua những hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, cộng đồng giáo viên ĐHQGHN đã hình thành được mạng lưới đổi mới giảng dạy rộng khắp.

Đánh giá của giảng viên về hoạt động hỗ trợ đổi mới giảng dạy tại ĐHQGHN

Theo các thầy cô giáo, các chương trình của ĐHQGHN và Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy đã hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực và cần thiết, phù hợp với những gì giảng viên đang cần. Đặc biệt trong đợt dịch Covid vừa qua thì vai trò đó đã được phát huy rất tốt. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo ra một cộng đồng đổi mới giảng dạy trong toàn ĐHQGHN, chia sẻ kinh nghiệm cũng như phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Đánh giá về những hoạt động hỗ trợ đổi mới giảng dạy vừa qua, TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng chia sẻ: “Những hoạt động của ĐHQGHN và Trung tâm CTE hỗ trợ cho các trường thành viên thực sự rất hiệu quả đặc biệt trong đợt dịch Covid vừa rồi. Các hỗ trợ, những chương trình tập huấn đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đánh giá rất hữu ích”. Cùng chung quan điểm này, TS. Trịnh Phan Lan cho rằng “qua các chương trình của ĐHQGHN và của Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy, những giảng viên tại trường chúng tôi đã kết nối, lan tỏa những yêu thương, lan tỏa những đổi mới sáng tạo cho nhau và thậm chí đôi lúc hơi áp lực vì thấy đồng nghiệp của mình giỏi quá. Nhưng đó lại chính là động lực để chúng tôi tiếp tục vươn lên”. TS. Dư Đức Thắng đánh giá đây là những hoạt động thực sự bổ ích và rất hữu ích cho các giảng viên để tự thay đổi bản thân mình, đóng góp vào sự phát triển của ĐHQGHN nói chung và của từng đơn vị nói riêng. TS. Nguyễn Thị Thư nhận thấy “ĐHQGHN và Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy đã tạo ra một cộng đồng giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm cũng như phương pháp đổi mới. Và hiện nay cộng đồng này đang lan tỏa rất mạnh mẽ”.

Có thể nói, chủ trương đổi mới giảng dạy của ĐHQGHN đang nhận được sự cộng hưởng mạnh mẽ từ cộng đồng giảng viên. Chất lượng cốt lõi của trường đại học nằm ở chất lượng dạy và học. Thầy cô dạy tốt, học trò học tốt, thầy cô giỏi về chuyên môn, vững về phương pháp sư phạm, học trò học tập chủ động, không ngừng trưởng thành lên sau mỗi bài học, đó chính là thứ chất lượng bền vững nhất, đặc trưng nhất của một trường đại học.

Nhân ngày 20 – 11, Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy (Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục) xin kính chúc các quý thầy cô sức khỏe. Chúc các thầy cô luôn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc trồng người của mình để góp phần xây dựng được những thế hệ học trò giỏi, có tâm, có tầm, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Xin được mượn lời của TS. Tôn Quang Cường (Trường Đại học Giáo dục) để gửi lời chúc mừng và nhắn nhủ tới các thầy cô:

“Tâm an, trí tiệp, sức cường

Mở mang, dẫn lối khiêm nhường ta đi”

 

 

 Phùng Thanh Ngân
   In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
   Xem tin bài theo thời gian :

HÌNH ẢNH

TRÊN WEBSITE KHÁC
THĂM DÒ DƯ LUẬN
Bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
  • Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
  • Trường ĐH Khoa học Xã hội
  • Trường ĐH Ngoại ngữ
  • Trường ĐH Công nghệ
  • Trường ĐH Kinh tế
  • Trường ĐH Giáo dục
  • Trường ĐH Việt Nhật
  • Trường ĐH Y Dược
  • Trường ĐH Luật
  • Trường Quản trị và Kinh doanh
  • Trường Quốc tế
  • Khoa Các Khoa học liên ngành
  • Viện Quốc tế Pháp ngữ