Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
Lê Hồng Sâm, một cách cư trú giữa chợ người
Đến nhà chị Sâm phải trải qua một phố chợ trời. Người bán, người mua, người khảo giá, người chơi chợ, kể cả người đi xem người sơ hở để móc túi.

Nhưng một khi lội qua cái biển âm thanh ồn ã ấy vào đến nhà, tôi như rơi tõm vào rốn bể. Một sự yên tĩnh lạ kỳ. Thứ yên tĩnh toát ra từ sự sạch sẽ của căn phòng, sự ngăn nắp của đồ đạc, sự tao nhã của bài trí, nhất là sự lịch sự của chủ nhân. Thú thật, vốn người mộc mạc, thậm chí quê mùa, lần đầu tiên tôi hơi e ngại thái độ lịch sự ấy. Tôi thuở nhỏ sống ở quê, lớn lên ở lính, những nơi người ta quen gọi là lịch sự đồng nghĩa với xã giao, còn xã giao thì đồng nghĩa với giả tạo. Nhưng rồi được gần gũi với tâm hồn của chị, tôi dần dần thoát khỏi nỗi ám ảnh của những xã hội phi giao tiếp ấy để hiểu rằng thái độ lịch sự kia một phần là bản tính tự nhiên của chị, phần khác là một cách ứng xử với đời.

Lần đầu tiên nghe đến tên chị khi tôi trở thành “đầu xứ Thuý” (một lối đùa bạn bè), tức đỗ đầu tỉnh Sơn Kỳ thi học sinh giỏi Văn lớp bảy. Thầy Đỗ Tiến Hiền kể, chị là con cụ án Đồi (tức làng Việt Yên, Quốc Oai, Sơn Tây), cô trẻ của nhạc sĩ Lê Yên, Lê Lôi. Ngày xưa chị học cùng với thầy trường huyện, chị rất giỏi Pháp văn và Văn học Pháp, sau chị ra Hà Nội học trường nữ sinh Đồng Khánh, yêu một văn sĩ và theo anh đi kháng chiến. Hoà bình, chị trở lại dạy ở chính ngôi trường mà xưa chị đã ra đi. Nhưng rồi sự khát khao học vấn khiến chị lại tiếp tục đi học đại học. Tốt nghiệp xuất sắc, chị được trường Tổng hợp giữ lại dạy Văn học Pháp.

Thầy Hiền cũng đi kháng chiến, cũng học hết tú tài, cũng say mê Văn học Pháp, nhưng vì gia đình địa chủ (dù là địa chủ kháng chiến) nên chỉ có thể làm một anh giáo làng. Ngoài giờ lên lớp, thầy hay ngồi uống rượu, uống thật say, rồi mang thơ Baudelaire, thơ Đỗ Phủ ra dịch cho tôi chép. Kể chuyện chị, hẳn thầy muốn tôi, cũng “hoàn cảnh” như thầy, đi được xa hơn thầy. Với tôi, một đứa trẻ quê dạo ấy, chưa một lần đặt chân lên vỉa hè Hà Nội, câu chuyện chỉ như một giấc mơ xa xôi.

Năm năm học thì phần lớn ở nơi sơ tán. Rồi đi lính mười năm. Câu chuyện thầy Hiền kể ngày xưa hầu như quên hẳn. Chỉ khi giải nghệ lính về làm biên tập ở Nhà xuất bản Ngoại văn, thường phải tiếp xúc với Pháp ngữ, tôi mới lại nghe nhắc đến tên chị. Kí ức sống dậy. Rồi một hôm đi nghe chuyên gia Pháp nói về văn học và người dịch là Lê Hồng Sâm, tôi mới thấy chị. Một phụ nữ cao gầy, khuôn mặt nghiêm nghị, dáng điệu đĩnh đạc, lịch lãm. Đặc biệt, nói tiếng Pháp rất giỏi. Trên đường về, Phương Quỳnh, người đàn bà “Biết Tuốt” ấy, rót vào tai tôi nhiều chuyện về chị.

Thoạt đầu, lời Quỳnh, chị ở tổ Lí luận văn học của anh Lê Đình Kị. Nhưng rồi có người muốn cô lập anh, nên tính chuyện chuyển chị sang tổ Văn học Việt Nam hiện đại. Chị từ chối, một phần vì bấy giờ mới sinh Hồng Mai, bận việc nhà, nhưng chủ yếu có lẽ ngại va chạm, ngại phải tiếp xúc với văn giới, những người mà chị quá biết trong chín năm và trong cải cách ruộng đất, những người mà văn kì danh, độc kì thư thì thú, nhưng kiến kì hình thì chẳng thú vị gì. May thay, Văn học Pháp bấy giờ đang cần người dạy thay ngay để trám chỗ một đồng chí về hưu, còn chị thì cần một nơi yên tĩnh. Chả là ở thời kì chiến tranh lạnh, tổ Văn học phương Tây bị lép vế, nên chẳng ai rỗi hơi mà ganh với người ngồi bệt. Nhưng chuyện đời, hoá ra, lại không giản đơn như vậy. “Cuộc đấu tranh tư tưởng” một khi đã nổ ra thì không có đâu là nơi trú ẩn.

Khi cán cân thăng bằng nhảy về phía Trung Quốc, thì những người thân Tàu muốn lôi kéo chị chống “xét lại”. Đến khi thời cuộc trở ngược thế cờ, thì những người thân Nga lại muốn lôi kéo chị chống “bành trướng”. Chị đã từ chối cả hai, bởi lẽ chị không phải là người ba phải “tháng tám cũng ừ, tháng tư cũng gật”. Cùng còn bởi lẽ chị thấy đằng sau cuộc cờ ấy có lẩn khuất những ân oán cá nhân. Vì thế, một khi cuộc quyết đấu trở nên bất phân thắng bại, họ dễ dàng thoả hiệp với nhau, và, những người như họ, không thể hình dung được cuộc sống mà lại không có địch thủ, dù là một địch thủ tưởng tượng. Thế là vẻ ngoài cuộc kia lập tức bị kéo vào trong cuộc và trở thành địch thủ của cả hai phe. Dễ hiểu vì sao trong các cuộc bầu bán học hàm (phó giáo sư, giáo sư), học hiệu (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú), tên chị đều được “nhất trí” không có trong bảng danh hiệp thương.

Mãi đến đầu những năm 90, sau khi đã quen thân với anh Hiểu, tôi mới tình cờ gặp chị ở nhà anh. Tôi khoe cùng quê với chị và là học sinh của thầy giáo Hiển. Tôi tặng chị cuốn “Con mắt thơ” thay lời tiến dẫn. Tôi bảo tôi muốn làm quen với chị đã lâu nhưng cứ ngại chuyện bắt quàng. Sau đó, khi đã quen thân với chị rồi, tôi mới hiểu thái độ lịch sự cách vời kia của chị chỉ là một cách tự vệ. Nó tạo ra một lớp màng ngăn những bặm bụi của đời sống, một dãn cách cần thiết với những tục khách.

Đời chị nhiều thiệt thòi. Anh Hưng, mối tình đầu tiên và duy nhất của chị, mất sớm. Còn chị, cả đời nghiên cứu, tổ chức, giảng dạy, dịch thuật thì đến khi về hưu vẫn “ba không” (không học vị, không học hàm, không học hiệu). Vậy mà chị vẫn cân bằng, vui vẻ và tiếp tục làm được nhiều việc. Phải chăng, bằng thái độ lịch sự kia, chị đã giữ cho mình một thế giới riêng. Một chiếc tháp ngà rất dễ trở thành tháp Babel trong thời buổi cộng đồng hoá này. Thế giới riêng ấy của chị được xây dựng trên lưng ba con rùa khổng lồ là gia đinh, bè bạn và công việc. Mà loài rùa tuy mang tiếng chậm chạp, nhưng vẫn rất hiếu động, nên làm sao giữ cho thế giới ấy được thăng bằng thì quả không dễ. Đó cũng là một thứ tài của chị. ở đây, trong cái tam diện nhất thủ ấy, tôi chỉ xin nói về một: mặt công việc. Có thể, đây chưa phải là mặt chính của con người chị, nhưng là mặt quay về phía tôi, người phê bình văn học.

Dạy Văn học Pháp, chị viết cuốn giáo trình “Văn học lãng mạn và hiện thực phương Tây thế kỷ XIX” (chị Đặng Thị Hạnh viết phần lãng mạn, Đại học, 1981). Rồi chị đồng tổng chủ biên với anh Đỗ Đức Hiểu bộ “Lịch sử Văn học Pháp” gồm 5 tập (Thế giới, 1990 - 1992), chủ biên tập “Văn học Pháp thế kỷ XIX”... Từ giảng dạy, nghiên cứu, chị đến với dịch thuật thật tự nhiên, như là một sự nối dài công việc của mình. Thấy sinh viên phần lớn phải học chay, chỉ được “nghe nói” về tác phẩm, chị bắt tay vào dịch một số nhà văn hiện thực chủ nghĩa Pháp như Stenldhal, Maupassant, Balzac, Flaubert. Những truyện chị dịch thoạt đầu chỉ in rônêô phát cho sinh viên tham khảo, mãi về sau mới được in cho công chúng rộng rãi (Đại học, 1987).

Bước sang thế kỷ XX, từ chủ nghĩa hiện thực bước vào thế giới hiện đại, chị đặc biệt yêu thích các nhà văn nữ với những cách tân của họ, trong đó có hai bông cúc (Margarite) Duras và Yourcenar khác hẳn nhau cả hình sắc lẫn hương vị. Một người đi đến tận cùng của quá khứ với nền văn hoá Hy Lạp rực rỡ, người kia đi đến tận cùng hiện đại trong sự sâu thẳm của lòng mình. Nhưng bên dưới sự khác nhau ấy, dịch giả còn tìm thấy một sự đồng cảm phụ nữ sâu xa, không phân biệt Nho giáo hay Kitô giáo, Đông hay Tây. Nhưng dẫu sao, qua sự đi giới thiệu “Người tình” và dịch “Đập ngăn Thái Bình Dương” (Văn học, 1997), “Nhịp điệu ôn hoà trầm bổng” (Phụ nữ, 1998)..., tôi vẫn thấy chị yêu Duras hơn. Phải chăng Duras, nhà văn từng sống từ ấu thơ đến hoa niên ở Đông Dương lại viết về Đông Dương, chị muốn được nhìn mình từ con mắt của người khác?

Cuộc đời dịch thuật của chị cũng lắm cạnh khía. Ngoài những tác phẩm dịch để giảng dạy, dịch vì sự đồng cảm của phụ nữ, dịch như là sự “đền ơn đáp nghĩa” một chuyến đi dự Hội thảo quốc tế (như “Mouchette”, “Nhật kí cha xứ vùng quê”, Hội nhà văn, 1999, của nhà văn công giáo nổi tiếng Bernanos), chị còn dịch như là một thách đố hoặc một giải toả. Đó là trường hợp với các tác phẩm “Những người con gái dòng Chúa chịu nạn” (Văn học, 1995) và “Cây Noel” (Khoa học xã hội, 1990).

Vào đầu những năm 90, khi thị trường sách dịch trở nên sôi động, trong đó món đầu vị là tiểu thuyết Mỹ, thì Nhà xuất bản Văn học với sự tài trợ của Sứ quán Pháp cố tìm cách giới thiệu những tiểu thuyết được giải của Pháp. Tiểu thuyết Pháp hiện đại vốn đã khó đọc nên dịch lại càng khó. Riêng “Những người con gái dòng Chúa chịu nạn” (Goncourt, 1991) thì đặc biệt khó.

Cách viết đã khó theo dõi lại rất nhiều thuật ngữ tôn giáo, huyền thoại, phân tâm học, tiếng lóng của xã hội dưới đáy. Thấy không ai nhận dịch, chị Sâm đã nhận. Nhận như một thách đố. Vì tác phẩm khó dịch một phần, vì không ai nhận phần khác, nhưng có lẽ chủ yếu vì muốn thử mình ở một cuốn tiểu thuyết có tính chất rất khác mình. Con người, tôi nghĩ, là một thực thể hữu hạn nhưng lại luôn khát vọng trở thành vô hạn trong thời gian và toàn hiện trong không gian. Sống ở đây và bây giờ nhưng luôn muốn ở kia và trước đây, sau này. Văn học phiêu lưu, huyễn tưởng, chưởng, kinh dị, trinh thám... ra đời để đáp ứng nhu cầu đó của con người. Và hình như cuộc đời càng mực thước bao nhiêu thì nhu cầu ấy càng lớn bấy nhiêu. “Nhưng người con gái dòng Chúa chịu nạn” nằm ngoài sự mực thước, một thế giới, có đủ cả ma cô, đĩ điếm, sát nhân, nghệ sĩ, quý tộc...

“Cây Noel” không phải là một tiểu thuyết lớn, tuy được giải Ngòi bút vàng và M.Bataille, tác giả của nó, cũng không phải là một nhà văn nổi tiếng. Nhưng đây là cuốn sách nói về nỗi đau, đúng hơn “kinh nghiệm về nỗi đau”, của căn bệnh thế kỷ, bệnh máu trắng. Nếu “Câu chuyện tình yêu” của Mỹ về ngưới đàn bà mắc bệnh, thì “Cây Nobel” của Pháp về chú bé mắc bệnh. Chứng kiến cái chết hữu hình đang từng phút đến với mình, hoặc với người thân của mình và chấp nhận nó quả là vượt quá sức chịu đựng của một con người. Sau khi biết anh Hưng mắc bệnh, chị đã giấu anh và âm thầm dịch “Cây Noel”.

Quá trình dịch đã vực chị dậy: nỗi u tối đã được lọc trong. Đồng bệnh tương lân. Rồi đây các nhân vật chữ của “Cây Noel”, như ông già tuyết sẽ bay đi, bay đi chia sẻ kinh nghiệm nỗi đau với bao người Việt Nam đồng bệnh.

Tuy nhiên, đóng góp lớn của chị cho văn học dịch Việt Nam vẫn là việc tổ chức dịch và giới thiệu bộ “Tấn trò đời” của Balzac. Dường như ở đây, người cán bộ phụ nữ có tài tổ chức, có tài thu phục lòng người, “người con gái với chiếc đòn gánh trên vai” (lời Madelaine Rifaud gọi chị) trong kháng chiến chống Pháp thuở nào đã sống dậy trong người nữ dịch giả này. Để thực hiện giấc mơ xưa, khi đêm đêm ở Thái Nguyên nơi sơ tán chị ngồi đọc bộ “Tấn trò đời”, khi cùng anh Lý Hải Châu - Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, tìm cách dịch có hệ thống một số tác phẩm của Balzac, nay nhân dịp toàn thế giới kỷ niệm 200 năm Balzac, chị quan hệ với Sứ quán Pháp, với các nhà Balzac học, với các bạn bè và đồng nghiệp bên Pháp... huy động kinh phí tài trợ, lựa chọn người dịch, người tóm tắt tác phẩm, người làm thư mục..., để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam một cách đầy đủ hơn sáng tác của Balzac.

Bộ “Tấn trò đời” tiếng Việt gồm 16 tập, khoảng 9000 trang do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành từ năm 1999 đến 2001, tập hợp trên 30 dịch giả, nhà nghiên cứu và giảng dạy Văn học Pháp. Một số tác phẩm trước đó đã được các dịch giả nổi tiếng Đỗ Đức Dục, Vũ Đình Liên... dịch như “Miếng da lừa”, “Vỡ mộng”, “Lão Gôriô”... thì này được rà soát lại và cho “tái xuất giang hồ”. Một số tác phẩm dịch mới như “Bí mật của nữ vương tước De Cadignan”, “Facino Cane”, “Sarrasine”, “Cửa hiệu Mèo - chơi - bóng”, “Phòng cổ vật”, “Đại tá Chabert”... Số còn lại thì viết giới thiệu, tóm tắt nội dung và dịch trích đoạn. Trong đó có những cuốn in song ngữ. Toàn bộ dịch phẩm đều được in trang trọng, cùng một khuôn khổ, cùng một mẫu bìa với chân dung Balzac nổi bật trên nền đen.

Tổng chỉ huy một công trình đồ sộ như vậy, đòi hỏi người lĩnh xướng phải làm việc hết mình với một thái độ nghiêm túc. Chị phải đọc, góp ý lần cuối cùng để sửa chữa tất cả các bản dịch. Đây là công việc hết sức vất vả.

Việc không tên và không công. Nếu không “bắt bẻ” chính xác, nói có sách mách có chứng, thì đố ai chịu nghe. Cũng đã từng dịch, tôi biết, một dịch giả cần giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt và phải có trình độ văn hoá chung sâu rộng. Nhưng để trở thành một người dịch sáng tạo thì chừng ấy chưa đủ, phải có cảm xúc nữa. Có cảm xúc thì mới dễ hoá thân vào văn bản của tác giả để sáng tạo ra một văn bản mới có giá trị tương đương của mình. Người dịch, có lẽ cũng có thân phận lưỡng thê như nhà phê bình: vừa phải trung thành với nguyên bản vừa phải sáng tạo. Sáng tạo để trung thành. Một tác phẩm có thể có nhiều bản dịch, nhưng một bản dịch hay bao giờ cũng ít nhiều lưu dấu ấn của dịch giả.

Có lẽ trong phong trào dịch ẩu hiện nay, đây là một công trình dịch thuật nghiêm túc. Từ chỗ nhận dịch để kiếm tiền, coi dịch là một thứ lao động khổ sai, hoặc một nghề tài tử, nhiều cộng tác viên của chị đã tìm thấy niềm vui trong công việc (cái thú của việc đọc sâu một tác phẩm, tìm được một chữa, một câu tâm đắc...). Có người thì “vỡ mộng” với trình độ tiếng Pháp của mình, có người thì thấy rõ được “vinh và nhục” của... nghề dịch, nhưng ai cũng ít nhiều thay đổi quan điểm về dịch. Hậu Balzac, họ sẽ đến với những tác giả khác với một thái độ nghiêm túc hơn đồng thời cũng bớt long trọng viên hơn. Bởi lẽ, xét cho cùng, ai cũng chỉ sắm một vai nào đó, ở một nơi nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó trong “Tấn trò đời” của mình,

Lần đầu tiên một nhà văn nước ngoài được giới thiệu một cách tương đối đầy đủ như vậy ở Việt Nam. Điều này, có thể, làm thay đổi “cái nhìn về Balzac”. Sau một thời gian được tán dương một chiều theo những công thức “người thư ký thời đại”, “người thầy của chủ nghĩa hiện thực”... hình ảnh Balzac thời hậu bao cấp ít nhiều bị xuống giá. Giờ đây độc giả được đọc Balzac một cách đầy đủ hơn, nên có thể hình dung được tầm vóc Napoléon của nhà văn này. ở vào một thời đại không có cơ hội để chinh phục thế giới như Napoléon, Balzac đã thực hiện hoài bão của mình bằng cách xây dựng một thế giới khác, thế giới tưởng tượng, cũng to lớn, đầy đủ cả hỉ nộ ái ố, như cái thế giới hiện thực của Napoléon. Xem “Tấn trò đời”, nhất là qua lời giáo đầu (Lời tựa) trước khi mở màn của người chủ trò, người ta thấy quan niệm của Balzac về tiểu thuyết, cũng như về chủ nghĩa hiện thực, hình như không giống như quan niệm của chúng ta lâu nay vô tình hay cố ý cứ gán cho ông. Hơn nữa, dù xã hội Pháp là xã hội phương Tây, xã hội Việt Nam là xã hội phương Đông, thế kỷ XIX ở Pháp khác thế kỷ XX ở Việt Nam, nhưng hành trình đi tới tương lai của nhân loại là một. Bởi thế, những điều Balzac nói trong tiểu thuyết của ông không xa lạ gì với những suy nghĩ của người Việt Nam hôm nay, nhất là khi đất nước mở cửa, kinh tế thị trường phát triển. Balzac dường như còn tiếp tục suy tư cùng chúng ta. Điều này càng khẳng định ý tưởng của nhà văn: cái thật của cuộc đời, nó trường cửu hơn, đích thực hơn.

Trước đây, người ta cứ nghĩ rằng nghiên cứu văn học nước ngoài chỉ có tính chất truyền bá khó mà có đóng góp gì. Trường hợp chị Sâm có thể làm cho nhiều người nghĩ lại. Đóng góp cho độc giả Việt Nam thì rõ rồi. Còn đóng góp cho cả độc giả Pháp nữa, dù ở Pháp không thiếu các nhà Balzac học nổi tiếng. Ai cũng cần một cái nhìn của người khác về mình, bởi trong con mắt của kẻ khác thì ta bỗng trở nên mới mẻ. Nhưng những bài viết, bài tham luận của chị Sâm với các học giả Văn học Pháp không chỉ có khía cạnh “exotique” đó mà còn có những khám phá thực sự. Bởi chị không chỉ là người thưởng ngoại tác phẩm, người chuyển ngữ thuần tuý, mà trước hết và chủ yếu là một người nghiên cứu văn học. Điều này giải thích những thành công của chị ở Hội thảo quốc tế về Bernanos tổ chức năm 1992 ở Tây Ban Nha với tham luận “Một cách đọc Việt Nam về Bernanos” và các bài phát biểu ở Hội thảo quốc tế CERISY - LA SALLE vào tháng 6/2000 kỷ niệm 200 năm sinh và 150 năm mất của Balzac, mà chị là một thành viên tổ chức. Sự thành công trên của chị Sâm, theo tôi, có thể lấy lời giáo sư Nicole Mozet chuyên gia hàng đầu của Pháp và thế giới Balzac, là do “sự gặp gỡ kỳ diệu thông qua Balzac” và Văn học Pháp, sự gặp gỡ của Việt Nam và Pháp, của phương Đông và phương Tây và sau rốt của con người với con người.

Thấy một số người mê văn học phương Tây bạn chị sau khi đã chu du năm châu bốn biển đều về đỗ bến Văn học Việt Nam, tôi cũng khuyên chị hãy thử neo thuyền. Sau nhiều lần do dự chị bảo, thôi chị cứ làm Văn học Pháp, cứ nghiên cứu, cứ viết bài giới thiệu, cứ dịch. Chị muốn làm những việc không ai muốn làm, chứ không muốn làm những việc ai cũng muốn làm. Nhặt những gì người khác bỏ, bỏ những gì người khác nhặt. Phê bình Văn học Việt Nam thì chị sao bằng được những bạn bè Văn học Pháp của chị như anh Hiểu, chị Đào, chị Hạnh... Tuy nhiên, chị cũng sẽ viết, nhưng là viết về một nữ nhà văn Pháp mà chị yêu mến, viết về những suy tư văn học của chị...

Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, sống từ nhỏ một tiểu khí hậu lễ giáo, rồi đến với văn hoá phương Tây, chị Sâm đã kết hợp được ở bản thân mình sự nề nếp, chừng mực trong cư xử với sự phóng khoáng trong suy nghĩ, tính cổ điển và tính lãng mạn, thực tế và bay bổng, lao động và hưởng thụ... Điều này chẳng những hình thành một bản lĩnh sâu sắc, toàn vẹn, mà còn tạo ra một lối sống uyển chuyển, hài hoà, vừa thích ứng với cuộc sống thế tục, vừa có một khoảng cách với nó. Một cách cư trú giữa chợ trời. Và chợ đời.

 Bản tin ĐHQGHN số số 137, ra tháng 7/2002
(Theo cuốn: "Chân trời có người bay” của Đỗ Lai Thuý) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   |