Tin tức & Sự kiện
Trang chủ   >   >    >  
ASEAN trong chiến lược đối ngoại của Australia: Lịch sử và hiện tại
Hoạt động đối ngoại của Australia đối với khu vực ASEAN có nhiều thuận lợi hơn so với các cường quốc như Mỹ hay Nhật Bản. Là một nước tư bản phát triển, nhưng do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, trong quan hệ với các nước Đông Nam Á, Australia không hoàn toàn chỉ nhằm mục đích khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, và do đó các nước Đông Nam Á không bị cảm giác “bị trở thành một khu vực cung cấp nguyên vật liệu” cho nền kinh tế của Australia. Hơn nữa, trong lịch sử Australia không phải là một cường quốc thực dân, cũng không có những mâu thuẫn nào nghiêm trọng với Đông Nam Á.

Chính vì vậy, Australia có điều kiện dễ dàng hơn trong việc tạo niềm tin và thiết lập quan hệ bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Nam Á.

1. Tầm quan trọng của khu vực ASEAN trong chiến lược đối ngoại của Australia

Do sự gần gũi về mặt địa lý, Đông Nam Á là khu vực có “những lợi ích an ninh chiến lược trực tiếp và căn bản” của Australia. Do đó các chính phủ Australia luôn có sự quan tâm, đặc biệt là đối với vấn đề an ninh và ổn định của khu vực. Những quan ngại về tình hình an ninh chính trị ở Đông Nam Á giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Australia từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đên nay. Sách trắng (White Paper) của Bộ Quốc phóng Australia năm 1987 coi Đông Nam Á là “một trong những khu vực quan tâm chiến lược hàng đầu”. Đó cũng là điều mà câc quan chức Australia nhiều lần đề cập trong ccác phát biểu chính thức. Ví dụ, Gareth Evans, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Australia tập trung bàn đến trong bài phát biểu tại Thượng viện Australia năm 1989 (1).

Sự quan tâm của Australia dành cho khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là cho các nước ASEAN có thể giải thích bởi nhiều lý do. Thứ nhất là lý do an ninh . Là một quốc gia nằm chơ vơ trên biển, Australia luôn có cảm giác “thiếu khả năng phòng vệ”, do đó luôn muốn kiến tạo một môi trường an ninh ổn định tại khu vực. Mối quan tâm của Australia là các nước trong khu vực có thái độ thân thiện, hay ít ra là trung lập trong quan hệ với Australia. Chính vì vậy, Đông Nam Á có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Canberra. Thứ hai là lý do kinh tế. Sự phát triển kinh tế năng động của các quốc gia thành viên ASEAN từ giữa thập niên 1970 đến nay cùng với những chuyển biến chính trị tích cực đã làm thay đối căn bản diện mạo khu vực ASEAN và tạo nên những cơ hội to lớn cho sự phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại với khu vực. Thứ ba, trong xu thế khu vực hoá gia tăng trong đời sống quốc tế , việc Australia tăng cường liên kết với khu vực ASEAN là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung. Hơn nữa, thông qua ASEAN, Australia có thể phát triển ảnh hưởng của mình ở châu Á như một quốc gia tầm trung.

2. Chính sách của Australia đối với ASEAN qua các giai đoạn

Chính sách của Australia đối với ASEAN từ khi tổ chức này ra đời (năm 1967) đến nay thay đổi qua từng giai đoạn dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau.

Giai đoạn từ 1967 đến 1974: Trước khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ra đời năm 1967, Australia đã có những mối quan hệ cả song phương, cả đa phương với với các nước thành viên ASEAN. Các mối quan hệ chính trị ngoại giao song phương đã được thiết lập; quan hệ đa phương được thực hiện theo nhiều con đường khác nhau như trong khuôn khổ Kế hoạch Colombo, trong khuôn khổ tổ chức SEATO, ASPAC và Hiệp định phòng thủ 5 quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian này quan hệ chủ yếu tập trung cho các vấn đề an ninh chính trị, quan hệ kinh tế hầu như chưa được coi trọng. Những vấn đề an ninh mà Australia quan tâm là cuộc đối đầu giữa IndonesiaMalaysia, cuộc chiến tại Việt Nam. Trong thời gian này, Australia coi các nước ASEAN như một khu vực đệm có khả năng ngăn ngừa những nguy cơ bất ổn đối với nền an ninh quốc gia Australia.

Trong nhận thức của chính giới Australia, nguy cơ đe doạ nền an ninh ổn định quốc gia của họ vào thời điểm ASEAN thành lập (năm 1967) là tình hình cẳng thẳng giữa Indonesia và Malaysia và cuộc chiến tại Việt Nam. Sự tăng cường liên kết với khu vực nhằm ngăn chặn những nguy cơ trên đối với Australia thể hiện trong các liên kết SEATO (với Thái Lan và Philipin) và quan Hiệp ước phỏng thủ 5 quốc gia (với MalaysiaSingapore). Chính vì vậy, sự ra đời của ASEAN được Australia đặc biệt hoan nghênh. Australia coi ASEAN như một hiệp hội do chính các quốc gia khu vực tạo nên để thực hiện an ninh và ổn định chính trị thông qua hợp tác kinh tế và chính trị khu vực. Với nhìn nhận như vậy, một số quan sát viên Australia coi ASEAN như là một liên minh quân sự trong tương lai và Australia có thể gia nhập. Ví dụ, nguyên Ngoại trưởng Freeth trong một phát biểu năm 1969 cho rằng sự tồn tại của ASEAN là một “diễn biến lành mạnh” và cho rằng ASEAN có một vai trò phỏng thủ tại khu vực.

Tuy nhiên, do những hoạt động của ASEAN trong giai đoạn đầu tỏ ra kém hiệu quả, những mối liên hệ của Australia với ASEAN trong thời gian này cũng bó hẹp trong một phạm vi nhỏ. Sự hợp tác giữa Australia và ASEAN cùng chỉ hạn chế trong những phát biểu ủng hộ một cách chung chung của các chính phủ Australia. Thậm chí, theo một nhà nghiên cứu Australia, phản ứng của Australia trước đề nghị ZOPFAN của Malaysia tỏ ra thận trọng. Có thể nói, cho đến gần hết năm 1972, ASEAN chưa được định hình rõ nét trong chính sách khu vực của Australia.

Tháng 12 năm 1972, Công Đảng lên nắm quyền. Chính sách đối ngoại của chính phủ Công Đảng do Whitlam làm thủ tướng có những chuyển biến đáng kể, được coi là “tuyến phân thuỷ (watershed)” trong chính sách đối ngoại của Australia. Trong quan hệ với khu vực, ngoài những vấn đề an ninh chính trị, Australia bắt đầu quan tâm hơn đến khía cạnh kinh tế. Do đó, tính chất phi quân sự của ASEAN rất phù hợp với định hướng chung trong đường lối đối ngoại được nguyên Thủ tướng Whitlam trình bày trong tuyên bố nhậm chức của mình.

Việc giới lãnh đạo Australia chuyển sự quan tâm từ các vấn đề châu Âu sang các vấn đề khu vực Đông Nam Á vào đầu thập niên 1970 được rất nhiều nhà nghiên cứu Australia nhận thấy. Evans và Grant cùng nhiều nhà quan sát chính trị khác đều cho rằng đã có một sự chuyển hướng trọng tâm chính sách đối ngoại Australia từ các vấn đề toàn cầu sang các vấn đề khu vực Đông Nam Á (2). Chính phủ Công Đảng Australia trên thực tế đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác phi quân sự trong khu vực như là một biện pháp nhằm giảm bớt sự căng thẳng về mặt ý thức hệ và đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế. Trong một bài diễn văn nhân chuyến viếng thăm chính thức khu vực đầu năm năm 1974, Thủ tướng Whitlam cho rằng trong tất cả các hiệp hội, tổ chức tồn tại tại khu vực, ASEAN là quan trọng nhất, tự nhiên nhất và cũng thích hợp nhất.

Phù hợp với nhận thức trên, dưới thời Công Đảng, Australia bắt đầu có những nỗ lực trong việc thiết lập quan hệ với ASEAN. Khởi đầu cho tiến trình này là chuyến viếng thăm Indonesia của Thủ tướng Whitlam tháng 02 năm 1973. Tại đây Whitlam đã tuyên bố Australia “ủng hộ những nỗ lực của các nước ASEAN thiết lập ở Đông Nam Á một khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN)”. Hai bên cũng nhất trí với việc biến Ấn Độ Dương thành khu vực hoà bình, chống việc xây dựng các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực. Các chuyến viếng thăm khu vực ASEAN của Whitlam và các quan chức Australia thời gian này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Australia đối với khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, dù coi ASEAN là “mẫu hình của sự hợp tác khu vực Đông Nam Á”, Whitlam đồng thời vẫn đề nghị thành lập một tổ chức khu vực rộng rãi hơn, một tổ chức không nhằm cạnh tranh với ASEAN. Trong một cuộc gặp với Tổng thống Philipin, Whitlam đề nghị thành lập một “diễn đàn châu Á” (3). Nhw vậy, mặc dù Australia đã chấp nhận chính sách ZOPFAN của ASEAN, nhưng việc Whitlam đề xuất một diễn đàn mới cho châu Á và Thái Bình dương, theo một số nhà nghiên cứu, làm cho một số nhà lãnh đạo ASEAN có cảm giác là Hiệp hội của họ có thể bị một tổ chức mới như thế lấn át.

Những chuyển biến trong tình hình khu vực, đặc biệt là thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, sự khởi sắc trong nền kinh tế các nước ASEAN đã được giới lãnh đạo Australia nhận thức đầy đủ. Vào đầu thời kỳ Công Đảng nắm quyền, Australia đã thực sự rời bỏ chính sách “phòng vệ phía trước (the forward defence policy)”, một học thuyết đưa ra thời Thủ tường Menzies, để tập trung cho các vấn đề hợp tác kinh tế với khu vực. Vấn tiếp tục coi trọng các đồng minh truyền thống như Anh và Mỹ, nhưng sau khi Anh gia nhập Cộng đồng châu Âu, Australia buộc phải chú ý hơn đến việc hợp tác kinh tế với các nước trong khi vực. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á thuộc diện ưu tiên số một của Australia. Từ năm 1973 Australia đã có những bước đi đầu tiên cho việc thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Các cuộc họp sơ bộ giữa đại diện Australia và ASEAN đã được tổ chức tại Canberra năm 1973 và Bangkok năm 1974. Tại các cuộc họp này, Australia cũng như các nước thành viên ASEAN bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai bên trên những cơ sở chung.

Kết quả là vào tháng 3 năm 1974 tại Bangkok diễn ra cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác thương mại giữa Australia và ASEAN. Việc ký kết các văn kiện chính thức đầu tiên giữa Australia với ASEAN như là một trong những bên đối thoại đã được thực hiện vào tnág 4 năm 1974. Như vậy với Diễn đàn đối thoại ASEAN-Australia được thiết lập, quan hệ chính thức Australia-ASEAN bắt đầu.

Giai đoạn 1974-1989

Thời gian này tại Đông Nam Á diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Đó là thắng lợi của các lực lượng cách mạng ở Việt Nam, Lào và Campuchia năm 1975, xung đột và nội chiến tại Campuchia, vấn đề Đông Timor v.v. Tất cả những diến biến trên trùng với thời điểm chính phủ liên minh Tự do-Dân tộc do Fraser làm thủ tướng lên nắm quyền thay cho chính phủ Công Đảng. Chính sách đối ngoại của chính phủ Frasser, như nhà nghiên cứu Girling đánh giá, có thể tóm tắt ở các điểm sau: dựa vào đống minh Mỹ; lo ngại về sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô nên cần tăng cường quan hệ với Mỹ (4).

Chính sách đối ngoại của chính phủ Fraser, như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, có phần quay trở lại hững quan điểm bào thủ. Liên quan đến Đông Nam Á, chính sách của Australia bị chi phối bởi nhận thức về cán cân so sánh lực lượng toàn cầu, mà cụ thể là giưa Mỹ và Liên Xô. Trước những diễn biến bất lợi cho các thế lực thân Mỹ tại khu vực, ASEAN được chính phủ Fraser coi là tiêu điểm quan trọng trong chính sách khu vực của Australia. Vốn là một tổ chức của các quốc gia phi cộng sản tại Đông Nam Á, đối với Australia, ASEAN hiển nhiên là “đồng minh phi cộng sản”, là các nước “tiền tuyến” trong chiến lược quốc phòng của Australia (5). Nhà báo người Australia bình luận trên tờ “Business Times” như sau: Australia không cho phép mình làm ngơ ASEAN. Đất nước này đã bỏ những nguồn đầu tư lớn tại khu vực và thừa nhận ASEAN như là vật che chắn tiềm năng về kinh tế, nếu không nói là quân sự, giữa Australia và các nước Đông Dương mà Australia có thể ẩn náu trong trường hợp sự hiện diện của Mỹ tại châu Á tiếp tục giảm sút” (6)

Như vậy, mặc dù ASEAN không chiếm vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Australia thời Fraser, nhưng xuất phát từ nhận thức chính trị trên, quan hệ giữa Australia với ASEAN được thúc đẩy trong thời gian này. Australia duy trì mối liên hệ thường xuyên trong lĩnh vực an ninh chính trị, hợp tác với các nước ASEAN trong việc đào tạo sĩ quan. Chính sách này được duy trì trong suốt thập niên 1980.

Trong bối cảnh vấn đề Campuchia, quan hệ Australia – ASEAn về an ninh chính trị càng được thắt chặt hơn. Mặc dù có sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề cpc giữa chính phủ Liên đảng của Fraser và chính phủ Công Đảng do Hawke nắm quyền, nhưng nhìn chung, Australia ủng hộ mọi động thái và chính sách của ASEAN liên quan đến vấn đề Campuchia. Tuy nhiên, nếu như chính phủ Fraser tỏ ra né tránh can dự trực tiếp, không đưa ra những đề xuất về biện pháp giải quyết khủng hoảng tại Campuchia thì sau khi quay trở lại cầm quyền vào năm 1983, chính phủ Công Đảng tỏ ra tích cực tìm kiếm những giải pháp hoàn bình cho vấn đề Campuchia. Những nỗ lực của Australia thời Công Đảng đã được không chỉ các bên liên quan đến vấn đề Campuchia mà cả cộng đồng quốc tế công nhận.

Một vấn đề căng thẳng khác tại Đông Nam Á thời gian này là vấn đề người tỵ nạn. Số lượng người tỵ nạn tại các trại Đông Nam Á tăng nhanh. Trong việc giải quyết vấn đề thuyền nhân Đông Dương, do sự quá tải của các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á, các nước ASEAN đã gây áp lực buộc Australia phải tăng thêm số người được phép đến định cư tại Australia, biểu hiện rõ nhất là trong chuyến công du của Thứ trưởng Ngoại giao MacKellar đi Đông Nam Á giữa năm 1978. Trong bối cảnh đó, một số quan chức ngoại giao Australia nhận thức phản ứng của Australia đối với vấn đề người tỵ nạn Đông Dương trở thành yếu tố chính trong quan hệ giữa Australia với các nước ASEAN, rằng “quan hệ thân thiết giữa Australia với các nước ASEAN có thể bị tổn hại nghiêm trọng nếu Australia không có khả năng hoặc bị nghĩ là không muốn ủng hộ và giúp các nước trong khu vực điều họ cần lúc này” (7). Trước thực tế trên, một mặt, Australia tăng chỉ tiêu nhận người tỵ nạn từ các trại Đông Nam Á và Hồng Kông, mặt khác, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế và các bên liên quan tìm kiếm giải pháp giảm dòng người ra đi bất hợp pháp từ các nước Đông Dương. Sự ra đời của chương trình ra đi có trật tự là kết quả của những nỗ lực trên, trong đó có phần đóng góp của Australia.

Quan hệ hợp tác Australia-ASEAN từ 1974 được thực hiện ở ba cấp độ: (1) ngoại trưởng Australia tham dự hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN; (2) Diễn đàn các quan chức cấp cao ASEAN-Australia tổ chức hàng năm và (3) Hội nghị tư vấn ASEAN-Australia bao gồm các quan chức Australia và trưởng đoàn ngoại giao các nước ASEAN tại Canberra. Quan hệ hợp tác Australia được thực hiện thông qua Chương trình hợp tác kinh tế Australia-ASEAN, khởi động từ năm 1974. Trong khuôn khổ Chương trình, Australia dành 5 triệu đôla Mỹ cho việc việc nghiên cứu và phát triển các nguồn thực phẩm và phát triển nông nghiệp của các nước ASEAN. Có thể nói Australia là nước đầu tiên dành cho ASEAN khoản đầu tư trong khuôn khổ hợp tác kinh tế đối ngoại của ASEAN sau khi Diến đàn đối thoại được thiết lập. Khoản đầu tư đầu tiên không lớn, tuy nhiên, nó đã cho thấy sự bắt nhịp với những vấn đề đang đặt ra với các nước ASEAN thời kỳ này là vấn đề an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Về sau chương trình được đa dạng hoá và mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác bao gổm nghiên cứu về dân cư, giáo dục, phát triển truyền thông và nhiều vấn đề khoa học công nghệ khác.

Hợp tác kinh tế giữa Australia và ASEAN trong lĩnh vực thương mại và đầu tư bắt đầu phát triển. Xét về tổng giá trị, quan hệ thương mại giữa hai bên có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm 1970 (29%/năm). Tuy nhiên, tỷ trọng của ASEAN trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Australia còn rất thấp. Năm 1977, tổng trị giá hàng hoá Australia xuất sang các nước ASEAN là 853 triệu đô la Mỹ (chiếm 7% tổng trị giá xuất khẩu của Australia); nhập khẩu từ các nước ASEAN là 557 triệu (chiếm 5% trong trị giá nhập khẩu của Australia). Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, nhưng chủ yếu tăng kim ngạch xuất khẩu từ Australia sang các nước ASEAN. Năm 1984-1985, xuất khẩu từ Australia sang ASEAN đạt 2,4 tỷ đôla, trong khi đó nhập khẩu đạt 1,7 tỷ. Đến giữa thập niên 1980, ASEAN chiếm vị trí thứ 4 (6,5%) trong quan hệ xuất khẩu và thứ 5 trong quan hệ nhập khẩu (4,6%) của Australia.

Có thể thấy quan hệ thương mại giữa hai bên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên. Sở dĩ có tình trạng trên là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Về phía các nước ASEAN, chính sách kinh tế đối ngoại thời kỳ này hướng đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Australia cũng chưa thực sự chú ý đến khu vực ASEAN do kinh tế các nước này mới bắt đầu tiến trình công nghiệp hoá hướng ra xuất khẩu. Hơn nữa, trong quan hệ thương mại với ASEAN, Australia chưa có một chính sách thuế quan ưu đãi đối với hàng hoá của ASEAN. Tình trạng mất cân đối về kim ngạch xuất và nhập khẩu của Australia với các nước ASEAN như trên là do trong cơ cấu xuất khẩu từ Australia sang ASEAN chủ yếu là các mặt hàng máy móc, công nghệ, còn nhập từ các nước ASEAN chủ yếu là các loại nguyên liệu. Chính sách của Australia thời kỳ này vẫn là hạn chế nhập các loại hàng hoá thành phẩm, đặc biệt các mặt hàng tiêu dùng vốn là thế mạnh của kinh tế các nước ASEAN. Các nước ASEAN nhiều lần gây áp lực về vấn đề này, đặc biệt là việc hàng tiêu thụ giá rẻ của các nước ASEAN không tiếp cận được thị trường Australia. Đây chính là nguyên nhân của những bất đồng và căng thẳng trong quan hệ hai bên. Australia thời chính phủ Fraser không nới rộng chính sách thuế quan đối với hàng hoá từ các nước ASEAN; tuy nhiên để giảm bớt căng thẳng, Australia tăng các khoản đầu tư cho các dự án hợp tác kinh tế với ASEAN (8); đồng thời Diễn đàn ASEAN-Australia được thành lập. Đây là một cơ quan tư vấn họp một năm một lần. Mặc dù có một số nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng, nhưng chính sách bảo hộ mậu dịch của Australia vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ hai bên.

Trong lĩnh vực đầu tư, Australia đầu tư sang các nước ASEAN chủ yếu vào lĩnh vực khai thác, tuy nhiên số lượng không nhiều. Đến giữa những năm 1980 đầu tư của Australia vào các nước ASEAN chỉ đạt 837 triệu đô la Mỹ trong tổng số 6162 triệu đầu tư của Australia ra nước ngoài.

Nhìn chung, Chương trình hợp tác kinh tế Australia-ASEAN ở giai đoạn này về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra. Đến năm 1985 đã có 25 dự án và các hoạt động liên quan được Australia tài trợ. Trong giai đoạn từ 1974 đến 1989 Australia đã đầu tư vào các chương trình hợp tác trên tổng cộng trên 94 triệu đô la Mỹ. Cả Australia và ASEAN đều quan tâm đến sự ổn định trong quan hệ giữa hai bên.

Giai đoạn 1989-1996

Trước những thay đổi của tình tình quốc tế, khu vực vào cuối những năm 1980-đầu 1990, Australia nhanh chóng có những thay đổi trong định hướng đối ngoại của mình. Chiến tranh lạnh kết thúc tạo điều kiện và cơ hội cho Australia tiếp cận và kiến tạo những mối quan hệ khu vực đầy đủ và toàn diện hơn. Năm 1989, Ngoại trưởng Australia Gareth Evans đưa ra chính sách “tham dự toàn diện (comprehensive engagement)” (8). Chính sách tham dự toàn diện thể hiện nét mới trong cách tiếp cận của Australia với các nước trong khu vực. Đó là một “sự tham dự qua lại” giữa các quốc gia hoàn toàn bình đẳng trên mọi bình diện quan hệ, từ an ninh chính trị đến kinh tế, văn hoá, giáo dục và các lĩnh vực khác.

Vấn đề an ninh chiến lược vẫn là mối quan tâm chính của Australia đối với khu vực Đông Nam Á. Điểm nhấn trong chính sách an ninh của Australia thời gian này là ý tưởng thành lập một “cộng đồng an ninh (security community) như là cơ sở chính cho nền an ninh của Australia. Chiến lược an ninh của Australia trong khuôn khổ của chính sách “tham dự toàn diện” là “khômg nhằm chống lại các nước láng giềng” mà là cùng với các nước láng giềng”. Điều này được thể hiện rõ nét trong Tổng kết chiến lược năm 1993Sách trắng về quốc phòng Australia năm 1994. Trong bối cảnh khu vực sau Chiến tranh lạnh, Australia ưu tiên phát triển các mối quan hệ chiến lược với Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ASEAN. Trong khi quan hệ chiến lược với Mỹ vấn được xác định là “yếu tố then chốt (key element)” nhưng không còn có “ý nghĩa bao trùm (overriding importance)” như trước. Do đó, việc khuyến khích sự phát triển của một cộng đồng an ninh khu vực ở Đông Nam Á và rộng hơn là toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình dương sẽ là “những biện pháp giảm khả năng bất ổn và xung đột cho khu vực của Australia(9).

Phù hợp với trọng tâm chiến lược trên, trong nửa đầu thập niên 1990, Australia chuyển mạnh sang định hướng châu Á. Cùng với sáng kiến thành lập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương, Australia chú trọng phát triển và mở rộng quan hệ toàn diện với ASEAN.

Về lĩnh vực an ninh chính trị, Australia cùng các nước ASEAN cùng có những nỗ lực và đóng góp có hiệu quả và việc giải quyết vấn đề Campuchia; ủng hộ và đánh giá cao vai trò của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), xây dựng các mối quan hệ hợp tác song phương về phòng thủ với các nước láng giềng như Singapore và Malaysia. Đồng thời Australia mở rộng việc tham gia vào các cơ cấu hợp tác an ninh khu vực như tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN, tham gia các đợt tập trận chung với Indonesia (1995), ký Thoả ước an ninh chung với Indonesia (1995), hợp tác với các nước thành viên ASEAN khác trong các lĩnh vực cảnh sát, quốc phòng, phòng chống ma tuý v.v.

Về hợp tác kinh tế, tháng 5 năm 1989 bắt đầu giai đoạn 2 của Chương trình hợp tác kinh tế Australia-ASEAN. Kinh phí cho hoạt động là 7 triệu USD một năm. Chương trình dự kiến những nội dung hoạt động chính trong giai đoạn 1989-1994 là viện trợ phát triển, chuyển giao công nghệ, thành lập và thể chế hoá các hoạt động hợp tác và phát triển các mối liên hệ thuộc lĩnh vực nhân văn. Số lượng các dự án giảm (tổng cộng 6 dự án), nhưng quy mô các dự án được mở rộng hơn.

Các nước ASEAN đánh giá cao tính hiệu quả của Chương trình. Hai bên đều thoả thuận tiếp tục Chương trình, nhưng tập trung cho các vấn đề thương mại và chú ý đến công tác điều phối và lập kế hoạch hợp tác.

Thương mại và đầu tư của Australia với các nước ASEAN tăng trưởng nhanh chóng cả về tổng giá trị thực hiện cũng như tỷ trọng của ASEAN trong quan hệ kinh tế của Australia. Tỷ trọng của ASEAN trong quan hệ ngoại thương của Australia tăng đều trong suốt giai đoạn này (xem bảng )..

Tỷ trọng của ASEAN trong tổng kim ngach buôn bán của Australia (%):

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

1988/89

8,8

6

1989/90

10,2

5,8

1990/91

12,1

7,1

1991/92

13,2

7.9

1992/93

14,7

8,1

Nguồn: Малетин , tr. 110.

Quan hệ buôn bán hai chiều Australia-ASEAN năm 1995 đạt 11,1 tỷ đôla Mỹ, như vậy chỉ số tăng trưởng trong vòng 10 năm là 20%/năm.

Nhìn chung, Australia thời các chính phủ Công Đảng đã có những nỗ lực cụ thể nhằm tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực cả về an ninh chính trị lẫn kinh tế.

Giai đoạn 1996 đến nay

Tháng 3 năm 1996 Liên Đảng quay trở lại cầm quyền. Bối cảnh chính trị khu vực có nhiều thuận lợi cho Australia trong việc phát triển quan hệ toàn diện với ASEAN. Tại Đông Nam Á, ASEAN đang từng bước được mở rộng, đến năm 1999 đã bao gồm tất cả các nước Đông Nam Á. Như vậy chính sách đối với ASEAN và chính sách khu vực Đông Nam Á thực chất là một. Ngoài thuận lợi trên, khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Á (1997-1999) đã lôi cuốn một số nước ASEAN vào vòng xoáy của nó và kéo theo là tình trạng khủng hoảng chính trị và xã hội. Nạn khủng bố len lỏi và gia tăng ở Đông Nam Á cũng là một thách thức đối với quan hệ Australia-ASEAN khi mỗi bên có thể nhận thức về nguy cơ khủng bố cũng như những biện pháp chống khủng bố khác nhau.

Mặc dù trong các tuyên bố chính thức, cả Thủ tướng Howard và Ngoại trưởng Downer đều khẳng định Australia tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ nhiều mặt với ASEAN. Nhưng trên thực tế, một số chính sách của Liên Đảng đưa ra hầu như xét lại các chính sách khu vực mà Công Đảng trước đây đã thực hiện. Cách tiếp cận mới các vấn đề quốc tế và khu vực thể hiện trong hai tài liệu quan trong đưa ra năm 1997 là “Về lợi ích quốc gia 1997 (In the interest 1997) Tổng kết chiến lược 1997 (Strategic Review 1997). Vẫn nhấn mạnh vấn đề an ninh khu vực, nhưng Australia thời kỳ này quay lại với những quan điểm bảo thủ thời trước 1972 khi cho rằng nguy cơ đối với an ninh của Australia cũng xuất phát từ chính khu vực. Để đảm bảo an ninh, Australia thời kỳ này chú trọng đến vai trò của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng gần kề như Indonesia và Papua New Guinea. Trong cách tiếp cận mới này, có vẻ chính sách “tham dự toàn diện” và vấn đề “cộng đồng an ninh” mà Công Đảng đề xuất trrước đây đã không còn nguyên giá trị. Thực tế, chính phủ Howard đã cân bằng có chủ ý giữa các mối quan hệ với khu vực và quan hệ truyền thống với Mỹ và Anh, bởi vì theo Howard “dù sao Australia cũng không thể là một phần của châu Á”.

Chính vì thế, ngay sau khi lên nắm quyền, chính phủ Howard đã có những điều chỉnh trong chính sách viện trợ và nhập cư. Số lượng người nhập cư bị cắt giảm 11% năm 1996-1997; cắt giảm các chương trình viện trợ nước ngoài, trong đó viện trợ cho Trung Quốc giảm 50%, cho Indonesia giảm 40% và cho Philipin giảm 25%.

Sau khi Liên Đảng lên cầm quyền, một số chính trị gia ở các nước ASEAN tỏ ý lo ngại về tương lai quan hệ Australia-ASEAN. Ví dụ, cựu Đại sứ Indonesia tại Canberra cho rằng quan hệ Australia-châu Á “đang đi vào giấc ngủ mùa Đông”. Lo ngại trên của các nước ASEAN không phải là không có cơ sở. Trong bối cảnh nạn khủng bố gia tăng, liên quan trực tiếp đến Australia là vụ khủng bố tại Bali (Indonesia) ngày 12 tháng 10 năm 2002 làm gần 100 người Australia bị thiệt mạng. Tình hình trên không chỉ làm căng thẳng bầu không khí an ninh chính trị tại Đông Nam Á mà còn là một thách thức đối với quan hệ Australia-ASEAN. Australia là một trong những nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ hoàn toàn chính sách chống khủng bố của Mỹ. Chính sách tăng cường liên minh với Mỹ được cả Howard và Downer nhiều lần đề cập. Khi nói về những thách thức đối với an ninh khu vực, Downer trong một bài phát biểu vào tháng 7 năm 2002 nhấn mạnh: “Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố có tầm quan trọng trên toàn thế giới và toàn khu vực”. Downer cũng nói rõ: “Australia sẽ sử dụng tất cả nguồn lực mà họ có, cả quân sự, trí tuệ, luật pháp và cả truyền thống để chống lại mối đe doạ nguy hiểm này đối với nền an ninh của Australia(10). Trong nhìn nhận của Australia, nạn khủng bố ở Đông Nam Á gia tăng đang đe doạ trực tiếp an ninh và ổn định của Australia. Lấy cớ đối phó với nạn khủng bố trong tình hình mà luật pháp quốc tế không còn phù hợp, ngày 01 tháng 12 năm 2002 Howard tuyên bố về quyền tấn công phủ đầu (pre-emptive strikes) đối với các mục tiêu được coi có nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á. Tuyên bố của Howard làm dấy lên một làn sóng phản đối ở các nước ASEAN. Một số nước, tiêu biểu là IndonesiaMalaysia coi tuyên bố của Howard là một hành động khiêu khích đối với khu vực, thể hiện thái độ ngạo nghễ, hiếu chiến của Australia. Tình hình trên cũng đặt quan hệ Australia-ASEAN trước thử thách nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, chính phủ Howard tỏ ra thận trọng hơn. Đồng thời với những tuyên bố khẳng định sự gắn kết với châu Á nhằm làm yên lòng các nước láng giềng ASEAN, Australia vẫn tiếp tục tăng cường các mối quan hệ. mọi mặt với khu vực láng giềng cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.

Chương trình hợp tác kinh tế Australia-ASEAN bước sang giai đoạn thứ ba (1994-2004). Mục đích của giai đoạn hợp tác thứ 3 bắt đầu từ tháng 7 năm 1994 thúc đẩy việc mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế và hội nhập giữa các nước ASEAN và Australia. Chương trình bao gồm 6 dự án vùng với kinh phí từ 4 đến 6 triệu đôla Mỹ và một số chương trình nhỏ linh hoạt với sự tham gia của hai đối tác. Các chương trình hợp tác trong giai đoạn 3 này cùng đã bao gồm cả những thành viên mới kết nạp như Việt Nam tham gia. Một số thành quả hợp tác đạt được ở giai đoạn thứ 3 như nguồn cung cấp nước sạch, máy tính cho người mù, môi trường đại dương trong sạch, du lịch sinh thái v.v.

Đến nay, mặc dù chương trình đã tồn tại trên 30 năm, nhưng hai bên vẫn nhất trí thoả thuận tiếp tục chương trình không chỉ vì lợi ích của các nước thành viên tham gia Chương trình từ trước, mà còn để đẩy nhanh tiến trình hội nhập của các thành viên mới ASEAN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Angel (1983), “Australia and South East Asia”, in Boyce and Angel, Independence and Alliance: Australia in World Affairs 1976-1980, Allen and Unwin, Sydney.

2. Downer A. (2002), The Asia-Pacific and the World: Australia’s Foreign Policy Context, Speech at the Opening of the Sidney Myer Asia Centre, Melbourne (Tài liệu internet),

3. Evans G. (1991), “Australia’s Regional Security”, NXB Allen & Unwin, Sydney, Australia.

4. Evans và Grant (1995), Australia’s foreign relations in the world of the nintíes, Melbourne University Press, Australia.

5. Girling (1978), “Australia and South East Asia in the Global Balance: A Critique of the “Fraser Doctrine””, in Davit Pettit & Anna Hall, Selected Readings in Australian Foreign Poilicy, 3rrd edition, Melbourne,

6. Ingleson (1980), “Southeast Asia” in Hudsson, Australia in World Affairs 1970-1975, Allen & Unwin, Sydney.

7. McDougall (1998), Australia Foreign Relations: Contemporary Perspectives, Longman, Australia.

8. Wilson (1979), “Indochinese Refugees: Some Foreign Policy Considerations”, Statement at the Australian National Univerrsity Confference on the Indochinese Refugee Situation, Australian Foreign Affairs Records, Vol. 50, No.7/1979.

Малетин (1998), АСЕАН - Три десятилетия внешней политики (1967-1997), Учебное пособие, Москва.



(1): Evans G. (1991), “Australia’s Regional Security”, NXB Allen & Unwin, Sydney, Australia.

(2): Xem ví dụ: Evans và Grant, Australia’s foreign relations in the world of the nintíe, tr. 28; J.R.Angel, “Australia and South East Asia”, tr. 223; Ingleson “Southeast Asia” in Hudsson, Australia in World Affairs 1970-1975, tr. 283 v.v

(3): Малетин, tr. 98

(4): Girling, tr. 145

(5): Малетин, tr. 99

(6): SĐD, tr. 99

(7): Wilson “Indochinese refugees: Some Foreign Policy Considerations” , tr, 447

(8): Xem: Maletin, tr. 100.

(9): Xem: Evans, Australia’s Regional Security.

(10): McDougall (1998), 154

(11): Downer A., “The Asia-Pacific and the World: Australia’s Fỏeign Policy Context:, Speech at the Opening of the Sidney Myer Asia Centre, Melbourne, 22 July 2002, tr. 5.

 PGS.TS. Trịnh Thị Định
ĐH Khoa học Huế - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   | 114   | 115   | 116   | 117   | 118   | 119   | 120   | 121   | 122   | 123   | 124   | 125   | 126   | 127   | 128   | 129   | 130   | 131   | 132   | 133   | 134   | 135   | 136   | 137   | 138   | 139   | 140   | 141   | 142   | 143   | 144   | 145   | 146   | 147   | 148   | 149   | 150   | 151   | 152   | 153   | 154   | 155   | 156   | 157   | 158   | 159   | 160   | 161   | 162   | 163   | 164   | 165   | 166   | 167   | 168   | 169   | 170   | 171   | 172   | 173   | 174   | 175   | 176   | 177   | 178   | 179   | 180   | 181   | 182   | 183   | 184   | 185   | 186   | 187   | 188   | 189   | 190   | 191   | 192   | 193   | 194   | 195   | 196   | 197   | 198   | 199   | 200   | 201   | 202   | 203   | 204   | 205   | 206   | 207   | 208   | 209   | 210   | 211   | 212   | 213   | 214   | 215   | 216   | 217   | 218   | 219   | 220   | 221   | 222   | 223   | 224   | 225   | 226   | 227   | 228   | 229   | 230   | 231   | 232   | 233   | 234   | 235   | 236   | 237   | 238   | 239   | 240   | 241   | 242   | 243   | 244   | 245   | 246   | 247   | 248   | 249   | 250   | 251   | 252   | 253   | 254   | 255   | 256   | 257   | 258   | 259   | 260   | 261   | 262   | 263   | 264   | 265   | 266   | 267   | 268   | 269   | 270   | 271   | 272   | 273   | 274   | 275   | 276   | 277   | 278   | 279   | 280   | 281   | 282   | 283   | 284   | 285   | 286   | 287   | 288   | 289   | 290   | 291   | 292   | 293   | 294   | 295   | 296   | 297   | 298   | 299   | 300   | 301   | 302   | 303   | 304   | 305   | 306   | 307   | 308   | 309   | 310   | 311   | 312   | 313   | 314   | 315   | 316   | 317   | 318   | 319   | 320   | 321   | 322   | 323   | 324   | 325   | 326   | 327   | 328   | 329   | 330   | 331   | 332   | 333   | 334   | 335   | 336   | 337   | 338   | 339   | 340   | 341   | 342   | 343   | 344   | 345   | 346   | 347   | 348   | 349   |