ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi
Trang chủ   >  ĐHQGHN - Dấu ấn trong tôi  >    >  
10 sự kiện tiêu biểu ĐHQGHN năm 2004
Năm 2004 đã qua đi với nhiều sự kiện đánh dấu những hoạt động, những bước phát triển của ĐHQGHN trên các phương diện tổ chức - quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học... Ban biên tập Bản tin ĐHQGHN xin chọn và điểm lại 10 sự kiện tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2004.

1. CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐỨC LƯƠNG THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI ĐHQGHN

Ngày 9/3/2004, đồng chí Trần Đức Lương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đến thăm, làm việc và giao lưu với các thầy, cô giáo, sinh viên ĐHQGHN.

Chủ tịch Trần Đức Lương vui mừng ghi nhận những cố gắng của ĐHQGHN về mọi mặt, nhất là đã có sáng kiến đi đầu trong việc tổ chức đào tạo tài năng bậc đại học. Đây là một giải pháp có tính đột phá nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo cho một bộ phận sinh viên đạt chuẩn khu vực, quốc tế.

Chủ tịch mong rằng trong tương lai không xa, ĐHQGHN sẽ trở thành trường đại học có uy tín ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và quốc tế; ĐHQGHN cần tích cực hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện… tạo mọi điều kiện bồi dưỡng, đào tạo lớp giảng viên trẻ đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

2. VIỆN VIỆT NAM HỌC VÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN ĐƯỢC THÀNH LẬP

Ngày19/3/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số Quyết định số 40/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hoá trực thuộc ĐHQGHN.

Ngày 2/7/2004, ĐHQGHN đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Viện. Cơ cấu tổ chức của Viện đã dần được kiện toàn.

Sự kiện Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQGHN ra đời không chỉ khẳng định nhu cầu bức thiết phải phát triển ngành học Việt Nam học, mà còn mở ra một tương lai phát triển mới của Việt Nam học với định hướng nghiên cứu liên ngành, khu vực học và gắn bó chặt chẽ với khoa học phát triển, góp phần phát huy thế mạnh của ĐHQGHN với tư cách là trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo đại học, sau đại học đa ngành, chất lượng cao, phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

3. ĐHKHXH&NV TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC “ĐIỆN BIÊN PHỦ - 50 NĂM NHÌN LẠI”

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 13-14/4/2004, trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN phối hợp với trường Đại học Panthéon - Sorbonne Paris I (Cộng hòa Pháp) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Pháp đều mong muốn và cố gắng đưa ra những tư liệu mới, những suy nghĩ và phân tích khách quan, khoa học nhằm lý giải những vấn đề khoa học về trận Điện Biên Phủ và về các vấn đề quốc tế liên quan đến sự kiện lịch sử này. Qua nội dung các báo cáo và các ý kiến thảo luận, các đại biểu càng có điều kiện để hiểu đầy đủ, cụ thể và khách quan hơn về: Bối cảnh của Việt Nam và quốc tế trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ; Những nỗ lực của hai bên và kết cục không thể tránh khỏi của chiến dịch Điện Biên Phủ với thắng lợi hoàn toàn thuộc về quân đội, nhân dân Việt Nam và sự thất bại của quân đội thực dân xâm lược Pháp; Sự giúp đỡ quốc tế to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, của cách mạng Lào và Campuchia, của các lực lượng dân chủ và tiến bộ ở nước Pháp và trên thế giới đối với cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam; Sự sáng tạo, năng động của Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch và Bộ chỉ huy chiến dịch trong thắng lợi của trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Hội thảo diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thẳng thắn, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, góp phần tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa các nhà khoa học, giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp vì sự hợp tác và phát triển, vì tương lai tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt Việt - Pháp.

 

4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN ĐĂNG CAI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG OLYMPIC VẬT LÝ CHÂU Á LẦN THỨ V

Từ ngày 27/4 đến 3/5/2004, cuộc thi Olympic châu Á.

Đây lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Các nhà lãnh đạo, các giáo sư, các nhà khoa học cùng đông đảo sinh viên tình nguyện trường ĐHKHTN đã nỗ lực cùng hai đơn vị đồng tổ chức hoàn thành tốt các kế hoạch để kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Cuộc thi đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

 

5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ THUỘC ĐHQGHN  CHÍNH THỨC ĐƯỢC THÀNH LẬP

Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN trên cơ sở Khoa Công nghệ và Trung tâm hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học trực thuộc ĐHQGHN.

Ngày 1/9/2004 Trường Đại học Công nghệ đã chính thức bước vào hoạt động. Ngày 23/9/2004, ĐHQGHN đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và khai giảng năm học 2004-2005, năm học đầu tiên dưới cơ cấu trường Đại học Công nghệ thuộc ĐHQGHN. Sau khi ra đời, cơ cấu tổ chức của đơn vị đã dần được kiện toàn.

Trường Đại học Công nghệ - ĐHQGHN được thành lập là một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Khoa Công nghệ - ĐHQGHN, góp phần tạo nên cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực  của ĐHQGHN.

 

6. ĐHQGHN TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẠI HỌC ĐÔNG DƯƠNG - TIỀN THÂN CỦA ĐHQGHN

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép ĐHQGHN tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN, lãnh đạo ĐHQGHN đã khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch hoạt động kỷ niệm sẽ được tổ chức từ tháng 9/2004 cho tới Lễ kỷ niệm chính thức vào ngày 16/5/2006. Các đơn vị thuộc ĐHQGHN đã triển khai phát động thi đua lập thành tích kỷ niệm sự kiện trọng đại này vào cuối tháng 12/2004 - đầu tháng 1/2005.

Cũng trong khuôn khổ của những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Đại học Đông Dương, ĐHQGHN đang tích cực triển khai một số hoạt động đối ngoại như phối hợp với Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Hà Nội chuẩn bị đề án tu bổ, nâng cấp cơ sở 19 Lê Thánh Tông và đề án thành lập Đại học Quốc tế Việt - Pháp… Các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ĐHQGHN (15/11/1945 - 15/11/2005), kỷ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐHKHTN và ĐHKHXH&NV, 1956 - 2006), và những ngày kỷ niệm thành lập  các đơn vị trực thuộc khác đều là những hoạt động chính trị hết sức quan trọng góp phần khẳng định một thế kỷ xây dựng và trưởng thành của nền giáo dục đại học hiện đại Việt Nam nói chung và của ĐHQGHN nói riêng.

 

7. DỰ ÁN THÍ ĐIỂM ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TÀI NĂNG PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CNH-HĐH ĐẤT NƯỚC BẮT ĐẦU ĐƯỢC TRIỂN KHAI

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 9 (khóa IX), thời gian qua, ĐHQGHN và một số bộ, ban, ngành đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ triển khai xây dựng Dự án thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ trung tuần tháng 6/2004, dự án đã bắt đầu được triển khai tại ĐHQGHN - cơ quan thường trực của Dự án.

Cuối tháng 7/2004, một cuộc hội thảo quốc có quy mô lớn trong khuôn khổ của dự án đã dược tổ chức với sự tham gia rộng rãi của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố chuẩn bị cơ sở lý luận cho những bước triển khai dự án.

Đây là một dự án hết sức quan trọng góp phần xây dựng và thực thi chiến lược nhân tài quốc gia, cung cấp cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước dưới dạng những sản phẩm thử nghiệm một bộ phận nhân lực tài năng, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp ở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học công nghệ, kinh doanh đầu ngành tầm cỡ khu vực.

 

8. CÁC ĐƠN VỊ THUỘC ĐHQGHN KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 19/12/2004, Khoa Sư phạm - ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập và đón nhận các phần thưởng cao quý của Chính phủ trao tặng. 5 năm qua (21/12/1999 - 21/12-2005) Khoa đã dần khẳng định được vị thế của mình trong xã hội và bước đầu đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Hiện nay, Khoa Sư phạm đang đào tạo 34 nghiên cứu sinh, 159 thạc sĩ Quản lý giáo dục các khoá 2, 3, 4. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp cũng như Ban giám đốc ĐHQGHN, tập thể Khoa Sư phạm sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, xây dựng Khoa sớm trở thành Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQGHN, góp phần xây dựng ĐHQGHN trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao hàng đầu của cả nước.

Ngày 13/11/2004, Khoa Kinh tế - ĐHQGHN đã trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa (1974-2004). Trong 30 năm qua, Khoa Kinh tế đã dần khẳng định vị thế của mình trong xã hội và đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào. Tính đến nay, Khoa đã đào tạo được 7.395 cử nhân (hệ chính quy, không chính quy) và 120 thạc sĩ. Hiện nay (năm học 2004-2005) có 1.060 sinh viên hệ chính quy, 1.100 sinh viên hệ tại chức, 344 học viên cao học và 5 nghiên cứu sinh đang theo học tại Khoa. Hiện nay, Khoa Kinh tế đang xây dựng dự án thành lập trường Đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN, góp phần hoàn thiện cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN.

 

9. TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRỰC THUỘC ĐHQGHN ĐƯỢC THÀNH LẬP

Ngày 15/12/2004, ĐHQGHN đã long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc phòng thuộc ĐHQGHN và kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 15 năm Ngày quốc phòng toàn dân.

Trung tâm Giáo dục Quốc phòng trực thuộc ĐHQGHN được thành lập theo quyết định số 97/TCCB ngày 2/3/2004 của Giám đốc ĐHQGHN trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Khoa Giáo dục Quốc phòng thuộc trường ĐHKHXH&NV và Khoa Giáo dục Quốc phòng thuộc trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN.

Sự kiện Trung tâm Giáo dục Quốc phòng thuộc ĐHQGHN được thành lập là một bước ngoặt, đánh dấu sự trưởng thành của các khoa Giáo dục Quốc phòng  nói trên trong chặng đường xây dựng và phát triển; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung và của ĐHQGHN nói riêng đối với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng cho toàn dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên. Đối với ĐHQGHN, đây là bước tiến quan trọng về mọi mặt trong việc giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng cho học sinh, sinh viên ĐHQGHN.

 

10. ĐHQGHN TUYÊN DƯƠNG 786 GƯƠNG MẶT TRẺ TIÊU BIỂU NĂM HỌC 2003- 2004

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong

 

 

 

 

786 người đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm học 2003-2004  có 35 người là cán bộ trẻ và 751 người là học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là đơn vị có nhiều người đạt danh hiệu này nhất với 337 cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn: 128 cán bộ, sinh viên và học viên cao học; Trường Đại học Ngoại ngữ: 169 học sinh và sinh viên; Trường Đại học Công nghệ: 61 cán bộ và sinh viên; Khoa Kinh tế: 32 sinh viên; Khoa Luật: 33 cán bộ và sinh viên; Khoa Sư phạm: 12 cán bộ và sinh viên; Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị: 1 cán bộ; Trung tâm Thông tin - Thư viện: 1 cán bộ; Nhà in ĐHQGHN: 1 cán bộ; Nhà xuất bản ĐHQGHN: 1 cán bộ; Cơ quan ĐHQGHN: 6 cán bộ; Thường vụ Đoàn - Ban thư ký Hội sinh viên: 4 cán bộ.

Trải qua 6 năm phát động, phong trào “Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN” đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên ĐHQGHN ở các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học, công tác và rèn luyện đạo đức. Chắc chắn phong trào này sẽ được nhân rộng hơn nữa trong toàn ĐHQGHN lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2005, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN, góp phần xây dựng ĐHQGHN trở thành một trung tâm đại học ngang tầm khu vực và tiến tới đạt trình độ quốc tế.

 BẢN TIN ĐHQGHN
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: