Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Về linh đô ngày giáp hội
Những ngày đầu tháng 3 âm lịch, khi không khí lễ hội đang rộn rã ở khắp mọi nơi cũng là lúc những người trẻ yêu văn hoá truyền thống chúng tôi nhập vào dòng khách thập phương hành hương về vùng Đất Tổ...

Đây rồi thủ đô Văn Lang huyền thoại, mảnh đất ngàn năm văn hiến, lồng lộng cùng thiên nhiên, ngút ngàn bao chiến công và kỳ tích được đắp xây nên bởi bàn tay và khối óc đầy sáng tạo, dũng cảm, kiên trinh của người dân bao đời.

Cố đô linh thiêng, hào hoa

Đất Tổ hiện lên cao vời vợi những dải non xanh, đẹp diệu kỳ những dòng sông hiền dịu, rộng bát ngát những nương đồng phì nhiêu, xanh mỡ màng màu xanh của sự sống, của cọ, của chè, của những làn điệu xoan ghẹo tình tứ, của những bờ tre bọc những xóm làng cần mẫn. Từng đoàn người về đây thắp hương trên vùng đất từ ngàn xưa đã bao lần rung vang những nụ cười, những khúc khải hoàn ca bởi lẽ nước mắt, mồ hôi, sương máu của bao thế hệ đã từng đổ xuống để hôm nay có những con đường thênh thang đi giữa bốn mùa cỏ hoa vắt nghiêng qua những mùa vàng trải nhiều trên những cánh đồng chịu thương chịu khó hai sương một nắng. Nghe lại truyền thuyết “Hùng Vương chọn đất đóng đô”, từ đỉnh Nghĩa Lĩnh nhìn ra bốn phương ta thầm cảm phục dự uyên bác và tầm nhìn xa trông rộng của người xưa: Vua đi mãi nơi này nơi khác mà chưa chọn được đất định đô. Bất ngờ bước tới nơi đây, trước mặt có 3 sông hội tụ, hai bên là Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi gần bấu lấy núi xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như rồng cuộn hổ chầu... Vua cả mừng khen rằng đây thực là đất họp muôn dân, đủ hiểm để giữ có thế để mở nước vững bền. Vua Hùng chọn đó làm đô gọi tên là thành Phong Châu. Thế đất của Phong Châu thực là thuỷ tụ trước mặt, núi dựa sau lưng, tiến về trước là mở mang về đồng bằng, lùi về sau có núi rừng che chở.

Nơi đây ngược sông Đà lên Tây Bắc, ngược sông Thao lên biên giới Việt - Trung, ngược sông Lô lên Tuyên Quang - Hà Giang. 3 sông là đường thuỷ thông thương còn đường bộ Việt Trì là bàn đạp giữa đồng bằng và miền núi.
Ta tự hào bởi tổ tiên chọn được linh đô, Phong Châu như chiếc bàn xoay tiếp nhận nhiều nguồn văn hoá. Càng kinh ngạc khi xét về phong thuỷ, các vua Hùng dường như có một siêu thức để nhận định Việt Trì trong thế giới huyền bí tâm linh trao lại muôn đời con cháu. Tâm điểm của Khu di tích Đền Hùng có 3 ngọn tổ sơn, có độ cao nhất vùng là: núi Hùng (còn có tên là núi Nghĩa Lĩnh, tên cổ xưa là núi Cả - có độ cao 175m so với mặt biển), núi Vặn (còn có tên gọi là núi ốc Sơn - có độ cao là 170m so với mặt biển), núi Trọc (còn có tên gọi là Bạch Đầu Sơn - có độ cao 151m so với mặt biển); tiếp đó còn có núi Pheo và nhiều gò cao lúp súp, tạo lên cảnh sắc ngoạn mục của núi non, để trong con mắt của người xưa: “Núi Hùng trong xa giống như đầu của một con rồng lớn, hướng về phía Nam. Mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo ở phía sau”. Du khách có thể đi qua 18 cấp với 499 bậc đá trên núi Hùng, tới thắp hương tại các ngôi đền Hạ, đền Trung, đền Thượng thờ 18 đời Hùng Vương và các vị thần núi linh thiêng (cạnh đền Hạ còn có ngôi chùa thờ Phật có tên chữ là “Thiên Quang Thiền Tự”. Từ đền Thượng, qua 617 bậc đá nữa sẽ xuống đến ngôi đền dưới chân núi Hùng - đền Giếng, nơi thờ hai nàng công chúa con gái Hùng Vương thứ 18. Từ cổng chính của đền Hùng, vòng qua bên phải về phía Bắc núi Hùng khoảng 2km, men theo hồ Lạc Long Quân tới chân núi Trọc, từ đó du khách có thể đi lên 553 bậc đá sẽ tới thắp hương tại đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ mới xây dựng. Thời hiện đại, khi mà trẩy hội Đền Hùng đã trở thành tập quán, nét sinh hoạt không thể thiếu; khi mà trình độ dân trí ngày một cao, nhu cầu tìm hiểu lịch sử ngày một tăng, thì số lượng đồng bào về Đền Hùng ngày càng đông. Chỉ riêng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch những năm gần đây, con số ấy đã lên tới hàng triệu lượt người - đấy là chưa kể đến dịp mùa xuân và các tháng trong năm, số lượt người về Đền Hùng cũng tới hàng chục vạn người.

Hội làng trên đất linh đô

Tôi đã đặt chân đến rất nhiều địa danh xung quanh Đền Hùng để được đắm mình vào những hội làng. Từ Làng Chanh, Hùng Lô, Kim Đức, Hy Cương, Sơn Vy, Tiên Kiên (huyện Phù Ninh) đến hội ở các đình Luông, An Thái, đền Phượng Lâu (Việt Trì). Những ngày giáp hội, đâu đâu cũng thấy mọi người rậm rịch suốt cả tuần, có khi nửa tháng; ai nấy đều hồi hộp chờ mong mình hoặc người thân của mình được làng đánh giá là có đức có tài, để bậc cao niên xung vào đội tế lễ; trai thanh gái lịch thì xung vào hàng phụng nghênh loan giá. Số nam - nữ trai trẻ thì hào hứng với những cuộc thi có giải: Bóng chuyền, cờ tướng, kéo co, chọi gà, bắn nỏ. Các thôn nữ duyên dáng khổ công luyện tập những điệu dân ca quen thuộc, cùng bài hát xoan truyền thống; những chàng trai tái diễn công đức của vị thành hoàng, tóm lại, đủ số tiết mục hấp dẫn cho buổi biểu diễn một đêm dài. Trong hội lớn Đền Hùng hàng năm đều có các hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra sôi nổi. Hội ở làng nào quanh khu quần thể di tích Đền Hùng cũng có cùng nội dung các bước nghi lễ: Đoàn rước kiệu làng xã nào cũng dài gần cây số, đều nổi lên cỗ kiệu Bát cống uy linh chất bánh dầy, bánh chưng cùng hoa quả, nhang đăng ngự trên vai 8 nam thanh nữ tú và 5 gái trai thanh lịch khác, họ đều vận áo nỉ thắt lưng đều rước kiệu nghinh văn bước đi chững chạc.

Dù đoàn kiệu Kim Đức, Hùng Lô hay Hy Cương, Tiên Kiên, khi hành hương về mộ Tổ hay đoàn nào khác đều có chiếc xe uy nghiêm chở quan mệnh (chủ tế) kèm theo đội “vệ binh” áo quần nai nịt, đội nón chóp nhỏ như “tốt đỏ tốt đen” vác bát bửu hộ tống theo tiếng chiêng, tiếng trống đệm bước chân theo nhịp 2-2/2-2: Tùng - bili - tùng/ tùng - bili - tùng... cùng bước theo hàng cờ ngũ sắc bay bay từ ngã ba đền Giếng, từ đình làng Hy Cương vượt qua 525 bậc đá lên đền Thượng cùng “Phương dân ngưng trắc giáng/ Hương hỏa đáo kim truyền”, làm cho mọi gương mặt cháu con từ các miền đất nước về tụ hội thêm rạng rỡ. Đoàn rước kiệu nơi nào về đến đền hoặc đình đều chuyển sang phần tế lễ, ghi nhớ công ơn vị thần thờ phụng. Như đền thôn Phượng Lâu, đình Chanh, xã Vĩnh Phú để tưởng nhớ ơn đức Quý Minh, tướng giỏi Vua Hùng hay đình An Thái, Hùng Lô tế lễ thờ Vua Hùng. Trong buổi tế, khi bên đông xướng: “Khởi chinh cổ - nhạc sinh tựu vị” vừa dứt, là trống chiêng rung lên, nhạc cử hồi Lưu thủy là mở đầu buổi lễ và tế 3 tuần (nhất hành sơ, nhị hành á, tam hành chung). Ban tế là các cụ từ lão trung, lão thượng có đức, có tài được làng tiến cử làm quan mệnh và giữ các chức hiệu như bồi tế, chấp sự, nội tán, điển văn và độc chúc... đều lần lượt bước đi, bước nghỉ qua các việc thượng hương, chước tửu, hiến tước, độc chúc, ẩm phước... đến phần chót là đốt văn tế, lễ tất.

Và cứ thế, dòng người nườm nượp ngợp trong màu cờ ngũ sắc, khung cảnh đó khiến mỗi người hướng tâm về cội nguồn, thêm yêu quý hơn mỗi hình ảnh thân thuộc của làng quê, từ bóng cau, hiên nhà đến hương lúa chín, cọng rơm vàng... để bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước.

 Nguyễn Minh Trường - Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 194, ra tháng 4/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :