Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Về thăm những địa danh thiêng
Giữa những ngày hè rưng rức nắng lửa, chúng tôi - hơn 30 cán bộ của Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV đã có chuyến hành hương về thăm lại chiến trường Quảng Trị năm nào. Chúng tôi lên đường trong một không khí nao nao, háo hức lạ, đặc biệt một số anh trong đoàn đã từng có những năm tháng chiến đấu tại Quảng Trị, hôm nay muốn trở lại để thắp nén nhang cho đồng đội mình nằm lại...

Sáng hôm ấy, đoàn vào viếng là Nghĩa trang Đường Chín - Nam Lào. Dưới cái nắng Quảng Trị chói chang, oi ả, chúng tôi đã tập trung tại bàn thờ chính để cắm những nén hương tưởng niệm vào chiếc lư đồng với một mâm lễ nhỏ rồi sau đó ra tản thắp hương tại các khu mộ. Đang mải mê với dòng suy nghĩ, bỗng nghe có tiếng gọi to: Lại đây mau lên! Thì ra anh Cao Vũ Trân - giáo viên văn học Pháp đã phát hiện ra hơn 100 bia mộ mới quy tập. Điểm quanh, chỉ lác đác vài nấm mộ có tên tuổi, còn lại hầu hết là phần mộ vô danh thưa thớt chân hương. Mong sao, những đoàn thăm viếng sau này, hãy dành cho các anh nhiều hơn sự quan tâm để những bát hương gầy guộc dày thêm chân nhang cho đỡ tủi lòng liệt sỹ...

Chúng tôi tạm biệt nghĩa trang Đường Chín với lòng trĩu nặng. Đoàn lại tiếp tục đến với nghĩa trang Trường Sơn. Cảnh vật hai bên đường rất đẹp. Những hàng cao su thẳng tắp trên những vạt rừng xanh mướt. Xa xa là những ngọn núi, ngọn đồi nhấp nhô với một màu xanh đậm, trông thật nên thơ. Trên xe, anh chị em trong đoàn thi nhau chụp ảnh làm kỷ niệm. Nghĩa trang Trường Sơn hiện ra rộng lớn, cây cối xanh tốt dưới những vạt đồi bát ngát xen lẫn bạt ngàn bia mộ trắng. Đoàn chúng tôi được các đồng chí quản trang tiếp đón nồng hậu. Đồng chí Trưởng ban Quản trang Hồ Tất Ái dẫn đoàn đến thắp nhang và đọc lời giới thiệu cũng như tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ tại nhà tưởng niệm. Lời phát biểu của đồng chí Ái khiến tất cả các thành viên trong đoàn đều rưng rưng xúc động.

Tại đây, cũng như một số anh chị em, vì không có nhiều thời gian, nên những ai quê ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... thì được phép tìm đến thắp hương cho liệt sĩ đồng hương để nhiều liệt sĩ, nhiều phần mộ được thăm viếng hơn là tập trung cả đoàn. Nhiều chị, thường ngày chân hay kêu đau, mỏi, nhưng hôm nay, tôi thấy sao các chị lại khoẻ đến vậy? Các chị còn chia nhau cho đều những bó hương kẻo người nhiều, người ít để làm sao thắp được cho các anh càng nhiều càng tốt? Thật là vui và xúc động. Những kỷ niệm đó, sẽ không bao giờ quên được trong tôi... Chia tay nghĩa trang Trường Sơn cũng là lúc cái nắng đã tròn trên đỉnh đầu. Đoàn chúng tôi xuôi về thị xã Đông Hà để nghỉ trưa. Chiều đến, chúng tôi lại cùng nhau lên xe tới thành cổ Quảng Trị. Vừa đến nơi mưa đã tuôn xối xả. Tranh thủ chờ ngớt mưa, anh chị em đã tham quan và nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh về thành cổ. Tôi lặng yên nghe mà lòng tự hỏi không hiểu, mỗi tấc đất ở đây đã chứa đựng bao nhiêu tấn bom của giặc Mỹ, thấm đẫm bao nhiêu xương máu, nước mắt, mồ hôi của bao người con đất Việt ngay dưới chân mình? Sau thành Cổ Quảng Trị, đoàn chúng tôi đã đặt chân vào nghĩa trang Do Linh ngay cạnh đường Quốc lộ số 1. Cũng giống như ở 2 nghĩa trang trước, tại đây còn rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh. Chẳng hiểu sao, tới đâu tôi cũng rất chú tâm vào nhứng phần mộ này. Tôi có cảm giác như mình đang đi điểm danh hoặc đang đi tìm một người đồng hương nào đó? Một phản ứng vô thức không giống ai chăng? Thật khó tả!...

Ngã ba Đồng Lộc là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến “Về nguồn” đầy ý nghĩa của đoàn chúng tôi. Tại đây, không ai bảo ai, tất cả các thành viên trong đoàn đã cùng nhau hát vang bài hát “Cô gái mở đường” để ngợi ca 10 nữ anh hùng liệt sĩ. Đứng trước đài tưởng niệm, cảm nghiệm mùi hương trầm toả ra quyện dưới nắng hè chói chang càng làm cho không khí thêm linh thiêng, huyền hoặc. Sau lễ dâng hương, chúng tôi đến viếng phần mộ của 10 cô thanh niên xung phong. Riêng với tôi có một kỷ niệm về những quả bồ kết khiến lòng cứ day dứt mãi. Trong túi tôi, lúc đó chỉ có 4 quả bồ kết. Tôi dự định đem bồ kết đi để dùng khi trái gió trở trời. Nếu bị nhức đầu hay sổ mũi sẽ đốt lên để ngửi. Đến đây, tôi sực nhớ ra, các chị trước đây thường gội đầu bằng bồ kết nên đem ra dâng lên mộ. Chỉ có 4 quả mà 10 phần mộ của 10 cô gái sao đủ dùng? Tôi thành tâm thầm khấn mời các chị “gội chung” nhau vậy. Hứa với các chị, lần sau tôi sẽ mua thật nhiều để bù lại sự sơ xuất này...

 Đặng Ngọc Hà Anh - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :