Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ca khúc Việt Nam
Trong dòng chảy của văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại (từ sau 1945 đến nay), hình tượng Hồ Chủ tịch là một nguồn cảm hứng lớn. Biết bao thế hệ nghệ sĩ đều muốn thử thách trí tuệ và tấm lòng của mình với những tác phẩm viết về vị lãnh tụ kính yêu, người Cha già dân tộc.

Nếu như trong thơ, chúng ta không thể quên hình ảnh Bác được khắc họa bằng tượng đài ngôn ngữ dưới ngòi bút thần tình của Tố Hữu, Chế Lan Viên... thì với ca khúc cách mạng Việt Nam, các nhạc sĩ cũng cất lên ngàn vạn lời ca dâng Bác. Mỗi bài hát đều thể hiện nhãn quan riêng của người sáng tác và khai thác chân dung Hồ Chủ tịch ở nhiều khía cạnh khác nhau; song tất cả đều toát lên khá đậm nét hình ảnh một con người mang dáng hình dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.

Trong mạch nguồn ca khúc về Người, các nhạc sĩ đặc biệt “khai thác” vai trò của lãnh tụ đối với lịch sử và vận mệnh dân tộc. Bởi lẽ vào những năm đầu thế kỷ XX, khi cả nước còn đang trong vòng nô lệ, thì: “Từ làng Sen, có một người trai chí lớn, mang lý tưởng cách mạng, giải phóng quê hương. Ra đi tìm khắp bốn phương, đường đi cho cả dân tộc, dặm trường mà xông pha...” (“Từ làng Sen” - Phạm Tuyên). Mỗi lần, ca sĩ ngân lên tiếng hát của mình, mọi người con Việt Nam đều rưng rưng một niềm xúc động và lòng cảm phục vô bờ bến đối với Bác Hồ kính yêu. Vào thời điểm ấy, Người chỉ là một chàng thanh niên 21 tuổi, nhưng đã sớm nhận thức được những vấn đề lớn lao và bức thiết của dân tộc mình. Và rồi từ một làng nhỏ ở miền Trung, Người đã rời mái nhà tranh, rời cánh đồng gió Lào cát trắng, xuống một con tàu ở bến nhà Rồng, bước ra thế giới. Giây phút này, khoảnh khắc này thật ý nghĩa biết bao! Nó như còn in dấu ấn mãi trong tâm thức người Việt Nam.

“… Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa

Khi quê hương còn chìm nổi, Người đã lên tàu đi xa

Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa

Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này…”

Những cặp câu đối lập nhau, liên tiếp được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sử dụng: “Khi tôi còn/... Người đã; / Khi quê hương còn.../ Người đã; / Khi bến Nhà Rồng .../ ... bước chân Bác...” như muốn nhấn mạnh thêm tầm nhìn, vai trò của Hồ Chủ tịch trước vận mệnh đất nước. Quả thực, vào thời điểm ấy, cả dân tộc đang trong vòng nô lệ với bao kiếp người cơ cực, lầm than. Nhưng làm thế nào đây? Sự ra đi của Bác chính là một câu trả lời. Bởi vì sau hơn 30 năm “đi vào thế giới”, Bác Hồ của chúng ta đã “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Hơn ai hết, chính “Bác đã là người đi trước, khai rừng băng sông mở lối” đem lại tự do và ánh sáng cho muôn đời.

Với ý nghĩa như vậy, tầm vóc của Bác thật lớn lao, vĩ đại. Cùng trong mạch nguồn suy tưởng này, từ hiện thực nghe hát đò đưa xứ Nghệ, nhạc sĩ An Thuyên đã khéo dựng lên một khung cảnh sinh động, giàu tính biểu tượng, ước lệ nhưng chân thực về tâm hồn, tình cảm: “Đêm trăng lên nghe tiếng đò đưa ngân rất gần, nhớ chuyện Người thuở xa xưa…/ Tuổi ấu thơ Bác đã đi suốt chiều dài câu đò đưa. Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca.../ Nay hát câu đò đưa, thấy đời đẹp mênh mang, càng nhớ Bác, nhớ ơn Người sâu nặng quê hương”. Và hình ảnh Người trong cơn bão táp của 2 cuộc chiến tranh vệ quốc cũng thật ấn tượng, sắc nét qua hàng loạt những ca khúc mang đậm sắc màu sử thi lớn lao, kỳ vĩ. Người được ví như “ánh thái dương”, “đuốc lửa thiêng” hay “màu xanh bất tử” (“Trông cây lại nhớ đến Người” - Đỗ Nhuận) mang ý nghĩa kết tinh dáng hình xứ sở, non nước ngàn năm. Nguyễn Tài Tuệ quả rất thần tình khi khám phá: “Suối reo dưới chân Người qua/ Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám/... Bát cơm mong chờ người già ước mơ/ Líu lo i tờ môi đọng trẻ thơ/ Bác ơi! Tóc sương bạc phơ/ Núi cao, suối sâu, thủ đô yêu dấu/ Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ Người”. Đúng là một không gian nghệ thuật cách mạng với núi đèo, sông suối, với bước chân Người qua. Tưởng như lời ca cũng “vắt vẻo lưng chừng núi” theo dặm dài kháng chiến của Người. Và chúng ta không thể không nhận ra: chân dung Hồ Chí Minh “Người cao hơn núi” như gắn liền với đất trời vũ trụ, giữa thủ đô gió ngàn cách mạng.

Qua các ca khúc Việt Nam, từng lời nói, giọng điệu của Bác đều mang sức nặng phi thường, giúp quốc dân Việt Nam tiến lên phía trước, chiến thắng kẻ thù... Ta quên sao được lời ca đẹp đẽ trong “Tình Bác sáng đời ta” của Lưu Hữu Phước - Diệp Minh Tuyền: “Ôi! Thiêng liêng tiếng Bác nghe như lời Tổ quốc/ Xuyên đêm tối, dắt đường ta tiến tới/ Cho mưa tuôn, cho bom rơi, dẫu có chết ta chẳng sờn/... Tình Bác sáng đường ta đi. Tình Bác sáng đời ta đi...” hay một khúc ca trên đường ra trận “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Và đây nữa, Trần Kiết Tường cũng rất sáng tạo, dạt dào cảm hứng trong ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”: “Trên xóm làng miền Nam/ Hình Người như tiếng quân ca/ Rực lòng vươn cánh bay xa/ Vùng lên giải phóng quê nhà...” - thật là tài hoa, điêu luyện. Tình người, câu hát cứ bay theo bát ngát bờ tre, mái rạ, bát ngát cánh đồng tít tắp, phì nhiêu. Hình như người nhạc sĩ muốn cất tiếng: mỗi tấc đất, xóm làng miền Nam đều hướng về Bác kính yêu.

Hẳn là không còn băn khoăn, nghi ngại khi khẳng định: âm nhạc Việt Nam dành phần thiêng liêng, trang trọng nhất để cất tiếng hát về Người với những gì yêu thương sâu lắng nhất; mà đáng nói hơn, tình cảm hướng về Người cũng luôn bao la, thánh thiện, câu chữ như muốn bật tung khỏi khuông nhạc hữu hình. Vâng! Người là “niềm tin tất thắng” cho cả hôm nay và mai sau.

Bên cạnh nguồn cảm hứng Ca ngợi Hồ Chủ tịch thì một phương diện khác - rất lớn lao, phong phú là cảm thức người - nhân loại của Bác, cũng ghi một dấu ấn khá đậm nét trong các ca khúc cách mạng Việt Nam. Nhạc sĩ Thuận Yến trong bài “Bác Hồ - một tình yêu bao la” đã suy tư - khi khái quát, lúc lại cụ thể: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già, xuân về dâng biếu lụa; Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà...”. Chúng ta nói, tình yêu của Người bao la, chính là vì lý do đó. Song điều đặc biệt hơn, muôn vàn tình cảm yêu thương đối với muôn người ấy, tình cảm của Bác dành cho thiếu nhi vẫn nồng nàn nhất, như điều nhạc sĩ Phong Nhã thể hiện: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh?”. Một câu hỏi, nhưng chỉ là cái cớ để tìm ra lời đáp: Bác Hồ luôn yêu thương các cháu thiếu niên, nhi đồng. Mượn “mơ” để nói thực, nhạc sĩ Xuân Giao cũng vô cùng tinh tế với giấc mơ trẻ thơ: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn lên má Bác/ Bác gật đầu, Bác khen em ngoan/ Bác mỉm cười, Bác khen em ngoan…”. (“Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”). Người nghe cảm nhận trong câu hát hình ảnh một vị lãnh tụ dành muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu nhi: nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trìu mến, tấm lòng Bác trong trái tim trẻ thơ là di sản tinh thần vô giá, không phai nhạt.

Song có lẽ đẹp hơn cả, là hình ảnh của một ngày về chiến thắng, xúc động, hào hùng - Người được nhắc tới như biểu tượng của sum họp, kết đoàn khi “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” được cất lên: “Từ thành phố này, Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về. Trong chiến dịch này, Bác đã cùng về với những đoàn quân. Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già, cầm tay chúng con Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn...” (Cao Việt Bách).

Lời ca reo vui ! Với khúc ca ấy, người nhạc sĩ đặt những âm thanh cuối cùng góp phần hoàn thiện chân dung lãnh tụ. Bài hát vẫn là sản phẩm của trí tưởng tượng, của niềm rung động sâu xa, nhưng rất tự nhiên, hợp lý như một sự thật không thể nào khác, bởi Cao Việt Bách hiểu được nét đặc sắc nhất trong tâm hồn, trong cuộc đời Bác: “Cả đời Người là của nước non”...

Không còn nghi ngờ gì nữa, dòng ca khúc viết về Người - Hồ Chí Minh là gia tài âm nhạc quý báu của nhiều thế hệ các nhạc sĩ Việt Nam. Và cũng không thể phủ nhận, muốn biết về Người đã có hàng ngàn, hàng vạn trang viết. Nhưng thử hỏi, có gì đẹp hơn những tiếng hát, lời ca? Có hình tượng nào đẹp hơn Người - Hồ Chí Minh vĩ đại? Hỏi, tức là ta đã trả lời!

 Hà Đan - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :