Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Hợp tác đào tạo chất lượng cao với Khoa Quản trị Kinh doanh - ĐHQGHN: hướng đi phù hợp cho bài toán nâng cao trình độ cán bộ của AGRIBANK trong thời kỳ hội nhập
Ngày 7/11/2006, Việt Nam đã ký kết các văn kiện cuối cùng hoàn thành nỗ lực gia nhập WTO sau 15 năm đàm phán. Cùng với những thời cơ lớn của quá trình hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới, những thách thức đặt ra, đặc biệt là thách thức về cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGRIBANK) phải nỗ lực cải tổ, đổi mới, tăng cường năng lực cạnh tranh, sẵn sàng trước vận hội mới.

Xác định con người là yếu tố quyết định trong việc xây dựng một thể chế vững mạnh, AGRIBANK đã có những đầu tư rất lớn cho công tác đào tạo một đội ngũ cán bộ mạnh về năng lực, vững về phẩm chất đạo đức.

Cũng trong nỗ lực ấy, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), AGRIBANK đã chọn Liên danh Nhà thầu quốc tế: Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam) (HSB), Trường Quản trị kinh doanh Moore - Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), Hội các chuyên gia tư vấn ngân hàng liên bang (Hoa Kỳ), Học viện phát triển quản lý Singapore là đơn vị thực hiện các gói thầu đào tạo từ nguồn vốn hỗ trợ của AFD gồm gói thầu TC-AFD III-01: Chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn (Technical Development) và Gói thầu số TC-AFD III-02: Chương trình phát triển quản lý (Management Development). Trị giá Hợp đồng đào tạo này là 5 triệu USD.

Mục tiêu đầu tiên của Dự án đào tạo này là nhằm tìm kiếm các khóa đào tạo bên ngoài tốt nhất với hiệu suất chi phí cao nhất cho các cán bộ quản lý và nhân viên được lựa chọn để trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng quản lý hàng đầu cũng như các kỹ năng và kiến thức chuyên ngành cần thiết để tăng tốc độ chuyển đổi của AGRIBANK thành một ngân hàng thương mại hiện đại lớn mạnh; Giúp cho AGRIBANK dẫn đầu trong công cuộc cạnh tranh trên thị trường về lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nâng cao năng lực của AGRIBANK để hội nhập trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng trong khu vực và trên thế giới ; Đưa ra các sản phẩm và dịch vụ mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của các khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe; Dựa vào công nghệ mới để cải thiện hiệu suất và hiệu quả các hoạt động của họ.

Việc đào tạo cũng sẽ trang bị cho cán bộ quản lý và nhân viên kiến thức về những thông lệ tiên tiến nhất, các chuẩn mực và các xu hướng trong hoạt động ngân hàng, phù hợp với một ngân hàng tại một quốc gia như Việt Nam và đáp ứng được các nhu cầu của AGRIBANK.

Với Hợp đồng đào tạo với Liên danh HSB này, AGRIBANK mong muốn trang bị cho những cán bộ chủ chốt tiềm năng của Ngân hàng các khóa đào tạo và những kỹ năng cần thiết để trở thành những chuyên gia về lĩnh vực chức năng hay sản phẩm để trợ giúp cho việc thực hiện những thay đổi trong toàn bộ ngân hàng. Đồng thời, AGRIBANK mong muốn chuyển giao cho những nhân viên được lựa chọn một khối lượng kiến thức đáng kể để nhóm giảng viên kiêm chức này có thể tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo tương tự cho số nhân viên còn lại của ngân hàng và các chi nhánh (chương trình “Đào tạo giảng viên kiêm chức”).

Đối tượng của các khóa đào tạo này bao gồm:

- Nhóm Quản lý Cao cấp - Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị;

- Nhóm Quản lý Cấp trung - Các Trưởng, phó Ban, Các Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh;

- Nhóm Quản lý Cấp thấp hơn - Các trưởng phòng và phó phòng các Ban và các chi nhánh; và

- Nhân viên - Các nhân viên chức vụ thấp hơn vị trí phó phòng:

Về phía nhà thầu, HSB sẽ lập kế hoạch, tổ chức, kết hợp và thực hiện chương trình đào tạo, sử dụng phương pháp đào tạo tốt nhất và thích hợp nhất để đạt được và đáp ứng được một cách tốt nhất phạm vi và mục tiêu của những nhu cầu đào tạo của Khách hàng và phù hợp với mỗi nhóm quản lý và Chuyên viên được liệt kê, nêu rõ phương thức đào tạo và phương pháp luận sử dụng để giảng dạy những khóa đào tạo. Sau khi kết thúc, chương trình đào tạo phải đạt chất lượng và tiêu chuẩn mà kết quả là giấy chứng nhận hoàn thành khóa học mà đơn vị đào tạo cấp cho mỗi học viên.

Về tổng thể, có 4 chương trình đào tạo, bao gồm: Chương trình Phát triển quản lý; Chương trình Phát triển chuyên môn; Chương trình Phát triển kỹ năng phân tích; và Chương trình Phát triển kỹ năng giao tiếp và quan hệ. Qua 4 chương trình đào tạo này, AGRIBANK hy vọng cung cấp đào tạo cho ít nhất khoảng 2.160 lượt học viên. 4 chương trình đào tạo này được chia thành 2 gói thầu:

  • Gói thầu số TC-AFD III-01: Chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn (Technical Development) bao gồm Chương trình Phát triển chuyên môn (TD). Dự kiến gói thầu TC-AFD III-01 sẽ cung cấp đào tạo cho khoảng 1.480 lượt học viên. Chương trình Phát triển Kỹ năng chuyên môn (TD) có 11 chuyên đề với 39 môn học, được tổ chức thành 37 lớp học với tổng số 401 ngày học.
  • Gói thầu số TC-AFD III-02: Chương trình phát triển quản lý (Management Development) bao gồm Chương trình Phát triển quản lý (MD), Chương trình Phát triển kỹ năng phân tích (AS); và Chương trình Phát triển kỹ năng giao tiếp và quan hệ (CIS). Dự kiến gói thầu TC-AFD III-02 sẽ cung cấp đào tạo cho khoảng 680 lượt học viên. Chương trình Phát triển quản lý (MD) có 5 chuyên đề, Chương trình Phát triển Kỹ năng phân tích (AS) và Kỹ năng Giao tiếp và Quan hệ (CIS) có 4 chuyên đề. Gói thầu TC-AFD III-02 có 27 môn học, được tổ chức thành 17 lớp học với tổng số 241 ngày học.

Thời gian thực hiện 2 gói thầu sẽ bắt đầu từ tháng 4/2007, dự kiến kéo dài trong 20 tháng.

Để đảm bảo chất lượng, phía nhà thầu Liên danh HSB cam kết đảm bảo các yêu cầu về trình độ chuyên môn của giảng viên thực hiện đào tạo như: Phải có ít nhất là bằng cử nhân hoặc cao hơn; Phải có nhiều hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc liên quan trong ngành Dịch vụ Tài chính; Phải có nhiều hơn 5 năm kinh nghiệm đào tạo với vai trò là một giảng viên cho các tổ chức tài chính hay các công ty tại Việt Nam và/hoặc trong khu vực Châu á Thái Bình Dương; ví dụ giảng dạy những khóa đào tạo được Hồ sơ chào thầu tương tự cho các Tổ chức Tài chính; Chứng chỉ giảng dạy hoặc đào tạo được công nhận; Có một số kinh nghiệm làm diễn giả tại các hội thảo hay hội nghị chuyên đề về ngân hàng…

Hi vọng Hợp đồng đã ký với Liên danh HSB này sẽ là bước đi hiệu quả trong việc xây dựng đội ngũ nhân viên có trình độ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Trước mắt, mục tiêu xây dựng AGRIBANK thành Tập đoàn tài chính mạnh cũng đòi hỏi phải xây dựng nguồn nhân lực không chỉ đông đảo về số lượng mà còn phải mạnh về chất lượng để đảm đương những hoạt động của một định chế tài chính hiện đại.

 VNU (Theo AGRIBANK News) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :