Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á
Ngày 19/7/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã tham dự Diễn đàn các trường đại học châu Á (AUF) lần thứ 12.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn (ngoài cùng bên phải) tham dự Diễn đàn AUF lần thứ 12

Diễn đàn các trường đại học châu Á lần thứ 12 với chủ đề “Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á” do ĐHQG Tp. HCM và ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức.

Diễn đàn quy tụ lãnh đạo của hơn 20 cơ sở giáo dục đại học đến từ 13 quốc gia châu Á: Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nepal, Kazakhstan. Các đại diện Việt Nam gồm ĐHQG Tp. HCM, ĐHQHN và Trường ĐH Ngoại thương.

Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi về những cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với giáo dục, đặc biệt trong giáo dục đại học khu vực châu Á; Chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm mà các trường đại học đang và sẽ thực hiện nhằm ứng phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội AI mang lại để tăng cường hiệu quả quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Ngoài ra, đây còn là dịp để kết nối, phát triển quan hệ đối tác giữa các trường đại học thành viên AUF.

Giám đốc ĐHQG Tp. HCM Vũ Hải Quân cho rằng cần có nỗ lực tập thể nhằm định vị những thách thức và nắm bắt các cơ hội ở phía trước

Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐHQG Tp. HCM Vũ Hải Quân cho biết, Diễn đàn các trường đại học châu Á luôn là một nền tảng then chốt để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ tri thức và trao đổi học thuật giữa các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực. Chủ đề “Cơ hội và thách thức của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục đại học khu vực châu Á” (tên tiếng Anh: Embracing the Future of AI and its Uncertainty: a Regional Focus) nhằm khám phá những tiềm năng của AI và tác động của nó lên xã hội, cụ thể là đối với giáo dục đại học.

“Các công nghệ đột phá gần đây cùng với sự gia tăng tích hợp AI trong các lĩnh vực đòi hỏi nỗ lực của tập thể chúng ta nhằm định vị những thách thức và nắm bắt các cơ hội ở phía trước. Thông qua các thảo luận sâu và khai mở các sáng kiến hợp tác, mục tiêu của chúng ta không chỉ làm giàu vốn hiểu biết về AI trong lĩnh vực giáo dục mà còn nhằm phát triển các chiến lược để khai thác sức mạnh của nó” - Giám đốc ĐHQG Tp. HCM chia sẻ.

 Giám đốc ĐHQG Seoul ông Ryu Hong-lim cho rằng việc đào sâu “tính bất định” của AI là hết sức cần thiết cho sự phát triển chung của châu Á

GS. Ryu Hong-lim – Giám đốc ĐHQG Seoul cho biết, chủ đề của diễn đàn năm nay đặt trong bối cảnh kỷ nguyên hậu đại dịch. Theo ông, việc đào sâu tiềm năng cũng như hiểu rõ “tính bất định” (uncertainty) của AI là hết sức cần thiết cho sự phát triển chung của khu vực châu Á.

Diễn đàn đã lắng nghe 2 phát biểu đề dẫn của GS. Dương Nguyên Vũ (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) về “giáo dục cá nhân hóa” dựa trên AI, và của GS Kim Gun-hee (ĐHQG Seoul, Hàn Quốc) về tương lai của AI tại châu Á.

Sự "lên ngôi" của ChatGPT và nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy đã được các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho rằng ChatGPT là một cột mốc lớn. Trước làn sóng của cuộc cách mạng AI hiện tại, chương trình công nghệ thông tin cần được cập nhật liên tục theo những nghiên cứu mới và thực tế cuộc sống.

Muốn như thế, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các trường đại học trong và ngoài nước cần tăng cường kết nối để chia sẻ nguồn lực. Không chỉ là nhân lực nghiên cứu, giảng dạy, mà còn là các công nghệ, dữ liệu,… để có thể cùng phát triển trong ngành trí tuệ nhân tạo.

Đại diện của 3 đại học thành viên AUF gồm GS. Vương Chấn Lâm (Phó Hiệu trưởng ĐH Nam Kinh, Trung Quốc), GS. Chakkaphan Sutthirat (Phó Hiệu trưởng ĐH Chulalongkorn, Thái Lan), PGS.TS. Trần Minh Triết (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp. HCM) đã thuyết trình về các vấn đề mà AI đang đặt ra. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã thảo luận bàn tròn về hợp tác liên đại học để đáp ứng kỷ nguyên AI, do PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG Tp. HCM, chủ trì.

Trước đó, tại Diễn đàn AUF lần thứ 5 với chủ đề “Đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai với nhiệt huyết và trách nhiệm xã hội” được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc từ ngày 10 đến ngày 13/5/2016, nguyên Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã đồng tình và chia sẻ quan điểm tại diễn đàn về trách nhiệm xã hội của lực lượng trí thức: Văn hóa Đông Á với xuất phát điểm đặc trưng của mình, luôn đề cao tố chất của nhà lãnh đạo đó là trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc, đối với xã hội. ĐHQGHN đã nhận thức được sứ mệnh của mình được thể hiện qua triết lý về giáo dục đại học với 6 giá trị cốt lõi: chất lượng cao, sáng tạo, tiên phong, tích hợp, trách nhiệm xã hội cao và phát triển bền vững. Hiện nay, ĐHQGHN đang triển khai chương trình đào tạo tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng, luôn xây dựng các chương trình đào tạo mới, tiên tiến phù hợp với yêu cầu của xã hội, luôn cập nhật các tiêu chí đánh giá mới về đảm bảo chất lượng giáo dục.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, vai trò, mục tiêu và nhiệm vụ của các trường đại học trong xã hội và những gì xã hội đòi hỏi từ các trường đại học đã thay đổi đáng kể. Kinh nghiệm của thời gian ứng phó với dịch bệnh đã một lần nữa nhắc nhở rằng việc bồi dưỡng tri thức mang thính thay đổi và đột phá là sứ mệnh quan trọng mà các trường đại học nên thực hiện. Chính vì vậy, năm 2021, Diễn đàn AUF lần thứ 10 tập trung thảo luận chủ đề “Sự thích nghi của các cơ sở giáo dục đại học với đại dịch Covid-19: Những đổi mới và thách thức về công nghệ”.

Năm 2022, tập trung bàn luận vào cách thức để các đại học châu Á thúc đẩy quan hệ hợp tác giáo dục trong bối cảnh hậu đai dịch Covid-19, diễn đàn AUF lần thứ 11 đã lấy chủ đề “Cách thúc đẩy quan hệ đối tác giáo dục chặt chẽ hơn giữa các đại học châu Á trong thời kỳ hậu đại dịch”. Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn tham dự Diễn đàn theo hình thức trực tuyến. Tại Diễn đàn, các thành viên đã cùng thảo luận những thách thức đối với các đại học châu Á hậu đại dịch như vấn đề hạn chế đi lại giữa các nước làm thiếu đi các tương tác trực tiếp, những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu để tiến hành các nghiên cứu chung, khả năng tiếp cận công nghệ không đồng đều. Tuy nhiên, đi cùng với đó là các cơ hội thu hút học sinh từ nhiều nước trong khu vực, thúc đẩy hợp tác giữa các đại học và giữa đại học với doanh nghiệp.

Diễn đàn các trường đại học châu Á (AUF) là sáng kiến do ĐHQG Seoul khởi xướng. Từ năm 2011, diễn đàn được tổ chức thường niên, tạo cơ hội để lãnh đạo các trường đại học khu vực châu Á cùng chia sẻ quan điểm về phát triển bền vững giáo dục toàn cầu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học trong khu vực. Đến nay, AUF đã diễn ra 12 mùa, thảo luận về các vấn đề cấp bách và những xu hướng mới trong giáo dục đại học trên thế giới và tại khu vực châu Á.

 Các tin liên quan:

Diễn đàn AUF 2016: Vai trò của các đại học trong đào tạo thế hệ lãnh đạo tương lai với nhiệt huyết và trách nhiệm xã hội

Sự thích nghi của các cơ sở giáo dục đại học với đại dịch Covid-19: Những đổi mới và thách thức về công nghệ Thắt chặt quan hệ đối tác giáo dục giữa các đại học châu Á hậu đại dịch

Thắt chặt quan hệ đối tác giáo dục giữa các đại học châu Á hậu đại dịch

 

 Lê Hoài - VNU HCM
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   | 92   | 93   | 94   | 95   | 96   | 97   | 98   | 99   | 100   | 101   | 102   | 103   | 104   | 105   | 106   | 107   | 108   | 109   | 110   | 111   | 112   | 113   |